Thursday, 17 August 2023

NIỀM TIN CỦA NHỮNG CHÚ CHÓ CON. Chú Giải Tin Mừng CN XX TN (Mt 15,21-28); Lm. Jos. Ph.D.Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

21 Sau khi rời khỏi đó, Đức Giêsu khởi hành đến vùng Turos và Xiđônos

22 Và kìa! Một phụ nữ người Canaan từ vùng đó đi ra kêu lớn rằng: “Xin thương xót tôi, lạy Ngài, con trai của Đavíd. Con gái của tôi bị quỷ ám nghiêm trọng.

23 Nhưng Người không đáp trả bà ấy một lời nào. Các môn đệ của Người tiến đến, cứ yêu cầu Người rằng: Hãy cho bà ấy về đi, vì bà ấy đang kêu la phía sau chúng ta.”

24 Nhưng Người đáp trả rằng: “Thầy không được sai đến ngoại trừ với những con chiên lạc nhà Israel?

25 Nhưng bà ấy đến bái lạy Người, nói rằng: “Thưa Ngài, hãy giúp đỡ tôi

26 Người đáp lại rằng: “Không tốt khi lấy bánh của con cáiném cho những chú chó con

27 Nhưng bà ấy nói: “Vâng, thưa Ngài, nhưng những chú chó con chỉ ăn những mảnh vụn rơi xuống từ bàn của ông chủ chúng”.

28 Rồi Đức Giêsu đáp lại bà ấy rằng: “Oh, người phụ nữ! Đức tin của bà lớn thật! Hãy xảy ra cho bà như bà muốn.” Và con gái của bà ấy được cứu chữa từ giờ ấy.

21 Καὶ ἐξελθὼν ἐκεῖθεν Ἰησοῦς ἀνεχώρησεν εἰς τὰ μέρη Τύρου καὶ Σιδῶνος.

 22 καὶ ἰδοὺ γυνὴ Χαναναία ἀπὸ τῶν ὁρίων ἐκείνων ἐξελθοῦσα ἔκραζεν λέγουσα· ἐλέησόν με, κύριε υἱὸς Δαυίδ· θυγάτηρ μου κακῶς δαιμονίζεται.

 23 δὲ οὐκ ἀπεκρίθη αὐτῇ λόγον. καὶ προσελθόντες οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ ἠρώτουν αὐτὸν λέγοντες· ἀπόλυσον αὐτήν, ὅτι κράζει ὄπισθεν ἡμῶν.

 24 δὲ ἀποκριθεὶς εἶπεν· οὐκ ἀπεστάλην εἰ μὴ εἰς τὰ πρόβατα τὰ ἀπολωλότα οἴκου Ἰσραήλ.

 25 δὲ ἐλθοῦσα προσεκύνει αὐτῷ λέγουσα· κύριε, βοήθει μοι.

 26 δὲ ἀποκριθεὶς εἶπεν· οὐκ ἔστιν καλὸν λαβεῖν τὸν ἄρτον τῶν τέκνων καὶ βαλεῖν τοῖς κυναρίοις.

 27 δὲ εἶπεν· ναὶ κύριε, καὶ γὰρ τὰ κυνάρια ἐσθίει ἀπὸ τῶν ψιχίων τῶν πιπτόντων ἀπὸ τῆς τραπέζης τῶν κυρίων αὐτῶν.

 28 τότε ἀποκριθεὶς Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῇ· γύναι, μεγάλη σου πίστις· γενηθήτω σοι ὡς θέλεις. καὶ ἰάθη θυγάτηρ αὐτῆς ἀπὸ τῆς ὥρας ἐκείνης. (Matt. 15:21-28 BGT)

Bối cảnh

Trong bối cảnh trực tiếp Mt 15,21-28 được đặt ngay sau câu chuyện dài kể lại cuộc tranh luận về luật ô uế - thanh sạch giữa nhóm Kinh Sư – Pharisêu từ thành đô Jêrusalem đến. Nhóm giáo quyền thành đô phàn nàn về thói quen không rửa tay trước khi dùng bữa. Thói quen này đi ngược với truyền thống của tiền nhân về luật thanh tẩy. Đức Giêsu dạy rằng “không phải cái vào miệng làm cho người ta ra ô uế nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho người ta ra ô uế. Sau câu chuyện này Đức Giêsu thẳng tiến về vùng dân ngoại, vùng đất theo quan niệm của người Do Thái, là vùng đất ô uế. Chính vì thế, khi buộc phải đi qua vùng đất dân ngoại, người Do Thái phải giũ bụi chân lại trước khi vào đất của mình. Hiểu bối cảnh này mới thấy được chủ trương khai phá của Đức Giêsu trên hành trình loan báo Tin Vui. Mátthêu là tác giả duy nhất nhấn mạnh Galilê, nơi Đức Giêsu khai mạc, và rao giảng phần lớn thời gian, là vùng đất của dân ngoại (Mt 4,15). Cuối cùng, Đức Giêsu Phục Sinh căn dặn các môn đệ “đi và làm cho muôn dân thành môn đệ, làm phép rửa chọ họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sự đón nhận bằng niềm tin mãnh liệt của người phụ nữ Canaan, đối lại với sự chối từ của nhóm giáo quyền Do Thái từ Jêrusalem.

