Thursday 14 September 2023

SAO KHÔNG THƯƠNG XÓT? Chú Giải Tin Mừng CN XXIV TN A (Mt 18,21-35); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

21 Khi ấy, ông Phêrô tiến đến, nói cùng Người rằng: “Chúa ơi! Khi người anh em của con phạm tội chống lại con, con phải tha thứ bao nhiêu lần? Đến mức bảy lần?”

22 Đức Giêsu nói cùng ông: “Thầy không nói cùng con là đến mức bảy lần nhưng là đến mức bảy mươi lần bảy

23 Vì thế, Nước Trời giống như vị vua kia, người muốn tính sổ với những người đầy tớ của ông.

24 Khi ông bắt đầu tính sổ, một con nợ mắc nợ mười ngàn nén bạc được dẫn đến.

25 Vì anh ta không có để trả nên ông chủ đã ra lệnh bán anh, vợ, con và tất cả những gì anh ta có, để trả nợ.

26 Lúc ấy, người đầy tớ ấy sụp xuống cầu xin ông ta rằng: “Hãy hoãn lại cho tôi, tôi sẽ trả lại ông tất cả”.

27 Vì chạnh lòng thương ông chủ đã thả người đầy tớ ấy và tha luôn món nợ.

28 Nhưng khi người đầy tớ ấy đi ra, anh tìm thấy một người đồng đầy tớ của anh, người mắc nợ anh ta một trăm đồng tiền, anh bắt người ấy, bóp cổ và nói: “Hãy trả những gì anh nợ”

29 Người đồng đầy tớ của anh sụp xuống, cầu xin anh rằng: “Xin hoãn lại cho tôi, tôi sẽ trả lại cho anh”.

30 Nhưng anh ta không muốn mà đi tống người ấy vào tù cho đến khi có thể trả món nợ.

31 Khi thấy những điều xảy ra, những người đồng đầy tớ của anh đau buồn và họ đi kể cho ông chủ tất cả những điều đã xảy ra.

32 Sau khi gọi người đầy tớ ấy đến, ông chủ nói cùng anh ta: “Hỡi người đầy tớ xấu xa, tất cả món nợ ấy ta đã xoá cho ngươi, vì ngươi đã kêu xin ta.

33 Không phải ngươi phải thương xót người đồng nô lệ như Ta đã thương xót ngươi?

34 Ông chủ giận dữ và trao anh ta cho các lý hình cho đến khi anh ta trả tất cả món nợ.

35 Cha của Thầy trên trời sẽ làm cho các con y như vậy, nếu các con không tha thứ người anh em của mình từ trái tim mình.

21 Τότε προσελθὼν Πέτρος εἶπεν αὐτῷ· κύριε, ποσάκις ἁμαρτήσει εἰς ἐμὲ ἀδελφός μου καὶ ἀφήσω αὐτῷ; ἕως ἑπτάκις;

 22 λέγει αὐτῷ Ἰησοῦς· οὐ λέγω σοι ἕως ἑπτάκις ἀλλ᾽ ἕως ἑβδομηκοντάκις ἑπτά.

 23 Διὰ τοῦτο ὡμοιώθη βασιλεία τῶν οὐρανῶν ἀνθρώπῳ βασιλεῖ, ὃς ἠθέλησεν συνᾶραι λόγον μετὰ τῶν δούλων αὐτοῦ.

 24 ἀρξαμένου δὲ αὐτοῦ συναίρειν προσηνέχθη αὐτῷ εἷς ὀφειλέτης μυρίων ταλάντων.

 25 μὴ ἔχοντος δὲ αὐτοῦ ἀποδοῦναι ἐκέλευσεν αὐτὸν κύριος πραθῆναι καὶ τὴν γυναῖκα καὶ τὰ τέκνα καὶ πάντα ὅσα ἔχει, καὶ ἀποδοθῆναι.

 26 πεσὼν οὖν δοῦλος προσεκύνει αὐτῷ λέγων· μακροθύμησον ἐπ᾽ ἐμοί, καὶ πάντα ἀποδώσω σοι.

 27 Σπλαγχνισθεὶς δὲ κύριος τοῦ δούλου ἐκείνου ἀπέλυσεν αὐτὸν καὶ τὸ δάνειον ἀφῆκεν αὐτῷ.

