Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp |
Việt |
9 Εἶπεν δὲ καὶ πρός τινας τοὺς πεποιθότας ἐφ᾽ ἑαυτοῖς ὅτι εἰσὶν δίκαιοι καὶ ἐξουθενοῦντας τοὺς λοιποὺς τὴν παραβολὴν ταύτην· 10 Ἄνθρωποι δύο ἀνέβησαν εἰς τὸ ἱερὸν προσεύξασθαι,
ὁ εἷς Φαρισαῖος καὶ ὁ ἕτερος τελώνης. 11 ὁ Φαρισαῖος σταθεὶς πρὸς ἑαυτὸν
ταῦτα προσηύχετο· ὁ θεός, εὐχαριστῶ σοι ὅτι οὐκ εἰμὶ ὥσπερ οἱ λοιποὶ τῶν ἀνθρώπων, ἅρπαγες, ἄδικοι, μοιχοί,
ἢ καὶ ὡς οὗτος ὁ
τελώνης· 12 νηστεύω δὶς τοῦ σαββάτου, ἀποδεκατῶ πάντα ὅσα
κτῶμαι. 13 ὁ δὲ τελώνης μακρόθεν ἑστὼς οὐκ ἤθελεν (IIA) οὐδὲ τοὺς ὀφθαλμοὺς ἐπᾶραι εἰς τὸν οὐρανόν,
ἀλλ᾽ ἔτυπτεν (IIA) τὸ στῆθος αὐτοῦ λέγων· ὁ θεός, ἱλάσθητί μοι τῷ ἁμαρτωλῷ. 14 λέγω ὑμῖν, κατέβη
οὗτος δεδικαιωμένος εἰς τὸν οἶκον αὐτοῦ παρ᾽ ἐκεῖνον· ὅτι πᾶς ὁ ὑψῶν ἑαυτὸν ταπεινωθήσεται, ὁ δὲ ταπεινῶν ἑαυτὸν ὑψωθήσεται. (Lk. 18:9-14 BGT) |
9 Người nói dụ
ngôn này cho một số người tự tin về chính mình rằng
họ là những người công chính và khinh thường
những người còn lại. 10 Hai người nọ
đi lên đền thờ để cầu
nguyện, một người là người Pharisêu và người
kia là người thu thuế. 11 Người Pharisêu, sau khi đứng vững, cầu nguyện, đề cập đến chính mình những điều này: “Lạy Chúa! Con tạ
ơn Chúa vì con không như những người khác,
những kẻ tham lam, những kẻ bất chính, những kẻ ngoại
tình hay là như người thu thuế kia. 12 Con giữ chay hai lần mỗi tuần, đóng thuế thập phân tất
cả những gì nhận được. 13 Nhưng người thu thuế đứng từ đằng xa, cứ không muốn ngước mắt nhìn lên trời, nhưng cứ đấm ngực hoài, nói rằng: “Lạy Chúa! Xin thứ tha cho con, là người
tội lỗi”. 14 Ta bảo các
người, khi đi xuống về nhà, người này đã được nên công chính chứ không phải người kia, vì ai tự nâng mình lên sẽ
bị hạ xuống; Còn ai tự hạ mình xuống sẽ được
nâng lên. |
Bối cảnh
Cũng giống như dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”, đây cũng là
dữ liệu riêng của tác giả Tin Mừng thứ ba. Trong bối cảnh trực tiếp, Lc 18,9-14
được đặt ngay sau đoạn văn nói về đề tài cầu nguyện: Dụ ngôn người quan tòa bất
chính (Lc 18,1-8). Lời hứa của Đức Giêsu rằng: Thiên Chúa sẽ phân xử cho “những
người được chọn” trong Lc 18,8, được hiện thực hóa nơi 18,14, khi Người nói rằng
người thu thuế được “công bố là công chính” khi về nhà. Nhóm từ ngữ tương tự
nhau nối kết hai dụ ngôn này cách chặt chẽ: “ἐκδίκησόν/ἐκδικήσω/τὴν ἐκδίκησιν/ἀντιδίκου” (phân xử/ thực thi công lý trong/ đối
phương 18,3.5.7.8) và “δίκαιοι/ ἄδικοι/ δεδικαιωμένος” (công chính/ bất chính/ làm cho nên công
chính trong 18,9.11.14). Chủ đề “công chính” (người này khi về nhà thì đã nên
công chính rồi) đối lại với vị quan tòa “bất chính” trong dụ ngôn vừa nói đến.
Trong bối cảnh rộng hơn, hai hình ảnh trái ngược giữa “người Pharisêu” và “người
thu thuế” xuất hiện thường xuyên trong các giáo huấn của Đức Giêsu nói chung và
trong Tin Mừng Luca nói riêng (Lc 5,29-32; Mt 9,10-13; Mc 2,15-17). Tác giả
Luca đặc biệt ghi lại nhiều giáo huấn và câu chuyện về ơn hoán cải của những
người thu thuế (Lc 3,12-13; 7,29; 15,1-32; 18,9-14; 19,1-10). Ý tưởng Thiên
Chúa “nâng lên những người tự hạ mình” và “hạ xuống những người tự nâng cao
mình” cũng được tác giả Luca lưu ý trong bài ca “Magnificat” của Đức Maria (Lc 1,51-52).