Cấu trúc

Câu chuyện Mt 15,21-28 là một mẫu đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Canaan, trong đó có một phần can thiệp từ các môn đệ. Người phụ nữ nhắm đến Đức Giêsu ba lần (cc. 22b.25.27). Đức Giêsu đáp trả ba lần, một lần cho các môn đệ (c.24) và hai lần cho người phụ nữ (cc.26-28). Ngay sau khởi đầu lời cầu xin của người phụ nữ là phản ứng làm ngơ của Đức Giêsu. Các môn đệ tiếp nối “sự làm ngơ” của Thầy Giêsu bằng cách yêu cầu Người “đuổi” bà ấy đi. Đức Giêsu dường như đồng tình với ý tưởng của các môn đệ. Sau lời kêu cầu lần thứ hai, Đức Giêsu nói ẩn ý với người phụ nữ “không tốt khi lấy bánh dành cho con cái mà ném cho những chú chó con”. Người phụ nữ vẫn kiên trì và cuối cùng Đức Giêsu phải công nhận niềm tin mãnh liệt của bà, và bà được như ý muốn của mình.

Bối cảnh: Đến vùng Tia và Xiđôn

Người phụ nữ Canaan: Xin thương xót tôi, lạy Ngài, con trai của Đavíd (21)

Con gái của tôi bị quỷ ám nghiêm trọng (22)

Đức Giêsu: Không đáp lại một lời nào

Các môn đệ: Hãy đuổi bà ấy đi, vì bà ấy đang kêu la phía sau chúng ta (23)

Đức Giêsu: “Không được sai đến (với ai) ngoại trừ với những con chiên lạc nhà Israel (24)

Người phụ nữ Canaan: Đến bái lạy Người, nói rằng: “Thưa ngài! Hãy giúp tôi” (25)

Đức Giêsu: “Không tốt khi lấy bánh của con cái và ném cho những chú chó con” (26)

Người phụ nữ Canaan: “Đúng vậy, thưa ngài!

Nhưng … những chú chó con chỉ ăn những mảnh vụn” (27)

Đức Giêsu: “Đức tin của bà mạnh thật! Hãy xảy ra cho bà như bà muốn” (28ab)

Kết: Và con gái của bà ấy được cứu chữa từ giờ ấy (28c)


Một vài điểm chú giải

1.     Turos và Xiđônos[1]: Turos và Xiđônos là hai thành phố cổ của vùng Phônêxia, dọc theo biển Địa Trung Hải.[2] Hiện nay, hai thành phố này thuộc nước hiện đại Lêbannon. Turos được biết đến từ thời Cựu Ước như là một thành phố rất kiên cố (Gs 19,29; 2 Sm 24,7). Vua Khiram của thành Turos là bạn thân của vua Đavíd (1 V 5,15). Chính vua này đã cung cấp gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đẽo đá, và họ đã xây nhà cho vua Đavíd (2 Sm 5,11; 1 Sbn 14,1; 22,4). Ông cũng cung cấp gỗ bá hương cho vua Salômon để xây đền thờ Đức Chúa (1 V 9,11). Những người Turos và Xiđônos cũng giúp Étra xây lại đền thờ (gọi là đền thờ thứ hai) (Er 3,7). Hoàng hậu Dêdabel, hiền thê của vua Akhát là người Xiđônos (1 V 16,31). Xiđônos được biết đến như là thành trì mà con cái Israel không thể chinh phục trong cuộc chiến dành Đất Hứa (Tl 1,31). Có một thời dân Israel chạy theo các thần của Xiđônos (Tl 10,6-16; 1 V 11). Có rất nhiều lời ngôn sứ chống lại thành Turos và Xiđônos (Is 23; Gr 25; 27; 47; Ed 26 – 28; Ge 3; Am 1,9-10; Dcr 9,1-4). Nabucodonoxo (Babylon) bao vây thành Turos năm 585-572 BCE. Alexander Đại Đế chinh phục Turos năm 322 BCE (và Xiđônos năm 333) và phá hủy thành phố hoàn toàn. Sau này cả hai thành phố trở thành những tỉnh giàu có của đế quốc Rôma. Tác giả Tân Ước nhiều lần đề cập đến hai thành phố này. Dân cư của những thành phố này đã đến và nghe Đức Giêsu giảng (Mc 3,7-8; Lc 10,13). Vùng Turos và Xiđônos là nơi Đức Giêsu trừ quỷ cho con gái một phụ nữ người Canaan (Mt 15:21-28; Mc 7,28-30). Đức Giê-su đề cập đến Turos và Xiđônos như hai thành được xét xử khoan hồng hơn hai thành của người Do Thái (Corazin và Bếtsaiđa) (Lc 10,13-14; Mt 11,20-24), vì dân cư hai thành này đã không hoán cải khi nghe Đức Giêsu rao giảng. Đức Giêsu, rời bỏ Ghênêxarét để đi đến hai thành dân ngoại, không phải để du ngoạn nhưng để mang Tin Vui đến cho người phụ nữ Canaan đang chờ đợi Người.

