Thursday, 18 August 2022

TÔI KHÔNG BIẾT CÁC NGƯƠI TỪ ĐÂU ĐẾN. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXI TN C (Lc 13,22-30)

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hỵ Lạp

Việt

22 Καὶ διεπορεύετο κατὰ πόλεις καὶ κώμας διδάσκων καὶ πορείαν ποιούμενος εἰς Ἱεροσόλυμα.

 23 Εἶπεν δέ τις αὐτῷ· κύριε, εἰ ὀλίγοι οἱ σῳζόμενοι; ὁ δὲ εἶπεν πρὸς αὐτούς·

 24 ἀγωνίζεσθε εἰσελθεῖν διὰ τῆς στενῆς θύρας, ὅτι πολλοί, λέγω ὑμῖν, ζητήσουσιν εἰσελθεῖν καὶ οὐκ ἰσχύσουσιν.

 25 ἀφ᾽ οὗ ἂν ἐγερθῇ ὁ οἰκοδεσπότης καὶ ἀποκλείσῃ τὴν θύραν καὶ ἄρξησθε ἔξω ἑστάναι καὶ κρούειν τὴν θύραν λέγοντες· κύριε, ἄνοιξον ἡμῖν, καὶ ἀποκριθεὶς ἐρεῖ ὑμῖν· οὐκ οἶδα ὑμᾶς πόθεν ἐστέ.

 26  τότε ἄρξεσθε λέγειν· ἐφάγομεν ἐνώπιόν σου καὶ ἐπίομεν καὶ ἐν ταῖς πλατείαις ἡμῶν ἐδίδαξας·

 27 καὶ ἐρεῖ λέγων ὑμῖν· οὐκ οἶδα [ὑμᾶς] πόθεν ἐστέ· ἀπόστητε ἀπ᾽ ἐμοῦ πάντες ἐργάται ἀδικίας.

 28 ἐκεῖ ἔσται ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων, ὅταν ὄψησθε Ἀβραὰμ καὶ Ἰσαὰκ καὶ Ἰακὼβ καὶ πάντας τοὺς προφήτας ἐν τῇ βασιλείᾳ τοῦ θεοῦ, ὑμᾶς δὲ ἐκβαλλομένους ἔξω.

 29 καὶ ἥξουσιν ἀπὸ ἀνατολῶν καὶ δυσμῶν καὶ ἀπὸ βορρᾶ καὶ νότου καὶ ἀνακλιθήσονται ἐν τῇ βασιλείᾳ τοῦ θεοῦ.

 30 καὶ ἰδοὺ εἰσὶν ἔσχατοι οἳ ἔσονται πρῶτοι καὶ εἰσὶν πρῶτοι οἳ ἔσονται ἔσχατοι.

 (Lk. 13:22-30 BGT)

22 Khi đang đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu thường đi qua các làng mạc và phố thị mà giảng dạy.

23 Một ai đó đã thưa cùng Người: “Thưa Ngài, có phải là những người được cứu độ thì ít?” Người mới nói cùng họ rằng:

24 “Hãy chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp, vì có nhiều người, tôi nói cùng anh chị em, tìm cách đi vào nhưng không thể được.

25 Một khi chủ nhà đã trỗi dậy và đóng cửa lại, mà anh chị em bắt đầu đứng ở ngoài và gõ cửa nói rằng: “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi, và từ bên trong ông trả lời cùng anh chị em rằng: ‘Tôi không biết các ông từ đâu đến?’”

26 Lúc đó, anh chị em bắt đầu nói rằng: “Chúng tôi đã ăn và uống trước mặt Ngài và Ngài đã dạy trên đường phố của chúng tôi

27 Từ bên trong ông ấy sẽ nói cùng anh chị em: “Tôi không biết các ngươi từ đâu đến, hãy biến khỏi tôi, hỡi những kẻ làm điều bất chính

28 Ở đó sẽ có kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng, khi anh chị em nhìn thấy ông Ápraham, ông Ixaác, ông Giacóp tất cả các ngôn sứ ở trong nước của Thiên Chúa, còn anh chị em bị tống ra ngoài.

29 Người ta sẽ đến từ phía Đông, phía Tây, phía Nam và phía Bắc, và ngồi dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30 Và kìa, những người ở vị trí cuối cùng sẽ là những người ở vị trí trước hết, còn những người ở vị trí trước hết sẽ là những người ở vị trí cuối cùng.”

