Bản văn và dịch sát nghĩa
Việt |
Hy Lạp |
13 Khi Đức Giêsu đi vào vùng Kaisarêa và Philíppos, Người hỏi các môn đệ rằng:
“Người ta nói Con Người là ai?” 14 Họ nói rằng: “Có những người nói là Gioan Tẩy Giả, những người khác là ông Êlia, những người khác nữa là Giêrêmia hoặc một trong các
ngôn sứ. 15 Người nói cùng họ rằng: “Còn các con nói Thầy là ai?” 16 Ông Simon
Phêrô nói rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Trai của Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giêsu đáp trả cùng ông rằng:
“Phúc cho con, Simon Barjôna, vì xác và máu không mặc khải cho con nhưng cha
của Thầy, Đấng ở trên trời. 18 Còn chính Thầy nói cùng con rằng: Con
là Phêrô và trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy và cổng địa ngục sẽ không thắng được nó.” 19 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước Trời, và điều con trói buộc dưới đất sẽ bị trói buộc trên trời; điều con tháo cởi dưới đất sẽ được tháo cởi trên trời.” 20 Rồi Người cấm các môn đệ để họ không nói cho ai rằng Người là Đấng Kitô. |
13 Ἐλθὼν δὲ ὁ Ἰησοῦς εἰς τὰ μέρη Καισαρείας τῆς Φιλίππου ἠρώτα τοὺς μαθητὰς αὐτοῦ λέγων· τίνα λέγουσιν οἱ ἄνθρωποι εἶναι τὸν υἱὸν τοῦ ἀνθρώπου; 14 οἱ δὲ εἶπαν·
οἱ μὲν Ἰωάννην τὸν βαπτιστήν, ἄλλοι δὲ Ἠλίαν, ἕτεροι δὲ Ἰερεμίαν ἢ ἕνα τῶν προφητῶν. 15 λέγει αὐτοῖς·
ὑμεῖς δὲ τίνα με λέγετε εἶναι; 16 ἀποκριθεὶς δὲ Σίμων Πέτρος εἶπεν·
σὺ εἶ ὁ χριστὸς ὁ υἱὸς τοῦ θεοῦ τοῦ ζῶντος. 17 Ἀποκριθεὶς δὲ ὁ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτῷ·
μακάριος εἶ, Σίμων Βαριωνᾶ, ὅτι σὰρξ καὶ αἷμα οὐκ ἀπεκάλυψέν σοι ἀλλ᾽ ὁ πατήρ μου ὁ ἐν τοῖς οὐρανοῖς. 18κἀγὼ δέ σοι λέγω ὅτι σὺ εἶ Πέτρος, καὶ ἐπὶ ταύτῃ τῇ πέτρᾳ οἰκοδομήσω μου τὴν ἐκκλησίαν καὶ πύλαι ᾅδου οὐ κατισχύσουσιν αὐτῆς. 19δώσω σοι τὰς κλεῖδας τῆς βασιλείας τῶν οὐρανῶν, καὶ ὃ ἐὰν δήσῃς ἐπὶ τῆς γῆς ἔσται δεδεμένον ἐν τοῖς οὐρανοῖς, καὶ ὃ ἐὰν λύσῃς ἐπὶ τῆς γῆς ἔσται λελυμένον ἐν τοῖς οὐρανοῖς. 20Τότε διεστείλατο τοῖς μαθηταῖς ἵνα μηδενὶ εἴπωσιν ὅτι αὐτός ἐστιν ὁ χριστός. (Matt. 16:13-20 BGT) |
Bối cảnh
Mt 16,13-20 nằm ở
khoảng trung tâm của Tin Mừng Mátthêu. Có thể nói rằng đoạn văn này như là phần
“nóc nhà” nối kết hai “mái nhà” (hai phần) mô tả về căn tính của Đức Giêsu. Cả
hai phần đều cố gắng diễn tả Đức Giêsu là Đấng Kitô với hai khía cạnh khác
nhau: Phần trước là Đức Kitô quyền năng trong giảng dạy và làm phép lạ, phần
sau là Đức Kitô chịu khổ nạn và bày tỏ vinh quang phục sinh. Trong đoạn văn
này, Đức Giêsu đã đặt ra câu hỏi mấu chốt cho toàn Tin Mừng Mátthêu: Đức Giêsu
Nadarét là ai? Câu trả lời của ông Phêrô cho thấy hai đặc tính Kitô học quan trọng
nhất của Đức Giêsu: Đấng Kitô và Con Thiên Chúa hằng sống. Câu trả lời này đáp
lại lời giới thiệu mở đầu của Tin Mừng Mátthêu: “Sách gia phả của Đức Giêsu
Kitô, con trai Đavid, con trai Ápraham” (Mt 1,1), và nó cũng nối kết với lời
tuyên xưng của người đại đội trưởng ở đoạn cuối của cuộc khổ nạn: “Quả thật người
này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Mc 15,39). Phần trao quyền tháo – cởi trên trời
dưới đất của Đức Giêsu dành cho ông Phêrô, vị tông đồ trưởng gợi nhớ đến quyền
giải thích Torah của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu. Trong bối cảnh rộng quyền
này có thể liên hệ với quyền “tha thứ - cầm giữ” Đức Giêsu ban cho các môn đệ ở
Ga 20,23 và lời mời gọi “chăm sóc chiên” dành cho Phêrô trong Ga 21. Trong bối
cảnh trực tiếp, câu chuyện này đặt ngay trước lời tiền báo thứ nhất về cuộc khổ
nạn – phục sinh (Mt 16,21-23) và lời mời gọi: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24-26).