2.     Một phụ nữ người Canaan: Người phụ nữ này xuất hiện trong vùng Turos hoặc Siđônos, hoặc có thể là vùng ranh giới giữa hai miền này. Tác giả không cho biết cụ thể hơn. Danh từ “ὁρίων” trong cụm giới “ἀπὸ τῶν ὁρίων” vừa có nghĩa là đường biên giới (từ những đường ranh giới) hoặc là “vùng” (từ những vùng ấy). Theo tác giả Máccô, Đức Giêsu vào trong một ngôi nhà, thuộc thành Turos, nhưng không muốn cho ai biết (Mc 7,24). Người phụ nữ này không có tên. Bà chỉ được định danh là người Canaan (Χαναναία).[3] Danh xưng “người Canaan” rất quen thuộc trong thời Cựu Ước, nhưng vào thời Đức Giêsu, không còn tồn tại một đất nước nào về mặt chính trị có tên gọi Canaan. Một số học giả cho rằng đây là cách thức mà những người theo văn hóa Sêmít gọi những người ở Phônêxia vào thời Tin Mừng Matthêu được viết.[4] Tân Ước chỉ một lần duy nhất dùng danh xưng này. Tác giả Máccô nói rằng “bà là một người Hy Lạp, gốc Phônêxia, thuộc xứ Xyria (Mc 7,26). Dường như Mátthêu đã sửa dữ liệu của tác giả Máccô liên quan đến nguồn gốc của người phụ nữ này, không hiểu với mục đích gì.[5] Tuy vậy, cả hai tác giả đều làm nổi bật căn tính gốc dân ngoại của người phụ nữ này. Chi tiết này chuẩn bị để làm nổi bật niềm tin của bà nơi Đức Giêsu sau đó.

3.     Xin thương xót tôi, lạy Ngài, con trai của Đavíd: “Xin thương xót con” là lời thỉnh cầu rất hay gặp trong các sách Cựu Ước, đặc biệt là Thánh Vịnh (Tv 6,2; 9,14; 24,16; 25,11; 26,7). Đối tượng của lời cầu này trong Cựu Ước thường là “Kyrios” (Chúa) và “Theos” (Thiên Chúa). Lời kêu cầu này nhắc lại một nền thần học về lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài trong lịch sử của dân Isarel. Đó là lời cầu xin của những người có kinh nghiêm đức tin về tình thương của Thiên Chúa, chứ không phải của một người ngoại. Thế nên, lời này đặt trên môi miện của một phụ nữa Canaan thật là lạ lùng. Lời kêu xin “xin thương xót” ở đây đi kèm với danh xưng “ngài” (kurios) và “Con trai của Đavíd”[6] được lặp lại bốn lần trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 9,27; 15,22; 20,30.31). Danh xưng “kurios” có thể mang hai nghĩa: “Chúa” (ông chủ) và “ngài” (với nghĩa là quý ông, gọi cách tôn trọng). Trong cả bốn lần, vì đi kèm với danh xưng “Con trai của Đavíd, nên danh xưng “kurios” nên hiểu theo nghĩa thứ hai (“ngài”, theo nghĩa trang trọng). Cách đặc biệt, trong đoạn văn này danh xưng “kurios” được lăp lại ba lần: Hai lần trong cách gọi “lạy Ngài” (thưa Ngài), và một lần với ý nghĩa là “ông chủ”, trong cụm giới từ “từ bàn của ông chủ của chúng” (ἀπὸ τῆς τραπέζης τῶν κυρίων αὐτῶν). Cách gián tiếp người phụ nữ này, nhìn nhận Đức Giêsu như là chủ của mình. Tác giả Mátthêu lưu ý đặc biệt đến danh xưng “Con trai của Đavíd”. Quả vậy, trong lời tựa của Tin Mừng Matthêu, tác giả đã giới thiệu Đức Giêsu là “Con trai của Đavíd” (υἱὸς Δαυίδ). “Con trai Đavíd” có nghĩa là hậu duệ của vua Đavíd. Cách gọi này gợi nhớ đến lời hứa và niềm mong đợi một Đấng Mêsia xuất thân từ dòng dõi vua Đavíd. Niềm tin này có gốc tích từ lời hứa của Thiên Chúa dành cho vua Đavíd qua ngôn sứ Nathan (2 Sm 7). Qua ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Đavíd một người kế vị mà triều đại của người này sẽ vô cùng vô tận, đối với Thiên Chúa, người ấy sẽ là con và đối với người ấy, Thiên Chúa sẽ là Cha. Đấng Mêsia này, theo cách nghĩ của bà này (cũng như cách nghĩ của hai người mù trong Mt 9,27-30; 20,29-34), có khả năng chữa lành cách đặc biệt. Động từ κράζω (kêu, la) được chia ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành - ἔκραζεν), diễn tả sự kéo dài, mức đ khẩn thiết trong lời cầu cứu của bà. Trong lần cầu cứu thứ hai, người phụ nữ còn kèm theo hành động “phủ phục” (bái lạy) Đức Giêsu. Các môn đệ cũng cảm thấy phiền vì bà ấy “đang kêu la” phía sau họ. Tất cả những chi tiết này cho thấy rằng lời cầu xin mang tính khẩn thiết và tăng dần.