Thực hành đạo đức như “giữ chay” và “thuế thập phân” nối kết câu chuyện này với
những truyền thống quan trọng của Cựu Ước.
Cấu trúc
Lc 18,9-14, bao gồm một lời giới thiệu về bối cảnh chung về đối tượng mà dụ
ngôn nhắm đến và giới thiệu nhân vật của dụ ngôn, cùng với phần nội dung dụ
ngôn và một kết luận chung. Phần dụ ngôn (11-13) được chia ra làm hai phần không
gian rõ ràng: (I) Đi lên đền thờ cầu nguyện và (II) Đi xuống về nhà, với tình
trạng thay đổi rõ ràng của hai nhân vật từ giai đoạn trước đến giai đoạn sau.
Trong phần I, có một phần cấu trúc đối xứng (aba’) với phần a: Không như những
người khác đối xứng với a’: Không như người thu thuế này, và trung tâm là b:
Tham lam, bất chính, ngoại tình. Phần II cũng là một cấu trúc đối xứng (aa’b’b).
Bối cảnh chung: Đối tượng của dụ ngôn (9) Giới
thiệu dụ ngôn: Hai nhân
vật: Pharisêu và người thu thuế (10) (I) Đi lên đền thờ cầu
nguyện Người Pharisêu (11-12): Đứng vững, cầu nguyện về chính mình (11a) Tạ ơn Chúa vì: (a) không
như những người khác (b) tham lam, bất chính,
ngoại tình (a’) không như người thu
thuế này có giữ chay mỗi tuần hai lần có đóng thuế thập phân Người thu thuế (13): Đứng đằng xa, không ngước mắt lên trời, đấm ngực Xin tha thứ: là người tội lỗi (II) Đi xuống về nhà (a) Người thu thuế: Đã được nên công chính (b) Người Pharisêu: Không được
nên công chính (b’) Người tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống (a’) Người tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên |
Một số điểm chú giải
1. Người tự tin là người công chính mà khinh thường những người khác: Như thường lệ, tác giả Luca thường đưa vào
một lời dẫn nhập cho dụ ngôn mà Đức Giêsu sắp kể (x. Lc 15,1-3; 18,1; 19,11). Những
câu dẫn nhập như vậy thường được xem là phần thêm vào, có chức năng đưa dụ ngôn
vào một bối cảnh cụ thể và hướng dẫn cách
hiểu cụ thể, dẫu rằng trong bối cảnh lịch sử, không hẳn là Đức Giêsu kể
dụ ngôn này trong bối cảnh ấy, cho đối tượng ấy. Đối tượng dụ ngôn nhắm đến được
mô tả một cách cụ thể gồm hai đặc tính: (i) “Những người tự tin về chính mình
(thuyết phục với chính mình) rằng họ là những người công chính” ; (ii) “Khinh
thường những người khác (hay những người còn lại)”. Như thế, đối tượng của dụ
ngôn này là những người Pharisêu hơn là những người thu thuế. Người bất ổn, cần
phải lưu tâm trong trường hợp này là những người Pharisêu.
2. Người Pharisêu và người thu thuế[1]:
Đây là cặp nhân vật rất
phổ biến trong các sách Tin Mừng. Đây là hai thành phần thường tiêu biểu trong
xã hội Do Thái thời bấy giờ. Đức Giêsu của Tin Mừng Luca cho biết rằng “những
người thu thuế đã công bố Thiên Chúa là Đấng công chính, còn những người Pharisêu
và các nhà thông luật đã từ chối ý định Thiên Chúa dành cho họ” (Lc 7,29-30). Nhân
vật “những người thu thuế” thường được xếp chung với “những người tội lỗi” thường
đi chung với nhau. “Những người thu thuế”[2]
được định nghĩa bằng nghề nghiệp của họ, trong khi “những người tội lỗi” được định
nghĩa bằng nhân cách đạo đức của họ. Thỉnh thoảng “những người thu thuế” đi
chung với “những cô gái điếm” (cũng là những người tội lỗi) (Mt 21,31.32). Người
thu thuế cũng được đồng hóa với người tội lỗi (x. Lc 19,7). Điều mà cặp nhân vật
này có chung là họ đều bị những người Do Thái đương thời khinh bỉ, ghét bỏ.[3]
Những người thu thuế bị ghét bỏ, vì họ là những người làm việc cho đế quốc. Nhất
là, họ thường tham lam “thu hơn những gì đã được ấn định” (Lc 3,13) và gây đau
khổ cho những người đồng hương. Những người tội lỗi bị khinh dể, vì họ xa rời
Thiên Chúa, tách ra khỏi Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện. May mắn thay, cặp nhân
vật này là những đối tượng mà Đức Giêsu muốn kêu gọi: “Ta không đến để kêu gọi
người công chính mà là những người tội lỗi” (Mc 2,17; Mt 9,13; Lc 5,32). Bằng
chứng là họ thường được Đức Giêsu đồng hành, dạy dỗ, ăn uống với (Mc 2,15; Lc
5,30; 7,34; 15,1). Trong bối cảnh này, một người thu thuế tự nhận mình là một
người tội lỗi. Tác giả Luca ghi lại nhiều chi tiết tích cực về những người thu
thuế: (1) Những người thu thuế đến xin chịu Phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả và hỏi
ông về điều mà họ phải làm để tỏ lòng hoán cải (Lc 3,12); (2) Những người thu
thuế nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Công Chính (Lc 7,29); (3) Dụ ngôn người thu
thuế cầu nguyện qua việc nhìn nhận tội lỗi của mình và được nên công chính (Lc
18,9-14); (4) Ông Dakêu, thủ lãnh những người thu thuế, hoán cải và được cứu độ;
(5) Ơn gọi của ông Lêvi, một người thu thuế (chuyện này cũng có trong Mc và
Mt).
