XUNG ĐỘT VÀ ÂM MƯU
Xung đột bắt đầu lên cao trào có
lẽ là trong sự kiện Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ, với lời trách nặng nề rằng:
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn
cướp” (Lc 19,46). Sau vụ này, “các Thượng Tế, và Kinh Sư đã tìm cách giết Người.
Cả các thân hào trong dân cũng vậy, nhưng họ không biết làm thế nào vì toàn dân
say mê nghe Người” (Lc 19,47-48). Sau khi Đức Giêsu kể dụ ngôn “tá điền sát
nhân” xung đột càng tăng lên. Vì biết rằng Đức Giêsu nhắm vào họ, nên “các Kinh
Sư và Thượng Tế tiếp tục tìm cách bắt Người, nhưng họ lại sợ dân” (Lc 20,19). Ngoài
ra, Đức Giêsu cũng khiển trách các Kinh Sư nặng nề vì họ là “những người ưa dạo
quanh trong bộ áo dài, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế
danh dự trong các hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc. Họ nuốt hết
tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ” (Lc 20,45-47). Vì tất
cả những xung đột ấy, nên ngay trước đại Lễ Vượt Qua, các Thượng Tế và các Kinh
Sư lại âm mưu thủ tiêu Đức Giêsu. Các Thượng Tế và các Kinh Sư là hai tầng lớp
đứng đầu dân Do Thái về quyền lực và chuyên môn. Thượng Tế là người đứng đầu
Thượng Hội Đồng Do Thái. Các Kinh Sư là các nhà chuyên môn về Sách Thánh và Lề
Luật. Nếu họ muốn Đức Giêsu chết thì họ có đủ quyền lực và âm mưu để giết Người.
Vụ án của Đức Giêsu phát xuất từ âm mưu rõ ràng của một nhóm người. Tuy nhiên,
nó cũng không nằm ngoài kế hoạch cứu độ của Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha.
SỰ TRAO BAN ĐỨC GIÊSU VÀ SỰ CHỐI
TỪ CỦA CÁC MÔN ĐỆ
Sự chủ động của Đức Giêsu:
Trao ban mạng sống vì tình yêu dành cho nhân loại
Thánh Phaolô đã giúp chúng ta hiểu
điều này qua nhiều lần khẳng định: “Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội
lỗi chúng ta” (Rm 4,25); “Đức Kitô chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh
Kinh” (1 Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn
của Thiên Chúa là Cha chúng ta” (Gl 1,4). Ông Gioan Tẩy Giả thì giới thiệu rằng:
“Đây Chiên của Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29.36). Đức Giêsu
thì khẳng định rằng: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi
tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống
ấy” (Ga 10,18). Hy sinh tính mạng vì “người thương của mình” là tình yêu cao cả
nhất: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng
vì người thương của mình” (Ga 15,13). Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã cho các
môn đệ biết là Người sẽ hiến dâng thân mình vì họ: “Đây là mình Thầy, hiến tế
vì anh em” (Lc 22,19) và máu Người sẽ đổ ra vì họ: “Chén này là Giao Ước mới được
lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20).
Trước đó, Đức Giêsu cho thấy Người
hoàn toàn chủ động trong hành trình Thập Giá, qua việc Người đã nói trước đến
ba lần. Lần thứ nhất, “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, Thượng
Tế và Kinh Sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22; Mt
16,21-23). Lần thứ hai, “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau
đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44; Mc 9,30-32). Lần thứ ba,
“này chúng ta lên Giêrusalem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Người sẽ
được hoàn tất… Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ.
Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người và ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Lc 18,
31-33; Mc 10,32-34).
Phản ứng của các môn đệ: Trao nộp và chối từ:
Sự cộng tác của Tông Đồ Giuđa
(Lc 22,3-6.47-53): Tác giả Luca ghi chú rằng Tông Đồ Giuđa đã bị quỷ nhập vào. Nghĩa
là, quỷ đã hướng dẫn các hành động của hắn. Hắn đi gặp các Thượng Tế và Lãnh
Binh đền thờ để hiến kế nộp Người sao cho không có đám đông dân chúng (x. Lc 23,3-6).