4.      Con gái của tôi bị quỷ ám nghiêm trọng: Lý do người phụ nữ này muốn Đức Giêsu thương xót và giúp đ là vì con gái của bà bị quỷ ám nghiêm trọng. Tác giả không nói rõ đây là loại quỷ gì và tình trạng cụ thể của cô gái như thế nào. Cuối cùng, tác giả cũng chỉ kết bằng việc cho biết cô gái đã được chữa lành. Có lẽ, ý tưởng chính là câu chuyện đức tin của người phụ nữ, chứ không phải phép lạ chữa lành. Một số dữ liệu từ sách Tin Mừng cho thấy những tình trạng cụ thể của người bị quỷ ám. Thứ nhất, người bị quỷ ám quậy phá dữ tợn, đập tan xiềng xích, khiến ai cũng sợ (Mt 8,28). Thứ hai, người bị quỷ ám bị câm, không nói được (Mt 9,32.33), hay vừa mù và vừa câm (Mt 12,22). Thứ ba, người không ăn uống (Mt 11,18). Thứ bốn, quỷ ám có thể biểu hiện như là bị kinh phong (Mt 17,15). Câu chuyện Đức Giêsu chữa đứa bé trai bị kinh phong (Mt 17,14-18) rất giống với câu chuyện trừ quỷ cho con gái người phụ nữ Canaan. Trừ quỷ là một trong những năng lực siêu việt của Đấng Mêsia và trừ quỷ cũng chứng tỏ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa (Mt 12,28).