Bối Cảnh: Trạng ngữ chỉ thời gian “khi đang trên đường đi vào Giêrusalem” (πορείαν ποιούμενος εἰς Ἱεροσόλυμα), nhắc các độc giả nhớ rằng, Lc 13,22-30 là một trong những trình thuật về những hoạt động của Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (9,51 – 19,27). Chủ đề về Nước Thiên Chúa, là một trong nội dung giảng dạy quan trọng trên đường lên Giêrusalem. Ngay trước câu chuyện này, Đức Giêsu kể hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa: “Dụ ngôn hạt cải” (Lc 13,18-19); “Dụ ngôn nắm men trong bột” (Lc 13,20-21). Trong câu chuyện này, Người bàn đến cách thức làm thế nào để vào Nước Thiên Chúa. Đây là một chủ đề khá phổ biến nối kết các trình thuật trong giai đoạn này. Mối quan tâm về bí quyết để sở hữu được sự sống đời đời được lặp lại đến hai lần trong loạt trình thuật về hành trình lên Giêrusalem (Lc 10,25-28;18,18-23). Hình ảnh về hình phạt cánh chung “người khóc lóc và người nghiến răng” là hình ảnh rất phổ biến trong những trình thuật của Đức Giêsu về cánh chung, được ghi lại thường xuyên hơn trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 8,12; 13,42.50; 22,13; 24,51; 25,30). Hình ảnh nhiều người không thể vào phòng tiệc nhắc nhớ đến dụ ngôn người “mười cô trinh nữ” trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 25,1-13).

Cấu trúc

Bối cảnh: Đức Giêsu giảng dạy trên đường lên Giêrusalem (22)

Câu hỏi của một người: Số lượng người được cứu độ thì ít, có phải không?

Trả lời của Đức Giêsu:

Chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp (24a)

Nhiều người tìm cách vào mà không thể (24b):

Chủ nhà đã trỗi dậy và đóng cửa lại (25a)

Cầu xin: “Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi” (25b)

Đáp trả: “Tôi không biết các ông từ đâu đến?”(25c)

Minh chứng: Đã từng gặp và nghe Ngài giảng (26)

Đáp trả: “Tôi không biết các ngươi từ đâu đến, hãy biến khỏi tôi (27a)

Căn tính: “những kẻ làm điều bất chính” (27b)

Hình phạt: Sẽ có kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng (28a)

Người được vào và số lượng: Nhiều người từ Đông, Tây, Nam và Bắc (29)

Kết Luận: Vị trí đảo ngược (30)

1.     Đang đi lên Giêrusalem: Hành trình đi lên Giêrusalem được tác giả Luca đánh dấu cách rõ ràng từ Lc 9,51: “Khi những ngày lên trời của Người đến hồi hoàn tất, Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem”. Các trình thuật về chuyến hành trình này kéo dài từ 9,51 – 19,27. Do vậy, có lẽ vì sợ độc giả quên bối cảnh của cuộc hành trình này, mà tác giả thỉnh thoảng phải nhắc lại hành trình này: “Trong khi họ đang hành trình, Đức Giêsu vào làng kia” (Lc 10,38); Đức Giêsu băng qua các thị trấn, làng mạc, giảng dạy và hành trình về Giêrusalem (Lc 13,22; Cf. Lc 13,31.33); Trên hành trình đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi băng qua Samari và Galilê (Lc 17,11); Sau khi mang riêng nhóm Mười Hai ra, Đức Giêsu nói cùng họ rằng: “Này, chúng ta đi lên Giêrusalem” (Lc 18,31.35); và “Sau khi nói những điều ấy, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem” (Lc 19,28; Cf. 19,1.11). Khi nhắc lại bối cảnh đặc biệt này, tác giả cũng muốn độc giả lưu ý hiểu những trình thuật này trong sự nối kết với hành trình khổ nạn – phục sinh của Đức Giêsu tại Giêrusalem.[1] Hơn nữa, tác giả cũng nhắc nhớ đến quyết tâm chịu chết của Đức Giêsu được nói đến ngay sau đoạn này: “Ngôn sứ mà phải chết ngoài Giêrusalem thì không được” (Lc 13,33).

