Chú giải Tin Mừng Lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa năm B (Mc 1,7-11)
Hy
Lạp |
Việt |
7 Καὶ ἐκήρυσσεν λέγων· ἔρχεται ὁ ἰσχυρότερός
μου ὀπίσω μου, οὗ οὐκ εἰμὶ ἱκανὸς κύψας λῦσαι τὸν ἱμάντα τῶν ὑποδημάτων αὐτοῦ. 8 ἐγὼ
ἐβάπτισα ὑμᾶς ὕδατι, αὐτὸς δὲ βαπτίσει ὑμᾶς ἐν πνεύματι ἁγίῳ. 9 Καὶ
ἐγένετο ἐν ἐκείναις ταῖς ἡμέραις ἦλθεν Ἰησοῦς ἀπὸ Ναζαρὲτ τῆς Γαλιλαίας καὶ ἐβαπτίσθη
εἰς τὸν Ἰορδάνην ὑπὸ Ἰωάννου. 10 καὶ
εὐθὺς ἀναβαίνων ἐκ τοῦ ὕδατος εἶδεν σχιζομένους τοὺς οὐρανοὺς καὶ τὸ πνεῦμα ὡς
περιστερὰν καταβαῖνον εἰς αὐτόν· 11 καὶ
φωνὴ ἐγένετο ἐκ τῶν οὐρανῶν· σὺ εἶ ὁ υἱός μου ὁ ἀγαπητός, ἐν σοὶ εὐδόκησα.
(Mk. 1:7-11 BGT) |
7 Và Ông (Gioan)
rao giảng rằng: “Đấng mạnh hơn tôi sẽ đến sau tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống
cởi dây giày của Người”. 8 Tôi làm phép
dìm anh em bằng nước, nhưng Người sẽ dìm anh em trong Thánh Thần. 9 Và xảy ra là
vào những ngày ấy Đức Giê-su đến từ Na-gia-rét thuộc Ga-li-lê và được Gioan
dìm vào song Gio-đan. 10 Và ngay khi
đi lên khỏi nước, Người thấy các tầng trời đang mở ra và Thánh Thần (hơi thở)
như chim bồ câu đi xuống vào trong Người. 11 Rồi, có tiếng
từ trời: “bạn là con trai yêu quý của tôi, với bạn tôi hài lòng” |
Bối
cảnh bản văn:
Mc
1,7-11 nằm trong phần được xem là phần Lời Tựa của Tin Mừng theo thánh Mác-cô.
Trong đó, phần trước đó Mc 1,1-6 giới thiệu về vị sứ giả dọn đường cho Đức Giê-su.
Sứ giả dọn đường này xuất hiện theo như cách mà Isaiah đã nói trước “này đây ta
sai sứ giả của ta đi trước mặt ngươi, người mà sẽ dọn đường cho ngươi” (Mc 1,2).
Thực ra, câu này Mác-cô trích từ sách ngôn sứ Malakhi và sách Xuất Hành (Ml 3,1;
Xh 23,20). Câu sau đó “có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn sẵn con đường
cho Đức Chúa” (Mc 3,2). Câu này trích từ sách Ngôn sứ Isaiah 40,3, nhưng Mác-cô
có sửa chữa cho phù hợp với ý định của ông. Is 40,3: “Một giọng nói hô: ‘trong
hoang địa hãy chuẩn bị con đường cho Đức Chúa, làm thẳng trong sa mạc một xa lộ
cho Đức Chúa’” trong khi đó Mc 3,2: “có tiếng người hô trong hoang địa: ‘hãy
chuẩn bị con đường cho Đức Chúa, làm thẳng những lối đi của Ngài’”. Rõ ràng,
con đường trong hoang địa của Is 40,3 đã trở thành tiếng người hô trong hoang địa
nơi Mc 1,3. Sau lời trích chắp nối có chủ ý đó, Mác-cô giới thiệu ngay về
Gioan. Ông xuất hiện trong bộ dạng của ngôn sứ Ê-li-a và rao giảng Phép Rửa của
lòng sám hối để được ơn tha thứ. Lời rao giảng của ông có sức cuốn hút tất cả
dân cư khắp vùng Giu-đê và Giê-ru-sa-lem. Họ đến chịu phép dìm của ông và xưng
thú tội lỗi. Tiếp theo sau dân chúng là Đức Giê-su. Đức Giê-su cũng đến xin
Gioan dìm trong nước, nhưng dĩ nhiên là không bao hàm việc xưng thú tội lỗi.
