Thursday, 28 April 2022

MƯU SINH HAY THI HÀNH SỨ VỤ? Chú Giải Tin Mừng CN III PS năm C (Ga 21,1-19)

Bản văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp

Việt

1 Μετὰ ταῦτα ἐφανέρωσεν ἑαυτὸν πάλιν ὁ Ἰησοῦς τοῖς μαθηταῖς ἐπὶ τῆς θαλάσσης τῆς Τιβεριάδος· ἐφανέρωσεν δὲ οὕτως.

 2 Ἦσαν ὁμοῦ Σίμων Πέτρος καὶ Θωμᾶς ὁ λεγόμενος Δίδυμος καὶ Ναθαναὴλ ὁ ἀπὸ Κανὰ τῆς Γαλιλαίας καὶ οἱ τοῦ Ζεβεδαίου καὶ ἄλλοι ἐκ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ δύο.

 3 λέγει αὐτοῖς Σίμων Πέτρος· ὑπάγω ἁλιεύειν. λέγουσιν αὐτῷ· ἐρχόμεθα καὶ ἡμεῖς σὺν σοί. ἐξῆλθον καὶ ἐνέβησαν εἰς τὸ πλοῖον, καὶ ἐν ἐκείνῃ τῇ νυκτὶ ἐπίασαν οὐδέν.

 4  Πρωΐας δὲ ἤδη γενομένης ἔστη Ἰησοῦς εἰς τὸν αἰγιαλόν, οὐ μέντοι ᾔδεισαν οἱ μαθηταὶ ὅτι Ἰησοῦς ἐστιν.

 5 λέγει οὖν αὐτοῖς [ὁ] Ἰησοῦς· παιδία, μή τι προσφάγιον ἔχετε; ἀπεκρίθησαν αὐτῷ· οὔ.

 6 ὁ δὲ εἶπεν αὐτοῖς· βάλετε εἰς τὰ δεξιὰ μέρη τοῦ πλοίου τὸ δίκτυον, καὶ εὑρήσετε. ἔβαλον οὖν, καὶ οὐκέτι αὐτὸ ἑλκύσαι ἴσχυον ἀπὸ τοῦ πλήθους τῶν ἰχθύων.

 7 λέγει οὖν ὁ μαθητὴς ἐκεῖνος ὃν ἠγάπα ὁ Ἰησοῦς τῷ Πέτρῳ· ὁ κύριός ἐστιν. Σίμων οὖν Πέτρος ἀκούσας ὅτι ὁ κύριός ἐστιν τὸν ἐπενδύτην διεζώσατο, ἦν γὰρ γυμνός, καὶ ἔβαλεν ἑαυτὸν εἰς τὴν θάλασσαν,

 8 οἱ δὲ ἄλλοι μαθηταὶ τῷ πλοιαρίῳ ἦλθον, οὐ γὰρ ἦσαν μακρὰν ἀπὸ τῆς γῆς ἀλλ᾽ ὡς ἀπὸ πηχῶν διακοσίων, σύροντες τὸ δίκτυον τῶν ἰχθύων.

 9 Ὡς οὖν ἀπέβησαν εἰς τὴν γῆν βλέπουσιν ἀνθρακιὰν κειμένην καὶ ὀψάριον ἐπικείμενον καὶ ἄρτον.

 10 λέγει αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· ἐνέγκατε ἀπὸ τῶν ὀψαρίων ὧν ἐπιάσατε νῦν.

 11 ἀνέβη οὖν Σίμων Πέτρος καὶ εἵλκυσεν τὸ δίκτυον εἰς τὴν γῆν μεστὸν ἰχθύων μεγάλων ἑκατὸν πεντήκοντα τριῶν· καὶ τοσούτων ὄντων οὐκ ἐσχίσθη τὸ δίκτυον.

 12 Λέγει αὐτοῖς ὁ Ἰησοῦς· δεῦτε ἀριστήσατε. οὐδεὶς δὲ ἐτόλμα τῶν μαθητῶν ἐξετάσαι αὐτόν· σὺ τίς εἶ; εἰδότες ὅτι ὁ κύριός ἐστιν.

 13 ἔρχεται Ἰησοῦς καὶ λαμβάνει τὸν ἄρτον καὶ δίδωσιν αὐτοῖς, καὶ τὸ ὀψάριον ὁμοίως.

 14 τοῦτο ἤδη τρίτον ἐφανερώθη Ἰησοῦς τοῖς μαθηταῖς ἐγερθεὶς ἐκ νεκρῶν.

 15 Ὅτε οὖν ἠρίστησαν λέγει τῷ Σίμωνι Πέτρῳ ὁ Ἰησοῦς· Σίμων Ἰωάννου, ἀγαπᾷς με πλέον τούτων; λέγει αὐτῷ· ναὶ κύριε, σὺ οἶδας ὅτι φιλῶ σε. λέγει αὐτῷ· βόσκε τὰ ἀρνία μου.

 16 λέγει αὐτῷ πάλιν δεύτερον· Σίμων Ἰωάννου, ἀγαπᾷς με; λέγει αὐτῷ· ναὶ κύριε, σὺ οἶδας ὅτι φιλῶ σε. λέγει αὐτῷ· ποίμαινε τὰ πρόβατά μου.

 17 λέγει αὐτῷ τὸ τρίτον· Σίμων Ἰωάννου, φιλεῖς με; ἐλυπήθη ὁ Πέτρος ὅτι εἶπεν αὐτῷ τὸ τρίτον· φιλεῖς με; καὶ λέγει αὐτῷ· κύριε, πάντα σὺ οἶδας, σὺ γινώσκεις ὅτι φιλῶ σε. λέγει αὐτῷ [ὁ Ἰησοῦς]· βόσκε τὰ πρόβατά μου.

 18 Ἀμὴν ἀμὴν λέγω σοι, ὅτε ἦς νεώτερος, ἐζώννυες σεαυτὸν καὶ περιεπάτεις ὅπου ἤθελες· ὅταν δὲ γηράσῃς, ἐκτενεῖς τὰς χεῖράς σου, καὶ ἄλλος σε ζώσει καὶ οἴσει ὅπου οὐ θέλεις.

 19 τοῦτο δὲ εἶπεν σημαίνων ποίῳ θανάτῳ δοξάσει τὸν θεόν. καὶ τοῦτο εἰπὼν λέγει αὐτῷ· ἀκολούθει μοι.

