Thursday, 29 December 2022

TÌM THẤY – TÔN VINH VÀ TÁN TỤNG. Chú Giải Tin Mừng CN Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,15-21); Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

15 Khi các sứ giả đã rời khỏi họ mà về trời, các mục tử bắt đầu nói với nhau rằng:  “Chúng ta nên đi băng qua đến tận Bếtlehemxem chuyện đã xảy ra, chuyện mà Chúa đã mặc khải cho chúng ta.

16 Họ [các mục tử] vội vã khởi hành và tìm thấy bà Maria ông Giuse, cùng với Hài Nhi được đặt trong máng cỏ.

17 Sau khi thấy như vậy, họ tường thuật những điều đã được nói cho họ về đứa trẻ này.

18 Tất cả những người nghe đều kinh ngạc về những điều mà các mục tử nói với họ.

19 Còn bà Maria thì hằng gìn giữ những điều ấy, suy đi xét lại trong lòng.

20 Rồi, các mục tử trở về, tôn vinh tán tụng Thiên Chúa về tất cả những điều họ đã nghe thấy, như đã được nói cho họ.

21 Khi đã trọn tám ngày để cắt bì cho Người, Người được đặt tên là Giêsu, tên được sứ giả gọi trước khi Người được thụ thai trong lòng [mẹ].

15 Καὶ ἐγένετο ὡς ἀπῆλθον ἀπ᾽ αὐτῶν εἰς τὸν οὐρανὸν οἱ ἄγγελοι, οἱ ποιμένες ἐλάλουν πρὸς ἀλλήλους· διέλθωμεν δὴ ἕως Βηθλέεμ καὶ ἴδωμεν τὸ ῥῆμα τοῦτο τὸ γεγονὸς ὃ ὁ κύριος ἐγνώρισεν ἡμῖν.

16 καὶ ἦλθαν σπεύσαντες καὶ ἀνεῦραν τήν τε Μαριὰμ καὶ τὸν Ἰωσὴφ καὶ τὸ βρέφος κείμενον ἐν τῇ φάτνῃ·

 17 ἰδόντες δὲ ἐγνώρισαν περὶ τοῦ ῥήματος τοῦ λαληθέντος αὐτοῖς περὶ τοῦ παιδίου τούτου.

 18 καὶ πάντες οἱ ἀκούσαντες ἐθαύμασαν περὶ τῶν λαληθέντων ὑπὸ τῶν ποιμένων πρὸς αὐτούς·

 19 ἡ δὲ Μαριὰμ πάντα συνετήρει τὰ ῥήματα ταῦτα συμβάλλουσα ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς.

 20 καὶ ὑπέστρεψαν οἱ ποιμένες δοξάζοντες καὶ αἰνοῦντες τὸν θεὸν ἐπὶ πᾶσιν οἷς ἤκουσαν καὶ εἶδον καθὼς ἐλαλήθη πρὸς αὐτούς.

 21 Καὶ ὅτε ἐπλήσθησαν ἡμέραι ὀκτὼ τοῦ περιτεμεῖν αὐτὸν καὶ ἐκλήθη τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἰησοῦς, τὸ κληθὲν ὑπὸ τοῦ ἀγγέλου πρὸ τοῦ συλλημφθῆναι αὐτὸν ἐν τῇ κοιλίᾳ. (Lk. 2:16-21 BGT)

Bối cảnh

Lc 2,15-21 nằm trong trình thuật Giáng Sinh và thời thơ ấu của Đức Giêsu (Lc 2,1-52). Trong bối cảnh trực tiếp, đoạn văn này là một phần của trình thuật Giáng Sinh. Nó là phân đoạn tiếp nối sau hai phân đoạn:  Đức Giêsu sinh ra tại Bếtlehem (2,1-7); Mặc khải cho nhóm mục tử đang canh giữ đàn vật ngoài đồng (2,8-14). Câu chuyện cắt bì và đặt tên (2,21) song song với câu chuyện cắt bì và đặt tên cho “người dọn đường”, Gioan Tẩy Giả (Lc 1,59-66). Tên gọi Giêsu là tên mà sứ giả Gabriel đã gọi khi truyền tin cho bà Maria (Lc 1,31). Hơn nữa, tên gọi Giêsu gắn liền với lời sứ giả nói cùng ông Giuse trong giấc mộng theo trình thuật của tác giả Mátthêu: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21; Cf. 1,25). Địa danh Bếtlehem nối kết (2,15) là địa danh được nhắc đến hai lần như là thành của vua David trong hai phân đoạn trước đó (2,4.11). Các nhân vật Giuse, Maria và Hài Nhi Giêsu xuất hiện trong phân đoạn đầu và phân đoạn này, riêng Hài Nhi Giêsu xuất hiện trong phân đoạn thứ hai nữa (một trẻ sơ sinh được đặt trong máng cỏ). Trong bối cảnh rộng hơn, hành động “gìn giữ và suy đi xét lại trong lòng” của bà Maria ở đây sẽ được lặp lại trong biến cố Đức Giêsu ở lại trong đền thờ khi Người lên mười hai tuổi (Lc 2,41-52).

Cấu trúc

Đến Bếtlehem (15): Đi băng qua đến tận Bếtlehem và xem chuyện đã xảy ra

Thấy (16): Tìm thấy bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi

Tường thuật (17): Những điều đã được nói cho họ về đứa trẻ này

Phản ứng:

Người ta (18) Tất cả những người nghe đều kinh ngạc

Bà Maria (19): Hằng gìn giữ những điều ấy, suy đi xét lại trong lòng.

Trở về (20): Tôn vinh và tán tụng Thiên Chúa

Cắt bì và đặt tên (21): Tên sứ giả đã gọi: Giêsu

Một vài điểm chú giải[1]

1.     Đi băng qua đến tận Bếtlehem”: Sau khi được sứ giả của Chúa loan báo tin vui lớn, cũng là tin vui cho toàn dân, những người chăn chiên rời bỏ đàn vật của mình để lên đường đi đến “thành của vua Đavid” để xem sự việc đã xảy ra. Động từ “đi băng qua” (διά) là một động từ ghép bao gồm động từ “đến” (ἔρχομαι) và một tiền tố là giới từ “xuyên qua”. Giới từ “cho đến khi, cho đến tận” được đặt trước thành Bếtlehem (ἕως Βηθλέεμ καὶ) nhấn mạnh đích đến của cuộc hành trình.[2]  Theo địa danh khảo cổ học ngày nay, cánh đồng nơi các mục tử ở cách xa Bếtlehem khoảng hơn kém 3 km đường bộ và phải mất khoảng bốn mươi phút đi bộ. Với địa thể hiểm trở của núi đồi và cây cối, cùng với thời gian mà họ khởi hành là ban đêm, độc giả có thể đoán biết được hành trình này khó khăn như thế nào. Có lẽ, họ đã phải hối hả “băng qua” núi đồi, cây cối, cùng những cản trở khác để đến gặp Hài Nhi Giêsu.[3] Hành trình “băng qua” (2,15) này được tiếp nối và mở ra bằng một hành trình “trở về” trong tư thế “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 2,21). Sự khởi hành của các mục tử ngay sau khi nghe thông điệp từ các thiên sứ tương tự như sự “vội vã lên đường” đến nhà ông Dacaria, của bà Maria ngay sau khi nghe lời sứ giả Gabriel truyền tin (Lc 1,38-40). Đây đều là những đáp trả tích cực đối lại với sự đáp trả của ông Dacaria (Lc 1,18.20) có phần hơi tiêu cực – không tin vào lời sứ giả của Chúa.[4]

2.      “Tìm thấy bà Maria, ông Giuse và trẻ sơ sinh được đặt trong máng cỏ”: Các sứ giả đã bật mí với các mục tử về dấu hiệu để nhận ra “Đấng Cứu Độ, là đấng Kitô, Chúa” mới sinh trong thành của David là “các anh sẽ tìm thấy một trẻ sơ sinh được bọc tã, và được đặt trong máng cỏ” (2,12). Các hành động “bọc tã và đặt trong máng cỏ” là của bà Maria (2,7). Mục đích các mục tử vội vã đi đến Bếtlêhem là để “xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ cho chúng ta biết”