 28 ἐξελθὼν δὲ δοῦλος ἐκεῖνος εὗρεν ἕνα τῶν συνδούλων αὐτοῦ, ὃς ὤφειλεν αὐτῷ ἑκατὸν δηνάρια, καὶ κρατήσας αὐτὸν ἔπνιγεν λέγων· ἀπόδος εἴ τι ὀφείλεις.

 29 πεσὼν οὖν σύνδουλος αὐτοῦ παρεκάλει αὐτὸν λέγων· μακροθύμησον ἐπ᾽ ἐμοί, καὶ ἀποδώσω σοι.

 30 δὲ οὐκ ἤθελεν ἀλλ᾽ ἀπελθὼν ἔβαλεν αὐτὸν εἰς φυλακὴν ἕως ἀποδῷ τὸ ὀφειλόμενον.

 31 ἰδόντες οὖν οἱ σύνδουλοι αὐτοῦ τὰ γενόμενα ἐλυπήθησαν σφόδρα καὶ ἐλθόντες διεσάφησαν τῷ κυρίῳ ἑαυτῶν πάντα τὰ γενόμενα.

 32 Τότε προσκαλεσάμενος αὐτὸν κύριος αὐτοῦ λέγει αὐτῷ· δοῦλε πονηρέ, πᾶσαν τὴν ὀφειλὴν ἐκείνην ἀφῆκά σοι, ἐπεὶ παρεκάλεσάς με·

 33 οὐκ ἔδει καὶ σὲ ἐλεῆσαι τὸν σύνδουλόν σου, ὡς κἀγὼ σὲ ἠλέησα;

 34 καὶ ὀργισθεὶς κύριος αὐτοῦ παρέδωκεν αὐτὸν τοῖς βασανισταῖς ἕως οὗ ἀποδῷ πᾶν τὸ ὀφειλόμενον.

 35 οὕτως καὶ πατήρ μου οὐράνιος ποιήσει ὑμῖν, ἐὰν μὴ ἀφῆτε ἕκαστος τῷ ἀδελφῷ αὐτοῦ ἀπὸ τῶν καρδιῶν ὑμῶν.

 (Matt. 18:21-35 BGT)


Bối cảnh

Mt 18,21-35 nằm trong mạch văn của bài giảng về đời sống cộng đoàn (Mt 18), một trong năm nhóm bài giảng của Đức Giêsu theo cách sắp xếp của tác giả Mátthêu. Danh xưng “người anh em” được ông Phêrô dùng trong đoạn văn này cũng chính là danh xưng mà Đức Giêsu dùng trong đoạn văn trước đó liên quan đến việc sửa lỗi người anh em (18,15-18). Danh xưng “Cha của Tôi trên trời” nằm trong bối cảnh rộng của Tin Mừng Mátthêu, đặc biệt là Bài Giảng Trên Núi, là một danh xưng quen thuộc. Đức Giêsu mặc khải Thiên Chúa là Cha: Cha của Đức Giêsu và Cha của các môn đệ (Mt 5,16; 5,45.48; 7,21). Sự tha thứ, được minh họa bằng dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót trong bối cảnh trực tiếp nối kết với câu chuyện sửa lỗi người anh em (Mt 18,15-18), dụ ngôn con chiên lạc (Mt 18,12-14). Trong bối cảnh rộng của Tin Mừng Mátthêu, nó có thể gợi nhớ đến mối phúc: “Phúc cho ai có lòng xót thương” (Mt 5,7); Lời dạy nói về tầm quan trọng của việc hòa giải trước khi dâng của lễ trên bàn thờ (Mt 5,23-26). Đặc biệt, sự tha thứ được Đức Giêsu của Mátthêu đặc biệt nhấn mạnh trong lời dạy được gọi là “Lời cầu nguyện của Chúa” (Kinh Lạy Cha, Mt 6,7-15). Chủ đề “Nước Trời” có liên hệ đến các dụ ngôn về Nước Trời trong chương Mt 13 và lời rao giảng mở đầu của vị ngôn sứ Giêsu (Mt 4,17).

Cấu trúc

Mt 18,21-35 gồm có hai phần chính. Phần thứ nhất là cuộc đối đáp giữa ông Phêrô và Đức Giêsu liên quan đến tần suất của sự tha thứ (cc.21-22). Phần thứ hai là dụ ngôn về Nước Trời minh họa cho tần suất của sự tha thứ, kèm theo hậu quả dành cho người không biết tha thứ (cc.22-35). Dụ ngôn có thể được chia thành bốn phần nhỏ: (i) Chạnh lòng thương của nhà vua dành cho người đầy tớ (22-27), đối lại với (ii)  sự thiếu thương xót của chính người đầy tớ (cc. 28-30), (iii) Cuối cùng là sự “giận dữ” và bản án của nhà vua dành cho người đầy tớ (cc.31-34); (iv) Nối kết với bản án của Cha trên trời dành cho người không biết tha thứ cho người anh em của mình.