1 Sau những điều này, Đức Giêsu lại tỏ mình cho các môn đệ bên cạnh biển Tiberias. Người đã tỏ mình như thế này:

2 Khi ấy, ông Simon Phêrô và ông Tôma, người được gọi là Diđymos và Nathanael, đến từ Cana miền Galilaia, những người con ông Dêbêđê, cùng hai môn đệ khác của Người, đang ở với nhau.

3 Ông Simon Phêrô nói cùng họ: “Tôi ra đi để đánh cá đây”. Họ nói cùng ông: “Chúng tôi cũng đi và chúng tôi cùng với ông”. Họ ra đi và lên chiếc thuyền, và trong đêm ấy, họ không bắt được gì.

4 Khi bình minh đến, Đức Giêsu đứng trên bờ biển. Tuy nhiên, các môn đệ không biết đó là Đức Giêsu.

5 Đức Giêsu mới nói cùng họ: “Này các cậu bé, các con không có cá hả?” Họ trả lời cùng Người: “Thưa không có”

6 Người nói cùng họ: “Quăng lưới bên phải mạn thuyền, các con sẽ tìm thấy”. Họ quăng như thế và không còn có thể kéo nổi vì vô số cá.

7 Rồi người môn đệ ấy, người Đức Giêsu yêu, mới nói cùng ông Phêrô, “Đó là Chúa”. Sau khi nghe đó là Chúa, ông Simon liền mặc áo choàng vào bởi vì ông đang ở trần và nhảy xuống biển.

8 Những môn đệ khác cũng đi vào bằng thuyền, vì họ không xa đất liền lắm, chừng 106 mét (200 cubit)

9 Khi họ ra khỏi thuyền lên bờ họ đã thấy than hồng được đặt sẵn, cùng với cá và bánh được đặt trên đó.

10 Đức Giêsu nói cùng họ: “Hãy mang từ những con cá mới bắt được đến đây”

11 Ông Phêrô đi lên và kéo lưới lên bờ đầy những cá lớn, 153 con, nhưng lưới không bị rách vì nhiều cá như thế.

12 Đức Giêsu nói cùng họ, đến ăn sáng đi. Không ai trong số các môn đệ dám hỏi Người: “Ông là ai?” Vì họ biết đó là Chúa

13 Đức Giêsu đến và lấy bánh trao cho họ, và cá cũng vậy.

14 Đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

15 Khi họ đã ăn sáng rồi, Đức Giêsu nói cùng ông Simon Phêrô: “Này Simon con ông Gioan, con có yêu Thầy hơn những người này không?” Ông nói cùng Người: “Thưa Ngài có, Ngài biết con yêu mến Ngài”. Người nói cùng ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

16 Người lại nói cùng ông lần thứ hai: “Con có yêu Thầy không?” Ông nói cùng Người: “Có, thưa Ngài, Ngài biết rằng con yêu mến Ngài”. Người nói cùng ông: “Hãy dẫn dắt chiên của Thầy

17 Người lại nói cùng ông lần thứ ba: “Này Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người nói lần thứ ba: “Con có yêu mến Thầy không?” Và ông nói cùng Người: “Thưa Ngài, Ngài biết rõ mọi sự, Ngài biết rằng con yêu mến Ngài”. Người nói cùng ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

18 Amen, Amen, Thầy bảo con, khi con còn trẻ, con tự mình thắt lưng và đi đến nơi con muốn nhưng khi con già rồi, con phải giang tay ra, người khác thắt lưng và dẫn đến nơi con không muốn.

19 Người nói điều này nhằm cho biết trước cách thức ông sẽ chết để tôn vinh Thiên Chúa, và sau khi đã nói điều ấy, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.


Bối cảnh

Ga 21,1-19 được trích ra từ đoạn cuối của Tin Mừng thứ tư (Ga 21,1-25). Toàn thể đoạn văn này thường được xem là đoạn văn thêm vào, không có trong bản văn nguyên thủy của Tin Mừng Gioan. Tác giả F.J. Moloney liệt kê ít nhất bảy dẫn chứng của bảy tác giả khác nhau cho thấy chương 21 không thuộc về Tin Mừng thứ tư ngay từ đầu. Hay nói đúng hơn, Ga 20,31 là phần kết nguyên thủy của Tin Mừng này.[1] (i) Đoạn kết 20,30-31 nghe như là một kết thúc long trọng của một câu chuyện (“còn những điều đã được ghi chép nơi đây là để anh chị em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”); (ii) Nhiều từ vựng và dấu hiệu văn chương chỉ xuất hiện trong 21,1-25 mà thôi; (iii) Câu chuyện của Gioan 21 cho thấy mối quan tâm đến cộng đoàn, sứ vụ, và quyền trong cộng đoàn. Những điều này vượt ra ngoài quan tâm của Ga 1, 1 – 20, 31); (iv) Sự nối tiếp của câu chuyện gây bối rối cho độc giả. Sau sứ vụ của bà Maria Magdalene và sứ vụ của các môn đệ 20,19-23, tại sao các môn đệ lại trở về Galilaia để bắt đầu làm lại công việc cũ? (v) Sự chậm hiểu của các môn đệ. Sau hai lần thấy Chúa trong phòng kín (20,19-23.26-29), tại sao họ lại không nhận ra Người khi Người hiện ra lần thứ ba (21,14)? (vi) Đây liệu có phải là lần thứ ba? Nếu tính cả lần hiện ra với bà Maria Magdalene, đây là lần thứ tư; (vii) Những từ ngữ cuối cùng làm nên một kết luận mang tính văn chương, tương tự những kết luận từ văn chương cổ thời. Những từ ngữ này lặp lại, trong mẫu thức ít thần học và hướng về độc giả hơn kết luận của 20,30. Tuy liệt kê những chứng cứ cho thấy rằng đoạn văn (21,1-19) không thuộc về nguyên bản của Tin Mừng thứ tư, tác giả F. Moloney vẫn nhìn nhận sự quan trọng và cần thiết của bản văn này vì nó đã được những Kitô hữu, những người đã sưu tập và chuyển giao cho các thế hệ sau đó. Cũng có một vài tác giả đã xem nó như là đoạn kết nguyên thủy của sách Tin Mừng này (Lagrange; Hoskyns; Robinson; Smalley; Minear; Carson; Morris).[2] Câu chuyện này dường như muốn nhấn mạnh số lần Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Câu chuyện lấy lại vai trò “chăn dắt” của ông Phêrô, vai trò mà dường như không được chú trọng trong suốt Tin Mừng thứ tư. Phép lạ “mẻ cá lạ lùng” trong câu chuyện này rất giống với phép lạ tương tự được tác giả Luca nói đến khi tường thuật về ơn gọi của ông Phêrô (Lc 5,1-11).

