Thursday 10 March 2022

VINH QUANG VÀ KHỔ NẠN. Chú Giải Tin Mừng CN II MC C (Lc 9,28-36)

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

28  Ἐγένετο δὲ μετὰ τοὺς λόγους τούτους ὡσεὶ ἡμέραι ὀκτὼ [καὶ] παραλαβὼν Πέτρον καὶ Ἰωάννην καὶ Ἰάκωβον ἀνέβη εἰς τὸ ὄρος προσεύξασθαι.

 29  καὶ ἐγένετο ἐν τῷ προσεύχεσθαι αὐτὸν τὸ εἶδος τοῦ προσώπου αὐτοῦ ἕτερον καὶ ὁ ἱματισμὸς αὐτοῦ λευκὸς ἐξαστράπτων.

 30  καὶ ἰδοὺ ἄνδρες δύο συνελάλουν αὐτῷ, οἵτινες ἦσαν Μωϋσῆς καὶ Ἠλίας,

 31  οἳ ὀφθέντες ἐν δόξῃ ἔλεγον τὴν ἔξοδον αὐτοῦ, ἣν ἤμελλεν πληροῦν ἐν Ἰερουσαλήμ.

 32  ὁ δὲ Πέτρος καὶ οἱ σὺν αὐτῷ ἦσαν βεβαρημένοι ὕπνῳ· διαγρηγορήσαντες δὲ εἶδον τὴν δόξαν αὐτοῦ καὶ τοὺς δύο ἄνδρας τοὺς συνεστῶτας αὐτῷ.

 33  καὶ ἐγένετο ἐν τῷ διαχωρίζεσθαι αὐτοὺς ἀπ᾽ αὐτοῦ εἶπεν ὁ Πέτρος πρὸς τὸν Ἰησοῦν· ἐπιστάτα, καλόν ἐστιν ἡμᾶς ὧδε εἶναι, καὶ ποιήσωμεν σκηνὰς τρεῖς, μίαν σοὶ καὶ μίαν Μωϋσεῖ καὶ μίαν Ἠλίᾳ, μὴ εἰδὼς ὃ λέγει.

 34  ταῦτα δὲ αὐτοῦ λέγοντος ἐγένετο νεφέλη καὶ ἐπεσκίαζεν αὐτούς· ἐφοβήθησαν δὲ ἐν τῷ εἰσελθεῖν αὐτοὺς εἰς τὴν νεφέλην.

 35  καὶ φωνὴ ἐγένετο ἐκ τῆς νεφέλης λέγουσα· οὗτός ἐστιν ὁ υἱός μου ὁ ἐκλελεγμένος, αὐτοῦ ἀκούετε.

 36  καὶ ἐν τῷ γενέσθαι τὴν φωνὴν εὑρέθη Ἰησοῦς μόνος. καὶ αὐτοὶ ἐσίγησαν καὶ οὐδενὶ ἀπήγγειλαν ἐν ἐκείναις ταῖς ἡμέραις οὐδὲν ὧν ἑώρακαν. (Lk. 9:28-36 BGT)

28 Tám ngày sau những chuyện này, dẫn theo Phêrô, Gioan và Giacôbê, Người lên núi để cầu nguyện.

29 Chuyện xảy ra trong khi Người đang cầu nguyện, vẻ bề ngoài của khuôn mặt Người khác đi, áo Người chiếu sáng màu trắng

30 Và kìa, có hai người đàn ông nói chuyện với Người, những người này là ông Môsê và ông Êliah.

31 Những người này xuất hiện trong vinh quang, cứ nói về cuộc xuất hành, mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem.

32 Ông Phêrô và những người ở với ông đang nặng nề với giấc ngủ, nhưng khi thức giấc, họ nhìn thấy vinh quang của Người và hai người đàn ông đang đứng với Người.

33 Và trước khi họ rời khỏi Người, ông Phêrô nói cùng Đức Giêsu: “Thưa thầy, chúng ta ở đây thật là tốt và chúng tôi sẽ làm ba cái lều, một cho thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êliah, vì ông không biết điều ông nói.

34 Khi ông còn đang nói những điều này, một đám mây bao phủ họ và họ hoảng sợ khi họ đi vào đám mây.

35 Và có tiếng từ đám mây nói rằng: “Đây là Con của Ta, người Ta tuyển chọn, hãy nghe Người”.

36 Và sau khi tiếng nói xảy ra, họ thấy một mình Đức Giêsu và họ giữ im lặng, không nói cùng ai trong những ngày ấy điều mà họ đã thấy.