Sau đó, dù đã được Đức Giêsu nhắc nhở, ông Giuđa vẫn theo đuổi kế hoạc của ma
quỷ. Trong Vườn Cây Dầu, Giuđa đã dẫn đầu đám đông gồm các Thượng Tế, các Kỳ Mục,
Lãnh Binh đền thờ, ông lại gần để hôn Đức Giêsu tỏ ý chỉ điểm cho họ bắt Người.
Động lực cho hành động của Giuđa thường được suy đoán như là cách thức để ông
ép buộc Đức Giêsu phải thể hiện uy quyền, nhằm chống lại đế quốc Rôma và giải
phóng dân tộc. Tuy nhiên, đối với tác giả Luca, vì động lực của tông đồ Giuđa rất
khó lý giải, nên ông mặc cho hành động khó hiểu ấy một tác động của Xatan.[1] Chuyện Giuđa nộp Người
cũng đã được báo trước (Lc 22,21-23). Điều này một lần nữa chứng tỏ Đức Giêsu
làm chủ hoàn toàn cục diện của vụ án.
Sự chối bỏ của Tông Đồ Phêrô
(Lc 22,54-62): Sau khi các môn đệ đã bỏ chạy hết. Ông Phêrô vẫn theo Đức Giêsu
nhưng xa xa để giữ mức an toàn cho mình. Ông không muốn người ta biết mình có bất
cứ mối liên hệ nào với Đức Giêsu. Chính vì thế, khi có người nào phát hiện ra
ông đã từng ở với Đức Giêsu thì ông lập tức chối ngay, ngay cả khi người ấy chỉ
là một đầy tớ gái. Việc ông Phêrô chối là không quen biết Đức Giêsu, cũng không
nằm ngoài dự báo của Đức Giêsu vì Người đã báo trước cho ông: “Hôm nay, gà chưa
kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc 22,34). Ánh mắt của Đức Giêsu quay lại
nhìn ông giúp cho ông nhận ra lỗi lầm của mình, để rồi ăn năn, hối lỗi, khóc
lóc (Lc 22,62). Cũng như hành động “nộp Thầy” của tông đồ Giuđa, hành động “chối
Thầy ba lần” của tông đồ Phêrô cũng không nằm ngoài tác động của Xatan. Đức Giêsu
đã bật mí rằng: “Simôn, Simôn ơi! Kìa Xatan xin được sàng anh em như sàng gạo”
(Lc 22,31), nhưng Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện cho ông, để ông khỏi mất lòng
tin và báo trước là ông sẽ trở lại (Lc 22,32). Có thể nói rằng, ông Giuđa và
ông Phêrô, đều chịu tác động của Xatan và là hai hình ảnh tiêu biểu cho nhóm Mười
Hai Tông Đồ, những người đã không thể hiểu và đón nhận ba lần tiền báo của Đức Giêsu
về việc Người sẽ chịu nhiều đau khổ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại
(Lc 9,22.44; 18,31-33). Họ chỉ hy vọng rằng, Người sẽ xưng vương ở Giêrusalem
và tiếp tục làm phép lạ, để họ cũng được chia sẻ vinh hoa, lợi lộc trần thế và
nhất là đất nước được thoát khỏi nô lệ ngoại bang.
XỬ ÁN NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng
Do Thái
Trước khi ra trước Thượng Hội Đồng
Do Thái, Đức Giêsu đã chịu lính canh nhạo báng, đánh đập và xúc phạm nặng nề
(Lc 22,63-65). Thượng Hội Đồng gồm bảy mươi mốt thành viên, đứng đầu là Thương
Tế (năm đó là Caipha), cùng với các thành viên thuộc nhóm Kinh Sư, Tư Tế, và Kỳ
Mục.[2] Câu hỏi mà Thượng Hội Đồng
đặt ra là: “Ông có phải là Đấng Kitô không?”. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” là
Danh Xưng mà ông Phêrô đã tuyên xưng để trả lời câu hỏi “Còn anh em, anh em nói
Thầy là ai?”. Đức Giêsu không chối từ lời tuyên xưng này. Sau đó, Đức Giêsu liền
nói cho các ông biết “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các Kỳ Mục, Thượng
Tế và Kinh Sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Lời
tiền báo này ngụ ý rằng Đấng Kitô của Thiên Chúa là Đấng Kitô chịu khổ nạn, chịu
chết và phục sinh. Tuy nhiên, trước câu hỏi của Thượng Hội Đồng Người dường như
không nhìn nhận Người là Đấng Kitô vì họ không tin. Đức Giêsu mặc khải cho họ
biết rằng “từ nay, Con Người sẽ ngự bên hữu Đấng Toàn Năng”. Vì họ hiểu rằng
Người tự xưng mình là Thiên Chúa, nên không cần lời chứng nữa. Ngụ ý rằng Đức Giêsu
phạm thượng. Tội này đối với Thượng Hội Đồng Do Thái là tội chết, nhưng vì họ
không có quyền lên án xử tử nên họ điệu Người đến với ông Philatô. Dầu vậy, ông
Philatô chắc chắn không thể xử tội Người dựa trên tội phạm thường (loại tội thuần
túy tôn giáo). Vì thế, chắc chắn họ phải tìm một tội danh khác để tố cáo Người
trước tòa của ông Philatô.