3.     “Họ tỏ ra sự việc (lời)” (ἐγνώρισαν): “Sự việc” mà họ muốn xem được mô tả là “sự việc đã xảy ra, sự việc mà Chúa tỏ ra cho chúng ta biết” (τὸ ῥῆμα τοῦτο τὸ γεγονὸς ὃ ὁ κύριος ἐγνώρισεν ἡμῖν: 2,15) tương ứng với “sự việc họ tỏ bày”, “sự việc đã được nói cho họ về đứa bé này” (ἐγνώρισαν περὶ τοῦ ῥήματος τοῦ λαληθέντος αὐτοῖς περὶ τοῦ παιδίου τούτου: 2,17). Động từ “tỏ bảy” được dùng cho cả Chúa và nhóm mục tử. Tác giả cho thấy rằng có một sự liên kết trong sự tỏ bày của Chúa và của các mục tử: Chúa tỏ cho các mục tự biết mầu nhiệm Giáng Sinh, rồi các mục tử tiếp tục tỏ bày cho bà Maria, ông Giuse và những người khác.[5] Toàn bộ tiến trình có thể diễn cách khác là: Các mục tử lắng nghe Tin Vui từ các sứ giả loan báo, vội vã đến viếng thăm và kiểm chứng, rồi loan báo cho người khác. Đó là bản chất và sức mạnh của một Tin Vui đích thực, một tin vui có sức manh công phá cõi lòng người nghe, khiến họ phải nói ra, loan tin chứ không chỉ giữ cho riêng mình. Nội dung của động từ “tỏ bày” là sự việc/ lời (τὸ ῥῆμα). “Sự việc” chính là “sự Giáng Sinh của Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô, Chúa” được sinh ra trong thành của David.  J. Fitzmyer cho rằng nhưng những người chăn chiên này thuật lại cho bà Maria và ông Giuse nghe toàn bộ cuộc gặp gỡ với các sứ giả Thiên Chúa, rồi còn kể cho dân thành Bếtlehem nữa.[6] Các mục tử không chỉ tìm thấy “trẻ thơ”, mà còn tìm thấy bà Maria và ông Giuse.[7] Những nhân vật mà họ nhìn thấy trước là bà Maria và ông Giuse chứ không phải là trẻ thơ Giêsu. Có thể nói rằng sự xuất hiện của các mục tử đã làm thay đổi bầu khí của cảnh Giáng Sinh. Cho đến trước khi các mục tử viếng thăm và “tỏ bày”, bà Maria và ông Giuse cùng với Hài Nhi vẫn lặng lẽ, nơi một góc chuồng chiên nào đó, không ai biết đến. Với sự hiện diện của các mục tử không khí cảnh Giáng Sinh rộn ràng, vui tươi hơn, và sau khi họ kể lại mặc khải ở cánh đồng, căn tính của trẻ Giêsu dần hé lộ và niềm vui, sự kinh ngạc bắt đầu. Cứ như thế tin vui được nhân rộng và đã đến cùng cõi đất ngày hôm nay. Nếu như cảnh Giáng Sinh của tác giả Mátthêu trở nên sâu lắng, huy hoàng, với sự thăm viếng, bái thờ, và dâng lễ phẩm quý của các nhà chiêm tinh từ Phương Đông, thì cảnh Giáng Sinh của tác giả Luca, rộn ràng, náo động bởi lời kể chuyện của các mục tử đơn sơ giản dị.

4.     “Tất cả những người nghe đều kinh ngạc” (πάντες οἱ ἀκούσαντες ἐθαύμασαν): Sự ngạc nhiên của thính giả ở đây có thể hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, họ đương nhiên là ngạc nhiên vì câu chuyện các thiên sứ hiện ra với các mục tử. Rồi ngạc nhiên vì tất cả những gì thiên sứ nói với các mục tử đều đúng y sự thật. Kế đến, họ có thể rất đỗi ngạc nhiên vì Đấng Mêsiah, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ mà họ mong chờ bấy lâu nay lại xuất hiện trong bộ dạng một Hài Nhi yếu ớt. Và ngạc nhiên hơn nữa vì bối cảnh Người sinh ra thật không thể tưởng tượng được. Người ta biết Người sinh ra tại Bếtlehem theo như lời ngôn sứ Malakhi, nhưng ai ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa như thế. Sự “kinh ngạc” là một đáp trả được mong đợi trước một sự kiện siêu nhiên (1,21.63-66; Cf. 2,33). Sự “kinh ngạc” này còn được tiếp diễn trong các trình thuật về sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 4,22;8,25; 9,43; 11,14; 24,12).[8]

5.     “Hằng giữ gìn và ngẫm suy tất cả các sự việc” (πάντα συνετήρει τὰ ῥήματα ταῦτα συμβάλλουσα): Khác với thái độ “kinh ngạc” của đám động vô danh (Lc 2,18), bà Maria, “bảo tồn và suy gẫm về tất cả những việc ấy”. Động từ “συνετήρει” dịch đơn giản có nghĩa là gìn giữ. Bản dịch Việt Ngữ là “hằng ghi nhớ” (CGKPV). Một số tác giả Anh Ngữ hiểu là “gìn giữ như kho tàng” (treasured up ESV, RSV), bản dịch Ý Ngữ hiểu là “bảo vệ” (custodiva, CEI). Động từ “hằng ghi nhớ”, được chia ở thì vị hoàn (imperfect), nhấn mạnh sắc thái liên tục, kéo dài, chưa chấm dứt của hành động.[9] Động từ này kết hợp với động từ “συμβάλλουσα” (suy đi nghĩ lại, gẫm suy, suy xét) cùng với cụm trạng ngữ chỉ nơi chốn “trong lòng của cô ấy” (ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς) diễn tả một hành động có sự trân trọng cao nhất đối với những “sự việc này”. Đức Maria “gìn giữ như kho tàng” rồi còn “suy đi nghĩ lại” về điều ấy “trong tim” mình. Điều mà Đức Maria “gìn giữ như kho tàng” trong tiếng Hy Lạp là “τὰ ῥήματα”. Danh từ này có hai nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “lời nói” (saying). Nghĩa thứ hai là “những sự việc”. τὰ ῥήματα (số nhiều) được tác giả Luca sử dụng 5 lần, trong đó có một lần Luca sử dụng theo nghĩa là những lời nói (Lc 7,1). Bốn lần còn lại danh từ này đều được sử dụng theo nghĩa là “những sự việc”. Tất cả những sự việc mà Luca muốn nói đến đều nhiệm mầu và liên quan đến công trình cứu độ. Thứ nhất là “những sự việc” liên quan đến việc thụ thai, sinh hạ và đặt tên cho Gioan Tẩy Giả. “Những sự việc này được thảo luận trong toàn cõi Giuđê” (Lc 1,65). Hai chuỗi sự việc tiếp theo đều được Đức Maria “gìn giữ như bảo tàng” trong lòng mình. Đó là “những sự việc liên quan đến việc hạ sinh Đức Giêsu cùng với sự viếng thăm của nhóm mục tử và câu chuyện kể của họ” (Lc 2,19). Tiếp theo đó là “những sự việc” Đức Giêsu ở lại trong đền thờ, ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe vừa đặt câu hỏi” (Lc 2,51). Và cuối cùng là “những sự việc” mà những người phụ nữ kể với nhóm Mười Một về Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng họ không tin các bà (Lc 24,11). Phản ứng của Đức Maria, với một thái độ trân trọng và để tâm suy ngắm tất cả những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giêsu có thể được xem như là đỉnh cao của trình thuật Giáng Sinh này. Nó cũng biểu lộ đặc tính nổi bật của Đức Maria trong tương quan với Chúa và công trình cứu độ của Người. Đức Maria phải nói là “đương kim vô địch” là “kỷ lục gia” trong việc trân quý và gẫm suy về mầu nhiệm cứu độ.

6.      “Trở về, vừa đi vừa tôn vinh và tán dương Thiên Chúa” (ὑπέστρεψαν οἱ ποιμένες δοξάζοντες καὶ αἰνοῦντες τὸν θεὸν): Đó là biểu hiện của những người gặp gỡ Chúa đích thực. Họ gặp gỡ Chúa, cảm nghiệm được Chúa hiện diện trong cuộc đời họ. Động từ “đoxazo” mà nhóm mục tử sử dụng có nguồn gốc từ danh từ “đoxa” được sử dụng ít nhất hai lần trước đó. “Vinh quang (đoxa) Chúa chiếu tỏa trên những người chăn chiên này” (Lc 2, 9). Rồi đoàn cơ binh thiên thần ca tụng: “Vinh danh (đoxa) Chúa trên các tầng trời” (Lc 2, 14). Kết thúc trình thuật này các mục tử trở về vừa đi vừa tôn vinh (đoxazo) và ca ngợi Chúa. Như vậy, có thể thấy một tiến trình cảm nghiệm vinh quang Chúa của các mục tử. Họ thấy ánh quang chiếu tỏa, rồi họ nghe các thiên sứ ca ngợi vinh quang Chúa. Rồi, họ nhìn thấy vinh quang Chúa nơi chính Thánh Gia, mà Hài Nhi Giêsu là trung tâm. Bước cuối cùng, chính họ cất lời ca tụng vinh quang Chúa. Theo J. Fitzmyer, phản ứng của những mục tử là âm vang của bài ca của cơ binh thiên thần trước đó (Lc 2,13-14).[10] Các mục tử đã được nghe tin vui lớn từ các sứ giả, nhưng giờ đây, sau khi mắt thấy, họ mới có thể chung vui với với các sứ giả của Chúa, cảm nghiệm được niềm vui cách trọn vẹn.[11]