Bối cảnh: Lc 9,28-36 được đặt trong bối cảnh sau khi Đức Giêsu lần thứ nhất, mặc khải về việc Người sẽ “phải chịu nhiều đau khổ, bị các Kỳ Mục, Thượng Tế và Kinh Sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22). Mặc khải này đi liền ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Đấng Kitô theo não trạng của ông Phêrô là Đấng có quyền năng làm phép lạ chữa lành đủ mọi thứ bệnh tật, có thể trừ quỷ, hóa bánh ra nhiều nuôi dân, và có thể là người sẽ giải thoát Ítrael khỏi nô lệ ngoại bang. Ông Phêrô đã nghĩ đúng về Đấng Kitô, nhưng chưa đủ. Đấng Kitô còn phải chịu đau khổ và bị giết chết nữa. Cảnh “biến hình” cho các môn đệ thấy vinh quang thật sự của Đức Giêsu, nhưng điều mà Đức Giêsu thảo luận với hai ông Môsê và Êliah lại là “cuộc xuất hành Người sẽ hoàn tất ở Giêrusalem”, nghĩa là khổ hình thập giá và Phục Sinh. Trình thuật này nối kết với toàn bộ vinh quang của Đấng giảng dạy có uy quyền và có khả năng làm phép lạ trước đó và toàn bộ hành trình thập giá đến vinh quang sau đó. Tiếng từ đám mây: “Đây là Con của Ta”, nối Tin Mừng từ đầu cho đến cuối. Đức Giêsu được gọi là “Con Đấng Tối Cao” trong trình thuật “Truyền Tin” (Lc 1,26-38), “Con của Ta” trong cả hai biến cố “Chịu Phép Rửa” (Lc 3,21-22) và “Biến Hình” (Lc 9,28-36). Cuối cùng, trong cuộc thẩm vấn Đức Giêsu xác nhận rằng Người là Con Thiên Chúa (Lc 22,70).

Cấu trúc

Bối cảnh: Nhân vật, thời gian, không gian (28)

(A)Cuộc biến hình (29): Gương mặt trở nên khác – áo chiếu sáng

(B)Gặp gỡ những người từ trời (30-31): Cuộc xuất hành tại Giêrusalem

(C)Phản ứng của người dưới đất (32-33): Ngủ - thức dậy – nhìn thấy vinh quang – muốn làm ba cái lều

(B’) Tiếng từ đám mây (34-35): Con của Ta, người Ta tuyển chọn

(A’) Hết biến hình (36): Một mình Đức Giêsu và sự im lặng của các môn đệ

Một số điểm chú giải

1.     Tám ngày sau: Trong khi tác giả Mátthêu lấy lại bối cảnh thời gian của tác giả Máccô (“sáu ngày sau”), tác giả Luca lại nói là “tám ngày sau”. Lý do tại sao tác giả Luca thay đổi bối cảnh thời gian còn là một điều khó hiểu. “Sáu ngày sau” (Mt và Mc) gợi nhớ đến mặc khải trên núi Sinai cho ông Môsê: “Vinh quang của Chúa ngự trên núi Sinai, và đám mây bao phủ nó sáu ngày. Vào ngày thứ bảy, Chúa gọi ông Môsê từ giữa đám mây” (Xh 24,16). Những chi tiết như núi, mây, vinh quang, ông Môsê cho thấy sự nối kết giữa biến cố biến hình và biến cố “mặc khải trên núi Sinai”. Theo tác giả J. Fitzmyer, bối cảnh thời gian - “tám ngày sau” (Lc) – không có gì khác hơn là một cách diễn tả khác của “một tuần sau đó”.[1] Khoảng thời gian “tám ngày sau” nối kết với chỉ dẫn về Lễ Lều: “Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng hỏa tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên Đức Chúa: Đó là một buổi họp long trọng các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào” (Lv 23,36).[2] Chi tiết “dựng ba cái lều” trong trình thuật này xem ra cũng trùng khớp với chỉ dẫn của Lễ Lều, có đề cập đến “ngày thứ tám” như vừa trích dẫn. “Sau sáu ngày” hay “khoảng tám ngày sau” cũng đều liên quan đến một cuộc gặp gỡ với Chúa. Bối cảnh thời gian này nhắc nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa dân với Chúa trong thời Ítrael còn hành trình trong sa mạc.