Trước tòa tổng trấn Philatô
Lời tố cáo của các thành viên
Thượng Hội Đồng Do Thái. Họ tìm một vài lý do liên quan đến chính trị để tố
cáo trước ông Philatô, một lãnh đạo hoàn toàn về chính trị. Trước hết, họ tố
cáo Đức Giêsu sách động dân tộc và ngăn cấm nộp thuế cho hoàng đế Xêda. Thứ
hai, Người xưng mình là Mêsiah và là vua. Mêsiah ở đây nên hiểu là Mêsiah có
tính vương đế, cũng tương đương với vua.[3] Nếu không, danh hiệu này
chẳng có ý nghĩa gì trước quan tổng trấn Rôma cả. Tất cả những tội này đều tày
trời đối với một chính khách đang cai trị vùng Giuđê, vì nó ảnh hưởng đến quyền
lực và quyền lợi của đế quốc.
Về việc nộp thuế, các Kinh Sư và
Thượng Tế đã từng sai một số người giả bộ là công chính, đến để gài bẫy, hòng
làm cho Đức Giêsu lỡ lời, để bắt Người mà nộp cho tổng trấn Philatô. Họ hỏi Người
là: “Chúng tôi có được phép nộp thuế cho hoàng đế Xêda không?”. Đức Giêsu đã
xin một đồng tiền Rôma và hỏi rằng “đồng tiền này mang hình và danh hiệu của ai
đây?” khi họ đáp là “của Xêda”, Đức Giêsu mới nói: “Của Xêda trả về cho Xêda, của
Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Lc 20,20-25). Như vậy, Đức Giêsu không ngăn cấm
dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda.
Người cũng không sách động dân
chúng. Người chỉ quy tụ họ và giảng dạy mầu nhiệm Nước Trời. Người cũng không
xưng mình là Đấng Kitô, nhưng Người xưng mình là “Con Người ngự bên hữu Đấng
Toàn Năng”, nghĩa là Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa. Ngay từ đầu, Người đã được
sứ thần Gabriel giới thiệu là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32).
Đức Giêsu cũng không tự xưng
vương nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Người là vua. Trong Tin Mừng Luca, ngay
từ đầu Người được giới thiệu là con của ông Giuse, mà Giuse là con cháu vua
Đavít (Lc 1,27). Như vậy, Người cũng là hậu duệ của vua Đavít. Sứ thần Gabriel
đã gọi vua Đavít là tổ tiên Người và ngai vàng vua Đavít sẽ được ban cho Người
(Lc 1,32). Các thiên thần cũng báo cho các mục đồng rằng: Đức Giêsu là “Đấng Cựu
Độ, đã sinh ra trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (Lc 2,11).
Đức Giêsu tự giới thiệu mình khôn ngoan hơn Salômôn (Lc 11,31). Người mù ở Giêrikhô
tuyên xưng Đức Giêsu là con vua Đavít (Lc 18,38.39). Đức Giêsu chứng minh cho
nhóm Kinh Sư và Xađốc rằng Đấng Kitô không những là con vua Đavít nhưng là Chúa
của vua Đavít (Lc 20,41-44). Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem trong sự chào
đón nồng nhiệt và reo hò của dân chúng: “Chúc tụng Đức vua, Đấng ngự đến nhân
danh Chúa, bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời” (Lc
19,35-38). Những người lính và các thủ lãnh, đã dùng danh hiệu “vua dân Do
Thái” và “Đấng Kitô của Thiên Chúa” để thách thức Đức Giêsu xuống khỏi thập giá
để cứu lấy chính mình. Bản án phía trên đầu Người cũng ghi rằng: “Đây là vua
dân Do Thái” (Lc 23,35-38). Trong bối cảnh của cuộc xét xử này, ông Philatô
không quan tâm đến danh hiệu Kitô. Ông hỏi Người: “Ông là vua dân Do Thái sao?”.