Cấu trúc

Đoạn văn Ga 21, 1-19 có thể được chia làm hai phần: Phần A. Đức Giêsu phục sinh gặp gỡ nhóm các môn đệ; Phần B. Đức Giêsu trao ban sứ vụ cho ông Phêrô.

A. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ (1-14)

A.1. Bối cảnh (1-2)

A.2. Lưới cá thất bại với nhau (3)

A.3. Lưới cá thành công với Đức Giêsu (4-6)

A.4. Nhận ra và gặp gỡ Đức Giêsu (7-14)

B. Đức Giêsu trao sứ vụ cho ông Phêrô (15-19).

B1. Tình yêu và sứ vụ (15-17)

B2. Cách thức chết vì sứ vụ (18-19)

Một số điểm chú giải

1.     Biển hồ Tiberias: Miền Bắc của vùng đất Ítrael – Palestin có một hồ nước ngọt dài khoảng 21 km, rộng khoảng 12 km, thấp hơn mực nước biển khoảng 212 m.[3] Hồ này cùng với sông Giorđan là nguồn cung cấp nước ngọt chính yếu cho toàn lãnh thổ Ítrael – Palestin. Hồ này thường được các tác giả các sách Tin Mừng nhắc đến với ba tên gọi khác nhau: Hồ Galilaia; Hồ Tiberias và hồ Ghennêxarét. Gọi là hồ Galilaia vì nó nằm trong miền Galilaia. Hai tên gọi Tiberias và Ghennnêxarét xuất phát từ hai thành phố nằm cạnh hồ này. Thành phố Ghennêxarét nằm ở phía Tây Bắc của hồ. Hồ Ghennêxarét được tác giả Luca nói đến: “Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét” (Lc 5,1). Thành phố Tiberias nằm ở phía Tây của hồ. Tiberias được thành lập vào khoảng năm 20 CE và được gọi theo tên của hoàng đế thứ hai của đế quốc Rôma, Tiberius. Tiberias là tên gọi đặc trưng của tác giả Tin Mừng thứ tư. Ông là tác giả duy nhất dùng danh xưng này và lặp lại đến ba lần (Ga 6,1.23; 21,1), trong đó có một lần ông giải thích rằng “biển hồ Galilaia, cũng gọi là biển hồ Tiberias” (Ga 6,1). Các tác giả Mátthêu và Máccô thường gọi là biển hồ Galilaia (Mt 4,13.18; 15,29; Mc 1,16; 7,31).


2.     Nhóm các môn đệ: Ông Simon Phêrô; Tôma; Nathanael; những người con ông Dêbêđê, cùng các môn đệ khác của Người. Tin Mừng thứ tư có ghi lại việc tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên. Tuy nhiên, danh xưng của bốn môn đệ đầu tiên này khác với bốn môn đệ đầu tiên của truyền thống Nhất Lãm. Theo tác giả Tin Mừng thứ tư, ông Anrê đã “đến và xem” nơi Đức Giêsu ở. Sau đó, ông dẫn em mình đến với Đức Giêsu (x. Ga 1,35-42). Tiếp theo sau đó, Đức Giêsu gọi ông Phílípphê. Ông Philípphê lại giới thiệu Đức Giêsu cho ông Nathanael và Đức Giêsu đã thuyết phục ông Nathanael theo Người (x. Ga 1,43-51). Tin Mừng thứ tư có bốn lần nhắc đến danh xưng “Nhóm Mười Hai” (Ga 6,67.70.71; 20,24). Tuy nhiên, trong Tin Mừng thứ tư, người ta lại không thấy danh sách tên của tất cả những thành viên “Nhóm Mười Hai” một cách trọn vẹn. Lần dài nhất và chi tiết nhất mà tác giả liệt kê tên của các Tông Đồ là trong đoạn văn này (Ga 21,1-3). Danh sách này chỉ gồm có bảy người. Ngay cả trong danh sách này, chỉ có ba người được gọi tên: Ông Simon Phêrô; ông Nathanael, người Cana; ông Tôma, được gọi là Đidymos. Bốn người còn lại là “hai người con của ông Dêbêđê” (rất có thể là Gioan và Giacôbê) và “hai môn đệ khác” (vô danh).[4] Tên gọi Nathanael không có trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Tin Mừng Nhất Lãm. Vì thế, hầu hết các tác giả tin rằng Nathanael chính là Batôlômêô của Tin Mừng Nhất Lãm. Chỉ có trong Tin Mừng Gioan, người ta mới biết rằng ông Tôma thường được gọi là Điđymos (nghĩa là sinh đôi: Ga 11,16; 20,24; 21,2). Một trong những cách giải thích về chữ “sinh đôi” là tên của ông trong tiếng Do Thái “ta’am”, nghĩa là “cặp đôi, sinh đôi”. Tương tự, Gioan là tác giả duy nhất cho biết ông Nathanael quê ở Cana (Ga 21,2) và ông Philípphê, quê ở Bếtsaiđa, cùng quê với ông Anrê và ông Phêrô (Ga 2,44). Con số bảy của nhóm các môn đệ đang ở với nhau, có lẽ cũng diễn tả một ý nghĩa hoàn hảo cách nào đó, trước khi họ thất bại trong vụ lưới cá.

3.     Tôi ra đi để đánh cá đây” … “Chúng tôi cũng đi và chúng tôi cùng với ông”: Ông Phêrô xuất hiện như là một người đứng đầu, dẫn đầu trong hành trình trở lại cuộc sống đời thường.[5] Trước đó, ông cũng đã đi vào bên trong “ngôi mộ trống” trước, mặc dù ông chạy đến sau “người môn đệ Chúa yêu” (Ga 20,6). Dường như, với sự dẫn đầu của ông Phêrô, nhóm môn đệ đang trở lại với cuộc sống mưu sinh thường ngày. Đánh cá là nghề của cả bốn môn đệ Phêrô, Anrê, hai người con ông Dêbêđê (Mc 1,16-20). Như đã nói trên, có một điều khá lạ lùng là tại sao sau khi Đức Giêsu đã hiện ra với các ông hai lần và đã trao ban Thánh Linh, cùng với sự vụ rao giảng Tin Mừng (Ga 20,19-29), các ông lại quay về Galilaia và khởi động lại công việc mưu sinh. Điều này cho thấy sự thiếu logic trong đoạn cuối của Tin Mừng thứ tư và vì thế đa số các tác giả tin rằng câu chuyện này đã được thêm vào sau. Điều có thể nói ở đây là ông Phêrô khởi đầu và tất cả các môn đệ khác cùng đồng hành với ông.