5.     Người không đáp trả bà ấy một lời nào… Hãy cho bà ấy về đi… Thầy không được sai đến ngoại trừ với những con chiên lạc nhà Israel: Phản ứng lúc đầu của Đức Giêsu, theo cách mô tả của tác giả, là một sự thờ ơ, lạnh lùng: “Người không đáp trả một lời nào”.[7] Cách Đức Giêsu đáp trả lại đề nghị của các môn đệ càng tô điểm thêm thái độ làm ngơ của Đức Giêsu: “Ngoại trừ với những con chiên lạc nhà Israel”. Trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu, ý niệm “chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel” được nhấn mạnh cách đặc biệt. Trong bài giảng sứ vụ, Đức Giêsu căn dặn các môn đệ cách rõ ràng: “Đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,5b-6). Tuy nhiên, Mátthêu là tác giả duy nhất liệt kê Rúth, và vợ tướng Uria (Bethsêva), Rakháp, ba người phụ nữ gốc dân ngoại vào trong gia phả của Đức Giêsu (Mt 1,1-17). Ông cũng là tác giả duy nhất kể câu chuyện về ba nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến bái thờ và dâng lễ phẩm cho Hài Nhi Giêsu (Mt 2,1-12). Tin Mừng Mátthêu lại kết thúc bằng mệnh lệnh “hay đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Như vậy, phải hiểu thế nào về khuynh hướng tồn tại sứ vụ hai mặt trái ngược trong Tin Mừng: Chỉ đến với các con chiên lạc Israel và đến với cả dân ngoại nữa? Có lẽ, nên hiểu là sứ vụ của Đức Giêsu, theo phác họa của Mátthêu, có hai giai đoạn rõ rệt: Ưu tiên đến với những người Israel trước, rồi sau đó, đến với dân ngoại. Hoặc đây là một cách thức để lý giải sự tồn tại cả hai nhóm người trong cộng đoàn Mátthêu lúc bấy giờ (cộng đoàn đa số người gốc Do Thái, nhưng cũng có khá nhiều người gốc dân ngoại).[8] Thật ra, lược đồ này được sách Công Vụ thể hiện rõ qua hai tông đồ vĩ đại: Phêrô, tông đồ mang sứ vụ cho người Do Thái; Phaolô, tông đồ dân ngoại. Phaolô và Barnaba đã khẳng định rõ quyền ưu tiên dành cho người Do Thái: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13,46; cf. 18,6; Cv 28,28).[9] Trong đoạn Tin Mừng này, thoạt tiên, có vẻ Người khước từ cách thẳng thừng lời cầu xin của người phụ nữ. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn bộ câu chuyện, người đọc phải nhận ra rằng đây chỉ là một cách thức để mở ra một không gian cho người phụ nữ chứng tỏ niềm tin của mình.[10] Bởi lẽ, Đức Giêsu rõ ràng chủ động đến với vùng Turos và Xiđônos, vùng dân ngoại.[11] Người không ngại tiếp xúc với người phụ nữ Canaan và cuối cùng con gái của bà được chữa lành. Tinh thần các môn đệ thì rất rõ ràng. Họ cảm thấy phiền hà, và muốn Đức Giêsu “đuổi” bà ấy đi. Động từ “yêu cầu” được dùng ở thì vị hoàn (diễn tả sự kéo dài, hoặc lặp lại), cho thấy các môn đệ “yêu cầu, đề nghị” Đức Giêsu “đuổi bà” này đi nhiều lần. Câu đáp trả của Đức Giêsu “Thầy không được sai đến (với ai) ngoại trừ đến với các con chiên lạc nhà Israel”[12], có lẽ nên hiểu như là một câu hỏi “Thầy không được sai đến với ai ngoại trừ các con chiên lạc nhà Israel, có phải không?”, với ngụ ý rằng, thầy biết rồi, Thầy đâu có được sai đến với người ngoại đâu. Nếu đó là một lời khẳng định thì không ăn nhập gì với đề nghị của các môn đệ cả.

6.     Không tốt khi lấy bánh của con cái và ném cho những chú chó con[13]: Đáp lại lời nài nỉ kèm theo hành động phủ phục của người phụ nữ, Đức Giêsu dùng một câu thành ngữ. Cách nói này nghe có vẻ nặng nề, nhưng có thể hiểu rằng Đức Giêsu đang tạo không gian cho người phụ nữ này chứng minh niềm tin của mình cho đến cùng.[14] Câu nói của Người chỉ là đơn giản nhắc lại một câu thành ngữ mà ai cũng biết rồi, kiểu như, bà không nghe người ta nói là “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con à?” Đức Giêsu ám chỉ Israel là “con cái trong nhà”, nên được hưởng những chúc lành, còn những người ngoại chỉ là những “con chó nhỏ” trong nhà, vì họ chối từ Chúa và đường lối của Người.[15] Tác giả Mátthêu bỏ phần giảm nhẹ của tác giả Máccô: “Hãy đễ những đứa trẻ được ăn no trước đã” (Mc 7,25a). Thế nhưng, mục đích của Đức Giêsu chỉ có một: Giúp người phụ nữ tiến tới trên hành trình đức tin của mình và Người đã thành công.

7.     “Chó con chỉ ăn những mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ chúng”: Đây là câu nói mấu chốt, khiến cho Đức Giêsu phải nhìn nhận niềm tin mãnh liệt của bà. Đó là đỉnh điểm của hành trình chứng minh niềm tin của mình: Hai lần nài nỉ, với cấp độ tăng dần, vời hành động cúi xuống dưới chân Đức Giêsu. Lúc bà nói câu này, có lẽ, bà vẫn quỳ gối, chưa kịp đứng lên. Một chút tự ái sẽ làm cho mọi cố gắng của bà tiêu tan trong chốc lát. Bà vẫn kiên trì, khiêm hạ, hiểu biết lý lẽ.[16] Cách gọi của bà dành cho Đức Giêsu vẫn mang một sắc thái trân trọng như lúc đầu “thưa Ngài”. Bà khiêm tốn nhìn nhận thân phận “những chú cho con” của mình và con gái mình, đối lại với ông chủ là Đức Giêsu.[17] Người đàn bà gián tiếp nhìn nhận Đức Giêsu là ông chủ của mình. Khác với Máccô, tác giả Mátthêu nói là “từ bàn của ông chủ của chúng” (Mc 7,28: “Những chú chó con dưới bàn ăn những mảnh vụn từ những đứa trẻ”. “Những mảnh vụn” tượng trưng cho chút ân huệ còn lại của ông chủ, sau khi phần ân huệ chủ yếu đã dành cho con cái Israel.