Tuy nhiên, trước khi, Đức Giê-su đến, Gioan đã có lời giới thiệu về Đức Giê-su.
Người là “Đấng mạnh hơn” Gioan bội phần và Gioan “không xứng đáng cúi xuống cởi
dây giầy cho Người” (Mc 1,7). Sự kiện Đức Giê-su được Gioan dìm trong nước quả
là một sự lạ. Đoạn văn tiếp theo sau Mc 1,7-11, là đoạn nói về sự kiện Đức
Giê-su chịu cám dỗ 40 ngày trong hoang địa. Đoạn van 1,7-11 bao gồm hai đoạn nhỏ.
Đoạn thứ nhất (1,7-8), là lời giới thiệu của Gioan về “Đấng đến sau”. Đoạn thứ
hai (1,9-11) là đoạn tường thuật về sự kiện Đức Giê-su chịu dìm trong nước và mạc
khải về căn tính thần linh của Đức Giê-su.
Một số điểm chú giải
1. “Người
quyền năng hơn”: “ὁ ἰσχυρότερός”
là tính từ so sánh được dùng làm như danh từ có mạo từ xác định đứng trước.
Tính từ này có nghĩa là mạnh, khỏe, vĩ đại, hay quyền năng. Trạng từ “ὀπίσω”
(sau đó), trong mệnh đề “Đấng đến sau tôi” cùng với sự xuất hiện ngay sau đó của
Đức Giê-su giúp độc giả hiểu ngay Đấng mà Gioan muốn nói đến là Đức Giê-su.[1] Đức Giê-su quyền năng hơn
Gioan theo nghĩa nào? Có lẽ, không phải là theo nghĩa cơ bắp. Trong bối cảnh
này, “quyền thế hơn” có thể hiểu trước tiên là người làm “phép rửa với Thánh Thần”
so với người làm “phép rửa với nước”.[2] Hơn nữa, Đức Giê-su quyền
năng hơn, cao cả hơn sẽ được “tiếng từ trời” mạc khải ngay sau đó. Người cũng
có thể quyền năng hơn trong cách Người chịu cơn cám dỗ (Mc 1,12-13). Quyền năng
của Người cũng được thể hiện trong lời giảng của Người (Mc 1,22.27; Mt 7,29) và
khả năng làm các dấu lạ: chữa lành bệnh tật, trừ quỷ (Mc 3,15), và quyền răn đe
bảo tố thiên nhiên (Mc 4,35-41; Mt 8,18.23-27; Lc 8,22-25). Người còn có quyền
tha tội (Mc 2,10; Mt 10,1) trong khi Gioan chỉ làm Phép Rửa của lòng hoán cải.
Lối diễn tả “Giê-su như là Đấng mạnh hơn” cũng gợi lên những suy nghĩ về một
chiến binh thần linh và messiah vương giả hoặc tác nhân nào đó trong cuộc chiến.[3]
2. “Không
xứng đáng cúi xuống và cởi dây giày”: Câu này của Gioan cho thấy
rằng danh xưng “ὁ ἰσχυρότερός” (Đấng mạnh hơn, quyền
thế hơn) có thể thiên về sự cao trọng về danh dự xuất phát từ vị thế của “Đấng
đến sau”. Tác giả Tin mừng Gioan, với thần học Ngôi Lời hằng hữu từ đời đời,
còn thêm vào lời nói của Gioan Tẩy Giả một mệnh đề chỉ lý do “vì Người có trước
tôi” (Ga 1,15) nhằm làm rõ tại sao “Người đến sau” lại “được xếp trước” và “mạnh
thế hơn”. Ngày nay người ta thường dùng thành ngữ “không đáng xách dép” để diễn
tả khoảng cách về đẳng cấp và danh dự của một người so với một người khác.
Gioan dẫu được Đức Giê-su xác nhận là “cao trọng nhất trọng số những người được
người nữ sinh ra” (Mt 11,11), là “ngôn sứ của Đấng tối cao” (Lc 1,76), vẫn là một
phàm nhân, không sao sánh được với địa vị một Thiên Chúa làm người như sẽ thấy
sau đó trong biến cố Phép Rửa. Trong văn hóa Trung Cận Đông Cổ Xưa, xách dép
cho ai hoặc cởi dép cho ai là công việc của một nô lệ.[4] Một cách nào đó Gioan Tẩy
Giả tự ví mình không đáng làm “tôi tớ” của “Đấng đến sau”. Điều này cho thấy phần
nào sự cao trọng của Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người, so với người dọn đường,
Gioan.