I. Trường hợp người anh em phạm tội chống lại con (21-22):

Phải tha thứ bao nhiêu lần?

đến mức bảy lần?”

không nói là đến mức bảy lần

Đến mức bảy mươi lần bảy

II. Dụ ngôn minh họa

Bối cảnh (22-23): Nước Trời; vị vua kia; những người đầy tớ, tính sổ

Sự chạnh lòng thương của nhà vua (24-27):

Một con nợ mắc nợ mười ngàn nén bạc không có để trả

Ông chủ đã ra lệnh bán anh, vợ, con và tất cả những gì anh có

Người đầy tớ ấy sụp xuống cầu xin:“Hãy hoãn lại cho tôi”

Ông chủ chạnh lòng thương

Thả người đầy tớ ấy tha luôn món nợ.

Sự thiếu thương xót của người đầy tớ (28-30)

Một người đồng đầy tớ mắc nợ một trăm đồng tiền,

       Anh ta bắt người ấy, bóp cổ và nói: “Hãy trả những gì anh nợ”

Người đồng đầy tớ sụp xuống, cầu xin:“Xin hoãn lại cho tôi”

Anh ta không muốn

Đi tống người ấy vào tù cho đến khi có thể trả món nợ.

Phản ứng của các đồng đầy tớ và nhà vua (31-34)

Những người đồng đầy tớ đau buồn đi kể cho ông chủ tất cả những điều đã xảy ra

Ông chủ giận dữ và trao anh ta cho các lý hình cho đến khi anh ta trả tất cả món nợ

Kết (35): Cha của Thầy trên trời sẽ làm cho các con như vậy,

nếu các con không tha thứ người anh em của mình từ trái tim mình

Một vài điểm chú giải

1.   Người anh em của con phạm tội chống lại con: Động từ “ἁμαρτήσει” (phạm tội/ phạm lỗi) thường được dịch là “xúc phạm” (CGKPV). Bản dịch của tác giả Nguyễn Thế Thuấn dịch, “có lỗi”, có vẻ gần với bản gốc hơn. Động từ này cũng chính là động từ Đức Giêsu đã dùng trong lời dạy liên quan đến việc sửa lỗi người anh em: “Nếu người anh em của ngươi phạm tội” (Mt 18,15). Ở đây, động từ này đi kèm cụm giới từ “chống lại con” (εἰς ἐμὲ). Có thể nói ngắn gọn hơn là “phạm lỗi với con”. Lỗi gì, bằng cách nào, thì tác giả không nói rõ.

2.   Đến mức bảy lần… đến mức bảy mươi lần bảy: Đề xuất của ông Phêrô là “đến mức bảy lần”. Giới từ “cho đến” (ἕως) được đặt trước số bảy như đề nhấn mạnh đến số lượng lớn. Số bảy gợi nhớ đến sự báo thù “bảy lần” dành cho kẻ nào giết Cain, con ông Ađam.[1] Con số bảy cũng là con số hoàn hảo theo truyền thống Thánh Kinh. Tha thứ bảy lần đã là một mức độ vượt trội, đáng ngưỡng mộ, ít có người nào đạt đến rồi.[2] Tuy nhiên, ứng với con số bảy của ông Phêrô, Đức Giêsu mời gọi phải tha đến “bảy mươi bảy”. Cụm từ “ἑβδομηκοντάκις ἑπτά” bao gồm trạng từ “bảy mươi lần” và con số “bảy”. Cụm từ này có liên hệ đến St 4,24: Ông Lamech nói rằng:  “Nếu Cain được báo thù bảy lần thì Lamech bảy mươi lần bảy”. Theo tác giả W. Davies – D. Allison, trong Tin Mừng St 4,24 được nhớ đến vì nó đề cập đến nợ máu tiếp diễn không có lòng thương xót và không có giới hạn. Câu trả lời của Đức Giêsu ngụ ý rằng ngày xưa người ta bào thù vô hạn thì ngày nay các kitô hữu thương xót và tha thứ vô hạn.[3] Cụm từ diễn tả số lượng này được các tác giả hiểu theo hai hướng: “Bảy mươi bảy lần”  hoặc “Bảy mươi nhân bảy” (= 490). Cả hai nghĩa này đều có thể chấp nhận được. Cả hai cách dịch đều muốn nói đến là “nhiều”, “vô số”. Sư tha thứ của các thành viên cộng đoàn phải đạt đến mức vô tận, không tính đến số lần[4].