Cấu trúc
Bối cảnh: Vùng Kaisarêa và Philípos Câu hỏi mấu chốt: “Người ta nói Con Người là ai?” “Gioan Tẩy Giả, …Êlia, … Giêrêmia hoặc một trong các ngôn sứ “Còn các con nói Thầy là ai?” “Thầy là Đấng Kitô, con trai của
Thiên Chúa hằng sống.” Mối phúc: Phúc cho con, … vì Cha của Thầy, Đấng ở
trên trời mặc khải Trao ban: Con là Phêrô và trên tảng đá này Thầy
sẽ xây Hội Thánh của Thầy cổng địa ngục sẽ không thắng
được nó Trao cho con chìa khoá Nước
Trời điều con trói buộc dưới đất sẽ bị trói buộc trên trời điều con tháo cởi dưới đất sẽ được tháo cởi trên trời Lệnh cấm: Không nói cho ai rằng Người là Đấng
Kitô |
Một số điểm
chú giải
1.
Vùng Kaisarêa và Philíppos[1]: Đây là danh xưng của thành phố nổi tiếng nằm
về phía Bắc của Galilê, dưới chân núi Hermon.[2]
Thành phố này thuộc lãnh địa của tiểu vương Philíppos, một trong ba người con của
vua Hêrôđê Cả. Trong ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có Máccô và Mátthêu nhắc
đến địa danh này. Máccô nói là “những làng thuộc Kaisarêa của Philíppos” trong
khi đó Mátthêu nói là “một phần đất thuộc Kaisarêa của Philíppos”. Ý nghĩa của
hai cách dùng này xem ra không khác nhau là mấy. Điều đáng để ý ở đây là danh
xưng Kaisarêa Philíppos. Tại sao các tác giả lại nhắc đến bối cảnh này? Đây là
một thành phố khá lớn thời Đức Giêsu. Danh xưng của nó được ghép bởi hai cái
tên: (i) Tên của hoàng đế Tiberius Kaisarêa Augustus, thời Đức Giêsu rao giảng
(tại vị từ 14 CE – 37 CE, Tổng trấn Pontius Pilatus, 26 CE – 36 CE), trước ông
là hoàng đế là Kaisarêa Augustus (tại vị, 27 BCE – 14 CE); (ii) Tên của tiểu
vương Philíppos, con của vua Hêrôđê Cả. Tiểu vương này thường gọi là Hêrôđê
Philippos II (tại vị, 4 BCE – 34 CE, vùng Đông Bắc sông Jorđan). Có một thành
phố khác mang tên Kaisarêa nổi tiếng hơn. Đó là thành phố cảng Kaisarêa
Maritima, thủ phủ của đế quốc Rôma ở Juđêa, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải. Danh
xưng Kaisarêa của Philíppos, ghi dấu thành phố mang tên hoàng đế Rôma (Kaisarêa),
được tiểu vương Philippos xây. Về mặt tôn giáo, đây là thành phố thờ thần Hy Lạp
mang tên là Pan nổi tiếng (thần mình người đầu dê). Ngày nay, còn có hai dấu
tích về hai đền thờ, được sử dụng thờ thần Pan thời bấy giờ. Như thế, chúng ta
có thể đoán ngụ ý của tác giả khi để cho Đức Giêsu ra “đề kiểm tra” cho các môn
đệ trong bối cảnh này. Tại nơi mà, về mặt chính trị, người ta tôn vinh hoàng đế
của Rôma và về mặt tôn giáo, người ta thờ thần Pan của Hy Lạp, thì người ta trả
lời thế nào về vị thế của Đức Giêsu, các môn đệ hiểu thế nào về căn tính người
Thầy của họ? Đâu là vị trí của Đức Giêsu so sánh với những nhân vật được tôn
vinh/ thờ phượng nơi thành phố này? Câu hỏi được đặt ra có vẻ đúng lúc và đúng
nơi.
2.
Người ta nói Con Người là ai … các con nói Thầy là ai? Nội dung câu hỏi là chung, nhưng đối tượng
nhắm đến của câu hỏi là riêng biệt: Nhóm những người chung chung, được gọi là
“người ta” (οἱ ἄνθρωποι), và nhóm các môn đệ “các con” (ὑμεῖς). Nhân vật trả lời câu hỏi dành cho “người
ta”, cũng là các môn đệ. Điều này giả định rằng các môn đệ đã thu thập được nhiều
luồng ý kiến về Đức Giêsu. Câu hỏi này được đặt ra ở chương 16 của Tin Mừng Mátthêu,
phần trung tâm của sách Tin Mừng . Điều này ngụ ý rằng, các môn đệ đã trải nghiệm
khoảng thời gian khá dài đi theo, sống với và làm việc cùng với Đức Giêsu. “Người
ta” cũng ít nhiều thấy Đức Giêsu làm phép lạ và nghe Người giảng. Độc giả, nếu
đọc Tin Mừng Mátthêu từ chương đầu tiên đến chương 16, cũng đã đọc được những
hoạt động và lời giảng của Đức Giêsu. Có thể nói rằng, các môn đệ, và cả độc giả,
dân chúng có khá đủ dữ liệu để đưa là câu trả lời về con người và sứ vụ của Đức
Giêsu. Hơn nữa, câu hỏi đặt ở vị trí này để trong phần không gian còn lại Đức
Giêsu còn tiếp tục giáo dục, tỏ bày cho các môn đệ về căn tính của mình.
3.
Gioan Tẩy Giả, …Êlia, … Giêrêmia hoặc một trong các ngôn sứ: Đây là phần tổng hợp khá gọn gàng, súc
tích và đầy đủ của các môn đệ về suy nghĩ của “người ta”. Dữ liệu của câu trả lời
này có thể tìm thấy trong Tin Mừng Máccô (Mc 6,17-20), trong đó, dân chúng đưa
ra nhiều ý kiến: Ông Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, Êlia, một trong các
ngôn sứ. Vua Hêrôđê thì khẳng định: “Ông Gioan, người ta đã cho chém đầu, chính
ông ấy đã trổi dậy” (Cf. Mt 14,2). Xem ra, quan điểm Đức Giêsu là hình ảnh ông
Gioan Tẩy Giả tái sinh là khá phổ biến trong dân, đặc biệt là đối với vua
Hêrôđê. Xét về mức độ nổi tiếng trong lời rao giảng, ông Gioan có thể thu hút
dân chúng không thua gì Đức Giêsu. Tuy nhiên, về khả năng làm các phép lạ, có lẽ
Gioan không bằng. Vì thế, nếu họ hiểu Đức Giêsu là ông Gioan, nhưng là ông
Gioan đã từ cõi chết sống lại, và nhờ đó mà có thể làm nhiều phép lạ (Mc 6,14).