4.     Ra đi … lên chiếc thuyền … trong đêm ấy … không bắt được gì: Đây là một hành trình trọn vẹn của một buổi đánh cá. Họ cùng ra đi, họ cùng lên thuyền và dĩ nhiên họ cùng thả lưới, và họ cùng thất bại, không bắt được gì cả. Trạng ngữ chỉ thời gian “trong đêm ấy” (ἐν ἐκείνῃ τῇ νυκτὶ), diễn tả một khoảng thời gian bình thường của một buổi đánh cá. Tuy nhiên, trạng ngữ này cũng mang một ý nghĩa biểu tượng khá rõ ràng. Hình ảnh “bóng đêm” gợi nhớ đến hình ảnh khi tông đồ Giuđa đi ra khỏi phòng Tiệc Ly (Ga 13,30: Trời đã tối). Đó cũng là khoảng thời gian khi bà Maria Magdalene đi ra mộ (Ga 20,1: Lúc trời còn tối).[6] Đó là bóng đêm của sự thiếu vắng Chúa, thiếu vắng “ánh sáng thế gian”. Khi thiếu vắng “ánh sáng của thế gian” thì thế lực của bóng đêm hoạt động và sự thất bại là chuyện tất yếu. Một nhóm bảy Tông Đồ đã ra đi trên cùng một chiếc thuyền và thả lưới cùng nhau, thế nhưng trong đêm tối, thiếu ánh sáng của Đức Kitô, họ đã không bắt được gì cả. Chiếc thuyền thường là biểu tượng của Giáo Hội, và việc thả lưới thường được hiểu như là “rao giảng Tin Mừng”, bởi vì khi Đức Giêsu mời gọi ông Phêrô, Người đã nói rằng “hãy theo Ta, Ta sẽ biến các anh thành những ngư phủ của con người” (nghĩa là đánh bắt người ta) (Mt 4,19; Mc 1,17; Lc 5,10: “những người bắt sống người ta”)

5.     Khi bình minh đến … Đức Giêsu đứng trên bờ biển: Đối lại với trạng ngữ chỉ thời gian “vào đêm hôm ấy” là trạng ngữ “khi bình minh đến” (ἐν ἐκείνῃ τῇ νυκτὶ). Khi bình minh đến cũng là lúc mặt trời xuất hiện – Đức Giêsu đứng trên bờ biển nhưng không ai nhận ra Người. Dường như họ vẫn chưa quen với Đấng Phục Sinh. Tương tự như hai môn đệ trên đường Emmaus, chỉ sau khi Người bẻ bánh thì họ mới nhận ra Người.[7] Các môn đệ trở về sau một đêm đánh bắt thất bại và đang ở gần bờ nên họ có thể thấy và nghe tiếng nói của Đức Giêsu cách rõ ràng.[8]  

6.      Này các cậu bé” (παιδία): Cũng như câu chuyện về hai môn đệ trên đường về Emmaus (Lc 24,13-35), Đức Giêsu mở lời hỏi thăm nhóm các môn đệ, những người đang trở về cuộc sống đời thường. Người quan tâm đến chính sự quan tâm của các ông (cái ăn): “Các cậu không có gì ăn sao”. Danh từ này gồm một động từ “ăn” và một giới từ “về phía” (προσφάγιον) (πρός + φαγεῖν), diễn tả một món ăn kèm với bành mì. Trong bối cảnh này, có thể hiểu là “không có cá hả các cậu”, vì cá thường ăn kèm với bánh mì và họ đã cố gắng đánh cá. Điều đặc biệt trong câu nói của Đức Giêsu là cách mà Người gọi họ “này các cậu bé” (παιδία). Đây là cách người ta dùng để gọi một đứa bé, nhỏ tuổi, chưa trưởng thành (Mt 18,3.4; 19,13.14; Mc 10,13.14; Lc 11,7; 18,16). Đây là danh xưng mà tác giả Mátthêu và Luca dùng để gọi Đức Giêsu lúc mới sinh (Mt 2,11.132.20.21; Lc 2,27.40). Cách Đức Giêsu gọi các môn đệ hết sức đặc biệt. Cách gọi này không tìm thấy nơi nào khác trong Tin Mừng thứ tư. Tuy nhiên, nó lại được tác giả thư thứ nhất của Gioan dùng khá nhiều, để biểu lộ tương quan cha-con giữa ông với các thành viên trẻ của cộng đoàn (1 Ga 2,14.18; 3,7). Đó có thể là cách gọi thân thương của Thầy Giêsu dành cho học trò của mình; hoặc là cách Thiên Chúa gọi những người con của mình. Nó cũng có thể diễn tả sự non nớt về niềm tin của các môn đệ vào Đấng Phục Sinh, sự non nớt của những người đang đi trong đêm tối của đức tin.

7.     “Quăng lưới bên phải mạn thuyền, các con sẽ tìm thấy”: Chỉ dẫn của Đức Giêsu được các môn đệ ngoan ngoãn làm theo như những chú bé. Ông Phêrô không có bất cứ một phản ứng nào như ông đã từng làm trong trình thuật của tác giả Luca: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, nhưng theo lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Sự trái ngược đã xảy ra. “Trong đêm ấy” (thời gian thuận tiện để đánh cá), họ đã không bắt được gì, nhưng vào lúc bình minh (thời gian không thuận tiện để thả lưới), họ lại không thể kéo lên nổi vì quá nhiều cá. Lời của Đức Giêsu chính là sự khác biệt.

8.     “Người môn đệ Đức Giêsu yêu”: Như thường lệ của Tin Mừng thứ tư, “người môn đệ Đức Giêsu yêu” là người nhận ra Đức Giêsu trước tiên. Đây là nhân vật độc quyền của Tin Mừng thứ tư. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều không đề cập đến nhân vật này. Cho đến cuối cùng, tác giả Tin Mừng thứ tư vẫn không bật mí tên của nhân vật này. Ông có thể là một trong những môn đệ vô danh được nhắc đến trong Tin Mừng thứ tư (Ga 1,35; 18,15.16). Trong bối cảnh này, có bốn môn đệ vô danh được nói đến: “Hai người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác của Người” (Ga 21,2).[9] Sự trổi vượt của người môn đệ đặc biệt này là điều không bàn cãi. Ông là người đã “nằm tựa vào lòng Đức Giêsu” trong Bữa Tiệc Ly (Ga 13,23); Ông đã chạy nhanh hơn ông Phêrô và đến ngôi mộ trống trước; Ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20,1-10). Trong trình thuật này, ông đã nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh và đã nói cùng ông Phêrô: “Đó chính là Chúa” (ὁ κύριός ἐστιν). Kiến thức này ngược lại với kiến thức lúc đầu các ông thấy Đức Giêsu đứng trên bờ biển: “Họ không biết đó là Đức Giêsu”. “Người môn đệ Đức Giêsu yêu” với sự nhạy cảm vốn có, cùng với mẻ cá lạ lùng, đã nhận ra Đức Giêsu. Sau khi lên bờ, “không ai trong các môn đệ dám hỏi ông là ai vì họ biết đó là Chúa” (Ga 21,12).