Tha thứ là một trong những phẩm tính nổi bật của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Ngay khi dân phạm tội tày trời như tạc tượng con bê vàng để thờ lạy, Thiên Chúa vẫn sẵn lòng tha thứ cho dân khi ông Môsê chuyển cầu (Xh 32,14). Thiên Chúa được mệnh danh là “chậm giận và giàu tình thương kiên định” (Ds 14,18; cf. Xh 34,6; Ds 14,18; Ge 2,13; Gn 4,2). Trong thời lang thang trong hoang địa không biết bao nhiêu lần dân nổi loạn với nhiều đòi hỏi yêu sách khác nhau, nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ cho họ. Sách Nêkhêmia, khi ôn lại lịch sử, đã tóm lược khá đầy đủ phẩm tính này của Chúa: “Họ cứng đầu cứng cổ muốn phản loạn cùng Ngài, nuôi trong lòng ý định trở lại kiếp làm tôi. Nhưng Chúa, Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương đã không bỏ rơi họ (Nkm 9,17). Trong các Thánh Vịnh, dân Chúa luôn ngơi ca lòng nhân từ tha thứ của Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu; Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8; cf. 86,15; 145,8). Trong truyền thống khôn ngoan, người Israel dạy nhau phải biết tha thứ, thì mới mong được Thiên Chúa tha thứ: “Hãy tha thứ cho người làm hại con, thì khi con cầu nguyện, con sẽ được thứ tha … người này tích lòng giận ghét người kia mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lội nó thế nào được?” (x. Hc 27,33 – 28,9). Trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5 – 7), Đức Giêsu cũng dạy “Phúc cho những người có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Đối tượng của lòng thương xót ở đây rộng hơn, nhưng có thể hiểu như là người lỗi lầm chống lại mình. Đặc biệt trong lời cầu nguyện, thường được gọi là Lời Cầu Nguyện của Chúa (Kinh Lạy Cha), Đức Giêsu dạy “xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc nợ của chúng con” (Mt 6,12). Trong Tin Mừng Mátthêu, cuối lời kinh này, Đức Giêsu còn nhấn mạnh rằng: “Vì nếu các con tha thứ cho người khác những món nợ của họ, thì Cha trên trời của các con sẽ tha thứ cho các con, nhưng nếu các con không tha thứ cho người khác những món nợ của họ, Cha các con cũng sẽ không tha thứ những món nợ của các con” (Mt 6,14-15). Trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu nhấn mạnh đến tần suất của sự tha thứ, đến mức vô tận.

3.   Nước Trời … Cha của Thầy trên trời: Đức Giêsu dường như quay trở lại các loạt bài giảng diễn giải về Nước Trời bằng dụ ngôn “Nước Trời được ví như…” (ὡμοιώθη ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν). Sự tha thứ được đặt trong bối cảnh của Nước Trời. Cũng nên nhắc lại, Nước Trời là chủ đề quan trọng bậc nhất trong lời rao giảng của Đức Giêsu. Người khai mạc sứ vụ bằng lời giới thiệu về Nước Trời: “Hãy hoán cải vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Người chỉ dạy người ta phải ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước tiên” (Mt 6,33). Người chúc phúc cho những ai “nghèo khó trong tinh thần”; và “những ai chịu bách hại vì sự công chính” “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3.10). Người chỉ cho họ tiêu chuẩn để đi vào Nước Thiên Chúa: “Có sự công chính vượt hơn sự công chính của các kinh sư và những người người Pharisêu” (Mt 5,20). Việc dụ ngôn trong bài Tin Mừng được khởi đầu bằng danh xưng Nước Trời và đóng lại bằng danh xưng “Cha của Thầy trên trời” chứng tỏ đây là câu chuyện về Nước Trời, câu chuyện liên quan đến chủ đề quan trọng nhất trong lời giảng của Đức Giêsu. Có thể nói rằng dụ ngôn mô tả vận mệnh sống – còn của người con Chúa. Thiên Chúa là vua của Nước Trời cũng là Cha của Đức Giêsu và Cha của những người tin.