7.     Cắt bì: Truyền thống truy nguồn lại đến giao ước của Thiên Chúa với ông Ápraham. Quy định về luật cắt bì rất rõ ràng. Đối tượng: Tất cả các bé trai, con cháu Israel hay là các bé được mua từ người nước ngoài. Thời gian: Tám ngày tuổi. Nơi cắt bì: Phần bao quy đầu phía trước. Và hình phạt dành cho người không cắt bì rất nặng: Bị loại ra khỏi dân (nghĩa đen là bị cắt đứt khỏi dân). Cả ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu đều chịu cắt bì khi được tám ngày tuổi (Lc 1,59; 2,21). Luca là tác giả Nhất Lãm duy nhất nhắc đến luật cắt bì cả trong sách Tin Mừng và sách Công Vụ. Khi ông Stêphanô giảng cho Hội Đồng Do Thái, ông đã nhắc lại phép cắt bì như là một dấu chỉ của Giao Ước và ông cũng nhấn mạnh đến truyền thống cắt bì của các tổ phụ: “Khi sinh ông Ixaác, ông (Ápraham) cắt bì cho cậu vào ngày thứ tám; Rồi ông Isaác cắt bì cho ông Giacóp, rồi, ông Giacóp cắt bì cho mười hai tổ phụ” (Cv 7,8). Quả thực, cắt bì là một dấu hiệu để chứng thực Đức Giêsu thuộc về dân giao ước, không bị cắt đứt khỏi dân và cũng để gợi nhớ đến Giao Ước của Chúa với tổ phụ Ápraham. Trong bài ca “Chúc Tụng” (Beneditus) tư tế Dacaria đã chúc tụng Thiên Chúa đã “thực thi lòng thương xót với cha ông chúng ta và nhớ lại gia ước thánh của Người; thực thi lời thề Người đã thề cùng ông Ápraham, cha ông chúng ta, trao ban cho chúng ta, để những người được cứu thoát khỏi tay kẻ thù, phụng thờ Người” (Lc 1,72-73). Đức Giêsu, người con của Giao Ước, sẽ lập Giao Ước Mới bằng chính máu Người, máu đổ ra vì các môn đệ (Lc 22,20; Mc 14,24: “Đổ ra vì nhiều người”; Mt 28,28: “Đổ ra cho muôn người được ơn tha tội”).

“Đây là giao ước của Ta, các ngươi phải giữ, giữa Ta và các ngươi, và con cháu ngươi sau ngươi: Mọi người nam trong các ngươi đều phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì xác thịt nơi da qui đầu của các ngươi; Đó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta và các ngươi. Khi sinh được tám ngày, mọi bé trai trong các ngươi đều phải chịu cắt bì, qua con cháu ngươi.  Kẻ sinh ra trong nhà và người được mua bằng tiền bạc chắc chắn phải chịu cắt bì. Như thế giao ước của Ta nơi thân xác các ngươi sẽ thành giao ước muôn đời. Bất cứ người nam nào không chịu cắt bì xác thịt nơi da qui đầu phải bị loại ra khỏi dân. Nó đã phá vỡ giao ước” (St 17,10-14).

8.     Đặt tên là Giêsu: Giêsu trong tiếng Hy Lạp là Iesous, có gốc trong tiếng Hípri là “Joshua” (יְהוֹשֻׁ֣עַ), chính là nhân vật thay thế ông Môsê (Gs 1,1) để dẫn dân vượt qua sông Giorđan, vào chiếm đất hứa. Danh xưng này có nghĩa là “Thiên Chúa cứu” hay “Thiên Chúa trợ giúp”. Sứ giả Gabriel khi truyền tin cho bà Maria đã cho biết rằng “bà sẽ thụ thai, sinh ra một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31). Thông điệp này khá giống với thông điệp sứ giả nói cùng ông Dacaria: “Bà Êlisabét, vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13; Cf. 1,59-66). Trong trình thuật của tác giả Luca, người thuật chuyện cho biết tên gọi Giêsu chính là tên sứ giả đã gọi trước khi Người được thụ thai trong lòng (Lc 2,21). Trong trình thuật của tác giả Mátthêu, sứ giả đã buộc ông Giuse là phải đặt tên con trẻ là Giêsu, và sứ giả còn giải thích thêm lý do “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Rõ ràng, tên gọi Giêsu là tên gọi có chủ ý, để diễn tả con người và sứ mạng của Đấng Kitô. Đặc biệt là danh xưng này nhắc nhớ đến nhân vật Giôsuê, tác nhân của Chúa trong cuộc dẫn đưa dân vào đất hứa.

Bình luận tổng quát

Cảnh Giáng Sinh của tác giả Mátthêu làm kinh động đến kinh thành Giêrusalem, đến vị vua đang trị vì, và tất cả các nhà lãnh đạo Do Thái, bởi vì trước đó, nó đã làm náo động đến tận Phương Đông, làm cho các nhà chiêm tinh (thông thái) phải tìm đến để bái thờ và dâng lễ vật cho vị vua mới sinh của người Do Thái (x. Mt 2,1-12). Ngược lại, cảnh Giáng Sinh của tác giả Luca chỉ làm náo động đến vùng ven thành Bếtlehem. Nơi cánh đồng mục tử, các sứ giả của Chúa đã làm cho các mục tử phải giật mình với một tin vui trọng đại: Một Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô, Chúa, đã sinh ra trong thành của David. Tin vui ấy được tiếp nối bằng cảnh tượng vinh quang hùng vĩ, khi đoàn thiên sứ cùng hát mừng tôn vinh Thiên Chúa: “Vinh quang Thiên Chúa trên trời; bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Sau khi nghe và thấy tất cả những “sự việc” ấy, họ đã gieo bước hành trình, ra đi một cách hối hả, đến Bếtlehem để xem “sự việc đã xảy ra” như Chúa đã tỏ bày cho họ. Hành trình đường bộ dài, đường đi gập ghềnh, vào ban đêm, hẳn là một hành trình không hề dễ dàng. Tuy vậy, họ đã vượt qua, “băng qua” tất cả để đến tận Bếtlehem. Nơi ấy, họ không những nhìn thấy “trẻ thơ Giêsu được đặt nằm trong máng” như sứ giả đã nói mà còn thấy cả bà Maria và ông Giuse. Khi đã “mục sở thị”, đã kiểm chứng tỏ tường, họ tiếp nối hành động tỏ bày của Thiên Chúa. Họ tỏ bày “điều đã được nói cho họ về trẻ thơ này”. Bầu khí kinh ngạc, bầu khí cảm nghiệm mầu nhiệm thần linh, bao trùm lấy tất cả những ai nghe các mục tử “tỏ bày”. Tất cả những người nghe trong bối cảnh hiện tại có thể là ông Giuse, bà Maria, một số cư dân thành Jêrusalem, và có thể mở rộng ra cho tất cả mọi người ở mọi nơi, qua mọi thời đại. Bởi lẽ, theo lời các sứ giả của Chúa đây là “tin vui cho toàn dân” (Lc 2,10). Thái độ và suy nghĩ của bà Maria được tách riêng ra khỏi nhóm người còn lại. Bà luôn “gìn giữ” và “gẫm suy hoài” những sự việc liên quan đến Đức Giêsu. Thái độ của bà Maria, gìn giữ và gẫm suy, bao gồm cả lòng trân trọng và phân vân. Có lẽ, bà không ngừng phân vân là tại sao Đức Giêsu được sứ giả Gabriel nói đến với địa vị thân phận cao sang (Con Đấng Tối Cao, thừa kế ngai vàng David, triều đại vô cùng vô tận), lại sinh ra trong cảnh khốn cùng đến như vậy. Câu chuyện của các vị mục tử đã hé mở ánh sáng vinh quang của trẻ thơ Giêsu, nhưng đến bao giờ thì vinh quang ấy mới được tỏ hiện? Thái độ và hành động của bà Maria, lại được tiếp tục trong biến cố Đức Giêsu chủ động ở lại trong Đền Thờ vào dịp lễ Vượt Qua, lúc Người lên mười hai tuổi (x.Lc 2,41-52). Hành động “gìn giữ” và “gẫm suy” của bà Maria cứ kéo dài mãi như thế cho đến dưới chân thập giá, khi bà chứng kiến cái chết đau thương của Đức Giêsu. Có lẽ, cho đến lúc ấy, bà mới hiểu được phần nào sứ mạng của Đức Giêsu, con mình, Đấng được mệnh danh là Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsiah, con của Đấng Tối Cao, trị vì nhà Giacóp đến muôn đời. Đó là mầu nhiệm tự hạ và tự hủy hoàn toàn để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, trong đó có bà Maria. Hành trình tìm kiếm, và “tỏ bày”, của các mục tử được tiếp nối bằng hành trình trở về đầy linh thiêng, “vừa đi vừa tôn vinh và tán tụng Thiên Chúa vì tất cả những điều họ đã nghe và đã thấy, như đã được nói với họ”. Niềm vui, lòng tôn kính của họ, đã hòa vào niềm vui và lòng tôn kính của các thiên sứ trước mầu nhiệm tình yêu tự hạ mà Thiên Chúa đã dành cho dân ngoại. Đó là niềm vui của những người nghèo, quê mùa, lam lũ đón nhận Tin Mừng Chúa Giáng Sinh. Đó là Tin Vui của những người cảm nghiệm được hồng ân cứu độ. Sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu được hàm chứa trong tên gọi của Người: “Giêsu”, “Thiên Chúa Chúa cứu độ”. Người sẽ cứu độ nhân loại bằng chính máu của Người: “Chén này, là Giao Ước Mới trong máu Thầy được đổ ra vì anh em” (Lc 22,20).