2.     Giảng dạy”: Cùng với việc làm phép lạ, giảng dạy là hành động căn bản trong hành trình sứ vụ của Đức Giêsu. Nội dung giảng dạy trong giai đoạn này là những thông điệp liên quan đến “hành trình Giêrusalem”. Đó là sự giảng dạy ba lần về biến cố “thương khó – phục sinh” (Lc 9,22; 10,43b-45; 18,31-34). Trong bối cảnh trực tiếp, đó là những lời giảng dạy về sự lớn mạnh của Nước Trời (Lc 13,18-21). Nước Thiên Chúa như hạt cải nhỏ bé được gieo trong ruộng, nhưng cây cải lớn lên trở thành nơi cho chim trời làm tổ (Lc 13,18-19). Nước Thiên Chúa cũng giống như nắm men được trộn vào ba thúng bột cho đến khi bột dậy men (Lc 13,20-21). Nội dung giảng dạy cũng liên quan đến thời cánh chung, đến số phận của con người vào thời sau hết. Nếu người ta không hoán cải thì sẽ chết hết (Lc 13,1-5); Nếu cây vả không sinh hoa trái thì sẽ bị chủ chặt bó đi (Lc 13, 6-9). Nội dung giảng dạy trong đoạn văn này cũng liên quan đến thời cánh chung, được Đức Giêsu trình bày, dựa trên câu hỏi của một người: “Số người được cứu thì ít có phải không?”

3.     Những người được cứu độ”: Câu hỏi của một người không định danh liên quan đến số lượng người được cứu độ. Câu hỏi này ẩn chứa một mối nghi ngại rằng có ít người sẽ được cứu.[2] Mối nghi hoặc này gợi nhớ đến bài giảng của Đức Giêsu về những rào cản khiến người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Lc 18,25; Mc 10,25), các môn đệ ngạc nhiên, nói rằng: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Lc 18,26; Mc 10,26; Mt 19,25). Đức Giêsu mới trả lời rằng: “Đối với con người thì không thể, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa” (Mc 10,27; Mt 19,26). “Những người được cứu độ” ở trong bối cảnh này là những người đã chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp, những người làm điều công chính, đối lại với những ở ngoài, làm điều bất chính. Thiên Chúa biết họ từ đâu đến. Họ là những người đã “ở trong”, đang ngồi dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Cụ thể, một trong số họ được kể tên là các tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp và tất cả các ngôn sứ. Theo như dụ ngôn “ông nhà giàu và những người Ladarô nghèo đói” (Lc 16,19-31), thì những người cứu độ còn bao gồm cả ông Ladarô nghèo đói.

4.     “Chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp”: Đức Giêsu không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của người hỏi, nhưng Người đưa ra một lời khuyên về thực tế phải nỗ lực mới đi vào Nước Thiên Chúa được.[3] Trước đó ít lâu, Đức Giêsu đã nói cùng các môn đệ rằng: “Đừng sợ, vì Cha của các con đã vui lòng ban tặng Nước của Người cho các con” (Lc 12,32). Tuy nhiên, để đón nhận được Nước Thiên Chúa, các môn đệ được khuyên là “hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa” đừng có bận tâm quá đến “cái ăn, cái mặc” (Lc 12,22-31). Hơn nữa, họ được mời gọi bán tất cả những gì mình có, để phân phát từ thiện và làm cho mình những túi tiền không bị cũ rách và một kho tàng bền vững trên trời (Lc 12,33). Họ cũng phải tỉnh thức luôn luôn như người đầy tớ đợi ông chủ đi ăn cưới về (12, 35-40) và như người quản gia trung tín khôn ngoan, luôn làm theo ý chủ dù ông chủ có đi bao lâu và về lúc nào (Lc 12,41-44). Những người muốn được cứu độ phải chiến đấu với chính những nỗi lo sợ cho bất ổn của sự sống hằng ngày, để dám phó thác, tin tưởng nơi Chúa và chỉ dành cả cuộc đời để tìm kiếm Nước Thiên Chúa; phải chiến đấu với những đam mê của thân xác, tự do cá nhân, để trung thành với thánh ý của Chúa.[4] Động từ “chiến đấu” được dùng để diễn tả hành động thực tập nhân đức và vâng phục Luật Chúa.[5] Nước Thiên Chúa là một thực tại thần thiêng. Nó vốn không có cửa. “Cửa hẹp”[6] là khái niệm biểu tượng để nói về những khó khăn, cản trở, đòi hỏi người ta phải có nhiều hy sinh, mới làm cho thân xác và tâm hồn mình phù hợp với Nước Chúa. Đức Giêsu thường mời gọi các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23; Mc 8,34; Mt 16,24). Sự chọn lựa, từ bỏ, khắc nghiệt đến mức nhiều khi người ta phải từ bỏ cả những người thân nhất trong gia đình mình (cha, mẹ, con cái, con dâu, mẹ chồng), như Đức Giêsu đã thừa nhận rằng sự hiện diện của Người bao gồm cả sự chia rẽ (Lc 12,51-53). Sự hoán cải được nói đến trong đoạn văn trước đó: “Nếu các người không hoán cải thì các ngươi cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,3.5), cũng được xem là một cuộc chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp.[7]