Người đáp trả lại: “Chính ngài nói đó” (Lc 23,3). Tác giả Gioan còn ghi lại
cách Đức Giêsu nói về nước của Người: “Nước tôi không thuộc về thế gian này …
tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật” (Ga
18,36-37). Có lẽ, nhóm thành viên Thượng Hội Đồng muốn nói là Đức Giêsu xưng
vương để làm cho Philatô tức giận và sợ hãi. Tuy nhiên, xem ra, họ không thành
công vì ông Philatô xem Đức Giêsu, nếu có, thì chỉ là một vị vua của người Do
Thái, giống như tiểu vương Hêrôđê vậy. Ông Philatô có vẻ thương cảm và ái ngại
cho Đức Giêsu hơn là sợ hãi hay là thù ghét, bởi vì, Đức Giêsu làm vua kiểu gì
mà để cho dân mang nộp cho tổng trấn ngoại bang thế này.
Can thiệp của ông Philatô.
Ngược đời thay, trong khi những lãnh đạo Do Thái nộp Đức Giêsu cho tổng trấn Rôma
và muốn ông xử tử Người, tổng trấn Rôma lại cố gắng chứng minh Người vô tội và
muốn tha Người. Có ít nhất ba lần ông Philatô cố gắng chứng minh cho sự vô tội
của Đức Giêsu. Lần thứ nhất, ông nói với các Thượng Tế và đám đông: “Ta xét thấy
người này không có tội gì cả” (Lc 23,4). Những người tố cáo lại tiếp tục khăng
khăng: “Hắn đã xúi giục dân nổi loạn” (Lc 23,5). Ông Philatô cũng không quan
tâm đến những lời tố cáo này. Theo tác giả Mátthêu, lý do là ông biết rằng “chỉ
vì ganh tỵ mà họ đã nộp Người cho ông” (Mt 27,18). Lần thứ hai, ông Philatô giải
thích dài hơn: “Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân,
nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người mà không thấy người này có tội
gì, như các ngươi tố cáo” (Lc 23,14). Lần này, tổng trấn thêm bằng chứng của vua
Hêrôđê: “Cả vua Hêrôđê cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải người này lại cho
chúng ta. Các ngươi thấy đó. Ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy, ta sẽ
cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc 23,15). Chi tiết Đức Giêsu ra trước tòa vua Hêrôđê
là chi tiết riêng của tác giả Luca (Lc 23,8-12). Trước đó, Luca cũng là tác giả
duy nhất cho biết là vua Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giêsu (Lc 9,9). Trước mặt vua Hêrôđê,
các Thượng Tế và Kinh Sư cũng tố cáo Người dữ dội. Tuy nhiên, vua Hêrôđê chỉ tỏ
ra khinh bỉ và chế giễu Đức Giêsu chứ không kết án gì. Tác giả Mátthêu không có
câu chuyện về vua Hêrôđê xử án, nhưng ông lại thêm một chứng cứ quan trọng
khác: Vợ của ông Philatô cũng chứng minh Đức Giêsu là người công chính và bà muốn
chồng mình đừng làm hại Người (Mt 27,19). Với những chứng cứ vô tội ấy, ông Philatô
muốn tận dụng luật ân xá vào dịp lễ lớn để phóng thích Đức Giêsu nhưng tất cả mọi
người đều la ó: “Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi” (Lc 23,17-18). Người thuật
chuyện ghi chú thêm rằng: “Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu nên lại lên tiếng một
lần nữa, nhưng họ cứ một mực la lớn: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá” (Lc
23,20). Đây có thể được xem là lần thứ ba ông cố gắng cứu Đức Giê-su. Lần thứ bốn,
ông Philatô lại cố gắng giải thích: “Nhưng ông ấy đã làm gì nên tội? Ta xét thấy
ông ấy không có tội gì đáng chết cả. Vậy, ta sẽ cho đánh đòn rồi thả ra” (Lc
23,22). Tuy nhiên, họ càng la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người và tiếng
la càng thêm dữ dội. Cuối cùng, ông Philatô phải chiều theo ý họ: Phóng thích
người gây bạo động và giết Người; trao nộp Đức Giêsu để chịu đóng đinh theo ý họ
(Lc 23,24-25).