Thực tế, Tin Mừng không ghi lại một phép lạ nào của Gioan cả. Xét về góc độ sứ
vụ, ông Gioan rất giống với Đức Giêsu, vì cái chết tử đạo của vị ngôn sứ dám
nói sự thật để bảo vệ Luật Chúa. Đức Giêsu cũng sẽ bị người ta âm mưu giết chết
vì những lời nói và việc làm của một ngôn sứ. Tuy nhiên, khía cạnh này chỉ dành
cho độc giả đã đọc toàn bộ câu chuyện về Đức Giêsu. Đức Giêsu được hiểu nhầm là
ngôn sứ Êlia với hai lý do: (i) Sứ mạng trở lại và dọn đường cho Đấng Mêsia của
ông đã được các ngôn sứ nói đến (Ml 3,1; 4,5-6; Mt 11,14; 17,10-12; Mc
9,11-13). (ii) Ngôn sứ Êlia có khả năng làm phép lạ lẫy lừng như Đức Giêsu. Thậm
chí ông có thể chữa lành một người đã chết (x.1 V 17). Theo 2 V 2,11 ông Êlia
đã được mang lên trời cách lạ lùng trong cơn gió lốc. Trong Tin Mừng Mátthêu Đức
Giêsu khẳng định ông Gioan Tẩy Giả chính là ông Êlia, người phải đến (Mt
11,14). Ngôn sứ Giêrêmia là nhân vật Mátthêu thêm vào, không có trong câu chuyện
của Máccô. Có tác giả cho rằng người ta đồng hóa Đức Giêsu với ngôn sứ Giêrêmia
vì đôi khi Người nói điều tương tự với lời của ngôn sứ này (so sánh Mt 11,29 và
Gr 6,16).[3]
Tác giả D. Hagner dẫn ý kiến của một vài học giả cho rằng Giêrêmia là một biểu
tượng mấu chốt của Cựu Ước, người đóng một vai trong sự đến của đấng Cánh Chung
(x 2 Mcb 15,13-16). Ông cũng cho thấy một số điểm tương đồng giữa Đức Giêsu và
ngôn sứ Giêrêmia, như là lời rao giảng về cuộc xét xử chống lại dân và đền thờ
đặc biệt trong đau khổ và tử đạo.[4]
D. Harrington nghĩ rằng, Mátthêu thêm tên ngôn sứ Giêrêmia trong danh sách này
vì đây là mối quan tâm chung của Mátthêu trong việc xem Giêrêmia như là hình ảnh
của Đức Giêsu. Trên thực tế, Giêrêmia được nhắc tên trong ba bản văn (Mt 2,17;
16,14; 27,9) và có nhiều ám chỉ đến sách ngôn sứ Giêrêmia (Mt 7,15-23;
11,28-30; 23,37-39). Cũng có nhiều mô thức Giêrêmia trong bài giảng tại Đền Thờ:
Việc gửi các ngôn sứ đến, việc sát hại các ngôn sứ, và cuộc xét xử mang tính ngôn
sứ chống lại Đền Thờ (x. Gr 7; 26; Mt 23,29 – 24,2).[5]
Các quan điểm của “người ta” về Đức Giêsu tuy không sai lắm nhưng chưa đến mức
hoàn thiện. Tác giả C. Keener có lý khi cho rằng khi gọi Đức Giêsu bằng những
danh xưng ấy người ta muốn ghép Người vào những loại suy nghĩ đã tồn tại thay
vì để cho Người tự định nghĩa căn tính của Người cho họ.[6]
4.
Đấng Kitô: Khác với nhân vật “người ta”, các môn đệ, đặc biệt là nhóm Mười Hai đã có
cơ hội sống với, ở cùng Đức Giêsu trong một khoảng thời gian dài. Họ đã nghe những
lời giảng của Đức Giêsu. Khi không hiểu thông điệp của dụ ngôn, họ lại được Người
giải thích riêng (Mt 13,16-23; 13,36-43). Họ theo Đức Giêsu trên hành trình rao
giảng và đã chứng kiến nhiều dạng phép lạ Người đã làm, từ chữa lành bệnh tật đến
trục xuất quỷ, hóa bánh ra nhiều, đi trên mặt nước biển… Chính vì thế Đức Giêsu
mong chờ nơi các môn đệ một câu trả lời khác hơn. Ông Simôn Phêrô, có lẽ là đại
diện bày tỏ quan điểm của đa số các môn đệ, bởi sau đó không thấy trong nhóm có
ai thêm một câu trả lời bổ sung nào. Danh xưng “Đấng Kitô” là danh xưng cao nhất
so với các danh xưng mà “người ta” đồn đoán về Người. Danh xưng này gợi nhớ đến
một niềm mong đợi lâu đời của toàn thể dân Israel trong thời Cựu Ước cho đến thời
Đức Giêsu. Đấng Kitô, là cách chuyển dịch tiếng Việt từ tiếng Hy Lạp “χριστὸς” (khristos).