2.     Lên núi để cầu nguyện: Mô hình núi báo trước một cuộc gặp gỡ với Chúa. Khác với tác giả Máccô và Mátthêu, những người nhấn mạnh đến tính riêng tư và độ cao của núi (núi cao), tác giả Luca chỉ nói là “núi”. Ông không quan tâm nó cao hay thấp.  Tuy nhiên, điều tác giả Luca lưu ý, không có trong Mt và Mc, là mục đích Đức Giêsu dẫn ba môn đệ lên núi. Đó là để cầu nguyện. Cầu nguyện là thói quen đặc trưng của Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca, không có trong cả Mátthêu và Máccô. Trong trình thuật Phép Rửa, Đức Giêsu được mô tả là “đang khi cầu nguyện thì trời mở ra” (Lc 3,21). Trước khi tuyển chọn nhóm Mười Hai, Người cũng đi lên núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6,12). Trình thuật về việc Đức Giêsu chất vấn các môn đệ về căn tính của Người (“dân chúng bảo Thầy là ai?”) cũng được đặt trong bầu khí cầu nguyện: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình, các môn đệ cũng ở với Người” (Lc 9,18). Lời dạy “Kinh Lạy Cha” cũng được đưa ra trong bối cảnh cầu nguyện: “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia”. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong các môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy các môn đệ của ông” (Lc 11,1). Dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” (Lc 18,1-8) là dụ ngôn độc quyền của tác giả Luca, diễn giải sự kiên trì của hành động cầu nguyện. Chỉ có Đức Giêsu của tác giả Luca nói cùng ông Phêrô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32). Trong bối cảnh này, động từ “cầu nguyện” được lặp lại hai lần. Điều này cho thấy, tác giả Luca nhấn mạnh đến yếu tố cầu nguyện trong cuộc biến đổi hình dạng này. Hay nói cách khác, cầu nguyện làm cho Đức Giêsu biến đổi hình dạng và đi vào cuộc gặp gỡ linh thiêng với ông Môsê và ông Êliah, cũng như trong bối cảnh Phép Rửa, “cầu nguyện” làm cho trời mở ra, và Thánh Linh ngự xuống với hình dáng chim bồ câu. Trong buổi cầu nguyện này, Đức Giê-su có lẽ đã nói chuyện với Chúa Cha về những kho hăn lo lắng của mình trước cuộc “xuất hành” sắp đến. Người cũng có thể nói với Chúa Cha về nỗi khó khăn không biết làm sao cho các môn đệ hiểu và đón nhận mầu nhiệm thương khó Người sắp trải qua. Bằng chứng là Chúa Cha đã can thiệp qua tiếng nói từ đám mây. Tiếng nói này đã một lần nữa chứng nhận căn tính “Con Thiên Chúa” của Đức Giê-su đồng thời, cho biết Người là Đấng được tuyển chọn cho sứ vụ “xuất hành”, và mời gọi, khuyến khích các môn đệ “hãy lắng nghe Người”.

3.     Bộ ba môn đệ (Phêrô, Gia-cô-bê và Gioan): Ba môn đệ này xuất hiện trong những biến cố quan trọng. (1) Phục sinh con gái ông trưởng hội đường Giaia (Mc 5,37, Lc 8,51); (2) Biến hình (Mc 9,2; Mt 17,1; Lc 9,28); (3) Trong Vườn Cây Dầu (Mc 14,33; Mt 26,37). Trong trình thuật về cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, tác giả Luca không ghi lại việc Đức Giêsu dẫn bộ ba môn đệ này đi riêng. Đây là ba trong bốn môn đệ đầu tiên (Phêrô, Anrê, Giacôbê, và Gioan) được gọi theo truyền thống Nhất Lãm (Mt 4,18-23; Mc 1,16-20; và Lc 5,1-11). Theo lẽ thường, Đức Giêsu thân với ba môn đệ này hơn cũng phải. Điều khó hiểu là sự vắng mặt của ông An-rê trong nhóm này. Ngược lại, theo truyền thống của Tin Mừng thứ tư, ông An-rê là môn đệ được gọi đầu tiên, rồi Phêrô, Philípphê, Bartôlômêô (x. Ga 1,35-51). Ông cùng với ông Philípphê trở thành một cặp môn đệ gần gũi với Đức Giêsu hơn (Ga 6,7-8; 12,22). Hai môn đệ mà Đức Giêsu sai đi chuẩn bị Lễ Vượt Qua trong Mc 14,13, được tác giả Luca định danh là Phêrô và Gioan: “Đức Giêsu sai hai ông Phêrô và Gioan đi và dặn: “Các anh hãy đi chuẩn bị cho chúng ta ăn Lễ Vượt Qua” (Lc 22,8). Gioan và Phêrô sẽ sánh bước bên nhau trong sứ vụ truyền giáo và lãnh đạo Giáo Hội sơ khai (Cv 3,1.3.4.11).[3] Sự hiện diện, của bộ ba trong những dịp đặc biệt như là đại diện cho các Tông Đồ khác, nhằm chuẩn bị tốt cho các ông trong sứ vụ lãnh đạo tương lai.

4.     Gương mặt trở nên khác – áo chiếu sáng trắng: Tác giả Luca không dùng động từ “biến đổi hình dạng” (metemorphothe), như hai tác giả Mátthêu và Máccô. Nhiều tác giả giải thích rằng, sở dĩ tác giả Luca không dùng động từ đó vì không muốn các độc giả của ông (những người ngoại) nối kết biến cố này như là những câu chuyện thần thoại về biến hình trong dân ngoại.[4] Hai chi tiết được tác giả Luca mô tả về sự thay đổi trong lúc Đức Giêsu cầu nguyện là “gương mặt và y phục”: Gương mặt khác đi, và y phục chiếu sáng màu trắng. Tác giả Luca chỉ nói là “gương mặt khác đi” mà không nói khác thế nào.[5] Tác giả Máccô mô tả Đức Giêsu biến đổi hình dạng và diễn tả cách chi tiết về sự biến đổi y phục của Người: “Y phục trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Tác giả Mátthêu phân biệt cụ thể hơn giữa sự thay đổi của khuôn mặt và y phục: “Khuôn mặt Người chiếu sáng như mặt trời và y phục Người trở nên trắng như tuyết” (Mt 17,2). Xem ra, trong cả ba tác giả Nhất Lãm, tác giả Luca mô tả đơn giản hơn cả về sự biến đổi của Đức Giêsu. Ông tập trung mô tả nhiều hơn về các môn đệ và nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu và Ông Êliah và Môsê.