“Những người Pharisêu”[4]
được định danh bằng lối sống của họ. Pharisêu:
Là một nhóm tôn giáo (phái) sùng đạo Do Thái. Pharisaios trong tiếng Hy Lạp có
nguồn gốc từ động từ “paras” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “tách
ra”, “phân chia ra”. Đây là một nhóm những người đạo đức giữ luật một
cách chặt chẽ tách ra khỏi những người vô luật lệ và vô thần; “nhiệm nhặt nhất”
trong Do Thái giáo, theo lời của ông Phaolô (Cv 26,5). Luật lệ là trung tâm của
suy nghĩ của họ và đời sống thực hành của họ. Sử gia Josephus tường thuật rằng
“những người Pharisêu đã đưa ra cho người dân một loạt những luật lệ mà họ tiếp
nối truyền thống cha ông của họ, những điều không được chép trong Luật Môsê”. Những
người Pharisêu rất được đa số người Do Thái tôn trọng và những chỉ dẫn liên
quan đến thờ phượng, cầu nguyện và lối sống công chính của họ có ảnh hưởng sâu
sắc trên tôn giáo Do Thái.[5]
Các tác giả Tin Mừng rất nhiều lần mô tả những người Pharisêu như là đối thủ
tranh luận với Đức Giêsu nhiều vấn đề (thanh sạch, Sabát, giữ chay, li dị…), có
những âm mưu gài bẫy Đức Giêsu (Lc 11,54; Mt 22,15; Mc 12,13). Họ được mô tả
như những người giả hình, sống đạo hình thức (Mc 7,6; Mt 23; Lc 12,1); Là “những
người làm ra vẻ công chính trước mặt người đời” (Lc 16,15). Gay gắt nhất, là họ
có ý định giết Đức Giêsu (Mc 3,6). Trong bối cảnh này, người Pharisêu được mô tả
như một mẫu hình tự tin về mức độ công chính của mình.
3. Đi lên đền thờ cầu nguyện[6]
… đi xuống về nhà: Đây là
hai hướng đi phân chia hai phần trong dụ ngôn. Đền thờ là nơi người ta đến để cầu
nguyện. Đền thờ ở đây có thể hiểu là đền thờ Giêrusalem, trung tâm cũng những
thực hành phụng thờ và dâng hiến lễ của người Do Thái từ thời vua Giôsigia
(640-609 BCE)[7].
Tác giả Luca nhiều lần đề cập đến đền thờ như là một nơi cầu nguyện cho cá nhân
và tập thể cả trong sách Tin Mừng thứ ba và sách Công Vụ (Lc 1,9; 18,10; 19,46;
24,53; Cv 2,46; 3,1; 22,17). Lúc đi lên đền thờ, cả hai người cầu nguyện ở
trong hai tâm trạng và tình trạng khác nhau. Lúc trở về nhà, họ cũng vẫn ở
trong tâm trạng và tình trạng khác nhau nhưng đảo ngược trở lại.
4. Đứng vững … ở đằng xa, cứ không ước mong ngước mắt lên trời, cứ đấm ngực: Hai
tư thế khác nhau diễn tả hai thái độ và tâm trạng khác nhau. Có nhiều tư thế cầu
nguyện khác nhau, nhưng “đứng” là tư thế phổ biến nhất (x. 1 Sm 1,26; 1 V
8,14.22; Mt 6,5; Mc 11,25). Tư thế, đứng vững của người Pharisêu cho thấy ông rất
tự tin, và hãnh diện trong đền thờ, trước nhan Chúa. Một chút dữ liệu để minh họa
thêm cho cung cách người Pharisêu trong đền thờ: Họ “thích ngồi ghế đầu trong
các hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng” (Lc 11,43; Cf. Mt
23,6-7). Vị trí của họ nơi các hội đường phải là vị trí quan trọng nhất, nhưng
không phải để gần Chúa cho bằng được danh dự trước mặt người khác. Trong khi tư
thế của người Pharisêu được mô tả ngắn gọn bằng một động từ ở thể phân từ: “Đứng
vững” (một động từ ở mệnh đề phụ), tư thế và hành động của người thu thuế được
mô tả chi li hơn: Anh đã đứng đằng xa, không ước mong ngước mắt lên trời, cứ đấm
ngực.[8]
Động từ mô tả tư thế của người Pharisêu được chia ở thì aorist, diễn tả một hành
động đơn lẻ, đã kết thúc (σταθεὶς: Đã đứng), trong khi động từ dùng cho người thu
thuế được dùng ở thì hoàn thành (ἑστὼς), diễn tả một hành động kéo dài trong quá khứ, đã
kết thúc và hiệu quả vẫn còn tiếp diễn. Hai động từ chính mô tả “người thu thuế”,
đều được dùng ở thì chưa hoàn thành, diễn tả những hành động đang tiếp diễn,
hay lặp lại liên tục: “Cứ không ước muốn ngước mắt lên trời (οὐκ
ἤθελεν ὐδὲ τοὺς ὀφθαλμοὺς ἐπᾶραι εἰς τὸν οὐρανόν ), mà “cứ đấm ngực hoài” (ἔτυπτεν τὸ
στῆθος αὐτου). “Ngước mắt lên”
là động tác phổ biến trong cầu nguyện. Đức Giêsu thường ngước mắt lên khi Người
cầu nguyện (Mt 14,19; Mc 6,41; 7,34; Lc 9,16; Ga 11,41; 17,1). Không ngước mắt
lên trời là hình ảnh vừa xấu hổ, vừa hối hận và khiêm hạ, biết thân, biết phận.