Danh xưng tiếng Hy Lạp “khristos” này lại được chuyển dịch từ tiếng Hípri “משיח” (Masiah), có nghĩa là Đấng được xức dầu. Có ba loại người có
thể được xức dầu trong truyền thống Do Thái: Vua, tư tế, và ngôn sứ. Danh hiệu
“Kitô” của Đức Giêsu bao hàm cả ba tước vị này. Tuy nhiên, tước vị nổi bật mà
dân Israel mong mỏi nhất nơi Đức Giêsu là Đấng Kitô vua, Kitô vương đế. Truyền
thống Cựu Ước nói đến một lời hứa về một Đấng Kitô (Mêsia) sẽ xuất hiện trong dòng
dõi vua Đavid. Người này sẽ được Thiên Chúa ban cho “vương quyền vững bền”…
“ngai vàng vững bền mãi mãi”… đối với Thiên Chúa “người ấy sẽ là con”, đối với
người ấy “Thiên Chúa sẽ là cha” (2 Sm 7,12-16). Ngôn sứ Isaia mô tả Đấng Kitô
tương lai sẽ là: “Cố vấn kỳ diệu, thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, và
Thủ lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho
ngai vàng và vương quốc vua Đavid” (Is 9,5-6). Tác giả Tin Mừng Mátthêu ngay từ
đầu đã giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Kitô (Mt 1,1). Trong trình thuật Giáng
Sinh, tác giả lại cố gắng nhấn mạnh đến nguồn gốc “từ nhà Đavid” của Đức Giêsu
(Mt 1,20), sinh quán Bếtlehem (Mt 2,1, quê hương của dòng họ Đavid). Tác giả
còn cho thấy Đức Giêsu là “Đức vua của dân Do Thái mới sinh” được các nhà chiêm
tinh tìm đến bái thờ (Mt 2,1-12). Trong suốt trình thuật về sư vụ rao giảng,
nhiều nhân vật cứ nhắc đi nhắc lại rằng Đức Giêsu là “con trai của Đavid” (Mt
9,27; 12,23; 15,22; 20,30.31; 21,9.15). Như vậy, ông Phêrô và các môn đệ đã trả
lời chuẩn xác căn tính của Đức Giêsu rằng:
Người là Đấng Kitô. Tuy nhiên, cách hiểu của ông và các môn đệ về căn
tính này chỉ mới được một nửa, chưa trọn vẹn. Đấng Kitô mà các ông hiểu chỉ là
Đấng Kitô quyền năng trong lời nói và hành động. Từ đây trở đi, Đức Giêsu bắt đầu
tỏ lộ cho các ông một sự thật khủng khiếp về Đấng Kitô (Người lặp lại điều này
ba lần): “Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết rằng Người phải
đi Jêrusalem; phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ lão, các thượng tế và kinh sư
gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21; cũng x.
17,22-23; 20,17-19). Đó là Đấng Kitô khổ nạn và phục sinh. Phục sinh mới là
vinh quang viên mãn của Người. Tuy vậy, các môn đệ không muốn đón nhận Đấng
Kitô khổ nạn, và cũng chẳng hiểu vinh quang phục sinh, nên họ rất khó đón nhận
mầu nhiệm này, nếu không muốn nói là không thể đón nhận, thể hiện bằng phản ứng
tiêu cực của ông Phêrô (Mt 16,22-23). Chính vì thế, ngay sau đó, Đức Giêsu liền
mời gọi “ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt
16,24). Đấng Kitô trọn vẹn phải là sự kết hợp giữa Đấng Kitô vinh quang có năng
quyền làm phép lạ và Đấng Kitô chịu khổ nạn, chịu chết và phục sinh.
5.
Con trai của Thiên Chúa hằng sống: Trong câu chuyện tranh
luận với nhóm Pharisêu Đức Giêsu đã gián tiếp phủ nhận Người là “Con trai của
Đavid”. Vua Đavid gọi Đấng Kitô là “Chúa của tôi”, nên Đấng Kitô không thể Con
Trai của Đavid được. Người phải vượt trội hơn thế nữa (Mt 22,45-46). Đây
là danh xưng riêng của tác giả Mátthêu. Câu tuyên xưng trong Tin Mừng Máccô chỉ
gọn gàng “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Câu tuyên xưng trong Tin Mừng Luca mở rộng
hơn một tý: “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Phêrô của Mátthêu tuyên xưng
dài nhất: “Đấng Kitô, con trai của Thiên Chúa hằng sống”. Dường như cả Mátthêu
và Luca, vẫn được xem có niên đại muộn hơn Máccô, đã biên tập chỉnh sửa lại lời
tuyên xưng này của Máccô. Đức Giêsu không chỉ là “Con Người”, Đấng Mêsia trong
dòng tộc nhân loại Đavid, nhưng Người còn có nguồn gốc thần linh. Niềm tin vào thần
tính của Đức Giêsu trong cộng đoàn Mátthêu thời bấy giờ khiến ông phải thêm
danh xưng “Con Thiên Chúa” vào trong câu tuyên xưng này. Thật ra, ngay từ đầu,
tác giả đã lý giải lý do tại sao ông Giuse phải gọi tên Hài Nhi là “Giêsu”: Vì
Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Giêsu (Tiếng Việt), Iesous (Ἰησοῦς: tiếng Hy Lạp), Giơhôsua [יְהוֹשֻׁ֣עַ] trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Nghĩa là
trong danh xưng Giêsu đã ẩn chứa danh xưng Thiên Chúa. Rõ nét hơn, trong trình
thuật Đức Giêsu chịu Phép Rửa, tiếng từ trời đã giới thiệu rằng: “Đây là Con
Trai yêu của Ta, với Người Ta hài lòng” (Mt 3,17). Lời chứng nhận này lại được
lặp lại trong biến cố biến hình (Mt 17,5). Quỷ đã không ngừng thách thức Đức
Giêsu bộc lộ căn tính này: “Nếu ông là Con Trai của Thiên Chúa thì…” (Mt
4,2.6). Những người qua lại cũng lặp lại cùng một mô thức dưới chân thập giá:
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40). Hai người
bị quỷ ám trong vùng Gađara, cũng kêu lên danh xưng này: “Hỡi Con Trai của
Thiên Chúa, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông” (Mt 8,29). Khi Đức Giêsu dẹp
yên bão tố, những người trong thuyền đã bái lạy và thừa nhận rằng: “Quả thật,
Ngài là ‘Con Thiên Chúa’” (Mt 14,33). Trong cuộc xét xử, vị Thượng tế đã hỏi Đức
Giêsu danh xưng khá giống với lời tuyên xưng của ông Phêrô: “Ông có phải là Đấng
Kitô, Con Trai của Thiên Chúa không?” (Mt 26,63). Cuối cùng, người đại đội trưởng
và những người đang ở cùng ông chứng kiến Đức Giêsu hấp hối đã tuyên xưng rằng:
“Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa”. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Kitô, xuất
thân trong dòng dõi vua Đavid, nhưng Người còn là Con Thiên Chúa làm người.