THI HÀNH ÁN CỦA TỬ TỘI CÔNG
CHÍNH: Điệu Đức Giêsu đi lên núi Núi Sọ và đóng đinh.
Sự trợ giúp của Simôn Kyrênê (Lc
23,26). Trong cả bốn tác giả sách Tin Mừng, chỉ có tác giả Gioan nói rõ
ràng là “chính Người vác thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri gọi
là Golgotha” (Ga 19,17). Như vậy, theo tác giả Gioan, không có chuyện ông Simôn
Kyrênê vác thập giá cho Đức Giêsu. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm không nói cụ
thể Đức Giêsu vác thập giá. Tác giả Máccô nói rằng: “Chúng dẫn Người đi để đóng
đinh Người” (Mc 15,20). Tác giả Mátthêu cũng diễn tả tương tự: “Họ dẫn Người đi
đóng đinh” (Mt 27,31). Tác giả Luca còn nói đơn giản hơn: “Đang khi họ dẫn Người
đi, họ bắt một người từ miền quê (hoặc từ ngoài đồng)” (Lc 23,26). Cả ba tác giả
Tin Mừng Nhất Lãm đều cho thấy ông Simôn Kyrênê bị bắt vác thập giá. Tác giả Máccô
và Mátthêu cụ thể là “thập giá của Người” (Mc 15,21; Mt 27,32), còn tác giả
Luca không có đại từ sở hữu “của Người” mà chỉ có mạo từ xác định trước từ thập
giá (τὸν σταυρὸν). Xem ra,
theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giêsu dường như không thể vác thập giá. Trái lại
với hình ảnh các môn đệ bỏ rơi Thầy của mình, kẻ thì chối, người thì nộp, là
hình ảnh một người xa lạ qua đường vác thập giá của Đức Giêsu. Ông Simôn Kyrênê
bị kéo vào hành trình thập giá khi đang hành trình trong công việc đồng áng thường
ngày (hoặc từ miền quê lên). Ông bị kéo lại và bị đặt thập giá lên vai để đi
theo sau Đức Giêsu. Hình ảnh này làm cho người ta nhớ đến lời dạy của Đức Giêsu
hai lần trong Luca: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác lấy thập giá của
mình mỗi ngày, mà theo” (Lc 9,23; 14,27). Ông Simôn đã bỏ nhịp sống đời thường,
để vác lấy thập giá, theo sau Đức Giêsu. Cách nào đó, người ta thấy hình bóng của
một người môn đệ “bất đắc dĩ”. Lẽ ra, trong giây phút ấy một trong các môn đệ Đức
Giêsu phải là người vác lấy thập giá của Người, nhưng vì họ đã bỏ trốn hết nên
chỉ còn một môn đệ theo nghĩa biểu tượng.[4]
Sự đồng hành của dân thành Giêrusalem
(Lc 23,26-32). Khác với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại (chỉ có một vài
người phụ nữ theo Đức Giêsu từ Galilê), tác giả Luca ghi lại sự đồng hành đông
đảo của dân chúng. Trong đó, có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc. Đức Giêsu
đã an ủi họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc
thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Đức Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem lần
này là tiếp nối hai lần trước đó Người đã khóc thương thành Giêrusalem. Lần thứ
nhất, Đức Giêsu than trách thành Giêrusalem vì họ đã giết các ngôn sứ và ném đá
những người được sai đến cùng dân thành. Người thêm rằng “đã bao lần Người muốn
tập họp con cái của thành như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh nhưng họ đã không
chịu” (Lc 13,34-35). Lần thứ hai, Đức Giêsu khóc thành Giêrusalem rằng: “Phải
chi ngày hôm nay, ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi, nhưng
hiện giờ mắt ngươi còn bị che khuất, không nhìn thấy được” (Lc 19,41-42). Hậu
quả của ba lần thương khóc thành Giêrusalem là nối kết giữa sự đóng đinh Đức Giêsu
và cuộc tấn công tàn phá thành Giêrusalem của quân đội Rôma vào năm Bảy Mươi,