3. “dìm
với nước” và “dìm trong Thánh Thần”: Từ các câu 2 đến 4
Mác-cô giới thiệu cho các độc giả về Gioan và sứ vụ cũng như tầm ảnh hưởng của
ông. Ông được nói đến trong sách ngôn sứ Isaiah. Đó không hẳn là lời ngôn sứ
Isaiah nhưng là gom góp từ Sách Xuất Hành (23,20), Sách ngôn sứ Malakhi (3,1)
và Sách ngôn sứ Isaiah (40,3). Ông rao giảng phép dìm của lòng hoán cải để được
ơn tha thứ. Ông ăn mặc như ngôn sứ Isaiah. Ông làm phép rửa trong hoang địa.
Câu 7 và câu 8, Mác-cô giới thiệu lời rao giảng của Gioan. Lời rao giảng của
Gioan được cấu trúc theo kiểu so sánh hai hình ảnh song song nhưng khác biệt
nhau trong vị thế và phép rửa. Gioan « có Đấng quyền thế hơn tôi đến sau
tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống để mở quai dép cho Người ». Lời giới
thiệu này không nhằm tôn vinh sự khiêm tốn của Gioan cho bằng bộc lộ vị trí thật
của Gioan cũng như địa vị thật của Đức Giê-su. Gioan, tuy được dân chúng sùng
bái và ùn ùn kéo đến để chịu phép dìm bởi tay ông, ông cũng biết rằng mình chỉ
là sứ giả. Ông ý thức rõ vai trò và vị thế của mình. Việc của ông là làm cho mọi
người nhận ra Đức Giê-su. Hình ảnh Gioan đối lại với “Đấng quyền thế hơn”. Phép
dìm bằng nước của ông đối lại với phép dìm trong Thánh Thần. Ông là trung gian
để dẫn đến một Đấng khác; phép rửa của ông cũng để dẫn đến một phép rửa khác.
Nước sông Gio-đan đối lại với Thánh Thần. Việc ban Thánh Thần diễn tả một cách ẩn
dụ như là một phép rửa biểu hiện hành vi cứu độ mang tính cánh chung của Chúa
được hứa trước qua các ngôn sứ. Isaiah nói đến việc « Thánh Thần sẽ được
tuôn đổ trên chúng ta và hoang mạc sẽ trở nên màu mở » (Is 32,15). Chúa
nói rằng : «Ta sẽ đặt Thần Khí của ta trong các ngươi và các ngươi sẽ sống »
(Ed 37,14). Phép dìm bằng nước của Gioan vừa là dấu chỉ của lòng sám hối, thể
hiện bằng việc dân chúng xưng thú tội lỗi. Phép rửa trong Thánh Thần của Đấng
quyền thế hơn sẽ mang đến cho hối nhân được ơn tha thứ. Như đã nói trên. Thánh
Thần sẽ đem đến cho người ta ơn tha thứ và một sự biến đổi hoàn toàn, một sức sống
mới. Sức sống mới đó bao hàm cả việc chừa bỏ tội lỗi và sống cho Chúa và sống
cho người khác. Chừa bỏ tội lỗi, và đền bù những thiệt hại do tội lỗi gây ra chỉ
là một phần cơ bản. Phần chính yếu phải là « một quả tim mới và một thần
khí mới » biến « quả tim bằng đá thành quả tim bằng thịt » (Ed
36,26-27). Tác động của phép rửa trong Thánh Thần hơn thế nữa còn bao hàm cả sức
sống và sứ mạng của Chúa Ki-tô như chính Ngài thừa nhận: « Thần Khí Chúa
ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi để loan Tin Vui cho người nghèo. Ngài
sai tôi công bố tự do cho người bị giam cầm, phục hồi ánh sáng cho người mù, trả
tự do cho người bị áp bức » (Lc 4,18). Để chuẩn bị cho việc làm phép rửa
trong Thánh Thần, chính Đức Giê-su sau khi chịu phép rửa và vừa lên khỏi nước
thì Người thấy “trời mở ra và Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên Người »
(Mc 1,10). Đấng là phép rửa trong Thánh Thần chắc chắn phải là Đấng đầy Thánh
Thần.