6.
Phêrô: Trong đoạn văn này Phêrô được gọi bằng ba danh xưng: (i) Simon Phêrô; (ii)
Phêrô, Barjona; (iii) Phêrô. Trong Tin Mừng Gioan ông được Đức Giêsu đổi từ
“Simon, con trai của ông Gioan” thành Kêpha, nghĩa là Phêrô (Ga 1,42). “Kêpha”
là tiếng Aram, có nghĩa là đá. “Phêrô” là tiếng Hy Lạp, cũng có nghĩa là đá. Đức
Giêsu đã chơi chữ: “Con là Phêrô, trên đá này [σὺ εἶ Πέτρος, καὶ ἐπὶ ταύτῃ τῇ πέτρα)], Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy”. Trong tiếng Hy Lạp tên gọi Phêrô và tảng đá giống nhau. Tiếng Việt
thường dịch ra là: “Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ
xây …” (CGKPV); “Ngươi là Đá và trên Đá ấy, Ta sẽ xây…” (NTT). Việc Đức Giêsu
xây Giáo Hội trên đá là một chọn lựa của người khôn ngoan như Người đã dạy (Mt
7,24-25). “Barjona” thường được dịch là “Con ông Giôna” (CGKPV, giống bản tiếng
Pháp TOB, bản tiếng Anh NRS, Bản tiếng Ý CEI), vì “Bar” trong tiếng Aram nghĩa
là “con trai”. Tác giả Nguyễn Thế Thuấn chọn cách chuyển ngữ “Baryôna”, giống với
bản Latin Vulgata và bản tiếng Anh ESV. Chọn lựa này có vẻ hợp lý hơn vì đó là
một phần trong tên riêng của ông Simon (Σίμων Βαριωνᾶ). Đức Giêsu gọi
tên đầy đủ của ông Simôn trong bối cảnh này có lẽ nhằm biểu lộ sự trang trọng,
đặc biệt cho mối phúc mà Người sắp công bố và sứ vụ Người sắp trao cho ông. Tác
giả Tin Mừng thứ tư diễn giải rõ ràng hơn danh xưng “con trai”: Simon, con trai
của ông Gioan (ὁ υἱὸς Ἰωάννου). Như vậy, ông
Simon là con ông Gioan, theo truyền thống Tin Mừng thư tư (Ga 1,41 và 21,15)
hay là “Barjona” (Con ông Giôna) theo tác giả Mátthêu (tác giả Máccô và Luca
không có đoạn Đức Giêsu nói riêng với ông Simon)? Tác giả D. Harrington cho rằng
hầu hết các nhà chú giải giả định rằng tên của bố ông Simon là Yohanan (Gioan).[7] Có tác
giả cho rằng Giôna là dạng khác của Gioan trong tiếng Hy Lạp (Gioan = Giôna).[8] Cách
hiểu này xem ra hợp lý nhất, khi chưa có một giải pháp nào tốt hơn.
7. Hội thánh (“ἐκκλησία”): Đây là hạn từ đặc biệt của tác giả Mátthêu, đến nỗi người ta có thể gọi Tin Mừng của ông là Tin Mừng về Giáo Hội.[9] Không có tác giả Tin Mừng nào khác sử dụng danh xưng này, trong khi tác giả Mátthêu sử dụng ba lần (Mt 16,18; 18,172).
Luca, tác giả của Tin Mừng thứ ba, cũng là tác giả sách Công Vụ, sử dụng thường xuyên hạn từ này, những chỉ trong sách Công Vụ, chứ không phải trong Tin Mừng thứ ba. “ἐκκλησία” (ekklesia) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đại hội”, “cuộc gặp gỡ”, “giáo hội”. Cộng đồng Israel trong thời lang thang trong sa mạc thường được gọi là “đại hội” (עֵדָה;קְהַ֥ל ). Bản dịch Bảy Mươi là “συναγωγή” (synagôghê) cho cả hai hạn từ Hípri (עֵדָה;קְהַ֥ל ). “ἐκκλησία” cũng được bản Bảy Mươi dùng để dịch hạn từ “קְהַ֥ל” (đại hội, cộng đồng). Sách Đệ Nhị Luật nhiều lần nói về “đại hội của Chúa” (ἐκκλησίαν κυρίου: Đnl 23,2.2.4.9). Hạn từ “synagôghê” trong Tân Ước thường được hiểu là “hội đường”, nơi hội họp của người Do Thái. Danh xưng này cũng là một “cuộc họp mặt thờ phượng” “đại hội thờ phượng”. Danh xưng “ekklesia” cũng được sử dụng để diễn tả một cuộc “tụ họp” các công dân có mục đích chính trị (Cv 19,32).[10] Tác giả sách Hípri cũng dùng hạn từ này để diễn tả “đại hội” Israel (Hr 2,12). Tuy nhiên, danh xưng này được dùng phổ biến trong sách Công Vụ và các thư thánh Phaolô để diễn tả một nhóm Kitô hữu sống ở một nơi nào đó. Trong
Tiếng Việt, nó thường được chuyển ngữ là “Hội Thánh”, hay “Giáo Hội”. “Hội Thánh” (cộng đoàn những người tin) và “Nhà Thờ” (cấu trúc vật chất dành cho việc thờ phượng) là hai cụm từ khác nhau trong tiếng Việt, trong khi đó tiếng Latin, Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác, hai cụm từ này chỉ là một (Latin: Ecclesia; Anh: Church; Pháp: Église; Đức: Chirche; Ý: Chiesa). Trong bối cảnh, Đức Giêsu dùng gọi “Hội Thánh” là “của tôi”. “Hội Thánh” này do chính Đức Giêsu “xây dựng” và “trên đá này” là nơi Đức Giêsu xây dựng.[11] Theo lối chơi chữ (Phêrô = đá), Phêrô chính là nơi mà trên đó Đức Giêsu xây dựng Hội Thánh. Dĩ nhiên, ông Phêrô trong tư cách là đại diện của nhóm Mười Hai, cộng đoàn các Tông Đồ, chứ không phải là cá nhân ông. Vào thời Tin Mừng Mátthêu được soạn thảo, có lẽ trong Hội Thánh, vai trò lãnh đạo và mở rộng Hội Thánh của ông Phêrô đã trở nên rõ ràng trong hiểu biết của các cộng đoàn Kitô hữu.[12] Và việc Giáo Hội phát xuất từ các Tông Đồ và phát triển dưới chỉ dẫn của họ là điều khá rõ ràng như trình thuật của sách Công Vụ. Vì thế, tuyên bố Hội Thánh được xây trên nền tảng Phêrô (cùng cộng đoàn các Tông Đồ” là điều dễ hiểu. Danh xưng “Hội Thánh” của Đức Giêsu được đặt song song với “Nước Trời” mà ông Phêrô được trao chìa khóa. “Hội thánh” có thể được xem là dấu chỉ của “Nước Trời”.