9.     Mặc áo choàng vào … nhảy xuống biển … những môn đệ khác cũng đi vào bằng thuyền: Cũng như lúc các môn đệ theo ông Phêrô ra đi đánh cá, giờ đây họ theo ông Phêrô vào bờ. Khi đã biết là Chúa, ông Phêrô dường như không thể chờ đợi thêm giây phút nào nữa, ông nhảy xuống biển để bơi vào bờ nhanh nhất có thể.[10] Tác giả W. Leonard ghi chú sự khác biệt giữa người môn đệ Đức Giêsu yêu và ông Phêrô: Trong khi người môn đệ Đức Giêsu yêu là con người của chiêm niệm, ông Phêrô là con người của hành động.[11]

10.  Một trăm năm mươi ba con: Việc tác giả Tin Mừng đưa ra con số chính xác, làm cho nhiều tác giả đưa ra nhiều ý nghĩa biểu tượng của con số này. Ông Giêrônimô nói rằng các nhà sinh học Hy Lạp ghi nhận được 153 loài cá. Như vậy, các môn đệ có thể đã bắt được hết tất cả các loài cá có trong hồ, và qua đó, con số cũng là biểu tượng cho sứ vụ của các Tông Đồ mở rộng ra cho hết mọi loại người.[12] Tương tự như dụ ngôn Nước Trời giống như một chiếc lưới thả xuống biển gom được đủ loại cá (Mt 13,47). Kiến thức của ông Giêrônimô bị đặt vấn đề vì ông trích dẫn kiến thức của nhà sinh học Oppian của Cilicia (khoảng năm 180). Tác giả của Tin Mừng Gioan sống trước khoảng thời gian này và không biết đến kiến thức sinh học này. Hơn nữa, con số loài cá được đưa ra trong tác phẩm Halieutica của Oppian là 157 chứ không phải là 153. Thánh Augustino đưa ra một giả thuyết về toán học Hy Lạp, trong đó 153 bằng tổng số tất cả các con số từ 1-17. Đây là con số biểu tượng lỗi thời của các tác giả giáo phụ (10 điều răn, 7 quà tặng của Chúa Thánh Linh, 9 ca đoàn các thiên thần và 8 mối phúc). Thánh Cyril thành Alexandria tách con số ra thành 100, 50 và 3, trong đó 100 là sự tròn đầy của dân ngoại, 50 là số sót của Ítrael và 3 tượng trưng cho những trinh nữ. Tác giả R. Brown nghĩ rằng con số này có thể tượng trưng cho sự rộng khắp và phổ quát của sứ vụ Kitô hữu, nhưng ông nghiêng về cách hiểu con số này như là một con số thực tế đã được “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” chứng kiến và ghi lại.[13]

11.  Lấy bánh trao cho họ, và cá cũng vậy: Bữa ăn sáng với cá và bánh đã được chuẩn bị sẵn không khỏi gợi nhớ đến phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Ga 6,1-15 trong đó, cá và bánh được hóa ra nhiều để nuôi đám đông vào dịp Lễ Vượt Qua. Bữa ăn này cũng có thể liên hệ đến những cử hành Thánh Thể của các Kitô hữu sơ khai, đặc biệt chi tiết “Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho họ và cá cũng vậy” (Ga 6,11). Cộng đoàn tụ họp, với sự dẫn đầu của ông Phêrô, và sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh như là trung tâm của bữa ăn, tất cả những yếu tố này như cho thấy những hành vi thờ phượng của cộng đoàn Gioan (6,1-15.51-58; 13,21-38; 19,35).[14]

12.  Lần thứ ba: Cụm từ “lần thứ ba” nối kết với “Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ bên biển hồ Tiberias” (21,1) và cũng nối kết với hai lần khác trước đó Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ. Lần thứ nhất, Người hiện ra với mười môn đệ, không có ông Tôma; lần thứ hai với mười một môn đệ bao gồm cả ông Tôma (Ga 20,19-29). Tin Mừng thứ tư còn ghi lại cảnh Đức Giêsu hiện ra với bà Maria Magdalene. Tuy nhiên, lần này không được tính, vì người kể câu chuyện này đã giới hạn bằng cụm từ “cho các môn đệ”, chứ không phải cho người khác. Dù cho câu chuyện này thiếu sự nối kết với toàn bộ Tin Mừng thứ tư như đã nói ở trên, cách tính “lần thứ ba” được người thuật chuyện thêm vào như một dấu hiệu cho thấy ông ý thức sự tồn tại của hai lần trước đó.[15] “Lần thứ ba” cũng là một con số tròn đầy, để làm nên tần số hoàn hảo của các lần Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ sau Phục Sinh.

13.  Yêu thầy … “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”: Cuộc đối thoại liên quan đến tình yêu và sứ vụ giữa Đức Giêsu và cá nhân ông Phêrô là một câu chuyện thú vị. Điều kiện để Đức Giêsu trao ban sứ vụ chăn dắt cho ông Phêrô là tình yêu vượt trội ông dành cho Người. Sự lý thú nằm ở chỗ Đức Giêsu đã hỏi đến ba lần chứ không phải một lần. Ứng với ba lần hỏi của Đức Giêsu là ba lần trả lời của ông Phêrô và ba lần trao ban sứ vụ của Đức Giêsu. Con số ba không khỏi làm cho người ta liên tưởng đến ba lần ông Phêrô đã chối là không biết gì về Đức Giêsu trong trình thuật về cuộc thương khó (Ga 18,17.25.26). Nếu như con số này liên quan đến ba lần ông Phêrô chối Chúa thì Đức Giêsu có ý gì khi cố tình hỏi ba lần như thế? Người Phương Đông có câu “ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó”. Đức Giêsu dường như muốn ông Phêrô ý thức rõ lỗi lầm của mình và chính mình vượt qua mặc cảm của lỗi lầm trong quá khứ để tiếp tục lãnh nhận sứ vụ. Đối lại với ba lần chối bỏ là ba lời cam kết yêu thương: “Thầy biết con yêu mến thầy”. Đức Giêsu cũng muốn ông Phêrô xác tín lại là sau bao nhiêu lỗi lầm thiếu sót, ông còn đủ tự tin để nói yêu Thầy như trước không. Người muốn ông hiểu rõ tình yêu mà ông dành cho Người không phải là tình yêu thí mạng: “Con sẽ thí mạng con vì Thầy” như ông đã từng khẳng định (Ga 13,37-38), nhưng là tình yêu trải qua bao nhiêu yếu đuối, lỗi lầm mà vẫn tiếp tục yêu. Sự cảm nghiệm của ông Phêrô về thân phận tội lỗi của mình ngay giây phút đầu tiên ông gặp gỡ Chúa: “Lạy Thầy, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Lc 5,8), quả thật chẳng ăn thua gì với tội “chối Thầy” ba lần mà ông đã trải nghiệm. Việc Đức Giêsu tiếp tục tín nhiệm và trao ban sứ vụ cho ông ba lần cho thấy Người hiểu rõ toàn bộ con người của ông và Người đón nhận tất cả, miễn là ông vẫn còn yêu Người.