4. “từ
Na-gia-rét của Ga-li-lê”: Mác-cô không có trình thuật về Giáng
Sinh và thời thơ ấu của Đức Giê-su, nhưng ông cũng kịp giới thiệu quê hương của
Đức Giê-su. Đó là Na-gia-rét, Ga-li-lê. Matthew và Luca, hai tác giả Tin Mừng
Nhất Lãm duy nhất có trình thuật về Giáng Sinh và thời thơ ấu, đã có những
trình thuật gắn liền Đức Giê-su với quê hương Na-gia-rét, Ga-li-lê. Na-gia-rét
là địa danh được gắn liền với tên gọi Giê-su. Ngài được gọi là Giê-su
Na-gia-rét, chứ không phải Giê-su Bê-lem (Mc 1,24; 10,47; Lc 4,34; Mt 26,71).
Ngài được lớn lên ở Na-gia-rét (Lc 4,16), là một ngôn sứ xuất thân từ
Na-gia-rét (Mt 21,11). Vì Matthew không có tường thuật về biến cố truyền Tin,
nên chi tiết nhà Đức Maria ở Na-gia-rét không được nói đến trong Tin Mừng
Matthew. Tuy vậy, Matthew cũng cho thấy Đức Giê-su có nguồn gốc từ Na-gia-rét.
Theo Matthew, sau khi đưa Đức Giê-su trở về từ Ai-cập, Bố nuôi Giu-se đưa gia
đình đến sống ở Na-gia-rét. Điều này là nhằm ứng nghiệm lời đã được nói qua các
ngôn sứ rằng Người sẽ được gọi là Nazarene (Mt 2,23). Trong Tin Mừng thứ tư, ông
Na-tha-na-el, người được Phi-líp-phê giới thiệu về Đức Giê-su đã nói rằng: “từ
Na-gia-rét làm sao có cái gì hay” (Ga 1,46). Điều này cho thấy rằng đối với các
học giả Do Thái thời bấy giờ Na-gia-rét là một vùng quê tầm thường và đáng quên
lãng. Thế mà Đức Giê-su lại sinh sống ở đó 30 năm trước khi đi rao giảng. Đó là
nơi Người học hỏi và “lớn lên, thêm khôn ngoan và được ơn nghĩa cùng Chúa và
người ta” (Lc 2, 51-52). Đức Giê-su cũng dành cho quê hương của mình nhiều ưu
ái khi Người trở về rao giảng cho họ, thế nhưng, dân làng Na-gia-rét không đón
nhận Tin Mừng của Người (Mc 6,1-6; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30). Thậm chí họ còn muốn
xô Người từ trên đỉnh núi xuống nhằm loại trừ Người (Lc 4,30). Tuy vậy,
Ga-li-lê là nơi Người thì hành sứ vụ rao giảng cũng như làm phép lạ và được nhiều
người đón nhận cũng như tôn vinh (Lc 4,14-15).
5. “Sông
Gio-đan”: Sông Gio-đan là con sông nối liền từ miền Bắc qua Hồ
Ga-li-lê rồi đến miền Nam di vào Biển Chết. Gioan chọn sông Gio-đan làm phép
dìm có thể hiểu được vì ở đó có nhiều nước và không gian cho nhiều người. Tuy
nhiên, sông Gio-đan cũng gợi nhớ đến biến cố lịch sử quan trọng của dân
Ít-ra-el: Giô-suê đã thay Mô-sê dẫn dân băng qua sông Gio-đan để vào đất hứa.