8.
Cổng địa ngục (ύλαι ᾅδου): “Cổng địa ngục” là hình ảnh ẩn dụ cho sự chết, vốn đối lại với “Thiên Chúa hằng sống” trong c.16. Trong Cựu Ước “cổng địa ngục” mô tả nơi mà những người chết đi đến (G 38,17; Tv 9,13; 107,18). “Cánh cổng” tượng trưng cho quyền lực giam hãm của sự chết. Đức Giêsu muốn nói là “sự chết không thể cầm tù Giáo Hội” do Đức Giêsu thiết lập.[13] Khi vua Khítkigia lâm bệnh và được khỏi, ông đã sáng tác một bài thơ trong đó ông cảm nhận mình bị giam trong “cổng địa ngục”: “Vào giữa những ngày của tôi, tôi phải ra đi, tôi bị giam trong cổng địa ngục suốt những năm còn lại” (Is 38,9). Cv 2,27.31 trích Tv 16,8-11 nói về sự phục sinh của Đức Giêsu như một bằng chứng rằng Chúa không bỏ rơi linh hồn Người “trong địa ngục”. Tác giả thư thứ nhất Corintô nói về sự sống lại của Đức Kitô, mang lại sự sống cho những ai tin vào Người và mọi thù địch phải quy phục dưới chân Đức Giêsu và kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (1 Cr 15,12-28). Đức Giêsu hứa “cổng địa ngục” sẽ không thắng được Giáo Hội của Người. Quyền lực sự chết không thống trị trên Giáo Hội. Cộng đoạn cánh chung của Thiên Chúa sẽ không chết dù phải trải qua bao nhiêu gian khổ, bách hại. Những thành viên của Giáo Hội dù có chết cũng không bị cái chết đánh bại vì họ sẽ được phục sinh trong ngày sau hết.[14]
9.
Chìa khoá Nước Trời … Tháo cởi – trói buộc … dưới đất – trên trời: Đây là dữ liệu riêng của tác giả Mátthêu. Tác giả ghép lời tuyên xưng với quyền chìa khóa của ông Phêrô. Chìa khóa là hình ảnh tượng trưng cho quyền lực trên điều gì đó.[15] Đoạn văn này có lẽ có nguồn gốc từ Is 22,15-25, trong đó Eliakim được Chúa hứa là sẽ thay ông Sepna, làm người quản lý trong vương quốc Đavid: “Chìa khóa nhà Đavid, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở ra được”. Ở đây, ông Phêrô được giao chìa khóa Nước Trời. Cũng như ông Êliakim, được giao cho nhiệm vụ quản lý trong vương quốc Đavid, ông Phêrô được giao cho nhiệm vụ quản lý trong Nước Trời. Người quản lý có cả quyền trên những người còn lại trong nhà và có trách nhiệm thay chủ điều hành những công việc trong nhà.[16] Điều khác biệt giữa quản lý Êliakim và Phêrô là mối liên hệ chặt chẽ giữa “dưới đất” và “trên trời” trong quyền “trói buộc – tháo cởi”. Tác giả T. France cho rằng “tháo cởi” và “trói buộc” là ẩn dụ của quyền lực quản trị. Những thuật ngữ này được dùng trong văn chương Rabbi để công bố điều gì được hay không được phép. Quyền này một lần nữa được trao cho cả nhóm các môn đệ trong 18,18, áp dụng cho việc sửa lỗi anh em trong cộng đoàn.[17] Trong Tin Mừng Gioan, sau khi Phục Sinh, lần đầu tiên Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, Người đã trao ban Thánh Linh và trao ban quyền tha tội: “Hãy nhận lấy Thánh Linh, anh em tha rội cho anh, thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Tin Mừng Gioan rõ ràng nhấn mạnh đến quyền tha tội của cộng đoàn các Tông Đồ. Quyền “tháo cởi – trói buộc” ở đây, được thảo luận rất nhiều trong dòng lịch sử, và có nhiều cách hiểu khác nhau: “Ngôn ngữ của trừ sự trừ quỷ”; “cấm đoán – trục xuất”. Những cách hiểu này có lẽ không hợp với bối cảnh. Trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu, Tin Mừng nhấn mạnh đến quyền giải thích Torah của Đức Giêsu, “thảo cởi – trói buộc” nên hiểu như những chỉ dẫn đúng hoặc sai trong việc giải thích Luật Chúa, như cách hiểu của H.Stretter, Derette; Zanne; Davies-Allison; Luz; hoặc là quyền giảng dạy (Bornkamm). Sự giải thích này có thể được hiểu rộng ra bao gồm cả tha thứ hay không tha thứ (Schlatter) và như thế, xác định ơn cứu độ hay kết án (A. Schweiter).[18] Ông Phêrô có thể được hiểu như người mở cửa Nước Trời bằng hoạt động rao giảng của mình trong khi đó những
người lãnh đạo Israel đóng lại, không cho người ta vào (Mt 23,13; Cf. Lc 11,25). Ông là một người thi hành sứ vụ tiêu biểu thời cánh chung, một “người đánh bắt người ta”.[19]
10.