khoảng bốn mươi năm sau vụ án của Đức Giêsu.[5]
Sự tha thứ của Đấng Chịu Đóng
Đinh (Lc 23,33-34). Một trong những nét đẹp của Đức Giêsu trong Tin Mừng
Luca là “sự thương xót tha thứ”. Nếu như Người đã từng dạy các môn đệ là “hãy
yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét anh em… hãy có lòng nhân từ như Cha
anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,27.36), thì trong “giây phút thập tử nhất sinh”,
giây phút đau đớn, khốn cùng nhất, Người đã điềm tĩnh xin tha thứ cho những người
ghét mình: “Lạy Cha! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).[6] Đây là chi tiết riêng của
Tin Mừng Luca. Hơn nữa, nét đẹp ấy lại được tiếp diễn, khi Người trao ban tức
khắc Nước Thiên Đàng cho người tử tội cùng chịu đóng đinh với Người: “Tôi bảo
thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Chính người
tử tù này đã chứng nhận rằng Đức Giêsu “không làm gì sai cả” (Lc 23,41). Đây
cũng là câu chuyện độc quyền của tác giả Luca. Câu chuyện này là một thực tiễn
của dụ ngôn “ba trong một”: “Con chiên lạc”; “Đồng bạc bị mất”; “Người cha nhân
hậu có hai người con lạc”, với câu kết đặc biệt “chúng ta phải ăn mừng vì con
ta đã chết, nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15,1-32).
Sự chế nhạo và thách thức của
các thủ lãnh (Lc 23,35-38)
Trái ngược lại với hình ảnh đông
đảo dân chúng đồng hành, khóc thương là hình ảnh những người thủ lãnh, những
người lính hả hê, chế giễu, thách thức. Họ thách thức Người dựa trên ba danh hiệu:
“Kitô của Thiên Chúa”, “Đấng được tuyển chọn” và “vua dân Do Thái”. Chế giễu, thách thức với danh xưng “Kitô”, “Đấng
được tuyển chọn” “Hắn đã cứu người khác thì cứu mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô
của Thiên Chúa, người được tuyển chọn”. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” là lời tuyên
xưng của ông Phêrô như đã nói trên. “Người được tuyển chọn” là danh xưng đến từ
tiếng từ đám mây trong trình thuật biến hình: “Đây là Con Ta, người đã được Ta
tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Trong bối cảnh biến hình, Đức Giêsu
đã thảo luận với hai nhân vật Cựu Ước (ông Môsê và ông Êlia) về “cuộc xuất
hành” Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem (Lc 9,30-31). Như vậy, “Người được tuyển
chọn” trong ý nghĩa là Người sẽ vâng phục cho đến nỗi chịu chết và chết trên thập
giá để cứu chuộc muôn người. Đó cũng là
sứ mạng của Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Những vị thủ lãnh đã nhắc đúng danh hiệu
“người được tuyển chọn” và ý nghĩa “cứu độ” ứng với danh hiệu này, nhưng điều họ
thách thức Người là ngược lại với ý nghĩa đích thực của danh xưng này. Họ muốn
Đức Giêsu xuống khỏi thập giá. “Xuống khỏi thập giá” là cám dỗ bỏ cuộc, ngược lại
với kế hoạch cứu độ của Người. Lời từ đám mây mời gọi, họ phải nghe Người chứ
không phải Người phải nghe họ. Người sẽ cứu độ một người “gian phi” ngay sau
đó, nhờ cái chết trên thập giá của Người. Những người lính chế giễu Đức Giêsu với
danh hiệu “vua dân Do Thái”: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình
đi”. Tuy nhiên, như đã nói trên, Đức Giêsu đã nói rằng “nước của Tôi không thuộc
về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã
chiến đấu để tôi không bị nộp cho những người Do Thái, nhưng thực ra, nước tôi
không thuộc nơi này” (Ga 18,36).