Đức Giêsu của tác giả Mátthêu đưa đến hai hình ảnh trái ngược. Đối lại với cổng hẹp là “cổng rộng, và ngược lại với đường lớn là lối nhỏ. Đường lớn dẫn đến sự diệt vong, nhưng có nhiều người thích đi qua đó. Ngược lại, “cổng hẹp và đường chông gai dẫn đến sự sống, nhưng người tìm thấy chúng thì ít” (Mt 7,13-14). Tác giả Mátthêu bố trí những lời giảng này trong loạt bài giảng trên núi, thường được gọi là “Hiến Chương Nước Trời” (Mt 5 – 7), nhằm đưa ra những chỉ dẫn căn bản và cốt yếu cho lối sống và lẽ sống của các môn đệ hay con cái Nước Trời.

Đức Giêsu của tác giả Luca không đề cập gì đến “cổng rộng hay đường lớn” cũng như, “sự sống” và “cái chết”. Dầu vậy, trong mạch văn, độc giả có thể hiểu là Đức Giêsu ngụ ý những người chiến đấu để đi qua “cửa hẹp” là “những người được cứu độ” vì Người đang trả lời câu hỏi liên quan đến ơn cứu độ. Đức Giêsu của tác giả Luca thêm chi tiết về lý do “vì nhiều người tìm cách đi vào nhưng họ không thể” (13,24). Nhiều người tìm cách đi vào nhưng thiếu sự “chiến đấu” để đi vào “qua cửa hẹp” thì không thể vào được. Sự khác biệt nằm ở chỗ là phải “chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp”. Cửa hẹp mà Đức Giêsu muốn nói đến trong bối cảnh trên hành trình lên Giêrusalem, rất có thể là cửa hẹp của cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Người.

5.     “Đã trỗi dậy và đóng cửa lại”:  Hình ảnh “cửa đóng” liên quan mật thiết với “cửa hẹp” được nói tới ở trên. Một lần nữa, phải nói rằng, đây không phải là cánh cửa thể lý, mà là một hình ảnh tượng trưng, một sự phân chia, ngăn cách giữa những người được cứu độ và những người không được cứu độ. Những người được cứu độ là những người được vào trong, còn những người ở ngoài là những người không được cứu độ. Đến một thời điểm nào đó, sự phân chia, sự ngăn cách đó sẽ được quyết định và kéo dài vĩnh viễn. Trạng từ “ở ngoài” (ἔξω) và giới từ “ở trong” (ἐν) được dùng nhiều lần trong câu chuyện này, để nhấn mạnh sự phân biệt, ngăn cách rõ ràng giữa hai nhóm người. Thời gian đóng cửa là không xác định (ἀφ᾽ οὗ ἂν, vào bất cứ khi nào, một khi mà). Đây là ngôn ngữ diễn tả tính bất ngờ của biến cố cánh chung. Hình ảnh “đóng cửa” gợi nhớ đến dụ ngôn “mười cô trinh nữ” (Mt 25,1-13) được Đức Giêsu của tác giả Mátthêu kể lại, trong đó, cánh cửa phòng tiệc được đóng lại sau khi chàng rể đi vào cùng với năm cô trinh nữ khôn ngoan. Danh xưng “người chủ nhà” (οἰκοδεσπότης) liên kết với hình ảnh người chủ nhà khôn ngoan không để cho kẻ trộm đột nhập nhà mình, nếu ông ta biết giờ nào kẻ ấy đến (Lc 12,39; Mt 24,43); Nhất là, nó rất giống với hình ảnh người chủ nhà tổ chức tiệc cưới cho con trai của mình, nhưng tất cả khách mời xin kiếu. Cuối cùng, ông sai đầy tớ ra khắp các đường lớn, đường nhỏ của thành phố để mang vào những người nghèo, người bất toại, người mù, và người què (Lc 14, 15-24; Mt 22,1-10). “Chủ nhà” trong câu chuyện này có thể là Thiên Chúa, là vua của Nước Trời, nhưng rất có thể là chính Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đã có lần đồng hóa mình với “chủ nhà”: “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Beeldebul, huống chi là người nhà” (Mt 10,25; Cf. Mt 12,24). Hơn nữa, cách nói “Ngài đã từng giảng dạy trên đường phố của chúng tôi” rất gần gũi với hình ảnh của Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, đi qua các làng mạc và phố thị mà giảng dạy.[8]