4.   Mắc nợ mười ngàn nén bạc … mắc nợ một trăm đồng bạc: Đức Giêsu cố tình đưa ra sự chênh lệch một trời về số nợ, để cho thấy sự khác biệt, khoảng cách giữa lòng quảng đại, rộng lượng của Chúa và sự ích kỷ hẹp hòi của con người. Số mười ngàn, so với số một trăm (gấp 100 lần). Đơn vị đo tiền tệ “nén” (talenton) so với đồng (denari). “Talenton” là đơn vị đo tiền tệ cao nhất của vùng Cận Đông.[5] Một “talenton” (nén bạc) có thể nặng từ 26 kg – 38 kg, tương đương với 3000 đồng shekels Do Thái, 6000 drachmas Hy Lạp (thế kỷ thứ nhất), tương đương với 6000 denari.[6] Một denari tương đương với tiền công một ngày. Như vậy, tạm so sánh như vậy: 10.000 nén = 60.000.000 đồng (10.000 × 6000) so với 100 đồng (denari). 164 năm tiền công so với 100 ngày tiền công (3 tháng 10 ngày). Sự chênh lệch giữa hai số lượng là lớn hết sức tưởng tượng.[7] Tác giả R. France cho rằng dụ ngôn lấy ngôn ngữ “nợ” ở 6,12 diễn ta tội lỗi, cần được tha thứ. Như thế dụ ngôn này diễn tả những gì Đức Giêsu đã tuyên bố dưới hình thức mệnh đề rõ ràng trong bình luận của Người cho Mt 6,12, nơi 6,14-15 (đoạn văn nhấn mạnh đến sự tha thứ để được thứ tha trong sau Kinh lạy Cha).[8]

5.   Sụp xuống cầu xin: ‘Hãy hoãn lại cho tôi’”: Sụp xuống, cầu xin là hành động thành khẩn nhất có thể và người này chỉ cầu xin là “hãy hoãn lại”. Nghĩa là, xin ông chủ kiên nhẫn, cho anh chút thời gian và anh sẽ “trả lại tất cả” (πάντα ἀποδώσω σοι). Hành động “sụp lạy”, “cầu xin” và nội dung xin “xin hoãn lại” của người đầy tớ này cũng chính là hành động của người “đồng đầy tớ” của anh sau đó (Mt 18,26.29). Động từ “cầu xin” trong cả hai trường hợp đều được dùng ở thì “vị hoàn” (chưa hoàn thành) diễn tả một hành động kéo dài, hoặc lặp đi lặp lại liên tục. Nó có thể được hiểu là “tiên tục cầu xin” hay “nài nỉ”. Người đầy tớ “nài nỉ” ông chủ, giống y như “người đồng đầy tớ” nài nỉ anh ta.

6.   Chạnh lòng thương … thả … và tha luôn món nợ: Nhìn vào cấu trúc, độc giả có thể thấy ông chủ đã thay đổi hoàn toàn sau khi nghe lời thành khẩn cầu xin của người đầy tớ. Lúc đầu “ông ra lệnh bán anh ta, cùng với vợ và con để trả nợ”.[9] Giờ đây ông “chạnh lòng thương”, “thả anh” và “tha luôn món nợ” (18,27). Hai hành động sau là hiệu quả của hành động “chạnh lòng thương”. Động từ chạnh lòng thương được dùng ở dạng phân từ (Σπλαγχνισθεὶς), có thể hiểu như là mệnh đề chỉ lý do: “Vì chạnh lòng thương, nên…”. Mátthêu là tác giả dùng động từ này nhiều nhất so với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại (Mt 5 lần: 9,36; 14,14; 15,32; 18,27; 20,34; Mc 4 lần: 1,41; 6,34; 8,2; 9,22; Lc 3 lần: 7,13; 10,33; 15,21). Trong Mt và Mc, chủ từ của hành động này đa số là Đức Giêsu. Người “chạnh lòng thương” đám đông vì họ bị bỏ rơi và không ai giúp đỡ như đàn chiên không có người mục tử” (Mt 9,36; Mt 14,14; cf. 15,32). Người chạnh lòng thương những người mù (Mt 20,34)Loạt hành động này được ông chủ diễn tả như là hành động thương xót: “Như ta đã thương xót ngươi” (18,33). Với số nợ như thế, lời hứa của người đầy tớ là “sẽ trả hết tất cả số nợ” là không thực tế. Dụ ngôn mô tả tình thương hải hà của Thiên Chúa tha thứ cho dân hơn những gì họ có thể tưởng tượng vì họ không thể xoay sở nổi món nợ của mình.[10]