Cách dùng từ của tác giả bản văn cũng rất lý thú, đặc biệt là động từ “yêu”; Động từ “chăm sóc”; và danh từ “con chiên”. Mặc dù tác giả nổi tiếng R. Brown ghi chú rằng hầu như các tác giả hiện đại cho rằng những khác biệt trong cách dùng từ này không mang lại ý nghĩa gì,[16] chúng tôi vẫn thấy có nhiều điều lý thú cần diễn giải.

-                              Động từ “yêu”

Trong ba lần hỏi Đức Giêsu dùng hai động từ “yêu” khác nhau: Hai lần đầu Người dùng động từ “agapaồ”. Lần thứ ba, Người dùng động từ “philêồ”. Ứng với ba câu hỏi của Đức Giêsu, ông Phêrô chỉ dùng một động từ “philêồ”. Điều này khiến cho nhiều tác giả diễn giải rằng. Hai lần đầu Đức Giêsu hỏi bằng động từ diễn tả mức độ tình yêu cao nhất (agapaồ), nhưng vì ông Phêrô chỉ trả lời bằng động từ diễn tả mức độ tình yêu thấp hơn “philêồ”, nên lần thứ ba Đức Giêsu cố tình hạ xuống cho vừa với mức độ đáp trả của ông Phêrô.[17] Đức Giêsu hỏi tình yêu của ông Phêrô có vượt trội “hơn những người này không” vì trước đó ông đã từng khẳng định sự trổi vượt của mình: “Dù tất cả có vấp ngã, con sẽ không vấp ngã” (Mc 14,29; Mt 26,33); “Sao con lại không thể theo Thầy, con sẽ thí mạng con vì Thầy” (Ga 13,37).

Hai động từ “yêu”

ἀγαπᾷς με πλέον τούτων; … φιλῶ σε

ἀγαπᾷς με; …                      φιλῶ σε

φιλεῖς με; …                        φιλῶ σε

 

 

 

 

Động từ “chăm sóc”: 

Trong phần trao ban sứ vụ, Đức Giêsu cũng dùng hai động từ đều có ý nghĩa “chăm sóc, dẫn dắt”. Động từ “boskô” (βόσκω) được dùng hai lần, nghiêng về ý nghĩa cho ăn, cho uống nhiều hơn (x. Lc 15,15), trong khi động từ “poimano” (ποιμαίνω) nghiêng về ý nghĩa dẫn dắt nhiều hơn. Động từ “ποιμαίνω” có cùng gốc với danh từ “poimên” (ποιμήν: mục tử). Đức Giêsu tự mô tả mình là một “mục tử nhân lành” (ποιμὴν ὁ καλός) (Ga 10,11). Mục tử không chỉ cho đàn chiên ăn, uống nhưng phải “biết chiên và chiên biết” (Ga 10,14); “hy sinh mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11.17.18); “tìm kiếm chiên lạc” (Ga 10,16). Sự kết hợp giữa hai động từ này cho thấy sự bao hàm tất cả các hành vi trong sứ vụ của một mục tử.[18] 

Hai động từ “chăm sóc”

            βόσκε  (cho ăn)

         ποίμαινε (dẫn dắt)

            βόσκε (cho ăn)

 

 

  

 

Danh từ “con chiên” 

Tương tự, có hai danh từ được sử dụng để diễn tả con chiên. Hai từ này đều diễn tả con chiên, nhưng khác về sự trưởng thành.  τὰ ἀρνία” thường được dịch là “những con cừu” (Tiếng Anh: lambs; Tiếng Pháp: Agneaux; Tiếng Ý: Agnelli). Con cừu là con chiên nhỏ một tuổi, hoặc dưới một tuổi. Con chiên non thường bám lấy chiên mẹ. “τὰ πρόβατά” thường được dịch là “những con chiên” (Tiếng Anh: Sheep; Tiếng Pháp: Bresis; Tiếng Ý: Pecore). Con chiên là một con cừu trưởng thành, nếu là con đực thì có sừng. Con chiên của “mục tử nhân lành”, Giêsu là “τὰ πρόβατά”. Hai con này có thể so sánh với con bê và con bò trong tiếng Việt. Việc Đức Giêsu dùng kết hợp hai danh từ này có thể hiểu cách đơn giản như là một sự linh động, phong phú trong cách sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, cách dùng này cũng có thể ngụ ý sự bao quát tất cả các loại chiên, đủ mọi lứa tuổi mà mục tử được trao gửi để chăm sóc, tương tự như cách sử dụng hai động từ “chăm sóc” khác nhau như đã nói trên. 

Hai danh từ “con chiên”

     τὰ ἀρνία μου; … Những con cừu của Ta

     τὰ πρόβατά μου … Những con chiên của Ta

     τὰ πρόβατά μου … Những con chiên của Ta.