5.     Ông Môsê và Êliah: Ông Môsê thường được xem như là đại diện cho các sách Luật vì ông là người đã nhận bộ Luật, Giao Ước và truyền lại cho dân. Hơn nữa, ông cũng được xem là tác giả của bộ Ngũ Thư (năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đê Nhị Luật). Đức Giêsu thường nhắc đến tên ông, bên cạnh “các ngôn sứ” để chỉ toàn bộ Sách Thánh Cựu Ước (Lc 16,29.31; Ga 1,45). Ông Êliah là một ngôn sứ vĩ đại thời Cựu Ước. Ông nổi tiếng với khả năng làm phép lạ, ngay cả làm cho người chết sống lại (1 V 17). Ông đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại bốn trăm năm mươi ngôn sứ của thần Baal và bốn trăm ngôn sứ của thần Asera trên núi Cácmen (1 V 18,20-40). Trong hành trình trốn chạy hoàng hậu Ideven, ông đã có cuộc gặp gỡ với Chúa trên núi Khôrép (1 V 19, 9-18). Cuối cùng, ông đã được đưa lên trời trong cơn gió lốc (2 V 2,1.11), bằng một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa (2 V 2,11). Đây quả là hai nhân vật đại diện cho thời Cựu Ước và sự xuất hiện của họ cho thấy họ đang thuộc về thế giới thần linh. Họ mang sứ điệp của Chúa, nghĩa là họ đang hưởng phúc với Chúa. Xưa nay, nhiều tác giả vẫn thường nghĩ rằng, ông Môsê đại diện cho “Luật” và ông Êliah đại diện cho “các ngôn sứ”. Vì thế, sự xuất hiện của hai nhân vật này vẫn thường được hiểu là đại diện cho toàn bộ Sách Thánh Cựu Ước: Luật và các Ngôn Sứ.[6] Tuy nhiên, cũng nên biết thêm rằng ông Môsê cũng được gọi là “ngôn sứ”: “Trong Ítrael không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34,10; cũng x. Đnl 18,15). Ông Êliah là một ngôn sứ, nhưng không phải là tác giả của một “Sách Ngôn Sứ”. Chính vì thế, có lẽ, sẽ hợp lý hơn, nếu hiểu ông Êliah và ông Môsê như những biểu tượng của Cựu Ước, là những ngôn sứ, những người đã có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trên núi Sinai (Khôrép) trong cuộc thần hiện và là những người bây giờ thuộc thế giới Thiên Chúa.[7]

6.     Cuộc xuất hành: Nội dung cuộc đàm đạo là chi tiết riêng của tác giả Luca. Trong khi các tác giả Máccô và Mátthêu chỉ cho biết là Đức Giêsu đàm đạo với hai vị ngôn sứ của thời Cựu Ước, nhưng không bật mí nội dung cuộc đàm đạo, tác giả Luca bật mí nội dung này là “cuộc xuất hành của Người”. Tác giả còn giải thích về cuộc xuất hành “mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem”. Đối với tác giả Luca, hành trình lên Giêrusalem rất quan trọng. Tác giả dùng mười chương (9,51 – 19,27) trong tổng số hai mươi bốn chương để trình thuật những hoạt động trên đường lên Giêrusalem của Người. Hành trình dài này sẽ được hoàn tất tại Giêrusalem. “Xuất hành” là hành trình dân Ítrael ra khỏi đất Aicập, thoát khỏi cảnh nô dịch trong tay vua Aicập, Pharaoh.[8] Sự xuất hiện của ông Môsê, người đã dẫn đầu dân Ítrael trong cuộc xuất hành, có liên hệ mật thiết đến cuộc xuất hành của Đức Giêsu, như là một “ngôn sứ như ông Môsê”.[9] Đức Giêsu sẽ hoàn tất cuộc xuất hành này bằng hoàn tất toàn bộ tiến trình “thương khó – tử nạn – phục sinh – lên trời” để dẫn dắt dân mới thoát khỏi nô lệ tội lỗi và tiến vào quê trời vĩnh cửu.[10] Hoàn tất cuộc xuất hành tại Giêrusalem cũng là hoàn tất của tất cả những gì các ngôn sứ viết về Con Người (Lc 18,31). Lên Giêrusalem đồng nghĩa với tới thời điểm Đức Giêsu được rước lên trời: “Khi đã đến ngày được rước lên trời, Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem (Lc 9,51).

7.     Nặng nề vì giấc ngủ: Luca mô tả nhiều hơn về những hành vi của các môn đệ. Trong lúc Đức Giêsu cầu nguyện và đàm đạo với hai vị ngôn sứ Cựu Ước, các môn đệ đã “bị nặng trĩu bởi giấc ngủ”. Cấu trúc bao gồm động từ “eimi” ở thì vị hoàn cùng với phân từ ở thể bị động thì hoàn thành (ἦσαν βεβαρημένοι ὕπνῳ), cho thấy đây là một hành động tiếp diễn. Giấc ngủ đè nặng lên sự yếu đuối thể xác của các môn đệ. Họ không thể thức tỉnh cùng Đức Giêsu trong buổi cầu nguyện và biến hình, nên họ cũng không thể nghe được nội dung của cuộc đàm thoại. Giấc ngủ này gợi nhớ đến “giấc ngủ vì buồn phiền” trong trình thuật Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Lc 22,45). Đức Giêsu đã phải ra lệnh cho họ “hãy trỗi dậy và cầu nguyện để khỏi đi vào cơn cám dỗ” (Lc 22,46). “Sự nặng trĩu vì buồn ngủ” trong bối cảnh này cũng cho thấy họ không đủ sức thức tỉnh cầu nguyện cùng Đức Giêsu và đón nhận thông điệp về cuộc xuất hành với Người.