7.   Nhưng anh ta không muốn … đi tống người ấy vào tù: Đối diện với một người mắc nợ ít hơn gấp nhiều lần, và người này cũng đã van xin, nhưng người đầy tớ đã không “muốn” (nghe, chấp nhận, hoãn lại) mà tống người này vào ngục cho đến khi trả hết nợ cho anh. Túc từ của động từ “không muốn nghe” có thể là: nghe, chấp nhận, hoãn lại. Người mặc nợ này được định danh là “người đồng đầy tớ” (ὁ σύνδουλος), nghĩa là cùng địa vị, cùng số phận với “người đầy tớ”. Trước đó, anh ta đã có nhiều hành động ác ý với “người đồng đầy tớ”: “Túm lấy, bóp cổ”, trong khi chủ nợ của anh rất tử tế với anh: “Anh ta được mang đến”; “Ông gọi anh đến”; (18,24.32). Động từ “bóp cổ” được dùng ở thì “vị hoàn” (ἔπνιγεν), diễn tả sự kéo dài của hành động. Có thể anh ta “bóp cổ” hoài không thả ra, ngay cả khi người ấy quỳ xuống van xin. Số nợ của người đồng đầy tớ này là không nhỏ, khoảng hơn ba tháng lương, nhưng so với số nợ mà người đầy tớ vừa được tha thì chẳng có nghĩa lý gì.[11] Vì vậy, thái độ và cách cư xử của anh là không thể chấp nhận được.

8.   Người đầy tớ xấu xa (δοῦλε πονηρέ): Loạt hành động của người này đã mô tả bản chất của người đầy tớ này: “Đầy tớ xấu xa”. Anh ta không biết “thương xót” người “đồng đầy tớ” như ông chủ đã thương xót anh. Ông chủ dùng động từ không ngôi “phải”: “Ngươi không phải thương xót người đồng đầy tớ sao?” để nhấn mạnh tính chất bắt buộc của hành vi xót thương.[12] Hành vi xót thương của người đầy tớ, nếu có, chỉ mới là mức công bằng: Vì đã được xót thương nên anh phải xót thương người khác. Tuy nhiên, nếu xét giá trị món nợ, thì ngay cả khi anh tỏ lòng xót thương với người đồng đầy tớ thì vẫn chưa cân bằng được với lòng xót thương mà anh đã được lãnh nhận. Bởi lẽ, anh ta được tha món nợ mười ngàn nén bạc, được giải thoát cả gia đình (vợ và con), trong khi người đồng đầy tớ chỉ được tha “một trăm đồng” và giải thoát khỏi ở tù.

9.   “Những người đồng đầy tớ” đau buồn… kể lại với ông chủ: Nhân vật “những người đồng đầy tớ” xuất hiện cùng với cảm xúc “đau buồn”. Họ đau buồn vì bất bình trước sự ích kỷ, và tàn nhẫn của người đầy tớ. Họ có thể đau buồn vì thương cho số phận “người đồng đầy tớ” đang ở trong tù. Sự đau buồn đã thúc đẩy họ phải kể sự việc bất bình đã xảy ra với ông chủ. Phản ứng của những người “đồng đầy tớ” cho thấy đây là một vấn đề xã hội, xảy ra trong cộng đồng, và không ai có thể chấp nhận hành động người đầy tớ xấu xa này. Những hành động của nhóm người này có thể được xem như là hành động vì trách nhiệm xã hội. Họ hành động vì công bằng và chân lý.

10.  Ông chủ giận … trao anh ta cho các lý hình cho đến khi anh ta trả tất cả món nợ: “Chuyện đã xảy ra” (πάντα τὰ γενόμενα) làm cho ông một lần nữa chuyển đổi thái độ. Cảm xúc “chạnh lòng thương” chuyển thành “giận dữ” (ὀργισθεὶς); Các hành động “thả ra” và “tha nợ” đổi thành “trao cho lý hình” cho đến khi trả hết nợ. Danh xưng “βασανιστής” có thể hiểu là “người bỏ tù, người gác tù”, nhưng nghĩa đầu tiên của nó là “người tra khảo”. Ông chủ đã rút lại hết tất cả “lệnh đại ân xá” mà ông đã ban cho anh trước đó, vì anh đã tự mình cho thấy anh không xứng đáng với ơn nghĩa của ông chủ.[13] Giờ đây, ông không ra lệnh bán người đầy tớ cùng với vợ con nữa, mà bắt anh chịu cảnh tra khảo vì anh đã thiếu lòng thương xót, qua việc tống người “đồng đầy tớ” của mình vào tù.[14]