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD

 



[2] “As in Acts 9:38 and 11:19 (cf. 13:6), ἕως (“to”) emphasizes the destination” [F. Bovon – H.Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis 2002) 92].

[3] In some cases the verb must be rendered by a specific term for going from the countryside to the central town or village” [J. Reiling & J.L. Swellengrebel, A handbook on the Gospel of Luke (UBS; New York 1993) 109].

[4] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 137.

[5]What has been made known to them (v 15) they now make known, presumably to all who were sharing the use of the peasant home (v 18, and cf. at v 7)” [J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC 35A; Dallas 2002) 109].

[6] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, 412.

[7]The mention of the parents indicates that the manger child is in no sense an abandoned child” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 109).

[8] J.B. Green, The Gospel of Luke, 138.

[9]as compared with the aorist tense in the preceding verse the imperfect tense here suggests that Mary kept her experiences in mind not for a moment but for a long time” (J. Reiling & J.L. Swellengrebel, A handbook on the Gospel of Luke, 122).

[10] J.A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-IX, 413.

[11] “They praise God as earlier the angelic chorus had praised him (v 13), and they glorify God, thus repeating on earth the heavenly recognition that in the birth of this child God has gained glory for himself (v 14)” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 110).

Thursday, 15 December 2022

IMMANUEL [עִמָּ֥נוּ אֵֽל]. Chú Giải Tin Mừng IV MV A (Mt 1,18-25) - Lm Jos. Ph.D. Thạch, SVD

 Bản văn và dịch sát nghĩa

Việt

Hy Lạp

18 Gốc tích của Đức Giêsu Kitô là như thế này. Khi bà Maria, mẹ Người được đính hôn với ông Giuse, trước khi họ về với nhau, bà bị phát hiện mang thai (có trong lòng) từ Thánh Linh.

19 Ông Giuse, chồng của bà, là một người công chính và không muốn tố giác bà, đã quyết định để bà đi cách kín đáo.

20 Trong khi ông đang suy tính những điều ấy thì kìa sứ giả của Chúa hiện ra với ông qua giấc mơ, nói rằng: “Hỡi ông Giuse, con của Đavid, đừng sợ lấy Maria làm vợ mình bào thai trong bà là từ Thánh Linh.

21 Bà sẽ sinh một con trai, và ông phải gọi tên Người là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.

22 Tất cả việc này xảy ra là để lời của Chúa qua vị ngôn sứ được hoàn trọn: 

23 “Này trinh nữ sẽ có thai và sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên cậu bé là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

24 Khi tỉnh ngủ, ông Giuse làm như sứ giả của Chúa đã truyền cho ông và đón vợ ông về.

25 và ông không biết bà cho đến khi bà sinh một con trai và ông gọi tên cháu bé là Giêsu.

18 Τοῦ δὲ Ἰησοῦ Χριστοῦ γένεσις οὕτως ἦν. μνηστευθείσης τῆς μητρὸς αὐτοῦ Μαρίας τῷ Ἰωσήφ, πρὶν συνελθεῖν αὐτοὺς εὑρέθη ἐν γαστρὶ ἔχουσα ἐκ πνεύματος ἁγίου.

 19 Ἰωσὴφ δὲ ἀνὴρ αὐτῆς, δίκαιος ὢν καὶ μὴ θέλων αὐτὴν δειγματίσαι, ἐβουλήθη λάθρᾳ ἀπολῦσαι αὐτήν.

 20 ταῦτα δὲ αὐτοῦ ἐνθυμηθέντος ἰδοὺ ἄγγελος κυρίου κατ᾽ ὄναρ ἐφάνη αὐτῷ λέγων· Ἰωσὴφ υἱὸς Δαυίδ, μὴ φοβηθῇς παραλαβεῖν Μαρίαν τὴν γυναῖκά σου· τὸ γὰρ ἐν αὐτῇ γεννηθὲν ἐκ πνεύματός ἐστιν ἁγίου.

 21 τέξεται δὲ υἱόν, καὶ καλέσεις τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἰησοῦν· αὐτὸς γὰρ σώσει τὸν λαὸν αὐτοῦ ἀπὸ τῶν ἁμαρτιῶν αὐτῶν.

 22 τοῦτο δὲ ὅλον γέγονεν ἵνα πληρωθῇ τὸ ῥηθὲν ὑπὸ κυρίου διὰ τοῦ προφήτου λέγοντος·

 23 ἰδοὺ παρθένος ἐν γαστρὶ ἕξει καὶ τέξεται υἱόν, καὶ καλέσουσιν τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἐμμανουήλ, ἐστιν μεθερμηνευόμενον μεθ᾽ ἡμῶν θεός.

24  ἐγερθεὶς δὲ Ἰωσὴφ ἀπὸ τοῦ ὕπνου ἐποίησεν ὡς προσέταξεν αὐτῷ ἄγγελος κυρίου καὶ παρέλαβεν τὴν γυναῖκα αὐτοῦ,

 25  καὶ οὐκ ἐγίνωσκεν αὐτὴν ἕως οὗ ἔτεκεν υἱόν· καὶ ἐκάλεσεν τὸ ὄνομα αὐτοῦ Ἰησοῦν. (Matt. 1:18-25 BGT)

Bối cảnh

Đây là câu chuyện đầu tiên trong năm câu chuyện về thời thơ ấu và giáng sinh của Đức Giêsu: (i) Gốc tích của Đức Giêsu (1,18-25); (ii) Những vị  khách từ Phương Đông (2,1-12); (iii) Tẩu thoát khỏi Aicập (2,13-15); (iv) Vụ thảm sát các hài nhi (2,16-18) và (5) Hành trình trở về từ Aicập (2,19-23). Đức Giêsu, bà Maria và ông Giuse là ba nhân vật trung tâm nối kết tất cả các câu chuyện này. Đoạn văn 1,18-25 được đặt ngay sau đoạn nói về gia phả của Đức Giêsu (1,1-17), trong đó Đức Giêsu được mô tả thuộc dòng dõi ông Ápraham và dòng dõi vua Đavid. Tuy nhiên, người nối kết trực tiếp với dòng dõi vua Đavid không phải là Đức Giêsu mà là ông Giuse, chồng của mẹ Người. Đoạn văn này như muốn lý giải nguồn gốc Đavid của Đấng Kitô, qua trung gian là ông Giuse và nhất là nguồn gốc từ trời của Người.

Cấu trúc

Ngoài phần dẫn nhập chung (Mt 1,18a), Mt 1,18b-25 có thể được chia thành ba phần: (I) Vấn nạn của ông Giuse (18-19); (II) Giải thích và trao ban sứ vụ cho ông Giuse (20-22) // (III) Đón nhận và thực thi sứ vụ (23-25).

Dẫn nhập: Sự giáng sinh của Đức Giêsu Kitô xảy ra như thế này.

(I) Vấn nạn của ông Giuse (18-19)

Maria, mẹ Người được đính hôn với ông Giuse,

trước khi họ về với nhau,

bà bị phát hiện mang thai từ Thánh Linh.

Ông Giuse, chồng của bà,

là một người công chính

không muốn tố giác bà,

đã quyết định để bà đi cách âm thầm.