“Đấm ngực” cũng là hành động đau buồn, hối hận về lỗi lầm của mình.[9]
Người thu thuế hành động liên tục mà chỉ nói có một câu duy nhất, ngược lại,
người Pharisêu, hành động ít mà nói nhiều, kể lể nhiều.
5. Cầu nguyện về chính mình… tạ ơn Chúa: Cụm giới từ “hướng về chính mình” (πρὸς ἑαυτὸν) được đặt ngay sau động
từ “đứng” và trước động từ “cầu nguyện”. Nó có thể bổ nghĩa cho động từ đứng:
“Đứng hướng về mình”, và cũng có thể bổ nghĩa cho động từ “cầu nguyện”: “Cầu
nguyện hướng đến mình”. Khi cụm giới từ này bổ nghĩa có cầu nguyện, nó cũng
mang đến hai cách hiểu: “Cầu nguyện thầm”, hoặc là “cầu nguyện đề cập đến
mình”. Dù nó bổ nghĩa cho động từ nào đi nữa, thì cụm từ này vẫn cho thấy rằng trọng
tâm mà người này hướng về không hẳn là Chúa, dẫu rằng anh ta vẫn thưa: “Lạy Chúa”
(ὁ θεός). Năm lần đề cập đến
chủ ngữ “tôi”, cho thấy trọng tâm được đặt nơi người cầu nguyện chứ không phải
Chúa.[10]
Ngược lại, người thu thuế, dù không ngước mắt lên trời thì trọng tâm mà anh hướng
về vẫn là Chúa. Tạ ơn Chúa là một điều rất chính đáng và tốt lành, nhưng những
điều anh ta kể ra sau đó thì lại có dấu hiệu không phải là một tâm tình tạ ơn
đích thực vì anh không ca tụng những việc Chúa làm mà ca tụng những việc mình
làm. Hơn nữa, anh móc nối nói xấu, tố cáo người khác.[11]
6.
Không
như những người khác: những kẻ tham lam, những kẻ bất chính, những kẻ ngoại
tình … hoặc như người thu thuế kia: Nội dung lời tạ ơn của người Pharisêu
càng làm lộ rõ trọng tâm mà người này hướng về. Ông tạ ơn Chúa nhưng lại tố cáo
người khác với một cái nhìn tiêu cực. “Những kẻ tham lam, những kẻ bất chính,
những kẻ ngoại tình” có thể dịch cách khác là “Những kẻ cướp bóc, những kẻ làm
điều xấu, những kẻ ngoại tình”. Đây chính là những người vi phạm Thập Điều (Xh
20,14-15; Đnl 5m17-18).[12]
Cấu trúc đối xứng cho thấy hai phần đối xứng: “những người khác” đối xứng với
“người thu thuế kia”. Vì vậy, những loại người tham lam, bất chính, ngoại tình đồng
nghĩa với “những người khác”, cũng đồng nghĩa với “người thu thuế kia”. Trên thực
tế, những người thu thuế thường bị xem là những người tham lam, vì họ thường
thu thêm mức thuế đã được ấn định nhằm trục lợi và bỏ túi riêng. Chính vì thế,
khi những người thu thuế đến chịu phép rửa và hỏi ông Gioan Tẩy Giả rằng “chúng
tôi phải làm gì”, ông trả lời rằng: “Đừng thu nhiều hơn mức đã được ra lệnh cho
các ông” (Lc 3,12-13). Họ bị xem là những người tội lỗi (Lc 19,7). Chính người
thu thuế cũng nhìn nhận mình là “người tội lỗi” (Lc 18,13). Tuy nhiên, cũng nên
nhớ rằng những người Pharisêu cũng bị xem là những người “ham mê tiền của”: “Những
người Pharisêu yêu thích của cải cứ nghe tất cả những điều ấy là cứ nhạo cười Đức
Giêsu” (Lc 16,14). “Tất cả những điều ấy” là những điều Đức Giêsu khuyên “hãy lấy
tiền của bất chính mà mua lấy những người thân”… “không thể làm đầy tớ của cả
Thiên Chúa và Tiền Của được” (x. Lc 16,9-13). Họ bị Đức Giêsu kết án là “nuốt hết
nhà cửa của các bà góa và giả vờ cầu nguyện lâu giờ” ( Lc 20,47; Mc 12,40; Mt
23,14). Thật là trùng hợp, trong bối cảnh này người Pharisêu cầu nguyện dài
hơn, kể lể nhiều hơn người thu thuế, và không hướng về Chúa trong lúc cầu nguyện.