11.  Như vậy, Cha của Thầy trên trời sẽ làm cho các con: Trạng từ “οὕτως” có nghĩa là “như vậy”, “theo cách thức ấy”, nối kết câu này với cách thức mà ông chủ đối xử với người đầy tớ xấu xa. Hành vi tha thứ được bổ nghĩa bằng cụm giới từ “từ trái tim của mình” và đối tượng của hành vi tha thứ là “người anh em của mình”. Danh xưng “người anh em” “người Cha”, mô tả tương quan gia đình giống như ngôn từ ông Phêrô đã dùng trước đó (người anh em của con). Trong mối tương quan gia đình “sự tha thứ” phải phát xuất từ trái tim.[15] Cụm giới từ “từ trái tim của các con” (ἀπὸ τῶν καρδιῶν ὑμῶ) nhấn mạnh căn nguyên của sự tha thứ. Nó không chỉ là luật công bằng xã hội nhưng là luật của tình yêu và lòng thương xót.

Bình luận tổng quát

Đời sống cộng đoàn không tránh khỏi được những lúc phạm đến nhau. Đâu là giới hạn của sự tha thứ? Là câu hỏi hết sứ cần thiết. Người Việt Nam thường nói là “quá tam ba bận”, hay “nhất quá tam” để mô tả giới hạn trong mọi việc, trong đó bao gồm cả sự tha thứ. Ba lần là mức tối đa rồi. Ông Phêrô với lòng quảng đại, đề xuất đến mức “bảy lần”, một con số hoàn hảo theo truyền thống Thánh Kinh, và cũng là con số đối lại với việc “trả oán bảy lần cho người giết Cain” (St 4,15). Tuy nhiên, Đức Giêsu, đề xuất mức độ tha thứ đến vô tận: “Bảy mươi lần bảy”. Đối với Đức Giêsu, tha thứ không thể tính lần, tha thứ có đặc tính luôn luôn. Tha thứ là phẩm tính cao đẹp của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Đức Giêsu trong Bài Giảng trên núi cũng nhấn mạnh đến sự tha thứ, đặc biệt trong “Lời cầu nguyện của Chúa” (Kinh Lạy Cha). Dụ ngôn, được gọi là “người đầy tớ không biết thương xót”, mô tả một thực tại của Nước Trời, trong đó, vị vua “chạnh lòng thương vô bờ” đối với người đầy tớ mắc nợ. Ngược lại, người đầy tớ lại hẹp hòi, thiếu lòng thương xót đối với “đồng đầy tớ” một cách lạ thường. Cuối cùng, chính người đầy tớ phải gánh lấy hậu quả do chính anh gây ra. Vị vua Nước Trời, Cha trên trời, dù giàu lòng thương xót vô bờ, sẵn sàng tha cho con dân Nước Trời món nợ cực lớn, vẫn đòi nợ đến cùng những kẻ không biết thương xót, tha thứ cho người anh em của mình từ trái tim mình. Chuyện tha thứ không chỉ là câu chuyện đối nhân xử thế hằng ngày, nhưng là chuyện có liên hệ đến vận mệnh sống – còn của các thành viên trong gia đình Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha luôn luôn tha thứ cho lỗi lầm to lớn của những con và Người cũng mong những người anh em, chị em, cũng có thể lấy lòng nhân từ của Người mà đối xử với nhau. Có như vậy, họ mới có thể được cùng nhau sống hạnh phúc trong gia đình Thiên Chúa. Chủ đề “tìm con chiên lạc” bắt đầu từ trong Mt 18,12 được tiếp nối bằng việc lưu tâm đến những anh em lỗi lầm nơi trình thuật sửa lỗi người anh em, và kết lại bằng sự tha thứ vô tận cho lỗi lầm của người anh em dựa trên nền tảng của “lòng chậm giận và giàu tình thương kiên định” của Thiên Chúa, Cha trên trời.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] With Peter’s offer to forgive seven times one may compare the following: Gen 4:15 (sevenfold vengeance upon Cain’s murderer); Lev 16 (there is a sevenfold sprinkling of blood for the sins of the people); Lev 26:18 (‘1 will chastise you again sevenfold for your sins’; cf. vv. 21, 24); 2 Βας 12:6 (sevenfold satisfaction of guilt); Prov 24:16 (‘a righteous man falls seven times, and rises again’) [W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; London – New York 2004) II, 792].