(II) Giải thích và trao ban sứ vụ (20-22)

a.Đừng sợ lấy Maria làm vợ mình

b.Bà sẽ sinh một con trai,

c.Ông phải gọi tên Người là Giêsu,

 (III) Thực thi sứ vụ (24-25)

a’.Làm như sứ giả của Chúa: Đón vợ ông về.

b’.Bà sinh một con trai

c’.Ông gọi tên cháu bé là Giêsu

Một số điểm chú giải

1.     Gốc tích: Thuật ngữ γένεσις”, được nhắc lại, nối kết chặt chẽ với câu đầu tiên của Tin Mừng Mátthêu: “Sách gia phả của Đức Giêsu Kitô” (Βίβλος γενέσεως Ἰησοῦ Χριστοῦ 1,1). Thuật ngữ này vừa có nghĩa là “gốc tích/nguồn gốc”, “gia phả”, hay “sự sinh ra”. Thuật ngữ này được dùng trong sách Sáng Thế theo hai nghĩa: (1) Gốc tích/nguồn gốc trời đất (St 2,4: αὕτη βίβλος γενέσεως οὐρανοῦ καὶ γῆς); (2) Gia phả (St 5,1), đi kèm theo một danh sách tên riêng. Trong bối cảnh này, có thể hiểu như là “gốc tích” hay “sự giáng sinh”. Câu dẫn nhập “đây là gốc tích của Đức Giêsu” có thể là dẫn nhập cho riêng đoạn văn 1,18-25, nhưng cũng có thể là dẫn nhập cho phần mở rộng toàn thể trình thuật Giáng Sinh và thời thơ ấu (1,18 – 2,23).

2.     Đính hôn … trước khi về với nhau …đưa bà Maria về làm vợ mình … đón vợ ông về: Tương quan của bà Maria và ông Giuse được xác định rất rõ ngay từ đầu. Bà Maria đã được đính hôn[1] với ông Giuse. Theo luật lệ Do Thái, sau khi đính hôn người phụ nữ, trên danh phận, đương nhiên đã là vợ của người đàn ông mà họ đính hôn. Nếu hai người chia tay nhau thì cũng xem là ly dị và nếu người đàn ông đi lính và chết trận, người phụ nữ sẽ trở thành “quả phụ”.[2] Tuy nhiên, có một khoảng thời gian giữa đính hôn và “đi về với nhau” (συνελθεῖν). Khoảng thời gian chờ đợi này thường kéo dài khoảng một năm (Đnl 22,24; St 19,14). Trong khoảng thời gian đó, dĩ nhiên, họ chưa được phép quan hệ vợ chồng, nên không thể có con được. Khi biết được suy tính thầm kín của ông Giuse, không đón bà Maria về với mình, sứ giả của Chúa đã lập tức đến gặp ông Giuse để khuyên ông đón bà về làm vợ. Cuối cùng, ông Giuse đã nghe theo lời sứ giả của Chúa và đón vợ ông về, hoàn tất thời gian đính hôn đầy trắc trở, tưởng như tan vỡ. Tình trạng gia đình của Maria-Giuse có thể được mô tả ngắn gọn như sau: Đã đính hôn – dự định về với nhau – Maria có thai từ Thánh Linh – dự tính ly hôn âm thầm – tác động của sứ giả của Chúa – không ly hôn nữa – về với nhau – không ăn ở với nhau – cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa.

3.     Bà Maria mẹ Người … ông Giuse chồng bà: Trong khi bà Maria được định danh là “mẹ Người” (μητρὸς αὐτοῦ), thì ông Giuse được định danh là “chồng của bà” ( ἀνὴρ αὐτῆς, nghĩa đen, người đàn ông của bà). Danh phận vợ-chồng của ông Giuse và bà Maria được nói đến nhiều lần trong đoạn văn này: “Được đính hôn với ông Giuse” (được gả) (1,18); “Ông Giuse, chồng bà” (1,19); “Maria vợ của ngươi” (1,20); “Vợ của ông” (1,24). Trong trình thuật này, dường như tác giả, tránh gọi ông Giuse là cha của Đức Giêsu. Trong trình thuật về gia phả trước đó, ở điểm kết nối cuối cùng theo mạch văn, “ông này sinh ông kia” (ông Máthan sinh ông Giacóp, ông Giacóp sinh ông Giuse…), lẽ ra, câu văn phải là “ông Giuse sinh Đức Giêsu”. Tuy nhiên, tác giả lại chuyển đổi cấu trúc theo hướng khác: “Ông Giacóp sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, Người mà từ đó, Đức Giêsu, còn gọi là Đấng Kitô được sinh ra” (Mt 1,16). Tác giả dường như muốn tránh đi sự hiểu lầm về nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu. Tác giả Luca, khi Đức Giêsu khai mạc sứ vụ, tác giả Luca giới thiệu về Người trong tương quan với ông Giuse rằng: “Đức Giêsu, như vẫn được giả định, là con của ông Giuse” (Lc 3,23). Cũng giống như tác giả Mátthêu, Luca dường như cũng tránh những hiểu lầm về thần tính của Đức Giêsu.[3]

4.     Bị phát hiện có thai từ Thánh Linh: Động từ “bị tìm thấy” (bị phát hiện, εὑρέθη), được chia ở thể bị động. Tác nhân của động từ này, rất có thể chỉ một mình ông Giuse. Hay nói đúng hơn, chỉ một mình ông phát hiện và biết rõ sự bất thường về bào thai này. Điều này dẫn đến việc ông quyết định để bà ra đi cách âm thầm. Cùng với cách gọi tránh “ông Giuse, chồng của bà” (không phải là cha của Đức Giêsu) là mặc khải về sự can thiệp của Thánh Linh trong mầu nhiệm trinh thai của bà Maria. Ông Giuse đương nhiên biết rõ mình không phải là tác nhân của bào thai ấy, ông chỉ không hiểu là nó từ đâu mà thôi. Cụm giới từ “từ Thánh Linh” (ἐκ πνεύματός ἐστιν ἁγίου, giải thích nguồn gốc của việc bà Maria thụ thai cách lạ lùng. Muốn hiểu thêm về tác động của Thánh Linh trên việc “thụ thai” này, thì độc giả phải đọc thêm câu chuyện “truyền tin cho bà Maria” của tác giả Luca (Lc 1,26-38). Trong câu chuyện ấy, bà Maria đã thắc mắc rằng: “Chuyện ấy sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết người nam (quan hệ nam nữ)” (ἄνδρα οὐ γινώσκω: Lc 1,34). Sứ giả giải giải thích rằng: “Thánh Linh sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Ông Giuse không biết cách thức thế nào, nhưng qua lời sứ giả của Chúa, ông hiểu được Thánh Linh là căn nguyên của mầu nhiệm trinh thai này. Nhiều dạng khác nhau của Thánh Linh được tìm thấy trong Tin Mừng Mátthêu: Thánh Linh (1,18.20; 3,11; 12,32; 28,19), Thần Khí của Chúa (3,16; 12,28); Thần Khí (4,1; 12,31; 22,43) và Thần Khí của tôi (12,18). Thánh Linh có vai trò đặc biệt trong cuộc đời của Đức Giêsu nhập thể từ lúc Người thụ thai cho đến lúc Người chịu dìm trong nước (3,16); Chịu cám dỗ (4,1); Và lúc Người thi hành sứ vụ (12,18.28.31.32). Thánh Linh cũng tiếp tục hiện diện đồng hành và hướng dẫn Hội Thánh ngay từ thuở sơ khai cho đến hôm nay. Trong bối cảnh bà Maria thụ thai, có thể hiểu Thánh Linh như là tác nhân của sự sáng tạo, tương tự như sự việc Thần Khí Thiên Chúa đã hiện diện trong lúc Thiên Chúa sáng tạo thế giới: “Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Thánh Linh ở đây có nghĩa là quyền năng sáng tạo của Thánh Linh.[4]

5.     Người công chính[5] (δίκαιος ὢν καὶ”: Vì là một người công chính nên/ Dẫu là một người công chính nhưng…): Liên từ “καὶ” (nhưng, và) và động từ eimi ở thể hiện tại phân từ “ὢν” (being) là hai yếu tố mấu chốt trong việc chú giải về “sự công chính” của thánh Giuse.

Nếu chúng ta hiểu “καὶ” được hiểu là “nhưng”, thì danh từ “δίκαιος” (sự công chính) của thánh Giuse là công chính theo lối giữ Lề Luật. Luca cho chúng ta biết rằng: Cả Dacaria và bà Anna, “đều là người công chính trước mặt Chúa, sống đúng với mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1,6). Như thế, công chính là sống đúng với điều răn và lề luật Chúa. Vậy, sự công chính của Giuse là phải giữ Lề Luật phải tố cáo, đưa vụ việc ra xét xử theo Luật Cựu Ước (Đnl 22,20-21), “nhưng” ông không muốn làm mất mặt cô. Và khi đó cụm động tính từ “δίκαιος ὢν” có thể được dịch rằng: “Dẫu/tuy là người công chính”. Cả câu sẽ là: “Dẫu/tuy là người công chính nhưng ông không muốn làm mất mặt cô”.[6] Trong trường hợp này, chúng ta thấy được, quyết định của thánh Giuse vượt quá sự công chính theo lối “giữ Lề Luật”. Quyết định không tố giác người bạn đời biểu lộ lòng xót thương và sự hiền lành trong con người của thánh Giuse.[7] Sự công chính này nên được soi rọi trong ánh sáng lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho các môn đệ: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người kinh sư và những người Pharisêu thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Sự công chính của các kinh sư và những người Pharisêu có thể là sự công chính của những người “giữ Lề Luật” một cách cứng nhắc, nhưng lại sống “giả hình” (Mt 23,1-32). Sự công chính của thánh Giuse rõ ràng đạt đến cảnh giới Đức Giêsu mời gọi và là gương mẫu lý tưởng cho các môn đệ.