SỰ TẮT THỞ VÀ MAI TÁNG CỦA NGƯỜI
CÔNG CHÍNH (Lc 23,47-56)
Lời tuyên
xưng của người đại đội trưởng. Trong khi, tác giả Máccô và Mátthêu phác họa
dung mạo Đức Kitô là “Con Thiên Chúa” trong cảnh “Đức Giêsu tắt thở”, tác giả
Luca chứng minh Đức Giêsu là người công chính, vô tội. Viên đại đội trưởng (Mátthêu
thêm những người cùng ở với ông) của hai tác giả Máccô và Mátthêu thấy Đức Giêsu
chết như thế thì tuyên xưng: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”. Người đại
đội trưởng của Luca tuyên xưng rằng: “Người này đích thực là Người công chính”
(Lc 23,47). Hơn nữa, Đức Giêsu của tác giả Luca chết trong một tình trạng thanh
thản, phó thác hoàn toàn: “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Lời
này được trích từ Tv 31,5 (Lc 23,46). Tương tự, Đức Giêsu của tác giả Gioan
cũng rất thanh thản trong cách chết của Người: Sau khi nhấp một tý giấm, Đức Giêsu
nói: “đã được hoàn tất” và “trong tư thế gục đầu, Người trao thần khí” (Ga
19,30). Trước đó, Đức Giêsu còn kịp trao phó thân mẫu cho “Người môn đệ Người
thương mến” (“đây là mẹ của con”) và trao phó người môn đệ này cho thân mẫu”
(“đây là con của bà”) (Ga 19,25-27). Ngược lại, Đức Giêsu của Máccô và của Mátthêu
lại chết trong hai tiếng kêu đau đớn: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của
Con! Sao Người bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46)[7]. Sau đó, Người kêu lên một
tiếng lớn nữa rồi tắt thở (Mc 15,37; Mt 27,50).
Sự trở về của
toàn thể đám đông. Luca là tác giả duy nhất mô tả sự đồng hành của đông đảo
dân chúng trên đường lên Núi Sọ và trong cảnh Đức Giêsu “phó thác linh hồn”,
ông cũng là tác giả duy nhất mô tả cảnh đám đông đấm ngực và trở về: “Toàn thể
đám đông tập trung trước cảnh tượng ấy. Sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra,
họ đấm ngực và quay trở về” (Lc 23,48). Cũng giống như những người phụ nữ thành
Giêrusalem “đã đấm ngực khóc lóc” cảm thương cho Người trên đường ra pháp trường,
giờ đây toàn bộ đám đông cũng đấm ngực, có thể là hối lỗi, và cũng có thể là tiếc
xót cho cái chết của một người công chính. Quan trọng là họ đã quay trở về. “Trở
về” ở đây có thể là sự “hoán cải”.[8] Lời mời gọi mà cả Đức Giêsu
và Gioan Tẩy Giả đều rao giảng từ đầu, được “toàn thể đám đông” đáp trả, sau
cái chết của “người công chính” Giêsu. Sự trở về ồ ạt của đám đông cũng chứng
minh cho sự trong sạch, thánh thiện của Đức Giêsu, cũng như hiệu quả của cái chết
mang ơn cứu độ.
Được an táng
bởi một người công chính (Lc 23,50-56). Chủ đề Đức Giêsu, người tử tội
công chính, còn được tiếp tục cho đến cảnh cuối cùng, cảnh an táng Người. Người
an táng Đức Giêsu được giới thiệu là “thành viên của Thượng Hội Đồng, một người
chân thật và công chính”. Hơn nữa, “ông đã không tán thành quyết định và hành động
của Thượng Hội Đồng” và “cũng là người vẫn hằng mong chờ Nước Thiên Chúa”. Tác
giả Mátthêu cho biết rằng “ông là người giàu có” và “là một môn đệ của Đức Giêsu”
(Mt 27,57). Tương tự, tác giả Gioan mô tả ông là “một môn đệ của Đức Giêsu,
nhưng trong thầm kín, vì sợ người Do Thái” (Ga 19,38). Tác giả Máccô cũng mô tả
ông là “thành viên có thế giá của hội đồng, người đang chờ đợi triều đại Thiên
Chúa” (Mc 15,43). Như vậy, trong cả bốn tác giả sách Tin Mừng, tác giả Luca mô
tả rất kỹ lưỡng hơn về nhân vật Giuse Arimathêa. Ông cố tình mô tả hai đặc điểm
trong tính cách của ông trùng với tính cách của Đức Giêsu: “Chân thật và công
chính” (ἀγαθὸς καὶ δίκαιος). Hai đặc tính này cho phép ngầm hiểu rằng ông là một môn đệ
của Đức Giêsu. Đặc tính công chính và không tán thành quyết định của Thượng Hội
Đồng cho thấy ông nhìn nhận Đức Giêsu là người công chính và bị oan trong vụ án
này.