[2] “Peter’s proposal of up to seven times is probably intended to express the outer limits of generosity. If a debate recorded in b. Yoma 86b-87a may be taken to represent earlier rabbinic teaching, a limit of three times was regarded as sufficient. To suggest as many as seven (the number of perfection?) would probably have been regarded as “over the top,” and Peter is putting up an extreme proposal” [R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 700].

[3] W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 793; “The disciple must be as extravagant in forgiving as Lamech was in taking vengeance” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 705). 

[4] “Fortunately, there is no need to resolve the issue, for both numbers amount to the same thing. One is not being commanded to count but to forgive without counting. The quality of Christian forgiveness requires that it should not be conceived in quantitative terms” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 793s).

[5] “The τάλαντον46 (usually in the LXX for kikka(ā)r) was a unit of coinage with relatively high value, equal in the first century to about 6,000 drachmas. According to Jeremias, Parables, p. 210, the sum of 10,000 talents ‘exceeds any actual situation; it can only be explained if we realize that both μύρια and τάλαντα are the highest magnitudes in use (10,000 is the highest number used in reckoning,47 and the talent is the largest currency unit in the whole of the Near East).’ Josephus, Ant. 17:320, says that the total Judean tax for one year totalled only 600 talents, and when one compares the OT sums associated with the building of Solomon’s great temple (see 1 Chron 29:4–7), the sum of 10,000 talents does appear incredible” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew 798).

[6] “a Roman silver coin, had approximately the same value as the Greek δραχμή. According to Mt 20:1–16, it was the standard day’s wage for a labourer. A hundred denarii is a trifle compared to what the unmerciful servant owed his lord” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 800).

[7] “If one denarius was an acceptable day’s wage for a laborer (see 20:1–15), a single talent would then represent what a laborer might hope to earn in half a lifetime. It was, at all events, a very large sum of money. Ten thousand talents (sixty million denarii; or some 300 tons of silver!) is therefore a sum far outside any individual’s grasp” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 706); “10,000 being the largest single number Greek could express and the talent being the largest unit of currency, Jesus is making the parable particularly graphic” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 458].

[8] “This story about monetary debt picks up the language of 6:12 which uses “debt” for the sin which needs to be forgiven. This parable thus spells out what Jesus has stated in a stark propositional form in his comment on 6:12 in 6:14–15, that forgiveness must be reciprocal, so that God cannot be expected to forgive the unforgiving” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 703).

[9] “Selling the man into slavery would recover virtually none of the loss, though it might abate some of the king’s anger: the most expensive slave recorded would sell for only a talent, the average being one-twentieth to one-fifth of that (Jeremias 1972: 211). Jewish custom prohibited the sale of women and children, but Jesus’ hearers recognized that a pagan king would not care about such just technicalities” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew 459).

[10] R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 706.

[11] “a sum less than one-fifth of the minimum he himself would have fetched on the slave market, and less than one five-hundred thousandth (as little as a millionth) of what he had owed the king. In other words, the forgiven servant has failed to embrace the principle of grace” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 460).

[12] “Compare Lk 6:36: ‘Be merciful, even as your Father is merciful’. We have here the obverse of the fifth beatitude: if the merciful receive mercy, the unmerciful do not” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 802).

[13] “The forgiveness which was freely granted is now withdrawn, not because the slave is any more likely to be able to pay the debt, but because he has proved himself unworthy of his master’s mercy. And this time it is worse: in place of being sold, he is to be tortured” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 708).

[14] “The unmerciful servant put another in prison for a debt unpaid (v. 30). This is now his own punishment. He too is put in prison, and for the same cause. As the parable now stands, with the debt amounting to 10,000 talents, the punishment must be perpetual, for a debt so immense could never be repaid. Thus the situation is a transparent symbol of eschatological judgement” (W. D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 803).

[15] “Forgiveness must issue “from the heart”—it must be sincere (cf. Is 59:13). God has forgiven Jesus’ disciples; if they fail to show grace to others who have repented, then this text promises them hellfire (cf. 5:7; 6:12, 14–15; Manson 1979: 214)” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 461).

No comments:

Post a Comment