6.     Tôi không biết các ngươi từ đâu đến?”: Tương tự như chàng rể trong dụ ngôn “mười cô trinh nữ” (Mt 25,12), ông chủ làm ngơ, không biết những người đang gõ cửa từ đâu đến. “Không biết ai từ đâu đến” là một cách nói chối từ mối liên hệ với một ai đó. Câu phủ định này được lặp lại đến hai lần, diễn tả thái độ dứt khoát, mạnh mẽ, không thay đổi của ông chủ. Khi lặp lại lần thứ hai, ông chủ còn thêm một mệnh lệnh mang tính xua đuổi: “Tôi không hề biết các ngươi từ đâu đến, hãy biến đi khỏi [mắt] tôi” (ἀπόστητε ἀπ᾽ ἐμοῦ). Mệnh lệnh “hãy biến đi khỏi tôi” của ông chủ được Đức Giêsu diễn tả như là “bị tống ra ngoài”, nghĩa là xa cách vĩnh viễn (13,28). Kiểu nói “từ đâu đến?” còn ám chỉ đến lối sống trong quá khứ nữa. Trong sách Khải Huyền, một vị Kỳ Mục đã hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” Và ông đã được trả lời rằng: “Họ là những người đến từ những đau khổ lớn lao; họ đã giặt áo của mình và tẩy trắng chúng trong máu của Con Chiên” (Kh 7,13-14). Căn tính của những người này được xác định bằng quá trình đau khổ mà họ đã trải qua cùng với Con Chiên. Ông chủ trong câu chuyện này không biết những người này từ đâu mà đến, vì họ đã không chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp. Có lẽ, họ đã không chung phần đau khổ với Đức Kitô, không thân quen với Đức Kitô chịu đau khổ. Ao ước  của ông Phaolô là một minh chứng sống động cho sự thân quen đối với sự đau khổ của Đức Kitô: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14).

7.      Ăn và uống trước mặt Ngài và Ngài đã dạy trên đường phốnhững người làm điều bất chínhkẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng. Những người ở ngoài bắt đầu đưa ra những bằng chứng cho thấy họ rất thân quen với ông chủ: Họ đã từng ăn uống trước mặt ông và ông đã từng giảng dạy trên đường phố của họ.[9] Ký ức về những lần “ăn uống trước mặt ông chủ”, có lẽ, muốn nói đến những lần Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn no nê (Lần I: Mc 6,30-44; Mt 14,13-21; Lc 9, 10-17; Lần II: Mc 8,1-10; Mt 15,32-39).[10] Hoạt động “giảng dạy trên đường phố” của ông chủ, có thể ám chỉ hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu trải rộng từ Galilê cho đến Giêrusalem. Có rất nhiều nơi Đức Giêsu đã đi qua và giảng dạy. Cách cụ thể hơn, trong bối cảnh này, Người đang giảng dạy trên những con đường hướng về Giêrusalem.  Những người đang cố nài nỉ ông chủ chính là những người mà Đức Giêsu nói là: Có “ nhiều người tìm cách đi vào nhưng không thể”. Khi ông chủ đuổi những người này đi, ông cho biết căn tính của họ là “những người làm điều bất chính”. Họ được gọi là “những người làm điều bất chính” chứ không phải là những người đã từng làm điều bất chính, mà nay đã thôi. Thói quen luôn làm điều bất chính đã biến họ thành “những người làm điều bất chính” và dẫn đến việc ông chủ đã làm ngơ, coi như không quen biết, vì, lẽ dĩ nhiên, ông chủ của Nước Trời không thể quen biết “những người làm điều bất chính”. Một khi bị đuổi đi và bị tống ra ngoài căn tính của họ bị đổi thành “kẻ khóc lóc và kẻ nghiến răng”. Tác giả dùng hai danh từ với mạo từ xác định cùng với động từ “eimi” ở thì tương lai. Có thể hiểu là: Ở đó, sẽ có “sự khóc lóc” và “sự nghiến răng”, hoặc là, ở đó sẽ có “kẻ khóc lóc”, và “kẻ nghiến răng” (ἐκεῖ ἔσται ὁ κλαυθμὸς καὶ ὁ βρυγμὸς τῶν ὀδόντων). Đây là ngôn ngữ mà Đức Giêsu của Mátthêu thường xuyên sử dụng để nói về hình phạt cánh chung (Mt 13,42; 22,13b; 24,51; 25,30).