8.     Ba cái lều – xuất hành: Sau khi thức giấc, ông Phêrô và hai môn đệ còn lại chợt thấy vinh quang của Người và hai người đang đứng với Người. Khi họ chia tay Người, ông Phêrô buột miệng nói cùng thầy của mình: “Thầy ơi! Chúng con ở đây thật là tốt, chúng con sẽ làm ba cái lều”. Những cái lều gợi nhớ đến thời gian dân Ítrael lang thang trong sa mạc. Họ luôn sống trong lều. Thiên Chúa ngự trong Lều Hội Ngộ (Lều Chứng Ước): “Đám mây bao phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Thiên Chúa lấp đầy Lều” (Xh 40,34.35). Vinh quang, đám mây, lều nối kết chặt chẽ với biến cố xuất hành của dân Ítrael. Tác giả Luca cho biết ngay thời điểm họ đang rời khỏi Đức Giêsu, thì ông Phêrô đề xuất dựng ba cái lều (một cho Đức Giêsu và hai cho hai vị ngôn sứ). Đề xuất này cho thấy ông Phêrô muốn những nhân vật kia ở lại cùng với Đức Giêsu trong bầu khí vinh quang mà họ đang thấy. “Vinh quang” là sự huy hoàng lộng lẫy, thường được nối kết với sự hiện diện của Chúa (x. Xh 24,17; 40,34). Sự ảnh hưởng của vinh quang Thiên Chúa làm cho khuôn mặt ông Môsê chiếu sáng đến nỗi người ta không thể nhìn trực tiếp vào mặt ông (Xh 34,30-35). Có lẽ, tác giả Luca có hình ảnh này trong đầu của họ, nhưng ông mở rộng ra cho ông Êliah nữa.[11] “Vinh quang” này cũng báo trước cho vinh quang mà Đức Giêsu sẽ đi vào sau khi chịu đau khổ (Lc 24,26). Họ đã không biết nội dung cuộc thảo luận giữa Đức Giêsu và hai vị ngôn sứ. Điều duy nhất họ thấy là vinh quang của cõi thần thiêng. Vì điều này rất hợp với mong mỏi của họ, nên họ muốn được sống mãi trong bầu khí ấy. Hình ảnh dựng lều cũng có thể liên kết với truyền thống Lễ Lều, trong đó dân dựng lều và ở trong đó một tuần. Lễ Lều trong bối cảnh này giả định một nhãn quan cánh chung, và vinh quang Thiên Chúa được cử hành với niềm vui đặc biệt.[12] Đó có thể là phản ứng từ tiềm thức, không cần phải suy nghĩ nhiều. Cõ lẽ vì thế mà tác giả Luca ghi chú là “ông không biết điều ông nói”.

9.     Tiếng từ đám mây: Đám mây đã chen ngang vào đề xuất mà ông Phêrô nghĩ là tốt lành.

Mc 9,7

Mt 17,5

Lc 9,35

Đây là Con của Ta, người con yêu dấu, hãy nghe Người

Đây là Con của Ta, người con yêu dấu, nơi Người, Ta hài lòng, hãy nghe Người.

Đây là Con của Ta, người được tuyển chọn, hãy nghe Người.

“Tiếng từ đám mây” gợi nhớ đến cảnh Đức Giêsu chịu Phép Rửa. Tiếng này không của ai khác ngoại trừ Chúa Cha. Thông điệp của tiếng từ trời gồm có ba phần: (1) Giới thiệu Người Con; (2) Đánh giá của Người Cha về Người Con; (3) Mệnh lệnh dành cho các môn đệ.[13] Cả ba tác giả đều đồng ý với nhau về phần (1) và (3) của “tiếng từ trời”. Chỉ có phần thứ hai là khác giữa các tác giả. Tác giả Mátthêu lặp lại y hệt nội dung của “tiếng từ trời” trong trình thuật Phép Rửa (Con của Ta, người Con yêu dấu, nơi Người Ta hài lòng) và thêm vào mệnh lệnh “hãy nghe Người”. Tác giả Máccô bỏ đi đoạn “nơi người ta hài lòng”. Tác giả Luca sửa đổi hoàn toàn phần thứ (2): “Người đã được tuyển chọn”. Tác giả như muốn nhấn mạnh đến đặc tính “chọn lựa”, liên hệ mật thiết với đặc tính của “Người Tôi Tớ của Chúa” trong Is 41,9: “Ngươi là tôi tớ của Ta, Ta đã tuyển chọn ngươi và không đuổi ngươi đi”; Is 43,10: “Ngươi là chứng nhân của Ta và tôi tớ Ta, người ta đã chọn lựa”; Is 42,1: “này đây tôi tớ của Ta, người ta nâng đỡ, người Ta tuyển chọn, nơi người hồn Ta vui mừng, Ta đã đặt Thần Khí của Ta trên người, người sẽ mang lại công lý cho muôn quốc gia”.[14] Đặc tính “được tuyển chọn” này có thể liên kết chặt chẽ với sứ vụ “hoàn tất cuộc xuất hành tại Giêrusalem” mà Đức Giêsu đã bàn luận trước đó.