            14. Tự mình thắt lưng … dang tay ra cho người khác thắt lưng… cách thức ông sẽ chết để tôn vinh Thiên Chúa: 

Lúc còn trẻ …                         tự thắt lưng …                đi đến nơi con muốn

Lúc về già … dang tay ra … người khác thắt lưng … dẫn đến nơi không muốn

Sau khi trao ban sứ vụ, Đức Giêsu dùng hai hình ảnh trái ngược trong hai giai đoạn cuộc đời của mục tử Phêrô. Lúc còn trẻ, ông tự mình thắt lưng và đi đến nơi ông muốn. Nghĩa là, ông chủ động trong sứ vụ của mình; nhưng khi về già, ông phải dang tay ra, để người khác thắt lưng và dẫn ông đến nơi mà ông không muốn. Theo tác giả Bultmann, đây có thể là câu tục ngữ nói về tình trạng bình thường của một con người: “Lúc trẻ một người tự do di đến nơi anh ta muốn; Khi già, người ta phải để cho mình bị đưa đến nơi mà anh ta không muốn”.[19] Người thuật chuyện giải thích câu nói của Đức Giêsu nhằm ám chỉ cách ông phải chết để tôn vinh Thiên Chúa. “Dang tay” có nghĩa là dang tay trên thập giá như Thầy Giêsu.[20] Theo truyền thống, ông Phêrô đã chết theo hình thức đóng đinh ngược trên đồi Vatican, ngày nay là quảng trường Thánh Phêrô.

15.  “Hãy theo Thầy”: Mệnh lệnh này được lặp lại hai lần trong đoạn Ga 21,15-23 và đều dành riêng cho ông Phêrô. Mệnh lệnh “hãy theo Thầy” gợi nhớ lại lời mời gọi đầu tiên Đức Giêsu dành cho ông Phêrô và các môn đệ khác: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những người lưới người ta” (Mc 1,17; 2,14; Mt 4,19; Lc 5,27; Ga 1,43). Theo Đức Giêsu đồng nghĩa với việc “từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hằng ngày mà theo”: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo” (Mc 8,34; Mt 16,24; Lc 9,23); “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). “Theo Thầy” thì phải từ bỏ tất cả mọi sự ngay cả mạng sống của mình (Mc 8,35; 10,28; Lc 18,28; Mt 16,25; Ga 12,24.25.26). Lời mời gọi của Đức Giêsu ở đây như là một sự tái khởi động lại ơn gọi “đi theo” của ông Phêrô, điều mà dường như đã bị gián đoạn sau khủng hoảng của cuộc thương khó đầy thử thách, gian nan. Giờ đây, đức tin của ông đã chín chắn và trưởng thành hơn, hứa hẹn một hành trình “đi theo” Chúa đến cùng.

Bình luận tổng quát

Trình thuật Ga 21,1-19 vừa có điểm tương tự như trình thuật Lc 5,1-11 về mẻ cá lạ lùng và ơn gọi của ông Phêrô; vừa giống với câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35) về tiến trình từ không nhận biết đến nhận biết Đức Giêsu Phục Sinh. Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ hai lần trong phòng Tiệc Ly ở Giêrusalem: Lần thứ nhất với mười môn đệ, vắng ông Tôma (Ga 20,19-23); lần thứ hai với 10 môn đệ, cùng với ông Tôma (20,24-29). Nếu như không nhìn nhận câu chuyện này là một câu chuyện thêm vào sau, thì việc các môn đệ trở về Tiberias, Galilaia để bắt đầu lại cuộc sống mới có vẻ kỳ lạ, và việc họ không nhận ra Chúa cũng khá bất thường. Quả vậy, ông Phêrô đã dẫn đầu nhóm bảy môn đệ quay lại công việc mưu sinh thường ngày. Ông tỏ ý đi đánh cá và tất cả đều đi với ông. Họ cùng lên thuyền, ra khơi đánh cá với nhau. Tuy nhiên, họ đã không bắt được gì trong suốt đêm ấy. Họ làm việc cùng nhau, với sự dẫn đầu của ông Phêrô, nhưng họ vẫn thất bại vì họ vẫn còn ở trong đêm tối của đức tin và thiếu vắng Đức Giêsu, “ánh sáng của thế gian”. Chính vì thế, khi bình minh ló rạng, với sự xuất hiện của Đức Giêsu mang lại cho họ một hy vọng mới. Đức Giêsu đã mang lại sự khác biệt lạ lùng. Thời gian ban ngày không thuận tiện cho việc đánh cá. Hơn nữa, thuyền không xa bờ, làm sao có cá to mà đánh. Vậy mà, khi làm theo sự chỉ dẫn đơn giản của Đức Giêsu, họ đã không thể kéo lưới lên nổi vì đầy cá. Những người môn đệ có thâm niên trong nghề đánh cá, bỗng ngoan ngoãn làm theo lời của người lạ mặt như những đứa bé làm theo lời của người Thầy của mình. Đức Giêsu đã gọi họ là “những cậu bé” vì sự non nớt, yếu đuối về niềm tin của họ. Vả lại, đối với Đức Giêsu Phục Sinh, họ vẫn mãi là những đứa trẻ cần được dạy dỗ và dìu dắt về đức tin. Như thường lệ, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến đã nhận ra Chúa trước, và giới thiệu cùng ông Phêrô, nhưng ông Phêrô, như thường lệ, lại là người hành động trước. Ông đã khoác áo vào và nhảy xuống biển để bơi vào bờ cách nhanh nhất có thể vì lưới đầy cá thì khó má kéo vào nhanh được. Lúc khởi đầu các môn đệ đã được mời gọi để trở thành những người “đánh bắt” người ta. Tuy nhiên, giờ đây, sau biến cố thương khó, họ lại quay trở lại đánh cá như cũ. Đức Giêsu xuất hiện là để đưa họ trở lại với sứ vụ “lưới người ta”. Số con cá lớn 153 con như nhắc nhở các môn đệ về một biển người rộng lớn mà họ phải đánh bắt. Sau đó, cả Thầy và trò không ai nói đến dấu lạ nữa. Họ nói về sự nhận biết Đức Giêsu. Đức Giêsu lấy bánh và cá trao cho họ, như một gợi nhớ đến phép lạ hóa bánh ra nhiều và tiệc Thánh Thể. Bánh và cá là nhu cầu cơ bản để nuôi sống bản thân, nhưng chúng không phải là lẽ sống và lối sống của cả đời họ. Lẽ sống của cả đời họ chính là rao giảng Tin Mừng và lối sống của họ chính là yêu Chúa và yêu người. Câu chuyện bữa ăn bên bếp lửa hồng được tiếp nối bằng cuộc đối thoại về tình yêu và sứ vụ giữa Đức Giêsu và ông Phêrô. Mục đích chính yếu của lần hiên ra này là: Đưa các môn đệ trở lại với nhiệm vụ “lưới người” chứ không phải là lưới cá. Đức Giêsu đã khơi dậy tình yêu mãnh liệt trong sâu thẳm trái tim của Tông Đồ Phêrô. Tình yêu ấy mạnh đến mức mà đã có lúc ông nghĩ rằng mình có thể “thí mạng vì Thầy” (Ga 13,37). Rủi thay, tình yêu ấy cũng đã có lúc tắt ngúm vì thất vọng, vì lỗi lầm. Sau bao nhiêu thăng trầm và lỗi lầm của ông Phêrô, Đức Giêsu muốn ông tuyên xưng lại tình yêu ấy. Chỉ khi nào có tình yêu, thì ông Phêrô mới có thể đón nhận sứ vụ chăm sóc, dẫn dắt đàn chiên mà Chúa trao phó, bởi lẽ một mục tử tốt lành phải dám hy sinh tính mạng vì đàn chiên của mình. Sau khi trao ban sứ vụ mục tử, Đức Giêsu cũng đồng thời tiền báo cách chết của mục tử Phêrô để tôn vinh Thiên Chúa. Mệnh lệnh “hãy theo Thầy” trong bối cảnh này không chỉ là ở với Thầy để Thầy sai đi rao giảng nữa, nhưng là đi theo toàn bộ hành trình mà Thầy đã đi qua: Rao giảng, chữa lành, chịu khổ nạn và chết. Lời dạy ngày xưa liên quan đến tiêu chuẩn của một người môn đệ cần được thực hiện cách triệt để: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,26); “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35; Lc 9,24; Mt 16,25). Hy sinh tính mạng cho người khác là tình yêu ở cảnh giới cao nhất: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng của mình vì người thương của mình” (Ga 15,13: τῶν φίλων αὐτοῦ).