Sau này Đức Giê-su sẽ chịu phép rửa tại con sông này. Và tên gọi Giê-su cũng
chính là Gio-suê trong tiếng Do thái. Nói khác đi, Đức Giê-su sẽ dẫn dân mới vượt
qua sông Gio-đan để đi vào đất hứa mới. Hơn nữa, hình ảnh « trong hoang mạc »
cũng gợi nhớ đến biến cố xuất hành, biến cố mà Chúa đã đồng hành với dân Người,
dẫn dắt, chỉ dạy, ban Lề Luật cho họ. «Hoang mạc » diễn tả niềm hy vọng
cánh chung của một mẫu thức xuất hành được tìm thấy trong sách Hô-sê (2,14;
12,9) và đặc biệt trong sách ngôn sứ Isaiah (40,3-4 ; 41,18-19 ;
43,19-20 ; 48,20-21 ; 51,9-11).[5]
6. “Khi
vừa lên khỏi nước”: Đây là khoảnh khắc rất quan trọng ngay
sau khi Đức Giê-su được dìm trong sông Gio-đan. Trạng từ “εὐθὺς”
(ngay lập tức, vừa mới) là một trạng từ đặc trưng của Mác-cô. Mác-cô sử dụng trạng
từ này đến 47 lần, một con số áp đảo so với tất cả các tác giả Tin Mừng còn lại
(Lc: 1 lần; Ga: 3 lần, Mt: 5 lần). Trạng từ này mang lại sự sinh động cho câu
chuyện và để lại cho người đọc ấn tượng về tốc độ nhanh chóng của một loạt sự
kiện mang đậm nét ý định của Thiên Chúa.[6]
Trạng từ, này trong bối cảnh này, nhấn mạnh mối tương quan giữa thị kiến trong
1,10-11 với sự kiện phép rửa trong 1,9. Nó diễn tả sự liên tục giữa sứ vụ của Đức
Giê-su và sứ vụ của Gioan. Nói cách khác, hành động dìm Đức Giê-su, hoàn tất sứ
vụ chuẩn bị của Gioan bằng cách cung cấp bối cảnh cho thị kiến tách rời Đức
Giê-su như là “Đấng Cao Trọng Hơn”.[7]
Hành động “Người đi lên” vừa song song và đối lại với hành động “đi xuống của
Thánh Thần”. Đấng đi lên và Đấng đi xuống tạo ra sự găp gỡ và mạc khải thần
linh. Hình ảnh “người đi ra khỏi nước” sông Gio-đan còn có ý nghĩa biểu tượng
như là một sự vượt qua và đi vào đất hứa. Danh hiệu Giê-su đồng nghĩa với tên gọi
“Giô-suê” (Thiên Chúa cứu), người đã thay thế Mô-sê dẫn dân Ít-ra-en vượt qua
sông Gio-đan và đi vào đất hứa Canaan. Dân chúng đến với ông Gioan để xin ông
làm Phép Rửa của lòng hoán cải để được ơn tha thứ. Đức Giê-su sẽ ban ơn tha thứ,
dẫn dân Người thoát khỏi án phạt của tội lỗi là sự chết, tiến vào quê trời vĩnh
cửu. “Sự đi lên khỏi nước” của Đức Giê-su cũng chứng tỏ rằng phép dìm của Gioan
đã hoàn tất, chứ không phải là một phương tiện để Thánh Thần đi xuống với Đức
Giê-su và tiếng nói từ trời. Phép dìm của Gioan cũng là biểu tượng cho cuộc khổ
nạn và cái chết của Đức Giê-su (Mc 10,38-39; Lc 12,50). Cuộc vượt qua của Người
là cuộc vượt qua sự đau khổ và sự chết chứ không đơn giản là lên khỏi dòng nước
sông Gio-đan.
7.
“Người thấy trời mở ra”. Động từ “σχίζω” được chia ở thì tiếp diễn và thể bị động.
Tiếp diễn vì nó diễn tả một hành động đang tiếp diễn, và bị động là vì trời
không tự mình mở ra được nếu không có tác nhân là chính Chúa. Động từ “σχίζω” có nghĩa là phân ra, xé ra, chi ra làm
hai. Danh từ “οὐρανός” (trời, thiên
đàng, ngược lại với đất) được dùng ở số nhiều “τοὺς οὐρανοὺς” (các tầng trời). Người Do Thái hiểu