10.  “Hãy nghe Người”: Thay vì nắm giữ những hình ảnh của Cựu Ước, “tiếng từ đám mây” muốn các môn đệ hướng về tương lai bằng cách lắng nghe Đấng còn cao trọng hơn ông Môsê và Êliah.[15] “Tiếng từ đám mây” giới thiệu về căn tính của Đức Giêsu là để khuyến khích các môn đệ “hãy nghe Người”. Đấng mà họ phải nghe là “Con Thiên Chúa”, có đầy đủ độ tin cậy để họ có thể phó thác đời mình. Hơn nữa, Người là Đấng duy nhất được Chúa Cha tuyển chọn. Trong bối cảnh này, điều mà “tiếng từ trời” muốn các môn đệ nghe là “cuộc xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Phản ứng của ông Phêrô (muốn dựng ba cái lều tại đây) cho thấy các ông không muốn nghe về chuyện này. Hơn nữa, các ông đã ở trong tình trạng nặng trĩu vì buồn ngủ và không nghe tý gì về nội dung cuộc đàm đạo. Sự nặng trĩu này vẫn kéo dài mãi cho đến trong Vườn Cây Dầu. Nghe Đức Giêsu, đồng nghĩa với việc đón nhận “cuộc xuất hành”, cũng đồng nghĩa với việc đón nhận những mặc khải về cuộc thương khó và phục sinh mà Đức Giêsu đang cố gắng dạy cho các ông. Trên thực tế, Đức Giêsu cố gắng dạy các môn đệ ba lần về “cuộc xuất hành” tại Giêrusalem. Biến cố “Biến Hình” nằm giữa hai lần dạy về mầu nhiệm thương khó (9,22; 9,44-45). Lần thứ ba được tác giả đặt vào bối cảnh Đức Giêsu gần đến Giêrusalem (18,31-34). Ngoại trừ lần thứ nhất, tác giả Luca không ghi lại phản ứng của các môn đệ, hai lần còn lại, các môn đệ đều phản ứng cách tiêu cực. Sau lời tiền báo về cuộc thương khó lần thứ hai, các môn đệ “không hiểu”, “nhưng sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy” (9,45). Tương tự, trong lần thứ ba, các môn đệ “không hiểu gì cả; đối với các ông lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những lời Người nói” (18,34). Có thể nói rằng, phải chờ đến sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ mới có thể hiểu ra được ý nghĩa của toàn bộ mầu nhiệm thương khó – phục sinh, để “nghe Người” một cách trọn vẹn. Mệnh lệnh “hãy nghe Người là một ám chỉ có tính toán đến Đnl 18,15: “Chúa sẽ cho xuất hiện giữa anh chị em một ngôn sứ như tôi cho anh chị em, từ giữa những người anh em của anh chị em, chính Người là Đấng anh chị em phải lắng nghe”. Đức Giêsu được chứng nhận không những là Con Thiên Chúa và người tôi tớ được chọn, mà còn là “vị ngôn sứ như ông Môsê”.[16]

11.  “Giữ im lặng – không nói cùng ai”: Phản ứng của các môn đệ khá lạ lùng. Họ quyết định “giữ im lặng và không kể gì cho ai về điều họ đã chứng kiến”. Trong Tin Mừng Mátthêu và Máccô, Đức Giêsu truyền cho các ông “không được nói với ai về điều họ đã thấy cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17,9; Mc 9,9). Sự im lặng của họ có thể nói lên hai điều. Thứ nhất, các môn đệ được cho thấy vâng giữ mệnh lệnh của Đức Giêsu trong 9,21, rằng họ phải giữ im lặng về căn tính “Kitô” của Người. Thứ hai, chỉ sau “cuộc xuất hành” của vị “Ngôn Sứ” đã được hoàn tất và những nhân chứng này được trao ban Thánh Linh, họ mới có thể trở thành “những người phục vụ của lời Chúa”.[17]