Sự quen biết kiểu như “ăn uống trước mặt” ông chủ và ông chủ “thường giảng dạy trên đường phố” của họ, là sự quen biết theo kiểu bị động. Những người này đã từng xuất hiện trước mặt ông chủ nhưng có lẽ đã không để lại ấn tượng gì qua lối sống của họ.[11] Có thể họ đã từng ăn bánh ông cho, từng nghe lời dạy của ông, từng chứng kiến những phép lạ ông làm, nhưng đã không chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp, không vác thập giá của mình hằng ngày để theo ông, và vẫn làm điều bất chính.[12] Kết quả là, tưởng rằng đã quen, nhưng thực ra họ vẫn rất xa lạ với ông. Đức Giêsu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc thực hành thánh ý của Chúa Cha, nếu muốn đi vào Nước Trời: “Không phải ai bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa, thì được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được đi vào” (Mt 7,21). Tương tự, Người chất vấn các môn đệ rằng: “Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà lại không làm điều Thầy dạy” (Lc 6,46). Làm theo thánh ý Chúa Cha, làm theo điều Đức Giêsu dạy là những tiêu chuẩn để Đức Giêsu (ông chủ) nhận biết một người “từ đâu đến” và đón chào vào bữa tiệc Nước Trời với Người.

8.     Từ phía Đông, phía Tây, phía Nam và phía Bắc: Cùng với các tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp, và các ngôn sứ, thực khách của bữa tiệc Nước Thiên Chúa, bao gồm vô số những người không định danh. Động từ “đến” được chia ở thì tương lai, ngôi thứ ba, số nhiều (ἥξουσιν) để diễn tả số lượng người đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa là nhiều. Sự liệt kê, bốn phía (Đông, Tây, Nam, Bắc) diễn tả sự bao hàm không gian cứu độ toàn thế giới. Vào những trang đầu của Tin Mừng, lão ngôn sứ Simêon đã nhìn thấy nơi Hài Nhi Giêsu “ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2,30-32). Đức Giêsu, cuối cùng, đã trả lời rõ ràng cho câu hỏi đầy nghi ngờ về số lượng những người được cứu độ. Người muốn nói rằng, không phải số lượng người được cứu độ là ít. Trong bữa tiệc Nước Thiên Chúa, có rất nhiều người đến từ tất cả các dân, các nước, khắp nơi trên cùng cõi địa cầu. Cách nói người ta đến từ “Đông, Tây, Nam, và Bắc” ám chỉ đến ơn cứu độ dành cho dân ngoại hoán cải.[13] Đức Giêsu của tác giả Mátthêu cho thấy rõ điều này khi Người tuyên bố câu này cùng với việc tôn vinh niềm tin của người đại đội trưởng (người ngoại) trong thành Caphácnaoum: “Tôi bảo thật các ông, tôi chưa thấy một người Ítrael nào có niềm tin như thế. Tôi bảo các ông rằng từ Phương Đông và Phương Tây, nhiều người sẽ đến và dự tiệc với các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp, trong Nước Trời” (Mt 8,10-11).