trời bao gồm nhiều tầng khác nhau. Trời là nơi Đức Giê-su thường hướng về mỗi
khi Người cầu nguyện. Người hướng về trời khi tạ ơn và bẻ bánh cho đám đông ăn
(Mc 6,41); Người hướng về trời thở dài trước khi nói: “Ephphatha” trong phép lạ
chữa lành người câm (Mc 7,34); Người hướng về trời thở dài não nề khi những người
Pha-ri-sêu yêu cầu một dấu lạ từ trời (Mc 8,11). Trời là nơi chốn của các thiên
thần (Mc 12,25; 13,32; Lc 22,43). Trời cũng là nơi mà Con Người sẽ đến từ đó
trong ngày cánh chung (Mc 14,62). Trời cũng là nơi Đức Giê-su sẽ trở về sau khi
Phục Sinh (Mc 16,19; Lc 24,51; Cv 1,2). Matthew còn cho độc giả biết nhiều hơn
về trời nữa. Đó là nơi mà Chúa Cha chúng ta ngự: “Lạy Cha của chúng con ở trên
trời” (Mt 6,9). Vương quốc mà Đức Giê-su rao giảng là “sắp đến” được gọi là
“vương quốc Thiên Đàng” (hay là Nước Trời). Theo thánh Luca, Chúa ngự trên “cõi
trời cao thẳm” (Lc 2,14). Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng thứ tư cho biết rằng
“Con Người đến từ trời” (Ga 3,13; 6,38.42). Gioan cũng đề cập đến Đức Giê-su là
“bánh từ trời” (Ga 6,51.58). Hình ảnh “trời mở ra và các thiên thần của Thiên
Chúa lên và xuống trên Con Người” cũng được Đức Giê-su nói cùng Na-tha-na-el một
cách long trọng (Ga 1,51). Như thế, trời rõ ràng là nơi ở của Thiên Chúa và thế
giới thần linh (các thiên sứ). Hình ảnh trời mở ra là một chấn động cho những
người hiện diện cũng như toàn bộ độc giả. Một sự giao tiếp nhân loại-thần linh mới
bắt đầu (Ed 1,1; Ga 1,51).[8] Trời sẽ giao tiếp
với đất và Chúa chính là Đấng đã chủ động và khởi sự cuộc giao tiếp này và Đức
Giê-su chính là Đấng trung gian trong cuộc đối thoại này. Hình ảnh “trời xé ra”
cũng phản ảnh nhắc nhớ mẫu thức cánh chung trong sách ngôn sứ Isaiah: “Ngài sẽ
xé toang các tầng trời và ngự xuống” (Is 64,1) và cũng là hình ảnh báo trước của
bức màn đền thờ vào lúc Đức Giê-su chết (Mc 15,38), như trong 1,9-11, cũng diễn
tả Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, danh hiệu được viên sĩ quan tuyên xưng một
cách long trọng trong Mc 15,39.
8.
“Thánh
Thần đi xuống trên Người”:
danh xưng “τὸ πνεῦμα” rất là khó dịch trong tiếng việt. Danh từ “πνεῦμα” có nghĩa là “tinh thần”, “linh hồn”, “gió”, “hơi”,
“khí”. Danh từ này được dùng như một danh xưng có mạo từ xác định phía trước để
chỉ một ngôi vị cụ thể (τὸ πνεῦμα). Bản Anh Ngữ là “The Spirit” (ESV, RSV), Ý Ngữ là “lo
Spirito” (CEI), Pháp Ngữ là “l’Esprit” (TOB). Bản Việt Ngữ, “Thánh Thần”
(CGKPV) có lẽ do ảnh hưởng của Mt 3,11 và Lc 3,16, nơi mà cụm từ “πνεύματι ἁγίῳ” (tinh thần thánh, Thần Khí thánh, Holy Spirit) được sử
dụng thay vì “τὸ πνεῦμα”. Cả hai cách dùng đều được hiểu như là Ngôi Ba Thiên
Chúa. Hình ảnh “Thánh Thần đi xuống” là hành động thứ hai trong thị kiến mang
tính khai mạc của Đức Giê-su. “Trời được mở ra” và cho phép Thánh Thần đi xuống.