Bình luận tổng quát

 Lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20) được tiếp nối với lời tiền báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó – Phục Sinh (Lc 9,22). Tiếp theo sau đó là “những điều kiện phải có để theo Đức Giêsu”, bao gồm “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (9,23). Những dữ liệu vừa cho thấy căn tính “Mêsiah” của Đức Giêsu vừa cho thấy con đường khổ giá mà Người nhất quyết phải đi và Người cũng mời gọi các môn đệ đón nhận và đi theo Người đến cùng. Trình thuật về biến cố “Biến Hình” là một trình thuật đặc biệt có một không hai. Nó vừa cho thấy thế nào là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, vừa cho bật mí “cuộc xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Trong bối cảnh không gian – núi (thường là nơi gặp gỡ Chúa) – và trong bầu khí cầu nguyện (giây phút gặp gỡ nói chuyện với Chúa Cha), Đức Giêsu đã biến đổi khuôn mặt và y phục. Khuôn mặt đổi khác và y phục chiếu sáng màu trắng. Người không chủ ý bày tỏ dung mạo chói sáng, khác thường này cho các môn đệ, vì các ông đang bị giấc ngủ đè nặng. Hai nhân vật của Cựu Ước, những người đã từng trải qua cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa trên núi Sinai (Khôrép) và là những ngôn sứ với vai trò dẫn dắt dân, đặc biệt là ông Môsê dẫn dắt dân trong cuộc xuất hành. Đức Giêsu trong vị thế là một ngôn sứ “như ông Môsê” mà còn hơn ông Môsê nữa, sẽ dẫn dắt dân Người qua sa mạc trần gian để bước vào cõi sống vĩnh cửu. Trong biến cố này, các môn đệ, cũng như các độc giả thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Họ cũng được thấy trước sự bất tử của hai nhân vật Cựu Ước. Cảnh vinh quang, sáng láng ấy đã làm cho họ ngất ngây và muốn hưởng nếm dài lâu qua hình ảnh “làm ba cái lều”. Tuy nhiên, tiếng nói từ trời đã mang họ về với hiện tại với một mặc khải quan trọng và lời mời gọi cần thiết. Đức Giêsu không những là Đấng Kitô mà còn là Con của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn. Đó là căn tính, địa vị mà các môn đệ có thể tin cậy tuyệt đối. “Lời từ đám mây” mời gọi các môn đệ “nghe” Đức Giêsu, có nghĩa là nghe về cuộc “xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất. Cuộc “xuất hành” ấy được Đức Giêsu bật mí, và chỉ dạy đến ba lần (Lc 9,22; 9,44-45; 18,31-34). Tuy nhiên, các môn đệ, không hiểu và cũng không muốn đón nhận. Sự nặng trĩu vì buồn ngủ làm cho họ không thể tham dự vào buổi cầu nguyện làm biến đổi hình dạng của Đức Giêsu, cũng như không nghe được nội dung cuộc đàm đạo giữa Người và hai chứng nhân Cựu Ước. Đó là hình ảnh tượng trưng cho giấc ngủ vì buồn sầu khi Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Giấc ngủ mê mệt ấy đã làm cho họ không thể tỉnh táo để vượt qua thử thách. Sự thinh lặng của các môn đệ tượng trưng cho một khoảng lặng giữa cuộc thương khó, cái chết của Đức Giêsu. Trong khoảng thời gian ấy, chắc chắn các môn đệ không thể kể gì nói gì, mãi cho đến sau Phục Sinh. Với sự hiện xuống và đồng hành của Chúa Thánh Linh, họ mới cất lời rao giảng toàn bộ cuộc xuất hành mà Thầy Giêsu đã trải qua.

Lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,20) của Tông Đồ Phê-rô được tiếp nối với lời tiền báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó – Phục Sinh (Lc 9,22). Tiếp theo sau đó là “những điều kiện phải có để theo Đức Giêsu”, bao gồm “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (9,23). Những dữ liệu vừa cho thấy căn tính “Mêsiah” của Đức Giêsu vừa cho thấy con đường khổ giá mà Người nhất quyết phải đi và Người cũng mời gọi các môn đệ đón nhận và đi theo Người đến cùng. Trình thuật về biến cố “Biến Hình” là một trình thuật đặc biệt có một không hai. Nó vừa cho thấy thế nào là vinh quang của “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, vừa cho bật mí “cuộc xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem. Trong bối cảnh không gian – trên núi (thường là nơi gặp gỡ Chúa) – và trong bầu khí cầu nguyện (giây phút gặp gỡ nói chuyện với Chúa Cha), Đức Giêsu đã biến đổi khuôn mặt và y phục. Khuôn mặt đổi khác và y phục chiếu sáng màu trắng. Có lẽ Đức Giêsu không chủ ý bày tỏ dung mạo chói sáng, khác thường này cho các môn đệ, vì các ông đang bị giấc ngủ đè nặng. Hai nhân vật của Cựu Ước, những người đã từng trải qua cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa trên núi Sinai (Khôrép) và là những ngôn sứ với vai trò dẫn dắt dân, đặc biệt là ông Môsê dẫn dắt dân trong cuộc xuất hành. Đức Giêsu trong vị thế là một ngôn sứ “như ông Môsê” mà còn hơn ông Môsê nữa, sẽ dẫn dắt dân Người qua sa mạc trần gian để bước vào cõi sống vĩnh cửu. Trong biến cố này, các môn đệ, cũng như các độc giả, được thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Họ cũng được thấy trước sự bất tử của hai nhân vật Cựu Ước. Cảnh vinh quang, sáng láng ấy đã làm cho họ ngất ngây và muốn hưởng nếm dài lâu qua hình ảnh “làm ba cái lều”. Tuy nhiên, tiếng nói từ trời đã mang họ về với hiện tại với một mặc khải quan trọng và lời mời gọi quan trọng. Đức Giêsu không những là Đấng Kitô mà còn là Con của Thiên Chúa, Đấng được tuyển chọn. Đó là căn tính, địa vị mà các môn đệ có thể tin cậy tuyệt đối. “Lời từ đám mây” mời gọi các môn đệ “nghe” Đức Giêsu, có nghĩa là nghe về cuộc “xuất hành” mà Người sẽ hoàn tất. Cuộc “xuất hành” ấy được Đức Giêsu bật mí, và chỉ dạy đến ba lần (Lc 9,22; 9,44-45; 18,31-34). Tuy nhiên, các môn đệ, không hiểu và cũng không muốn đón nhận. Sự nặng trĩu vì buồn ngủ làm cho họ không thể tham dự vào buổi cầu nguyện làm biến đổi hình dạng của Đức Giêsu, cũng như không nghe được nội dung cuộc đàm đạo giữa Người và hai chứng nhân Cựu Ước. Đó là hình ảnh tượng trưng cho giấc ngủ vì buồn sầu khi Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu. Giấc ngủ mê mệt ấy đã làm cho họ không thể tỉnh táo để vượt qua thử thách. Sự thinh lặng của các môn đệ tượng trưng cho một khoảng lặng giữa cuộc thương khó, cái chết của Đức Giêsu. Trong khoảng thời gian ấy, chắc chắn các môn đệ không thể kể gì nói gì, mãi cho đến sau Phục Sinh. Với sự hiện xuống và đồng hành của Chúa Thánh Linh, họ mới cất lời rao giảng toàn bộ cuộc xuất hành mà Thầy Giêsu đã trải qua.