Trường hợp thứ hai, liên từ “καὶ” được hiểu là “và”. Khi đó, sự công chính của thánh Giuse được định hình, quy định theo hành động phía sau đó. Trong trường hợp này, cụm tính từ “δίκαιος ὢν” có thể dịch theo nghĩa nguyên nhân (vì là một người công chính). Cả câu sẽ trở thành: “Vì ông Giuse, chồng của bà, là người công chính, nên không muốn làm mất mặt bà, mà quyết định để bà ra đi một cách âm thầm”. Như thế, sự “công chính” của thánh Giuse là biểu hiện của lòng thương người, lo lắng cho người bạn đời của mình. Cũng có thể, thánh Giuse tin tưởng vào Bà Maria và ngầm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa đang thực hiện trên cuộc đời cô, nên ông đành rút lui. Có thể, bà Maria đã có dịp tâm sự với thánh Giuse về mầu nhiệm này. Vợ chồng tâm sự những chuyện trọng đại như thế với nhau là chuyện thường. Sự công chính này còn là sự công chính của lòng tin và tôn trọng ý định của Thiên Chúa. Khi sứ thần gặp thánh Giuse “trong giấc mơ” có khích lệ rằng: “Giuse con vua Đavid, đừng sợ đón Maria, vợ ông về”. “Nỗi sợ này” có thể là nỗi kính sợ “mầu nhiệm của Chúa” trên cuộc đời vị nương tử yêu dấu. Tác giả B. Newman – P. Stine đề xuất ba cách hiểu tính từ “công chính”: (1) Một người vâng phục những mệnh lệnh của Chúa, một người ngay thẳng, một người cá tính; (2) Tử tế hoặc có lòng thương xót (25,37-40; 10,41); (3) Tốt (x. Tv 145,17).[8]

Sự công chính là một trong những ý tưởng chủ đạo trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5 – 7), bài giảng đầu tiên trong năm bài giảng của Đức Giêsu theo tác giả Mátthêu. Nhiều cách diễn tả khác nhau liên quan đến sự công chính được nhắc đến trong bài giảng này: “Đói và khác sự công chính” (5,6); “bị bách hại vì sự công chính” (5,10); “ trừ khi sự công chính của các ngươi vượt trên sự công chính của các kinh sư và những người Pharisêu” (5,20), “thực hiện những hành động công chính” (6,1); “Hãy tìm kiếm vương quốc của Chúa và sự công chính của Người” (6,33). Có thể nói răng ông Giuse đã vươn đến đức công chính mà Đức Giêsu mời gọi trong Bài Giảng Trên Núi.

6.     Quyết định để bà đi một cách kín đáo: Động từ ἀπολύω” là một động từ ghép bao gồm động từ “λύω” có nghĩa là “tháo”, “cởi”, và một giới từ “ἀπò” có nghĩa là “khỏi”, “từ”. Động từ này thường được dùng cho các tù nhân theo nghĩa là “thả tự do”, “phóng thích”. Trong quy định về hôn nhân, động từ này được dùng diễn tả hành động ly dị. Trong truyền thống Do Thái cổ xưa, chỉ có người đàn ông, người chồng được có quyền ly dị người vợ. Người chồng có quyền viết chứng thư để đuổi vợ đi, cho vợ đi (x. Mt 5,31; Đnl 24,1-3). Trong bối cảnh này có thể hiểu sát nghĩa động từ này là “để cho bà đi” hay nghĩa tòa án là “ly dị”, nhưng nên nhớ rằng, quyền chủ động nằm ở người chồng, ông Giuse, chứ không phải nơi bà Maria. Trạng từ “một cách âm thầm” (kín đáo) nằm giữa hai động từ “quyết định” và “để cho đi”, có thể bổ nghĩa một trong hai động từ, nên có thể hiểu là “quyết định cách âm thầm” hay “để cho đi” một cách âm thầm. Trong trường hợp thứ nhất, ông Giuse không nói với ai, hay bàn với ai, hay ngay cả nói với bà Maria bằng một chứng thư chính thức. “Một cách âm thầm” có thể hiểu như là “không xử phạt” hay “không xử công khai và không công bố tội trạng”.[9] Trong trường hợp thứ hai, có thể, ông nói với bà Maria bằng một chứng thư, nhưng không công khai cho người khác biết.

Quy định sách Đệ Nhị Luật liên quan đến người đính hôn ngoại tình: “Nếu một thiếu nữ đã đính hôn với một người đàn ông, và một đàn ông gặp nàng trong thành và đã nằm với nàng, các ngươi sẽ mang cả hai ra nơi cổng thành ấy mà ném đá chúng cho đến chết: Thiếu nữ bởi lẽ là ở trong thành mà đã không kêu cứu; và người đàn ông, bởi lẽ đã hãm hiếp vợ người đồng loại. (Và) ngươi sẽ quét sạch sự dữ khỏi giữa ngươi” (Đnl 22,23-24).

7.     Sứ giả của Chúa hiện ra …qua giấc mơ: Sứ giả của Chúa được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Máthêu, đặc biệt trong trình thuật Giáng Sinh (1,20.24; 2,13.19; 28,2). Sứ giả là người được Chúa sai đến và mang thông điệp hay hành động thay Chúa. Sứ giả thường xuất hiện qua “giấc mơ”. Trong Máthêu, “giấc mơ” là phương tiện thường xuyên Thiên Chúa sử dụng để tỏ lộ ý định của Người. Trong Do Thái giáo những giấc mơ được chấp nhận như là phương tiện mặc khải thần linh.[10] Rất nhiều lần các nhân vật trong Cựu Ước lãnh nhận mặc khải thần linh qua giấc mơ: Các tổ phụ (St 28,12; 31,24; 37,5-10); Vua Salômôn (1 V 3,5), thậm chí những người ngoại (St 20,3; 40,5; 41,1). Hai nhân vật nổi tiếng về giải thích những giấc mơ trong Cựu Ước là ông Giuse và Daniel. Chúng ta có thể liên tưởng đến tổ phụ Giuse, người thường có những giấc mơ và ông Giuse, chồng của bà Maria, cũng là người hay có những giấc mơ đặc biệt. Có thể nói rằng, trong Tân Ước, ông Giuse là người giao tiếp với thế giới thần linh qua giấc mơ nhiều nhất. Tác giả Mátthêu sử dùng sáu lần cụm từ “trong giấc mơ”, thì hết năm lần cho ông Giuse, lần duy nhất còn lại cho bà vợ ông Philatô. Điều đặc biệt là ông Giuse hoàn toàn tin theo và làm theo những chỉ dẫn trong giấc mơ. Sứ giả gọi ông Giuse là “con vua Đavid”, giống với danh xưng mà tác giả giới thiệu Đức Giêsu trong bản gia phả (Mt 1,1-17). Như thế, danh xưng “con của Đavid rất quan trọng, vì nó xác định dòng máu vương đế của ông Giuse và qua đó xác định nguồn gốc Mêsiah vương đế nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu được giới thiệu là “con cháu của vua Đavid, con cháu của tổ phụ Ápraham”. Người sinh ra trong thành Bếtlehem, thành của vua Đavid. Nhiều lần Người được gọi là “con vua Đavid” (Mc 10,47.48).

8.     Gọi tên Người là Giêsu (Ἰησοῦς): Danh xưng này là một tên gọi khá quen thuộc trong truyền thống Do Thái. Danh xưng này có nguồn gốc từ tiếng Do Thái ([;WvAhy>) hoặc ([;WvAy>), gồm có danh xưng “Chúa” (יהוה) ghép với động từ “cứu” ([vy), có nghĩa là Chúa cứu/ giúp. Đây chính là tên của người đã thay thế ông Môsê, dẫn dân đi qua song Giorđan, tiến vào đất hứa, ông Giôsuê. Sứ giả giải thích rõ ràng lý do ông Giuse phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, “vì Người sẽ cứu dân của mình khỏi tội lỗi của họ”. Ý tưởng này được lấy lại trong Tv 130,8: “Người cứu dân Người, Israel, khỏi tất cả tội lỗi của họ”. Sứ mạng của Đấng Mêsiah là rất rõ ràng. Người không thi hành quyền lực chính trị, phản kháng lại ách thống trị của ngoại bang, nhưng là thực thi quyền lực trên tội lỗi, là căn nguyên của sự chết. Sứ mạng này được thể hiện qua việc nhiều lần Đức Giêsu công bố ơn tha tội cho các bệnh nhân (mt 9,2.5; Mc 2,5.9; Lc 5,20.23). Đặc biệt, trong lời nguyện trên chén rượu trong đêm Tiệc Ly, chỉ riêng Đức Giêsu của Máthêu công bố “ơn tha tội cho nhiều Người” nhờ máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra trên thập giá. Sự kết hợp giữa cái chết hy sinh và giao ước được nói đến nhiều lần trong Cựu Ước (Xh 24,8; Is 53,12; Gr 31,31.34; Dcr 9,11), đặc biệt là Is 53,12 nhấn mạnh đến sự đau khổ và cái chết của người tôi tớ nhằm xóa tội cho người ta.