8.     Oh, người phụ nữ (γύναι)! Đức tin của bà lớn thật!” Sau câu nói của người phụ nữ, Đức Giêsu lập tức xác nhận niềm tin của bà một cách long trọng.[18] Lần đầu tiên trong câu chuyện, và cũng là lần duy nhất trong Mátthêu, Đức Giêsu gọi danh xưng “người phụ nữ” (γύναι). Gioan là tác giả dùng nhiều nhất cách gọi này: Hai lần cho mẹ Maria (Ga 2,4;19,26); Một lần cho người phụ nữ Samari (Ga 4,21); Một lần cho người phụ nữ ngoại tình (8,10); Hai lần cho Maria Madalena (20,13.15. Luca ghi lại hai trường hợp: Đức Giêsu gọi người phụ nữ bị còng lưng (Lc 13,12) và Phêrô gọi người đầy tớ gái (Lc 22,57). Đây có thể là cách gọi lịch sự, tôn trọng dành cho một người phụ nữ mới gặp lần đầu, cũng có thể là cách gọi trang trọng dành cho Đức Maria. Xét về góc độ lịch sự, cách gọi "này người phụ nữ" tương xứng với cách gọi "lạy Ngài!" mà người phụ nữ luôn dành cho Đức Giêsu. Cách Đức Giêsu gọi người phụ nữ cho thấy Người không hề khinh miệt bà, và càng không loại trừ bà. Người tôn trọng bà như tôn trọng bao người Israel khác. Đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu ngợi khen niềm tin của một người ngoại. Trong câu chuyện chữa lành đầy tớ một người đại đội trưởng (Mt 8,5-13), Đức Giêsu cũng tuyên bố: “Tôi bảo thật các ông rằng tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như vậy” (Mt 8,10). Niềm tin của người phụ nữ này biện minh cho việc Đức Giêsu đến vùng Turos và Syđônos và Người không đuổi người phụ nữ đi, theo như yêu cầu của các môn đệ. Niềm tin của bà trái ngược lại sự chối từ của các Kinh Sư và những người Pharisêu đến từ Jêrusalem trong tranh luận về luật thanh tẩy trước đó.

9.     Hãy xảy ra cho bà như bà muốn… con gái của bà ấy được cứu chữa từ giờ ấy: Đức Giêsu đã tỏ lòng thương xót theo tiến trình thỉnh cầu của người phụ nữ. Phải gọi là tiến trình vì đó không phải là một lời thỉnh cầu đơn lẻ. Người phụ nữ đã thực hiện nhiều lời thỉnh cầu cùng với hành động phủ phục và cả sự khiêm hạ. Đó là một hành trình minh chứng đức tin mạnh mẽ. Cụm giới từ chỉ thời gian “từ giờ ấy” (ἀπὸ τῆς ὥρας ἐκείνης) nhấn mạnh hiệu quả câu tuyên bố của Đức Giêsu: “Hãy xảy ra như bà muốn”. Lòng thương xót của Đức Giêsu được thể hiện cách trọn vẹn khi Người không làm những gì mình muốn nhưng cho người phụ nữ được hưởng trọn vẹn điều bà đang mong ước. Đức Giêsu dường như cho thấy chính niềm tin mạnh của Người phụ nữ là căn nguyên của việc đạt được ước mong tốt lành trong câu chuyện này.