Có thể, đây là một ví dụ của thói quen giả vờ cầu nguyện. Nếu như ông ta giả vờ
cầu nguyện thì những điều ông nói chưa chắc là thật. Đức Giêsu cũng tố cáo những
người Pharisêu là những người “tự cho mình công chính trước mặt người đời”:
“Các ông là những kẻ tự cho mình công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên
Chúa hiểu thấu lòng các ông” (Lc 16,15). Điều mà người ta có thể thấy rõ là ông
ngạo nghễ “khinh chê người khác” ngay trước mặt Chúa. Ông xem thường người thu
thuế đang hiện diện trong đền thờ cùng với ông.
(a) không như những người khác (b) tham lam,
bất chính, ngoại tình (a’) không như người thu thuế kia |
7.
Giữ
chay … đóng thuế thập phân: Ngoài những đặc tính xấu mà ông đã không làm,
người thu thuế tiếp tục kể ra những thực hành đạo đức của mình: Giữ chay một tuần
hai lần[13];
Dâng một phần mười những hoa lợi ông thu được. “Giữ chay” là một thói quen đạo
đức rất cơ bản và cần thiết trong thực hành tôn giáo của những người đạo đức Do
Thái. Theo luật, họ chỉ bắt buộc giữ chay vào Ngày Chuộc Tội – ngày thứ mười của
tháng thứ bảy (Ds 29,7; Lv 16,29.31; 23,27.29.32). Giữ chay hàng tuần và hai lần
thuộc về lãnh vực đạo đức tự nguyện.[14]
Những người Pharisêu giữ chay và các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả cũng giữ chay
(Mc 2,18; Lc 5,33). Bà góa Anna hằng ở trong đền thờ, giữ chay và cầu nguyện
(Lc 2,37). Các tín hữu thời sơ khai cũng giữ chay (Cv 13,2). Đức Giêsu cũng giữ
chay bốn mươi đêm ngày trước khi bước vào hành trình rao giảng công khai (Lc
4,1-13; Mt 4,1-11; Mc 1,12-13). Ngoài thực hành “giữ chay”, hai thực hành “cầu
nguyện” và “phân phát từ thiện” là những thực hành không thể thiếu của những
người Do Thái đạo đức. Những người Pharisêu thực hành đầy đủ ba việc lành này.
Người Pharisêu trong câu chuyện này luôn thực hiện hai trong số ba việc đạo đức
vừa kể (cầu nguyện và giữ chay). Đức Giêsu đã dạy cẩn thận về cách thức và thái
độ cần có, khi thực thi những truyền thống đạo đức này (x. Mt 6,1-18). Điều Đức
Giêsu nhấn mạnh về cung cách cần có khi cầu nguyện là “sự kín đáo”, “khiêm hạ”,
“không có ý phô trương cho người ta biết”, “chỉ cần Cha, Đấng hiện diện nơi kín
đáo và thấu suốt những gì kín đáo” biết là được. Người Pharisêu trong câu chuyện
này đã làm ngược lại chỉ dẫn của Đức Giêsu. Ông phô trương về chiến công giữ
chay đều đặn hằng tuần của mình. Việc đóng thuế thập phân (1/10) hoa lợi của
cây cối và đàn vật được quy định cụ thể trong các sách Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị
Luật: “Mọi thuế thập phân đánh vào đất, trích từ sản phẩm của đất và từ hoa
trái của cây cối, đều thuộc về Chúa. Đó là của thánh dâng cho Chúa” (Lv 27,30;
Cf. Lv 27,32; Đnl 14,22-29; 12,17-19; 26,12-15). Con cái Lêvi vì không được
chia phần đất và có công phục vụ Lều Hội Ngộ, nên họ được Chúa cho hưởng thuế
thập phân dân Ítrael nộp (Ds 18,21.24). Các thầy Lêvi chịu trách nhiệm thu thuế
thập phân và trích một phần mười dâng cho Đức Chúa, còn lại chín phần thì họ được
hưởng dùng (x. Ds 18,25-32). Sách Samuel nói đến việc vị vua tương lai sẽ đánh
thuế thập phân “lúa mạch” và “vườn nho” (1 Sm 8,15); “chiên dê” (1 Sm 8,17). Đức
Giêsu nhìn nhận rằng những người Pharisêu thực hành đóng thuế thập phân “bạc
hà, vân hương, và đủ thứ rau củ”, nhưng phê bình họ “làm lơ sự công bình và
lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11,42; Mt 23,23: “Bỏ những điều quan trọng nhất
trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín”). Như vậy, những thói quen đạo
đức của người Pharisêu là thật, nhưng điều đáng nói là sự phô trương, kể công,
so sánh với người thu thuế, và những người khác. Hơn nữa, như Đức Giêsu nói, họ
có thể thực hành những việc đạo đức ấy nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng
hơn.
8.
Xin
tha thứ (thương xót) … kẻ tội lỗi: Lời cầu nguyện của người thu thuế thật
ngắn gọn: “Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con, người tội lỗi” (ὁ θεός, ἱλάσθητί μοι τῷ ἁμαρτωλῷ).