9.     Người ở cuối và người ở đầu:[14] Có sự đảo ngược vị trí cách kịch tính vào thời cánh chung. Những người đã từng ở vị trí trước hết lại trở nên người ở vị trí sau hết, trong khi đó, những người ở vị trí sau hết lại trở nên người có vị trí trước hết. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại câu nói này. Tác giả Mátthêu ghi lại hai lần trong hai bối cảnh khác nhau. Lần thứ nhất, giống với tác giả Máccô, Đức Giêsu công bố lời này sau khi hứa phần thưởng “gấp trăm đời này và sự sống vĩnh cửu”, dành cho các môn đệ, cũng như những ai bỏ mọi sự mà đi theo Người (Mt 19,27-30; Mc 10,28-31). Trong bối cảnh này, có lẽ vị trí đảo ngược liên quan đến sự từ bỏ và không từ bỏ của những người theo Đức Giêsu, đặc biệt là các môn đệ. Lần thứ hai (chỉ riêng tác giả Mátthêu), Đức Giêsu nói câu này khi kết thúc dụ ngôn “người thợ làm vườn nho” (Mt 20,1-16), trong đó, người được thuê vào làm giờ cuối cùng, cũng được trả công bằng với người vào làm giờ đầu tiên, và những người vào làm giờ đầu tiên đã phản ứng gay gắt với ông chủ. Trong hoàn cảnh này, có lẽ, sự ghen tỵ của những người vào làm giờ đầu tiên với lòng quảng đại của ông chủ dành cho những người vào làm sau hết là căn nguyên cho sự đảo lộn vị trí. Tác giả Luca cũng có câu chuyện kể về việc Đức Giêsu hứa phần thưởng “gấp bội ở đời này cùng với sự sống vĩnh cửu đời” sau cho các môn đệ, những người “đã bỏ những gì là của mình mà đi theo” Đức Giêsu (Lc 18,28-30). Tuy vậy, Đức Giêsu của Luca không kết câu chuyện ấy bằng câu nói diễn tả sự đảo lộn vị trí giống như Đức Giêsu của hai tác giả Mátthêu và Máccô. Đức Giêsu của Luca dùng câu này để kết câu chuyện trả lời cho câu hỏi: “Có phải những người được cứu độ thì ít?” Trong bối cảnh này, những người đã từng ở vị trí đầu là những người vẫn nghĩ mình quen biết ông chủ (họ ăn uống trước mặt ông, ông giảng trên đường phố của họ), nhưng thực ra, ông chủ không biết “họ từ đâu đến”. Lý do: Vì họ là “những người làm điều bất chính”. Cuối cùng, họ đã trở nên những người ở vị trí cuối khi họ bị đuổi đi, bị tống ra ngoài, phải trở thành những kẻ khóc lóc, nghiến răng. Có thể nói là họ không có vị trí trong Nước Chúa, chứ không phải là vị trí cuối cùng. Những người đã từng ở vị trí cuối, là những người đến từ khắp các phương trời của thế giới, tượng trưng cho thế giới dân ngoại. Họ không có lợi thế quen biết Chúa trong truyền thống đức tin Do Thái giáo, vì không phải là con cháu các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp.[15] Tuy nhiên, nhờ tin vào Đức Giêsu và sống theo những giá trị Tin Mừng của Người, vác thập giá theo Người, chiến đấu hết mình để đi vào Nước Thiên Chúa qua cửa hẹp. Cuối cùng, họ đã trở thành những người ở vị trí đầu vì được ngồi dự tiệc cùng với các tổ phụ và các ngôn sứ trong Nước Thiên Chúa.

Bình luận tổng quát

Trên hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu tiếp tục giảng dạy khi đi qua các làng mạc và phố thị. Điều mà người ta muốn Người giảng dạy trong bối cảnh này là số lượng người được cứu độ là ít hay nhiều. Thoạt tiên, dường như Đức Giêsu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Người nhấn mạnh về phía nhiều người tìm cách đi vào mà không được hơn là số người được cứu. Nhưng cuối cùng, Người lại cho biết rằng: Người ta từ tất cả các phương trời (Đông, Tây, Nam, Bắc) của thế giới, cùng đến và ngồi dự tiệc trong Nước Trời. Khi bao hàm tất cả mọi ngóc ngách của thế giới và số lượng người vô định, Đức Giêsu muốn bật mí rằng có rất nhiều người được cứu độ chứ không phải là ít. Như vậy, có nhiều người được cứu độ và cũng có nhiều người không được cứu độ. Đâu là yếu tố quyết định của việc có thể được cứu độ hoặc không được cứu độ? Ai là những người được vào ăn tiệc trong Nước Thiên Chúa và ai là những người bị tống ra ngoài, và phải trở thành kẻ khóc lóc, kẻ nghiến răng. Dĩ nhiên, quyền sinh sát, thưởng phạt cuối cùng hoàn toàn nằm trong tay chủ nhà là Đức Giêsu. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều có quyền tự quyết nếu làm theo lời mời gọi của Người: “Hãy chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp”. Chiến đấu để qua cửa hẹp chính là yếu tố quyết định ơn cứu độ, cũng như tư cách thực khách trong bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa. Tất cả mọi người trên toàn thế giới đều có quyền đi vào Nước Thiên Chúa. Dầu vậy, chỉ có những ai chiến đấu hết mình, dám hy sinh, đánh đổi, nhiều khi phải hy sinh cả tính mạng của mình, thì mới đi vào được. Cửa Nước Trời luôn luôn rộng mở, nhưng nó vẫn là một cánh cửa hẹp, vì một cách tự nhiên, người ta luôn ngại ngùng, tránh né những khó khăn, thách thức trên con đường theo Chúa. Đức Giêsu đã mời gọi rằng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23; Mt 16,24; Mc 8,34; Cf. Mt 10,38) và “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống” (Lc 9,24; Mt 16,25; Mc 8,35). Có nhiều người có thể vác thập giá trong một vài giờ, vài ngày, nhưng vác thập giá hằng ngày, và cả đời luôn là thách đố lớn cho nhiều người. Sự tỉnh thức, lòng trung thành với những giá trị Tin Mừng, thực thi nghĩa vụ yêu thương, thực hành những nhân đức mỗi ngày như người đầy tớ chờ đợi chủ đi ăn cưới về; hay là như người quản gia chăm sóc gia nhân khi chủ vắng nhà, là những tố chất cần thiết của một người muốn được cứu độ. Cánh cửa phòng tiệc Nước Thiên Chúa cuối cùng sẽ được đóng lại một cách bất ngờ và những ai không chiến đấu để đi vào qua cửa hẹp đành phải ở ngoài, khóc lóc và nghiến răng, mãi mãi. Chỉ những người làm điều công chính, bất kể họ đến từ phương trời nào, mới được chung phần với các tổ phụ Ápraham, Ixaác, Giacóp và các ngôn sứ. Ngược lại, những người làm điều bất chính, dù đã từng “ăn, uống trước mặt” Chúa và có nghe Chúa giảng, vẫn bị xua đuổi thẳng thừng và tống ra ngoài vĩnh viễn.