Đối chiếu lời trên chén rượu qua các tác giả

Mt 26,28

Mc 14,24

Lc 22,20

1 Cr 11,25

Vì này là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra nhiều người được ơn tha tội. Và Thầy bảo anh em: Từ nay Thầy sẽ không còn uống đến hoa quả giống nho này nữa, cho đến này ấy, ngày Thầy sẽ uống thứ mới với các ngươi trong Nước Cha Thầy”

Và Ngài nói với họ: "Này là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì nhiều người.

Và chén sau bữa ăn, cũng như vậy mà rằng: “Chén này là giao ước mới trong máu Thầy, phải đổ ra vì anh em

Cũng vậy về chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giao ước mới trong Máu Thầy, anh em hãy làm việc này mỗi khi uống mà nhớ đến Thầy. 

9.     Lời của Chúa qua ngôn sứ được hoàn trọn: Tin Mừng Mátthêu được mệnh danh là Tin Mừng của sự “hoàn trọn”, vì hơn ai hết, tác giả Mátthêu luôn móc nối các mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu với Sách Cựu Ước (x. 2,15.17.23; 4,14; 8,17; 12,17; 13,35; 21,4; 27,9). Hướng đi này cũng dễ hiểu, vì độc giả của ông là những người Do Thái, và Sách Thánh là một phần trong văn hoá và tôn giáo của họ. Câu trích dẫn được lấy từ Is 7,14, ngoại trừ danh xưng Giêsu. Câu trích này được đưa ra trong bối cảnh vua Giuđa (đất nước Miền Nam) là Ahaz đang bị liên minh Syria và vương quốc miền Bắc (Épraim) bao vây. Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaiah đến trấn an vua Ahaz, và hứa rằng liên minh ấy sẽ bị đánh tan. Ngôn sứ Isaiah gợi ý cho vua Ahaz xin một dấu từ Chúa, Thiên Chúa, nhưng vua Ahaz không xin, lấy lý rằng ông sẽ không thử thách Chúa. Tuy vậy, ngôn sứ Isaiah vẫn truyền cho ông một dấu: “Này, một thiếu nữ sẽ mang thai và sinh một con trai, và ngươi phải gọi tên nó là Immanuel”. Danh từ “הָעַלְמָ֗ה” (ha alma) trong tiếng Do Thái có nghĩa là một cô gái trẻ, chưa sinh con. Bản dịch tiếng Hy Lạp (LXX) chuyển danh từ này thành “παρθένος” (parthênos) có nghĩa là một trinh nữ và tác giả Mátthêu trích lại từ bản dịch tiếng Hy Lạp. Câu trích của Is 7,14 thoả mãn hai điều trong mầu nhiệm mang thai của bà Maria: (1) Một trinh nữ; (2) Sinh một người con trai. Tên “Immanuel” trong lời ngôn sứ Isaiah, được tác giả Mátthêu đổi thành “Giêsu” nhằm nhấn mạnh đến vai trò cứu độ của Người. Tuy nhiên, “Thiên Chúa ở cùng” cũng bao hàm vai trò cứu độ và giải thoát. Quan điểm này được tìm thấy trong lời của ông Ghiđêon. Khi sứ giả của Chúa nói cùng ông “Chúa ở cùng ông” (יְהוָ֥ה עִמְּךָ), ông đã than thở rằng: “Nếu có Chúa ở cùng chúng tôi, thì làm thế nào chúng tôi phải gặp những vấn đề này?” (bị quân Midian xâm chiếm, x.Tl 6,12-13). Việc Tin Mừng Mátthêu không có trình thuật thăng thiên, khiến các học giả nghĩ rằng tác giả Máthêu muốn xây dựng Tin Mừng trong khung thần học “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Trong khi Tin Mừng Luca và Máccô đều kết thúc bằng biến cố Đức Giêsu lên trời, Tin Mừng Mátthêu kết thúc bằng lời bảo đảm của Đức Giêsu: “Này, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “người con trai” trong bối cảnh gốc của lời ngôn sứ Isaiah có thể hiểu là con trai của vua Ahaz, nghĩa là vua Hedêkiah.[11] Tuy nhiên, cách nói “nhà Đavid” trong 7,13 trước đó cho phép hiểu rộng hơn về “người con trai” có danh xưng là “Emmanuel” này. Chính vì thế, tác giả Mátthêu áp dụng cho chính câu bé Giêsu.

Is 7,14:

לָ֠כֵן יִתֵּ֙ן אֲדֹנָ֥י ה֛וּא לָכֶ֖ם א֑וֹת הִנֵּ֣ה הָעַלְמָ֗ה הָרָה֙ וְיֹלֶ֣דֶת בֵּ֔ן וְקָרָ֥את שְׁמ֖וֹ עִמָּ֥נוּ אֵֽל׃

Chúa sẽ ban cho ngươi một dấu: “Này, một thiếu nữ sẽ mang thai và sinh một con trai, và ngươi phải gọi tên nó là Immanuel”

10.  Làm như sứ giả của Chúa đã truyền: Làm như sứ thần truyền bao gồm hai điều: (1) Đón bà về nhà mình; (2) Gọi tên đứa bé là Giêsu; (3) Không biết bà cho đến khi bà sinh một con trai. Theo mạch văn kể chuyện, dường như ông Giuse đón bà Maria về liền sau khi tỉnh giấc, bất chấp thời gian chờ đợi vẫn chưa hết (sau khi tỉnh dậy, ông Giuse làm như sứ giả Chúa đã truyền cho ông”, Mt 1,24). Điều này vừa giúp bà Maria tránh được lời qua tiếng lại về bào thai mà bà mang trước khi về với ông Giuse, vừa cho thấy sự mau mắn của ông Giuse trong việc đáp trả lại lời mời gọi của Chúa. Toàn bộ những hành động này cho thấy ông Giuse đã thay đổi kế hoạch “rút lui” cách âm thầm của mình và cũng thay đổi kế hoạch “lập gia đình” lúc ban đầu với bà Maria. Kế hoạch “xây tổ ấm” của ông từ đây trở đi là kế hoạch cộng tác hoàn toàn vào chương trình cứu độ của Chúa. Đặt tên là đảm nhận chức vụ làm cha về mặt pháp lý. Những hành động của ông Giuse làm rõ ý nghĩa đặc tính “công chính” của ông mà tác giả đề cập ở 1,19. Đó là sự công chính của Người luôn chọn lựa và thực thi ý Chúa. Người thực thi ý muốn của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, là anh, chị, em và là cha (được ngụ ý), mẹ của Đức Giêsu (Mt 12,50; Mc 3,31-35; Lc 8,19-21).

11.  Không “biết” bà cho đến khi (οὐκ ἐγίνωσκεν αὐτὴν ἕως): Động từ “biết” được dùng để nói tránh cho hành vi quan hệ vợ chồng. Trong Cựu Ước động từ này thường xuyên được dùng theo nghĩa đó: “Ađam biết Evà, vợ mình, rồi bà thụ thai và sinh Cain, nói rằng: “Tôi có một người với sự trợ giúp của Chúa”; “Cain biết vợ mình, rồi bà thụ thai và sinh Khanốc” (St 4,1.17; Cf. St 19,8; Ds 31,17; Tl 11,39; 1 Sm 1,19; Gđt 16,22). Trong biến cố truyền tin, do tác giả Luca ghi lại, bà Maria cũng dùng động từ này: “Chuyện đó sẽ xảy ra cách nào được vì tôi không hề biết một người đàn ông” (Lc 1,34: πῶς ἔσται τοῦτο, ἐπεὶ ἄνδρα οὐ γινώσκω). Động từ “biết” được dùng ở thì vị hoàn (chưa hoàn thành) nhấn mạnh sắc thái kéo dài của hành động: “Luôn không biết bà”. Mệnh đề “cho đến khi bà sinh một con trai”, cùng với sự kiện “mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người” (Mt 12,46-47; Mc 3,31-32), làm cho nhiều tác giả Tin Lành lý giải rằng sau khi bà Maria sinh “một con trai”, thì hai ông bà sinh hoạt vợ chồng bình thường, và những người anh em ấy là anh em ruột của Người.[12] Tuy thế, tác giả chỉ có ý nhấn mạnh sự giáng sinh kỳ lạ và nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu, chứ không có ẩn ý về một đời sống bình thường giữa hai người sau khi bà Maria sinh Đức Giêsu. Ý định của tác giả nhằm tăng thêm và chốt lại bằng sự cộng tác của ông Giuse với những mầu nhiệm đã được tỏ lộ trước đó: “Thai nhi trong bụng bà là từ Thánh Linh” (Mt 1,20). Thánh Linh không ra lệnh là không được ăn ở với bà Maria, nhưng ông Giuse ý thức được điều ấy và tự lệnh cho mình không được can thiệp vào công trình của Thánh Linh.