Nó bao gồm một tiếng kêu (Lạy Chúa!), một lời cầu xin (Xin tha thứ cho con) và
một sự nhìn nhận thân phận yếu đuối, lý do cần được tha thứ (người tội lỗi). Động
từ “tha thứ” (ἱλάσκομαι) có nghĩa rộng hơn là “thương xót” (tỏ lòng từ bi): “Lạy
Chúa! Xin thương xót con”. Chính vì thế, điều mà Chúa ban cho ông, không đơn
thuần là một sự tha thứ, nhưng là một tình trạng công chính hoàn toàn. Lời cầu
nguyện này âm vang lời cầu nguyện của ông Phêrô trong lần đầu tiên gặp Đức Giêsu:
“Lạy Chúa! Xin rời xa con, vì con là một người đàn ông tội lỗi” (Lc 5,8). Tuy vậy,
Đức Giêsu chẳng những rời xa ông mà còn mời gọi ông gắn bó với Người mãi mãi,
trở thành những người chài lưới người ta (Lc 5,10-11). Lời cầu nguyện của “người
thu thuế” phù hợp với tư thế của ông, từ lúc bước vào đền thờ: “Đứng đằng xa, cứ
không ao ước ngước mắt lên trời, cứ đấm ngực hoài”. Ông nhìn nhận mình là người
tội lỗi. Người tội lỗi đồng nghĩa với người bất chính và đối lại với người công
chính. Trong bối cảnh này, ông đối lại với “người Pharisêu”, người tự tin rằng
mình công chính. Chính qua sự nhìn nhận mình “là người tội lỗi” và xin ơn tha
thứ, người thu thuế bỗng trở nên gần gũi Chúa hơn.[15]
Như đã nói trên, người thu thuế, và người tội lỗi chính là đối tượng Đức Giêsu
tìm kiếm (Lc 5,32; Mc 2,17). Đức Giêsu cũng không ngừng ban ơn tha thứ cho những
người tội lỗi tìm đến Người (Lc 5,20.23). Tác giả Luca có những dữ liệu riêng, nói
về lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu: “Người phụ nữ được tha thứ nhiều” (Lc
7,36-50); Dụ ngôn “ba trong một” nói về lòng thương xót, tha thứ (Lc 15,1-32); Câu
chuyện về ơn cứu độ dành cho người thủ lãnh của những người thu thuế tên là Dakêu
(Lc 19,1-10).
9. “Được công bố công chính rồi”: Lời cầu nguyện đơn giản của “người thu thuế” mang lại hiệu quả lớn lao: “Được công bố là công chính”. Động từ “làm cho nên công chính” được chia ở thể bị động (được làm cho nên công chính) với tác nhân là Thiên Chúa, và ở thì “hoàn thành”, diễn tả một hành động kết thúc mà hiệu quả vẫn còn trong hiện tại.[16] “Người thu thuế” được “làm cho nên công chính” ngay sau lời cầu nguyện của ông, nhưng tình trạng “công chính” còn kéo dài mãi cho đến lúc ông về nhà và có thể kéo dài hơn cả cuộc đời ông. Có một mối dây liên hệ giữa “những người được chọn”, “những người có lòng tin” trong đoạn văn trước đó (Lc 18,1-8) và “người thu thuế” trong đoạn văn này. Thật vậy, trong đoạn văn trước đó, Đức Giêsu hứa rằng Thiên Chúa sẽ minh xét cho những người được tuyển chọn kêu lên Người ngày và đêm. Trong đoạn văn này, Thiên Chúa đã mang lại sự công chính cho “người thu thuế”. “Sự công chính” của “người thu thuế” trong bối cảnh này được hiểu là được tha thứ mọi tội lỗi, được chữa lành nội tâm, và trở nên tinh tuyền trước mặt Chúa. “Người công chính” là người được hưởng ơn cứu độ, trong thời cánh chung. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ là: “Nếu anh em không công chính hơn những người Kinh Sư và những người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20); “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (Mt 13,43); “Đến ngày tận thế… các thiên sứ sẽ xuất hiện và tách biệt người xấu ra khỏi hàng ngũ những người công chính” (Mt 13,49; “Người công chính ra đi để được hưởng sự sống đời đời” (Mt 25,46). Cùng với việc công bố “người thu thuế” “đã được làm cho nên công chính”, Đức Giêsu cũng công bố “hơn là người kia”, ngụ ý rằng, người Pharisêu không được làm cho nên công chính. Người Pharisêu ngay từ đầu đã tự tin rằng mình không như những người khác, “những người tham lam, những người bất chính, những người ngoại tình”, và thực hành những hành vi đạo đức như “giữ chay” và “đóng thuế thập phân”. Ông tự công bố mình công chính trước mặt Chúa và người khác, nên ông không cần Chúa công bố nữa (Lc 16,15). Có thể đây chính là loại người công chính mà Đức Giêsu gọi là “chín mươi chín người công chính” không cần phải hoán cải, còn một người tội lỗi hoán cải chính là “người thu thuế”: “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải hoán cải” (Lc 15,7.10). Đức Giêsu nhiều lần cho thấy người ta không thể chỉ thi hành Luật Chúa mà không yêu thương người thân cận (Lc 10,25-37; Mt 19,16-22; 22,34-40).