Khi cầu nguyện người ta thường xin cho mình thoát khỏi nguy khốn, đau khổ, hay nghịch cảnh. Người ta ít quan tâm đến việc Chúa muốn gì trên cuộc đời họ, đặc biệt là trong những nghịch cảnh của cuộc đời. Các môn đệ cũng không ngoại trừ, họ chỉ tỉnh giấc và thấy vinh quang của Đức Giêsu và không biết gì đến nỗi đau khổ mà Người sắp phải chịu. Đức Giêsu, trong buổi cầu nguyện với Chúa Cha, đã bày tỏ vinh quang của mình, nhưng không trốn tránh đau khổ. Người  đã tìm thánh ý Chúa Cha, dẫu rằng thánh ý ấy sẽ dẫn Người vào cuộc thương khó và thậm chí là đến cái chết. Buổi cầu nguyện hôm nay được nối dài và hoàn tất nơi buổi cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu, nơi đó Người đã đổ mồ hôi máu vì lo sợ, nhưng vẫn nhất quyết cho ý Cha được nên trọn. Chắc chắn Người cũng mời gọi các môn đệ xưa, và tất cả các kitô cũng yêu mến thánh ý Chúa Cha và can đảm bước tới như Người. Có như thế, chương trình cứu độ trên từng người và trên toàn thể nhân loại mới được hoàn tất và mọi người không chỉ được thấy vinh quang nhưng còn được hưởng vinh quang với Người mãi mãi trên quê trời.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 797.

[2] F. Bovon –  H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis, 2002) 374.

[3] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 379-380.

[5]Jesus does not become different from what he was before, but for a moment his appearance becomes a divine sign to humanity, the sign of his true identity” (F. Bovon –  H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 375).

[6] “Moses and Elias, who as Tertullian says certainly stand for the Law and the Prophets” [R. Ginns, The Gospel of Jesus Christ according to St Luke. A Catholic Commentary on Holy Scripture (ed. B. Orchard – E. F. Sutcliffe) (Toronto – New York – Edinburgh 1953) 952].

[7] “Moses and Elijah are at least to be understood as two prophetic figures. There is nothing that really militates against their representing the Law and the Prophets; but in any case, if this is not certain, then the contrast of the heavenly command at the end of the episode strikes home just as well, if they are to be regarded merely as two OT prophetic figures” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 799-800; [L.T. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1997) 153].

[8] “While the mention of exodos is related to the Lucan geographical perspective, the very word echoes the Exodus of Israel from Egypt to its promised land, its land of destiny” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 794).

[9] Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Mô-sê đã hứa là Chúa sẽ cho xuất hiện “một ngôn sứ khác như tôi để giúp anh chị em. Anh chị em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).

[10] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 153

[11] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 800; “In Luke δόξα belongs to God and God’s world” (F. Bovon –  H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 377).

[12] “According to the principle of correspondence between originary and eschatological time, the hope would also be for an eschatological existence under the tent” (F. Bovon –  H. Koester, Luke 1, 378); “a celebration in remembrance of God’s provision during the journey in the wilderness and in anticipation of eschatological deliverance” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 383).

[13] “The word of God identifies Jesus in three ways—as the Son of God (cf. 1:31–35; 3:21–4:13), as the Isaianic Servant of Yahweh (cf. Isa 42:1; Luke 23:35), and as the prophet like Moses (cf. Acts 3:22–23)” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 384).

[14] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 154.

[16] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 156.

[17] Ibid.

No comments:

Post a Comment