Bình luận tổng quát

 Sau cuộc tranh luận gay gắt giữa nhóm Kinh Sư – Pharisêu đến từ Jêrusalem và Đức Giêsu, liên quan đến việc giữ luật thanh tẩy tay trước khi ăn. Luật này dựa trên nền tảng thức ăn sạch hay dơ, ăn thức ăn như thế nào có thể làm cho người ta trở nên thanh sạch hay ô uế. Quan điểm của nhóm giáo quyền Jêrusalem là nếu ai dùng bữa mà không thanh tẩy đôi tay thì sẽ trở nên ô uế. Ô uế thì đối nghịch lại với sự thánh thiện. Ô uế thì không còn xứng đáng là dân Thiên Chúa nữa vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Quan điểm của Đức Giêsu là: “Ăn mà không rửa tay không làm cho người ta ra ô uế được” (Mt 15,20); vì “Không phải những cái bên ngoài đi vào miệng làm cho người ta ra ô uế được, nhưng những cái từ miệng xuất ra mới làm cho người ta ra ô uế” (Mt 15,11). Những điều xấu xa mà xuất ra từ lòng người mà Đức Giêsu nói là: Ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15,19). Sau cuộc tranh luận này, Đức Giêsu lập tức đi về vùng dân ngoại – Turos và Xiđônos – là vùng có thể gây ô uế theo quan điểm của người Do Thái. Đây chắc chắn không phải là một chuyến du lịch, du ngoạn. Đó cũng không phải là chuyến đi tình cờ, vì Đức Giêsu phải đi từ bờ hồ Ghênêxarét đến vùng bờ biển Địa Trung Hải, một quãng đường dài từ Đông qua Tây. Đức Giêsu rõ ràng có chủ đích khi đến vùng này. Người sẵn sàng đi vào vùng đất mà người Do Thái đương thời xem là ô uế. Người phụ nữ Canaan khởi đầu với lời cầu khẩn “xin thương xót tôi!”, một lời cầu khẩn dân Chúa chỉ dùng để cầu cùng Chúa trong Cựu Ước. Lạ thay, một người phụ nữ gốc dân ngoại lại cầu xin một cách khẩn thiết với “Con Trai của Đavíd”. Dù là người Canaan, bà lại dùng một danh xưng gợi nhớ truyền thống về Đấng Mêsia trong dòng lịch sử dân Israel. Đấng Mêsia được hứa xuất thân từ dòng dõi vua Đavíd. Cách gọi này cũng không nằm ngoài khung thần học của Matthêu, bởi ngay từ đầu (trong gia phả), tác giả đã giới thiệu Đức Giêsu là “Con Trai của Đavíd”. “Con Trai của Đavíd” trong bối cảnh này là một người có khả năng trục xuất quỷ. “Trục xuất quỷ” là dấu hiệu cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện này không nhắm đến phép lạ trục xuất quỷ, mà là hành trình chứng tỏ đức tin của người phụ nữ dân ngoại. Bà đã không ngừng nài xin Đức Giêsu, và sẵn sàng quỳ dưới chân Người, thậm chí nhìn nhận thân phận “chó con” của mình, so với thân phận “con cái” của người Israel. Cuối cùng, Đức Giêsu đã phải nhìn nhận niềm tin mãnh liệt của bà và cho bà được như ý muốn. Niềm tin của người phụ nữ này đã chứng minh một thực tế rằng: Trong khi những lãnh đạo Do Thái không muốn đón nhận Đức Giêsu, những người ngoại lại rộng mở đón nhận Người. Đó là lý do vì sao Đức Giêsu cần phải đến với vùng dân ngoại. Sự kiện Đức Giêsu đến với dân ngoại dường như cũng muốn lý giải vì sao trong cộng đoàn Mátthêu, cộng đoàn gốc Do Thái, cũng có những người gốc dân ngoại. Trong Tin Mừng Mátthêu, những người Israel được ưu tiên nghe Tin Mừng, nhưng những người ngoại cũng không bị loại trừ. Sứ vụ của Đức Giêsu luôn mở rộng ra cho tất cả mọi người. Những ai mở lòng đón tiếp Người đều được Người tỏ lòng thương xót.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[2]Tyre and Sidon were towns about thirty to fifty miles northwest of Gennesaret on the Mediterranean coast. Sidon was about 25 miles north of Tyre. Matthew does not indicate that Jesus went to either of these towns, but only to their district (TEV “to the territory near”). He could have merely crossed the border and remained on the edge of the region, or he could have gone much farther into the region” [B.M. Newman, “Matthew. A handbook on the Gospel of Matthew” (ed. B.M. Newman – P.C. Stine (UBS; New York 1992) 492].

[3] “She is a descendant of the ancient Canaanites, the bitter biblical enemies of Israel whose paganism had often led Israel into idolatry” [C.S. KEENER, The Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical Commentary (Grand Rapids 2009) 414].

[4] B.M. Newman, “Matthew”, 493.