KẾT LUẬN
Tác giả Luca
hoàn tất trình thuật vụ án của Đức Giêsu, bằng cách khắc họa sự công chính toàn
tập của “người tử tù” Giêsu. Dù bị Thượng Hội Đồng Do Thái, các Thượng Tế và
Kinh Sư bày mưu bắt, kết tội, tố cáo và xử tử, và bị các môn đệ bỏ rơi, nhưng Đức
Giêsu được hầu như toàn thể các nhân vật còn lại biện hộ và chứng minh cho sự
vô tội của mình, từ tổng trấn dân ngoại, Philatô, tiểu vương vùng Galilê, vua Hêrôđê,
đến người tử tù cùng chịu đóng đinh, người đi đường, Simôn Kyrênê, toàn thể đám
đông, viên đại đội trưởng Rôma, và cuối cùng là ông Giuse Arimathêa, một thành
viên của Thượng Hội Đồng. Dù vô tội, Người đã chấp nhận cái chết nhằm mang lại
ơn cứu độ cho những người tin vào Người, bằng chứng cụ thể là việc ban nước
Thiên Đàng ngay lập tức cho người tử tội cùng chịu đóng đinh và sự trở lại của
toàn thể đám đông. Đó là niềm hy vọng và niềm hạnh phúc của tất cả các tín hữu.
Dù có quá khứ tội lỗi đến đâu, họ cũng vẫn còn nguyên vẹn cơ hội được cứu độ,
miễn là họ tin vào Đức Giêsu và quay trở về với Người.
Lm. Joseph Phạm
Duy Thạch, SVD
[1] M.D. Hamm, “Luke”, The
Paulist Biblical Commentary (New York 2018) 1093.
[2] L.T. Johnson, The
Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 2002) 359.
[3] M.D. Hamm, “Luke”, 1097.
[4] “Luke’s audience is surely
meant to see in Simon a symbol of discipleship” (M.D. Hamm, “Luke”, 1097-1098).
[5] M.D. Hamm, “Luke”, 1098.
[6] Đây là lời đầu tiên trong
ba lời Đức Giêsu nói trên thập giá được một mình Luca ghi lại. 1. “Lạy Cha, xin
tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); 2. “Hôm nay, anh sẽ được ở
cùng tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43); 3. “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn Con
trong tay Cha” (Lc 23,46). Ba lời được chỉ một mình tác già Gioan ghi lại: 1. “Này người phụ nữ, này là con của bà … này
là mẹ của con” (Ga 19,26-27); 2. “Tôi khát” (Ga 19,28); 3. “đã hoàn tất” (Ga
19,30). Con một lời nữa, cả tác giả Mátthêu và Máccô ghi lại: “Lạy Thiên Chúa của
Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi con” (Mc 15,34; Mt 27,46). Tất cả
làm thành bảy lời của Đức Giêsu trên thập giá (x. M.D. Hamm, “Luke”,
1098-1099).
[7] Đây là tiếng kêu trích từ
Thánh Vịnh 22, được hiểu theo hai cấp độ nghĩa. Cấp độ nghĩa thứ nhất, tiếng
kêu này cho thấy Đức Giêsu đi đến tận cùng của sự đau khổ của con người. Đó là
sự đau khổ bị Chúa bỏ rơi. Tuy nhiên, vì đó là một lời cầu nguyện Thánh Vịnh, mặc
dùng ngôn ngữ kết án, nó diễn tả cách nghiêm túc tương quan giữa Đức Giêsu và
Chúa Cha, và vì thế, cuối cùng không diễn tả một nỗi tuyệt vọng. Cấp độ nghĩa
thứ hai đến từ thực tế rằng lời cầu nguyện này bắt đầu một Thánh Vịnh mà chuyển
dịch từ phàn nàn cho đến nguyện cầu và cuối cùng là tạ ơn. Vì vậy, lời cầu nguyện
này đi từ kinh nghiệm bị bỏ rơi đến hy vọng tràn trề (x. M.D. Hamm, “Luke”,
1099).
[8] L.T. Johnson, The
Gospel of Luke, 382.
No comments:
Post a Comment