Người cấm họ: Tác giả Mátthêu diễn tả mục đích việc cấm đoán rõ ràng nhất so với hai tác giả Nhất Lãm còn lại. Đức Giêsu cấm để họ không nói với ai rằng Người là Đấng Kitô. Trong phần liệt kê ý kiến của “người ta”, không có ý kiến nào cho biết căn tính “Kitô” của Đức Giêsu cả. Chỉ có các môn đệ biết và Đức Giêsu không muốn cho họ tiết lộ cho ai. Có lẽ, lý do của lệnh cấm là các môn đệ chưa thật sự hiểu trọn vẹn về danh xưng Kitô này. Họ chỉ mới hiểu một nửa là Đấng Kitô bày tỏ vinh quang trong lời nói và hành động, còn Đấng Kitô vinh quang phục sinh sau cuộc khổ
nạn thì họ chưa biết rõ.[20] Trong câu chuyện biến hình, Đức Giêsu cũng căn dặn các môn đệ là “đừng nói với ai về thị kiến ấy cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17,9). Trong cuộc biến hình, các môn đệ cũng đã ngất ngây về vinh quang của Đức Giêsu, nhưng vinh quang ấy chỉ trọn vẹn sau cuộc khổ hình. Các môn đệ có sứ mạng giới thiệu và chứng minh cho những người Do Thái rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô (Mêsia) mà họ hằng mong chờ, nhưng phải sau
biến cố phục sinh, khi họ đã chứng kiến Đức Giêsu trải qua cuộc khổ nạn và phục
sinh. Đó là những chứng từ đã được tác giả sách Công Vụ ghi lại: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết … Đấng Kitô ấy chính là Đức Giêsu mà tôi rao giảng cho anh em” (Cv 17,3; Cv 2,22-36; 3,17-26; 9,19-22).
Bình luận tổng quát
Tin Mừng thứ nhất ngay từ đầu đã giới thiệu cho cộng đoàn độc giả rằng Đức
Giêsu là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa. Trong những trình thuật Giáng Sinh,
tác giả đã cố gắng giới thiệu hai căn tính này của Đức Giêsu. Trong các trình
thuật về bài giảng và việc làm từ 4,17 đến trước câu chuyện này (16,13-20), tác
giả đã ghi lại không biết bao nhiêu lời nói và hành động của Đức Giêsu để bộc lộ
căn tính của Người. Đoạn văn Mt 16,13-20 có thể được xem như là bản lề nối kết
hai phần trình bày về căn tính của Đấng Kitô (Mêsia). Phần phía trước đoạn này
là Đức Kitô quyền năng trong lời nói và làm đủ loại phép lạ; phần từ đoạn này
trở về sau là Đức Kitô vinh quang phục sinh saukhi trải qua cuộc khổ nạn. Đến
thời điểm này, người ta vẫn chỉ xem Đức Giêsu như Gioan Tẩy Giả (sống lại),
Êlia, Giêrêmia, hay một trong các ngôn sứ, trong khi đó các Tông Đồ đã có một
hiểu biết vượt bậc. Lời tuyên xưng của ông Phêrô, đại diện cho Nhóm Mười Hai,
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ông Phêrô của tác giả Mátthêu
tuyên xưng sâu và rộng hơn ông Phêrô của Máccô (Đấng Kitô) và Luca (Đấng Kitô của
Thiên Chúa). Nơi lời tuyên xưng của Phêrô trong Mátthêu, người ta thấy được một
căn tính kép: Người vừa là Đấng Kitô vừa là Con Thiên Chúa Hằng sống. Nghĩa là,
Người không chỉ là một Đấng Chúa sai đến thuộc dòng dõi vua Đavid, nhưng còn có
nguồn gốc, căn tính thần linh. Danh xưng “Con Thiên Chúa” cũng là danh xưng nối
kết Tin Mừng Mátthêu từ đầu đến cuối (Mt 4,17 và Mt 27,54). Lời tuyên xưng này
là một lời tuyên xưng đỉnh cao về mặt chữ. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn
của danh xưng kép này, thì ông Phêrô và các anh em chưa hiểu hết. Có thể nói họ
chỉ hiểu được một nửa, và đó cũng là điều họ mong chờ và muốn hiểu: Đức Kitô
quyền năng có thể giải quyết cho họ mọi vấn đề trong cuộc sống, từ bệnh tật, quỷ
ám, cho đến đói kém, thảm họa thiên nhiên và chủ quyền đất nước. Vào thời điểm
này, họ không được tiết lộ căn tính kép của Đấng Kitô, cũng như không được tiết
lộ vinh quang của cuộc biến hình trên núi, bởi lẽ, họ phải trải nghiệm phần còn
lại của ý nghĩa căn tính Kitô – Con Thiên Chúa: Đấng Kitô khổ nạn – chết – phục
sinh. Đây là điều không ai muốn nghe, không ai có thể hiểu và đón nhận. Đức
Giêsu sẽ bật mí sự thật khủng khiếp này cho họ đến ba lần trước khi bước vào cuộc
khổ nạn. Dù muốn hay không họ cũng phải trải nghiệm. Chỉ sau khi Đức Kitô Phục
Sinh, họ mới nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của căn tính Kitô – Con Thiên Chúa. Khi
đã hiểu rồi, họ bắt đầu rao giảng, giải thích, chứng minh, Đức Giêsu là Đấng
Kitô – Con Thiên Chúa không những cho người Do Thái ở Jêrusalem, mà còn mở rộng
ra cho những người ở Giuđê, Samari, và toàn thế giới (Cv 1,8; 28,31). Khi cộng
đoàn các môn đệ bắt đầu được xây dựng quanh niềm tin vào Đức Kitô – Con Thiên
Chúa phục sinh, đứng đầu là ông Phêrô, cộng đoàn bắt đầu cho thấy hình ảnh Giáo
Hội của Chúa Kitô, được thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ và cổng địa ngục
không thể thắng được. Khi “Giáo Hội” càng mở rộng sứ vụ rao giảng, có thêm nhiều
người được ơn cứu độ, thì sứ vụ chìa khóa, mở cửa Nước Trời của ông Phêrô càng
phát huy rõ nét nhất.
