Hôm nay phụng vụ kính lễ Hiển linh. Tuy nhiên nhiều người vẫn quen gọi là lễ Ba vua? Danh xưng nào chính xác hơn?
Nếu chỉ phân tích từ ngữ Hán Việt, thì quả thực là khó nói. “Hiển
linh” là gì? Trong Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ học xuất bản,
“Hiển linh” (động từ) được định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh
thiêng, theo mê tín”. Từ điển Việt Nam do ông Thanh Nghị xuất bản năm
1958 cho rằng “hiển linh” là tĩnh từ, có nghĩa là: “linh thiêng, rõ
ràng”. Xem ra đó cũng là ý kiến của ông Lê Thanh, tác giả cuốn Tiếng nói
nôm na (1999): hiển linh là “rất linh thiêng, thiêng liêng lộ rõ ra
bằng sự thật”. Dù hiểu “hiển linh” như động từ hay tính từ đi nữa, thì
chẳng qua cũng là dịch bởi danh từ gốc Hy-lạp epiphania, có nghĩa là sự
“hiện ra, bày tỏ”. Tân ước dùng từ này để nói đến việc Thiên Chúa đã
xuất hiện (tỏ lộ, mặc khải) cho nhân loại ở nơi đức Giêsu (Lc 1,79; Tt
2,11; 3,4), hoặc là việc Đức Kitô sẽ xuất hiện trong vinh quang ngày tận
thế (2Tm 4,8; Tt 2,13). Phụng vụ (cách riêng là bên Đông phương) nói
đến ba cuộc tỏ hiện của Chúa Giêsu: thứ nhất cho các đạo sĩ; thứ hai tại
sông Hoà giang; thứ ba tại tiệc cưới Cana. Dù ba biến cố cách xa nhau
hơn 30 năm trường, nhưng đều nhằm bày tỏ thiên tính của Đức Giêsu, đặc
biệt vào chặng đầu của mầu nhiệm Nhập thể. Cả ba biến cố đều được ghi
lại trong Phúc âm, và được tóm lại trong Điệp ca Magnificat Kinh chiều
lễ Hiển linh.