10. Người tự nâng mình lên … người tự hạ mình xuống: Câu kết của Đức Giêsu sau dụ ngôn này rõ ràng nhắm đến hai nhân vật cụ thể. Người tự nâng mình lên rất có thể là “người Pharisêu”, còn người hạ mình xuống rất có thể là “người thu thuế”. Khi đi lên đền thờ cầu nguyện, ông đã nâng mình lên thành một người công chính hoàn hảo, nhưng khi đi xuống về nhà, ông đã bị hạ xuống vì ông không được Chúa nhìn nhận là công chính. Ngược lại, người thu thuế đi lên đền thờ trong tâm thế của một người tội lỗi, bất chính, lại đi xuống về nhà, với một tình trạng công chính, sạch tội trước mặt Chúa. Thực ra, “người thu thuế” không tự hạ mình xuống, ông chỉ nhìn nhận đúng tình trạng của mình, một người bất chính, một người tội lỗi. Sự đảo ngược mang tính thần linh được Đức Maria diễn tả trong bài ca Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dep tan người lòng trí kêu căng; Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52). Ngoài lần này ra, tác giả Luca còn ghi lại câu nói này trong một bối cảnh khác. Đó là bối cảnh nói về những người thích chọn chỗ nhất trong các đám tiệc (Lc 14,7-11). Tác giả Mátthêu lại đặt câu nói này trong một bối cảnh Đức Giêsu dạy các môn đệ tránh để ai gọi mình là “thầy”, phục vụ nhau trong tình huynh đệ: “Đừng để ai gọi mình là thầy vì anh em chỉ cao một thầy, còn tất cả anh em đều là những người anh em của nhau” và “trong anh em, người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” (Mt 23,8-12). Rõ ràng, khi đặt trong bối cảnh khác nhau, các tác giả, muốn độc giả hiểu câu nói này khác nhau.
Bình luận tổng quát
Dụ ngôn “hai người đi lên đền thờ cầu nguyện” được kể trong bối cảnh có những người tự tin rằng mình là người công chính và khinh thường những người khác. Hai thái độ, cách thức cầu nguyện khác nhau khi đi lên đền thờ cầu nguyện của hai người khác nhau đã dẫn đến hai hiệu quả trái ngược nhau khi đi xuống về nhà. Người Pharisêu trong tư thế đứng, hướng về chính mình, kể lể rất nhiều điều tiêu cực ông ta đã tránh làm và nhiều điều tích cực ông ta đã và đang làm. Những thực hành đó vốn là những thực hành cần thiết của một người đạo đức, trung thành với Lề Luật. Tuy nhiên, tự những thực hành ấy không làm cho người ta nên công chính, nếu như người làm chỉ vì thói quen, hay vì để tôn vinh bản thân, để tự hào, phô trương trước Thiên Chúa và người khác khi có dịp. Hơn nữa, nếu người ta dùng những thực hành ấy để khinh chê những người không làm được như mình thì mọi công sức đều đổ sông đổ biển hết. Người Pharisêu đã có những thực hành không tệ chút nào (không tham lam, không bất chính, không ngoại tình, giữ chay đều đặn hai lần mỗi tuần, đóng thuế thập phân), nhưng trong một khoảnh khắc cầu nguyện, ông cho thấy mình mất nối kết với cả Chúa và tha nhân một cách hoàn toàn. Ông hướng về chính mình và kể lể công trạng của mình trước Chúa; Ông hướng về người thu thuế với cái nhìn khinh thường (không như những người khác, và không như người thu thuế kia). Khi đề cập đến người khác, và người thu thuế với những tật xấu, người Pharisêu dường như đóng vai trò một nguyên cáo đang tố cáo những người này với Chúa. Buổi cầu nguyện lẽ ra là một sự kết nối chặt chẽ với Chúa, với chính mình và với tha nhân, thì lại trở thành một buổi tôn vinh công trạng bản thân trước Chúa và miệt thị người khác. Thái độ của người Pharisêu có thể được xem như một cách thức thần tượng hóa bản thân, mà quên đi Chúa mới là vị thần ông tôn thờ.[17] Ông tự tin bước vào đền thờ với tâm thế của một người công chính, nhưng ông lại bước ra đó trong tình trạng một người bất chính vì sự khoe khoang, khoác lác, cao ngạo và khinh thường người khác. Người thu thuế dường như không có công trạng nào để kể với Chúa. Có thể ông đã sống một đời sống tội lỗi, đã từng tham lam, bất chính và cả ngoại tình nữa. Điều quý giá duy nhất mà ông có là sự thành tâm và tín thác. Ông thẳng thắn, thành tâm nhìn nhận chính con người thật của mình và đợi trông vào lòng từ bi, thương xót của Chúa.[18] Ước mơ hoán cải, cùng với lòng tín thác vào tình thương của Chúa đã giúp ông nối kết chặt chẽ với Người. Dù ông đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, luôn đấm ngực, ông vẫn rất gần Chúa, vì ông chính là đối tượng mà Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn tìm kiếm và đợi chờ. Có thể nói rằng, thoạt tiên có vẻ như ông chủ động đi tìm Chúa trong giây phút cầu nguyện ở đền thờ, nhưng thực ra Chúa hằng luôn tìm kiếm và chờ đợi ông. Sau lời cầu xin ngắn ngủi với những cử chỉ hối hận, xấu hổ, thành khẩn, tín thác và hy vọng, Thiên Chúa đã công chính hóa ông. Người đã rút ngắn khoảng cách “từ đằng xa” trong đền thờ giữa ông với Người. Khi đi xuống và trở về nhà ông trở nên người công chính, được ở gần với Chúa, và nhất là được hưởng phần thưởng dành cho người công chính, là sự sống viên mãn, tròn đầy, vĩnh cửu với
Chúa.
Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD
[1] “Tax collectors bid
for and purchased the right to collect taxes for a specific region, and various
kinds of taxes were levied: poll taxes, land taxes, toll charges on travel and
the transportation of goods from one region to another, sales taxes, and
inheritance taxes” [K.R. Snodgrass, Stories
with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids
2018) 360].
[2]
Xem thêm về “người thu thuế và người tội lỗi” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: NIỀM VUI DƯỚI ĐẤT, NIỀM VUI TRÊN TRỜI
(josephpham-horizon.blogspot.com).
[3]
“In this Gospel they stand for the outcasts, the irreligious, and the immoral;
in this episode they flock to Jesus as they had to John the Baptist in 3:12–13,
anxious to hear him” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV.
Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008)
28A, 1075].
[4]
Xem thêm “các Kinh Sư và những người Pha-ri-sêu” trong LỜI
BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: BÀN TAY Ô UẾ HAY LÒNG NGƯỜI KHÔNG
THANH SẠCH. Chú Giải Tin Mừng CN XXII TN B (Mc 7,1-8.14-15.21-23)
(josephpham-horizon.blogspot.com).
[5] K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 360; “Here one is
mentioned as a type or representative of faithful Jewish observers of Mosaic
regulations”
[J.A. Fitzmyer, The
Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New
Haven – London 2008) 28A, 1186].
[6] “Although people
certainly prayed at other times, the customary hours for prayer were 9:00 a.m.
and 3:00 p.m. at the morning and afternoon sacrifices (cf. Acts 2:15;3:1).
After the sacrifice and during the burning of incense, the congregation
gathered to observe the proceedings and to offer prayers (m. Tamid 5.1;
cf. Sir 50:5-18; Jdt 9:1)” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 360-361); “two periods were reserved for public prayer: at the
third hour of the day or about 9 a.m.
(see Acts 2:15) and at the ninth hour or about 3 p.m. (see Acts 3:1)” (J.A.
Fitzmyer, The
Gospel according to Luke X–XXIV, 1186).
[7]
Xem thêm VG. Willem, “Josiah King of Judah”, trong The Complete Who’s Who in the Bible (ed. P.D. Gardner) (Grand
Rapids 1995) 382-385.
[8] “The Pharisee’s
posture is described briefly while his prayer is long; the tax collector’s
prayer is brief, but his posture is described at length” (K.R.
Snodgrass, Stories with Intent, 359).
.
[9]
J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1188; “Averting his
eyes, beating his breasts – these are demonstrations of humility and shame that
are consistent with his request for divine favor” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 649].
[10] “Usually the Pharisee’s prayer is understood to be
pretentious, prideful, and self-righteous, particularly with its fivefold
reference to “I”
(K.R. Snodgrass, Stories with Intent,
363).
[11]
“What is striking is (1) that the Pharisee’s prayer begins like a thanksgiving
psalm, but never enumerates the divine actions for which one is thankful. For
God’s acts, the Pharisee has substituted his own. (2) It is also telling that
this Pharisee seems to place himself (and presumably those with similar
practices) in one camp and all others
in the category of thieves, rogues, and adulterers. With this list, he seems to
have caricatured every form of possible si – robbery, reprobation, and
immorality – and declared all other humans as guilty of them” (J.B. Green,
The Gospel of Luke, 648).
[12]
J.A.
Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1187.
[13] “In bT Ta'anith 12a, the days Monday and Thursday are
given as examples of a private pledge to fast, but in general the tradition is
cautious concerning private fasting as it is about other forms of asceticism.
This Pharisee was boasting, in other words, of an asceticism beyond the norm” [L.T. Johnson, The
Gospel of Luke (SP3; Collegeville 1997) 272]; “Let not your fasts be with the hypocrites, for they fast on
Mondays and Thursdays, but you fast on Wednesdays and Fridays” (Didakhe
8,1).
[14] “In fasting twice a week, apparently on Monday
and Thursday,the Pharisee probably viewed himself as fasting to make atonement
for all of Israel” (K.R. Snodgrass, Stories
with Intent, 360)
[15]
“By the confession of his sinful condition, the toll-collector finds in God’s
sight the status of uprightness, that status for which the Pharisee himself was
striving by the avoidance of thievery, adultery, and evildoing as well as by
his fasting and tithing” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according
to Luke X–XXIV, 1184).
[16] “The verb dikaioo is here used in the perfect passive,
making it clear that it is God who does the justifying: God considers him
righteous” (Ibid.).
[17] “The love of God can so easily tum into an idolatrous
self-love; the gift can so quickly be
seized as a possession; what comes from another can so blithely be
turned into self-accomplishment. Prayer can be transformed into boasting.” (L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 274).
[18] “In contrast, the tax-agent is utter simplicity and truth.
Indeed, he is a sinner. Indeed, he requires God's gift of righteousness because
he has none of his own” (Ibid.).
No comments:
Post a Comment