Lm Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] X.
M.K.M, “Caesarea Philippi”, The HarperCollins Bible Dictionary (ed. P.J.
Achtemeier) (New York 1996) 162-163; “In the oldest days it was called Balinas, for it had
once been a great centre of the worship of Baal” [W. Barclay, The
Gospel of Mark (DSB; Philadelphia 2000, c1975) 191].
[2] “When Jesus takes his disciples north of
the Sea of Galilee (about twenty-five miles) to the region of Caesarea Philippi
(so named because it was rebuilt by the tetrarch Herod Philip in honor of the emperor
Tiberius; modern “Baniyas,” formerly “Paneas”), a beautiful area in the
foothills of Mount Hermon, it is ostensibly in order to retreat from the press
of the crowds” [D.A. Hagner, Matthew 14-28 (WBC; Dallas 2002) 33B,
466; “They had journeyed some twenty-five miles (and 1,700 feet uphill) from
the Lake of Galilee to the source of the Jordan near the ancient city of Dan,
the northern boundary of ancient Israel. The recently renamed Caesarea Philippi
was as pagan a territory as one could find: famous for its grotto where people
worshiped the Greek god Pan, its earlier name Paneas persisted even in its
modern Arabic name Baneas” [C.S. KEENER, The
Gospel of Matthew. A Socio-Rhetorical
Commentary (Grand Rapids – Cambridge 2009) 424].
[3] C.
Mitch – E. Sri, The Gospel of Matthew (CCSS; Grand Rapids 2010) 206.
[4] D.A.
Hagner, Matthew 14-28, 467.
[5]
D.J. Harrington, The Gospel of Matthew
(SP1; Collegeville 1997) 247.
[6]
“Given Jesus’ public activities, it is not surprising that many would have
viewed him as a prophet (21:11, 46; Jn 9:17), but while this perspective was
correct (cf., e.g., 11:21–24; 24:2–31), it was incomplete (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew, 424).
[7]
D.J. Harrington, The Gospel of Matthew,
247.
[8]
“It is more likely that Iōna and Iōannēs are variant Greek forms of the
same Semitic name” [R.T. FRANCE, The
Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 620].
[9]
“Much is sometimes made of the fact that Matthew, here and in 18:17, is the
only NT gospel-writer to use the term ekklēsia;
his is therefore often dubbed “the ecclesiastical gospel” (R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew, 62 The historical
role of Peter in Acts well illustrates the metaphor, as it was to him that the
responsibility fell of declaring that Gentiles might be accepted as members of
the new ekklēsia (10:1–11:18), though
of course the exercise of his disciplinary authority could also have dire
personal consequences for those who stepped over the mark (Acts 5:1–11; cf.
8:20–24) (R.T. FRANCE, The Gospel of
Matthew, 626).
[10]
“The term would make the most sense in a Jewish setting, where those familiar
with the Greek version of the Old Testament would recognize ekklēsia and synagōgē as translations of the Hebrew term for the community of
Israel. Other Greek readers may have scratched their heads, since ekklesia could include any gathering
(cf. Deissmann 1978: 112–13), even an army (Dion. Hal. 6.94.1). Most often in
regular Greek usage it meant the “citizen assembly” of a local community (e.g.,
Acts 19:32, 39), including those in Republican Rome (Dion. Hal. 6.87.1; 7.17.2;
11.50.1) and Jerusalem (Jos. War
4.162)” (C.S. KEENER, The Gospel of
Matthew, 428).
[11]
“Scholars have debated precisely what Jesus means by the “rock”; Protestants,
following Augustine and Luther, have sometimes contended that the rock in this
passage is only Jesus himself (Cullmann 1953: 162n. 13).78 Thus they
have sometimes argued that Peter’s name in Greek (petros) differs from the Greek term for rock used here (petra; e.g., Gundry 1982: 334; cf. Lampe
1979; Derrett 1988).79 But by Jesus’ day the terms were usually
interchangeable, and the original Aramaic form of Peter’s nickname that Jesus
probably used (kephas) means simply
“rock.”80 Further, Jesus does not say, “You are Peter, but on this rock I will build my
church”; the weak adversative de
sometimes means “and,” but the copulative kai
almost always means “and” (exceptions like Tob 4:17 are very rare). Jesus’
teaching is the ultimate foundation
for disciples (7:24–27; cf. 1 Cor 3:11), but here Peter functions as the
foundation rock as the apostles and prophets do in Ephesians 2:20–21” (C.S. KEENER,
The Gospel of Matthew, 426-427).
[14] Given the usual understanding of the
phrase, it is probably best taken as meaning “the power of death” or perhaps
simply “death”; it is this that shall not overpower (κατισχύσουσιν) the church (D.A. Hagner, Matthew
14-28, 472).
[15] Ibid.
[16]
R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew,
625.
[17]
R.T. FRANCE, The Gospel of Matthew,
626.
[18]
Trích lại trong D.A. Hagner, Matthew
14-28, 473.
[19]
C.S. KEENER, The Gospel of Matthew,
430.
[20]
“Here the reason
for the secrecy is about to become particularly clear. Jesus is not the kind of
Messiah that the masses have in mind. Far from overpowering the evil powers of
the world there and then and establishing a national-political kingdom, Jesus
is now to talk of another, dramatically different path upon which his messianic
calling will take him” (D.A. Hagner, Matthew 14-28, 474); “The context suggests why: until
after the resurrection (17:9) the disciples were unprepared to understand the
cross; and apart from the cross, they could not understand the real nature of
Jesus’ messianic mission (16:21–28), as Markan scholars often note” (C.S. KEENER, The Gospel of Matthew,
430-431).
No comments:
Post a Comment