[5] “The following proposals are among the possible answers. (i) Matthew was simply following a non-Markan tradition (see section (ii)). (ii) He wished to fashion a wordplay: Χαναναία/κυνάρια. (iii) Χαναναία and Συροφοινίκισσα are translation variants of the Aramaic kěna˓ ǎnîtā˒ (so Schwarz (v)). (iv) According to Kilpatrick, p. 132, ‘Canaanite’ was, around Matthew’s time, used in Semitic circles to mean ‘Phoenician’, and Matthew, being himself a Phoenician, used the terminology of his environment. (v) Bengel, ad loc., recalling Gen 9:25—Canaan will be a slave of slaves—, implies that ‘Canaanite’ connotes the woman’s subordination to the Jews. (vi) Most modern exegetes have supposed the change to ‘Canaanite’ was made because of its OT associations: one automatically thinks of Israel’s enemies. Thereby is evoked ‘Israel’s deeply-engrained fear of and revulsion towards Gentile ways’ (Donaldson, p. 132)—which in turn allows one to see in Jesus the overcoming of such fear and revulsion” [W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (International Critical Commentary (London – New York 2004) II, 547].

[6]Whether or not ‘Son of David’ is taken to be a messianic title or to allude to Jesus as healer (see on 9:27), it remains surprising that the appellation is spoken by a non-Jew. Is one to infer that already the woman is acknowledging that Jesus is the Jewish saviour, his mission to Israel?” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 548).

[7] “Modern Western society might consider such a person rude, but Mediterranean judges were sometimes so corrupt that among the poor only a persistent, desperate, otherwise powerless woman could obtain justice from them (Lk 18:2–5; Bailey 1980: 134–35; cf. comment on 20:20–21)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 415).

[8] “Relationships between jews and Gentiles were very sensitive topic for the Matthean Community. Although the majority of the community seems to have been Jewish by birth, some were Gentiles by birth. The conversation between Jesus and the Canaanite woman in Matt 15,21-28 would have functioned as a model or at least a causal explanation why Jews and Gentiles could exist together in the same Christian community” [D.J. Harrington,  (SP1; Collegeville 1997) 237-238].

[9] Xem thêm “Locale or Community Involved” trong R.E. Brown, An Introduction to the New Testament (New York – London – Toronto – Sydney – Aukland 1996) 212-216.

[10] “Jesus reacts to the cries of the woman for her child with stone silence, as though he has not heard anything. Why? He is not mulling over her words, nor is it beneath him to talk with a woman (cf. m. ˒Aboth 1:5). Rather, he is either turning her down or trying her faith” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 549).

[11] Tác giả C. Keener nghĩ rằng Đức Giêsu đến đây là để tránh đám đông, và sứ vụ của Người giai đoạn này chỉ dành cho Israel (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 415). Cách nghĩ này dường như không có cơ sở vững chắc. Để tránh đám đông, Đức Giêsu không cần phải đi một quãng đường xa như vậy, và không nhất thiết phải vào vùng dân ngoại.

[12] “(i) Origen (citing Rom 9:8 and disparaging the Ebionites) and a few exegetes since have thought of spiritual Israel, Israel according to the spirit (De prin. 4.3.8). But nothing in Matthew justifies anything save an ethnic understanding of ‘Israel’. (ii) One might think of the ten lost tribes.36 This, however, renders 10:5–6 senseless, for there the lost sheep of Israel are located in Jewish territory: they are not scattered abroad. (iii) Some have taken the phrase to refer only to the lost within Israel, the assumption being that many or most were not lost (partitive genitive: see above). (iv) The most popular and surely most credible interpretation has it that ‘the lost sheep of the house of Israel’ was intended by Matthew to characterize the Jewish nation as a whole. It was by and large lost (with the emphasis probably not on sinfulness but lack of leadership)” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 551).

[13] “Jesus probably refers to the children’s pet dogs; well-to-do Greeks, unlike most Jews, could raise dogs as pets and not view them as merely troublesome rodents” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 416).

[14] “It is possible that he is testing her, as teachers sometimes tested their disciples (Jn 6:6; Lev. Rab. 22:6; cf. p. Sanh. 3:5, §2; Char. Chaer. 8.2.13), but he is certainly reluctant to grant her request, and is providing an obstacle for her faith” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 417).

[15] C. Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew (Grand Rapids 2010) 197-198.

[16] “As Levine puts it, she receives the miracle “because she accepts her marginal position as a gentile” (1988: 152). One may compare Elisha’s requirement that Naaman dip in the Jordan despite Naaman’s preference for the Aramean rivers Abana and Pharpar (2 Kings 5:10–12), ultimately leading to Naaman’s acknowledgment of Israel’s God and land (2 Kings 5:17–18)” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 417).

[17] “She accepts her secondary status among the house-dogs. At the same time, she raises the possibility of being fed even now, at the same time as the children are fed” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 554).

[18] “The reason is not her wit, which has entangled Jesus in his own words, but rather her great faith—the real miracle of our story—, along with her recognition of the divinely ordained division between Jew and Gentile” (W.D. DAVIES – D.C. ALLISON, Saint Matthew, 556).

No comments:

Post a Comment