 Lm. Jospeph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] The Gospel writer has stressed the journey, to which he called attention twice in v. 22. It is the journey of the Messiah, who advanced toward Jerusalem, the scene of his passion (“to Jerusalem” is stressed, at the end of the sentence) [F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27 (ed. H. Koester) (Hermeneia; Minneapolis 2013) 310]; “In this brief heading, Luke describes Jesus’ characteristic activities as “making his way” and as “teaching,” highlighting the orientation of Luke’s journey narrative around soteriology, conflict, and the formation of disciples” [J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 529].

[2] “The original question about who are being saved (present tense) is related to an end-time vision of salvation” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 529).

[3] “He puts emphasis instead on the effort that human beings will have to exert to get in” [J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1022].

[4] “That image of the “fight” presupposes an adversary (for Christians, themselves, and behind them Satan, rather than other candidates for salvation), solid training (cf. the theme of the training of the disciples during Jesus’ journey from Galilee to Jerusalem), and great strength of character (firmness, intelligence, perseverance, and skillfulness)” (F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27, 311).

[5] J.B. Green, The Gospel of Luke, 530.

[6] “The tradition that Luke has taken over presupposes the heavy town gate that was closed at nightfall. When that large gate was closed, there was, for latecomers and for emergencies, in that large main gate, or beside it, a small opening accessible to only one person at a time. If that is, in fact, the scenario envisaged by the tradition, our life and the life of the whole world are in the twilight years of the present age and in the dawn of eschatological times” (F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27, 312).

[8] “The master is indirectly identified as Jesus himself (not God, as Matt 25:12 might suggest), for those outside appeal to him as contemporaries who shared food with him and listened to his teaching” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1022).

[9] “Within the Lukan narrative, this would identity them as persons who claim Abraham as their father and so imagine that their status among the saved is unconditionally secure. This is a position that has been critiqued repeatedly throughout the Gospel thus far, beginning as early as the words of John in 3:8” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 530).

[10]In Luke, the banquet is anticipated by the feeding of the multitude (9:12-17), rendered parabolicallyin 14:15-24, sacramentally in 22:14-30. The meal will continue to be the place where the risen Lord is encountered (24:28-35, 36-43; Acts 10:41)” [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP3; Collegeville 2007) 217].

[11] “Likewise, authentic hearing of Jesus’ message as the word of God entails hearing and doing” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 531).

[12] “They had listened to him, but there is no indication that they had decided to become his disciples. Their spectator attitude is reminiscent of that of the anonymous listener in v. 23” (F. Bovon, Luke 2. A Commentary on the Gospel of Luke 9:51–19:27, 313).

[13] “These new people are Gentiles in the Lucan view; but Jesus’ utterances do not mean that none of his Palestinian Jewish contemporaries succeeded in entering by the narrow door. They say only that “many” would “not be able” to do so” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1023); “Luke’s earlier emphasis on salvation to the Gentiles (2:30–32; cf. 12:18–21) appears again on the horizon, with the four winds representing the four corners of the earth, including the scattered remnant of faithful Israel wherever they may be found and,61 with them, the faithful of the world (Isa 11:11–16; 43:5–6; 60)” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 532).

[14] “The language of “first” and “last” is particularly apt in this co-text, since, used thus, these words are borrowed from the vocabulary used to determine the relative status of persons within a social setting” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 533).

[15]In Luke, it fits the narrative pattern of reversal: those not expected to be part of the remnant are included, those who thought themselves holy are not” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 217).

No comments:

Post a Comment