Trong dòng đời ngược xuôi nhiều khi vì quá bận tâm đến chuyện mưu sinh, sợ hãi cảnh đói nghèo, bệnh tật, người kitô hữu quên đi sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, và quên đi sứ vụ cao cả là mang tin vui cho người khác. Muốn mang tin vui cho người khác, họ phải biết yêu thương người khác bằng những hành động cụ thể. Muốn yêu thương người khác thì trước hết họ phải yêu Chúa mạnh mẽ như ông Phêrô. Tình yêu họ dành cho người khác đòi hỏi những sự hy sinh cao cả, đôi khi là hy sinh cả bản thân mình. Mỗi người kitô hữu là một mục tử được Đức Giêsu mời gọi chăm sóc một ai đó (con chiên của Đức Giêsu). Những “con chiên đó” trước hết là những người thân yêu, ruột thịt bên cạnh mình. Đối tượng mà những người kitô hữu phải chăm sóc còn được trải rộng ra cho tất cả những bạn bè, đồng nghiệp, đồng đạo, rồi đến tất cả mọi người, nhất là những người đau khổ, mà họ gặp gỡ mỗi ngày trong dòng đời xuôi ngược.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD



[1] F.J. Moloney, The Gospel of John (SP 4; Collegeville 1998) 545-546.

[2] “Whatever scholarship may decide about the origins of John 21 as some form of addition to an original Gospel, this collection of post-resurrection stories was important to the Christians who first wrote and passed down the Gospel to later generations” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 546).

[3] X. Th.Ng.H. Cầu, Ngưỡng Cửa vào Sách Tin Mừng. Kitô hữu đọc Sách Thánh (Hà Nội 2020) 25.

[4]If one does not accept Lagrange’s thesis that these two disciples are “the sons of Zebedee,” the next best candidates are Philip and Andrew, from the fishing village of Bethsaida, who appear together in 6:7–8 and 12:22” [R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 29A, 1068.].

[5] “McDowell argues that the present tense of the verb “to go” expresses more than momentary intention: Peter is going back to his earlier way of life and will stay with it. The point of the story, then, is that Jesus caused Peter to change his mind(R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 1069).

[6] “At a time that links this episode with Mary Magdalene's unbelieving visit to the empty tomb in the darkness of very early morning” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 549).

[7] E. Haenchen– R.W. Funk– U. Busse, John. A commentary on the Gospel of John (Hermeneia; Philadelphia 1984) 223.

[8] “In the narrative we are to imagine that, after catching nothing, the disciples are coming back to shore and so are close enough to hear and see someone standing there. Jesus’ sudden appearance on the shore is probably meant to be mysterious, for in several of the post-resurrectional narratives he materializes suddenly” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 1070).

[9]it is clear that for the redactor he must have been one of the six companions of Peter mentioned in vs. 2 and, more specifically, one of the two sons of Zebedee or one of the “two other disciples” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 1071).

[10] Bản thảo OSsin adds: “and came in swimming, for they were not far from dry land” (R.E. Brown, The Gospel according to John (XIII-XXI), 1072).

[11] W. Leonard, The Gospel of Jesus Christ according to St John”, A Catholic Commentary on Holy Scripture (ed. B. Orchard – E. F. Sutcliffe) (Toronto – New York – Edinburgh 1953) 1016.

[12] “The author of chapter 21 or the tradition he is reflecting could have indicated that Peter, the fisher of men, successfully operated the net of the church, and in so doing believers from all the peoples of the earth were won to the faith” (E. Haenchen– R.W. Funk– U. Busse, John. A commentary on the Gospel of John, 224).

[13] R.E. Brown, The Gospel according to John XIII-XXI, 1076.

[14] F.J. Moloney, The Gospel of John, 551.

[15]It is the redactor’s attempt to sew chs. 20 and 21 together by making this appearance sequential to the two in 20:19 and 26” (R.E. Brown, The Gospel according to John XIII-XXI, 1077).

[16]We note that most modern scholars (Lagrange, Bernard, Moffatt, Strachan, Bonsirven, Bultmann, Barrett, etc) have reverted to the older idea that the variations are a meaningless stylistic peculiarity” (R.E. Brown, The Gospel according to John XIII-XXI, 1102).

[17] “Westcott, however, although he also distinguishes the two verbs, interprets the scene in another way. In his view, Peter answers in terms of philein because he does not venture to claim that he has attained to the higher love of agapan. Evans, art. cit., thinks that the verb agapan implies a certain superiority, for it connotes the satisfaction of a superior with an inferior. In his view, Peter’s refusal to use agapan is an expression of humility” [R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven - London 2008) XXIX, 498].

[18]Combined, the two verbs express the fullness of the pastoral task assigned to Peter” (R.E. Brown, The Gospel according to John XIII-XXI, 1105).

[19] E. Haenchen– R.W. Funk– U. Busse, John. A commentary on the Gospel of John, 226.

[20]Many interpreters have proposed that, even more specifically, the Johannine comparison in 18 refers to death by crucifixion. The key clause for this interpretation is “You will stretch out your hands” (R.E. Brown, The Gospel according to John XIII-XXI, 1107).