Bình luận tổng quát

Trong số các tác giả Tin Mừng, chỉ có tác giả Mátthêu và Luca có trình thuật về Giáng Sinh và Thời Thơ ấu. Điểm gặp nhau giữa hai tác giả này là: Đức Giêsu giáng sinh bởi trinh nữ Maria, qua sự can thiệp của Thánh Linh (Mt 1,18-25; Lc 1,26-38); Nơi sinh của Người là Bếtlehem, quê hương của vua Đavid (Mt 2,1-12; Lc 2,1-7); Người lớn lên ở Nadarét (Mt 2,21-23; Lc 2,39-40). Nếu đọc song song, và đối chiếu các trình thuật của hai tác giả này, người ta có thể nhận thấy rằng, dường như họ đi theo hai hướng khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Trong khi tác giả Luca nhấn mạnh về nhân vật bà Maria, mẹ ruột của Đức Giêsu, tác giả Mátthêu nhấn mạnh đến nhân vật Giuse, cha nuôi của Người. Nếu như trong Tin Mừng theo tác giả Luca, sứ giả của Chúa đến truyền tin cho bà Maria, thì trong Tin Mừng Mátthêu, sứ giả đến thưa chuyện cùng ông Giuse và trao ban sứ vụ cho ông. Dường như sau khi truyền tin cho bà Maria, sứ giả phải đến truyền tin cho ông Giuse để giải thích cho ông rõ và mời ông vào cuộc cùng với Bà Maria, vì lúc ấy ông đang toan tính rút lui cách âm thầm. Ông Giuse rút lui khỏi cuộc đời bà Maria bằng cách để cho bà ra đi trong âm thầm. Mục tiêu kép là ông vừa không muốn can dự vào cuộc đời bà Maria, với chiếc bào thai không rõ ràng, vừa không muốn tố giác vị hôn thê của mình. Lý do được đưa ra cho chọn lựa của ông xoay quanh đặc tính “công chính” của ông. Sự công chính của ông Giuse được hiểu theo cách hiểu của liên từ “kai” (và, nhưng). Nếu hiểu “kai” là “nhưng”, thì sự công chính của ông có thể được hiểu là công chính của người làm theo Luật dạy: “Ông Giuse, tuy là người công chính, nhưng ông không muốn tố giác bà, ông quyết định để bà ra đi cách kín đáo”. Vì thực thi Lề Luật, ông Giuse phải đưa vấn nạn của bà Maria ra ánh sáng, nhưng ông vượt trên sự công chính theo Lề Luật để thể hiện lòng nhân, lòng thương xót đối với vị hôn thê của mình, vì nếu ông làm theo Luật thì bà Maria có nguy cơ phải đối diện với bản án ném đá đến chết. Nếu hiểu chữ “kai” theo nghĩa là “và” (nên): “Ông Giuse, vì là người công chính, và (nên) không muốn tố giác bà, ông quyết định để bà ra đi cách âm thầm”. “Để bà ra đi” âm thầm là biểu hiện, minh chứng cho sự công chính của ông. Qua lời của sứ giả, dù chỉ là trong giấc mơ, ông Giuse hiểu ra rằng tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa. Ông hiểu vị hôn thê của mình mang thai không liên quan gì đến kẻ thứ ba. Tác nhân “Thánh Linh” cho thấy tính thánh thiêng của thai nhi chưa chào đời. Danh xưng “Giêsu” diễn tả sứ mạng cứu độ, bằng cách cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Lời Chúa trong sách ngôn sứ liên quan đến một trinh nữ mang thai, sinh hạ một con trai càng khẳng định nền tảng mầu nhiệm mà bà Maria đang cộng tác. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Mêsiah của lời hứa, Đấng Cứu Độ, mà còn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi thực thi đúng như lời sứ giả nói, ông Giuse đã cho thấy sự quảng đại xin vâng như bà Maria, hôn thê của mình. Ông đã xoay chuyển 180 độ, từ ý định rút lui có trật tự, ông quay về cộng tác với sứ vụ, và dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ ấy. Nơi ông Giuse, người ta có thể thấy được mức độ công chính tột đỉnh. Đó là sự công chính của người tin vào lời sứ giả của Chúa trong những giấc mơ, để rồi vâng phục, hy sinh, sẵn sàng cho sứ vụ cứu độ. Ông cũng là mẫu hình của người “lắng nghe và thực hành lời” Chúa cách tuyệt vời nhất. Sự đáp trả của ông Giuse, cùng với sự xin vâng của bà Maria đã đánh dấu sự trọn vẹn, hoàn hảo về sự cộng tác quảng đại của nhân loại vào công trình cứu độ tuyệt vời của Chúa.

Một vài kết luận thần học quan trọng trong Mt 1,18-25: (1) Đức Giêsu được thụ thai từ quyền năng Thiên Chúa, được bà Maria sinh ra. Người là Con Thiên Chúa, nhập thể làm người; (2) Người chính là Đấng Mêsiah trong truyền thống Do Thái, Đấng được hứa trước và muôn dân đang trông đợi; (3) Sứ vụ của Người ẩn chứa trong danh của Người, Giêsu: Đấng cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ; (4) Người cũng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Immanuel); (5) Ông Giuse là mẫu gương cho sự công chính vượt bậc qua lòng thương xót với người bạn đời và thực thi thánh ý Chúa; (6) Đức Giêsu là con vua Đavid theo dòng phụ hệ của ông Giuse, người đặt tên cho Đức Giêsu theo lời sứ giả.

Lm. Jos. Phạm Duy Thạch, SVD



[1] “Two witnesses, mutual consent and groom's declaration were necessary to establish Jewish betrothals” [C. S. Keener, The IVP Bible Background Commentary. New Testament (Downers Grove, Ill 1993) 47].

[2]Though the Jews did distinguish engagement from marriage, the dissolution of an engagement was considered the equivalent of divorce, and an engaged woman whose husband-to-be had died was regarded as a widow’ [B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992) 20]; “In the Law (Deut 22:13 ff.) betrothal was a far more binding step than is our custom of engagement before marriage, and the penalty for fornication with one person while betrothed to another was death for both guilty parties” [W.F. Albright, & C.S. Mann, Matthew. Introduction, translation, and notes (New Haven – London 2008) 7].

[3] Tuy nhiên, cũng có lúc dân chúng thị trấn Nadarét đã gọi Đức Giêsu là “con của ông Giuse” (Người này không phải là con của ông Giuse sao? οὐχὶ υἱός ἐστιν Ἰωσὴφ οὗτος, Lc 4,22; tác giả Mátthêu nói là “con của bác thợ”, Mt 13,55; tác giả Máccô gọi Đức Giêsu là “bác thợ”, Mc 6,3). Có lẽ, trong những cách gọi của dân chúng Nadarét chỉ hàm chứa thói quen, chứ không nhấn mạnh đến vấn đề trinh thai và nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu.

[4] W. D. Davies – D.C. Jr. Allison, A critical and exegetical commentary on the Gospel according to Saint Matthew (ICC; New York 2004) I, 197.

[6]while Joseph's sense of obedience to the Law forced him in conscience to divorce Mary, his unwillingness to expose her to public disgrace led him to proceed without accusation of serious crime. He was upright but also merciful[R.E. Brown, The Birth of the Messiah. A Commentary on the Infancy Narratives in the Gospels of Matthew and Luke (New York 1977) 127].

[7]“Joseph chose the more merciful course of action. Strictly speaking, the punishment for adultery was death by stoning, although the penalty in New Testament times may have been less severe” (B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 22).

[8] B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 22.

[9] B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 23.

[10] B.M. Newman & P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 24

[11] X. J.D.W. Watts, Isaiah 1-33, WBC 24 (Revised Edition); D.A. Hagner, Matthew 113, 20.

[12]The verse is commonly cited by Protestants to indicate that Mary had other children, by Joseph. It has been common tradition in both Eastern and Western Christendom since at least the fourth century that Mary was virgin both before and after the birth of Jesus” (W.F. Albright, & C.S. Mann, Matthe, 9).