A.Y. Collins – H.W. Attridge liệt kê nhiều cách hiểu của hình ảnh “Thánh Thần của
Chúa” xuống trên một phàm nhân trong Thánh Kinh Cựu Ước. Nó có thể ban cho một
người đàn ông một sức mạnh thể lý phi thường (Tl 14,6.19); nó cũng có thể gây
ra sự xuất thần (Ds 11,25; 1 Sm 10,6.10); nó cũng có thể mang một con người
cách lạ lùng từ nơi này đến nơi khác (1 V 18,12; 2 V 2,16; Ed 3,12. 14; 8,3;
11,1.24; 43,5); nó cũng có thể ban cho đặc sủng lãnh đạo (Tl 3,10; 1 Sm 16,13);
Thánh Thần Chúa cũng liên kết với đặc sủng ngôn sứ (Mk 3,8; Nhm 9,30) và với những
phẩm chất của một vị vua lý tưởng (Is 11,1-9). Tuy nhiên, Thánh Thần ngự trên Đức
Giê-su rất có thể là Thánh Thần được nói đến trong Is 61,1-2. Đó là Thánh Thần
ngự trên Người, để Đức Chúa “đã xức dầu tấn phong Người để rao giảng những tin
vui cho người nghèo, chữa lành những người có cõi lòng tan vỡ, công bố ơn giải
thoát cho những người bị giam cầm, phục hồi ánh sáng cho người mù”.[9]
Chính Đức Giê-su đã xác nhận lời ngôn sứ này đã ứng nghiệm trên Người tại hội
đường Na-gia-rét (Lc 4,18-20). Có một chi tiết đáng chú ý là giới từ được dùng
đi kèm với động từ “đi xuống” là một giới từ diễn ta sự chuyển động “εἰς” (Matthew và Luca đều dùng giới từ epi, trên). Giới từ “εἰς” diễn tả sự đi vào bên trong, chứ không phải chỉ là
“trên” như hầu hết các bản dịch Việt, Anh, Pháp (on, upon, sur). Bản dịch Ý ngữ
“verso” (về phía) xem ra khá hơn nhưng vẫn là bên ngoài. Thánh Thần không những
đi xuống và mà còn vào bên trong con người Đức Giê-su. Cách hiểu này phù hợp với
bối cảnh của bản văn. Ngay sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, cũng chính Thánh
Thần này đẩy Đức Giê-su vào hoang địa. Người ở đó 40 đêm ngày chịu Satan cám dỗ.
9.
“như
chim bồ câu”: nhiều tác giả cho rằng
hình ảnh biểu tượng của chim bồ câu thật mờ nhạt. Tuy vậy, cũng có nhiều tác giả
đưa ra những ý nghĩa của biểu tượng “như chim bồ câu” này. Pesch chỉ ra rằng một
con chim có thể là một biểu tượng phù hợp cho Thánh Thần vì nó có thể bay băng
qua cản trở giữa trời và đất, nhưng điều này không giải thích được vì sao mà
chim bồ câu chứ không phải chim khác. Davies – Allison liệt kê 16 khả năng khác
nhau, trong đó khả năng có tính thuyết phục nhất là giả thuyết rằng bồ câu gợi
nhớ đến hình ảnh trong sách Sáng Thế 2,1, nơi mà Thánh Thần bay là là trên mặt
nước như con chim.[10]
Qua đó, diễn tả một cuộc tạo dựng mới.[11]
Thuyết này cũng không thể giải thích được tại sao lại là chim bồ câu mà không
phải là chim nào khác. Các rabbi Do Thái thường xuyên đề cập đến chim bồ câu
như là biểu tượng của cộng đoàn Israel và sự liên kết này có thể có trong suy
nghĩ của Mác-cô. Vào khoảnh khắc của sự rửa tội của Người, Đức Giê-su là một
người Ít-ra-el thật sự, trong Người việc tuyển chọn của Thiên Chúa được tập
trung. Việc ngự xuống của Thánh Thần “như chim bồ câu” cho thấy rằng Người là đại
diện suy nhất của It-ra-el mới được tạo dựng qua Thánh Thần.[12]
10. “Tiếng đến từ trời”: Tiếp theo sau việc Thánh Thần “đi xuống vào bên trong” Đức
Giê-su là “tiếng nói từ trời”. Đây rất có thể là giọng nói của Chúa Cha trong
tương quan với Đức Giê-su là con. Và giọng nói này vừa khẳng định vừa giới thiệu
về Người Con. J. Marcus cho rằng “tiếng từ trời” ở đây và Mc 9,7 tương tự với
Bath Quol trong các tác phẩm của rabbi (Con gái của tiếng nói), một tiếng nói đến
từ trời để diễn tả ý chí của Thiên Chúa và có thể trích dẫn Thánh Kinh hay công
bố sự đánh giá tán thành về một người.[13]
11. “Bạn là con yêu dấu của tôi”. Công bố này rất gần với trích dẫn của Thánh Vinh 2, câu
7 bản Bảy Mươi: “υἱός μου εἶ σύ ἐγὼ σήμερον γεγέννηκά σε” (Con là con của ta, ngày hôm nay ta
đã sinh ra con). Trong trích dẫn của thánh vịnh 2, không có tính từ “ὁ ἀγαπητός” (người yêu dấu) và đoạn sau cũng
hoàn toàn khác: “Ta hài lòng về con” khác với “ngày hôm nay cha đã sinh ra
con”. Trong Cựu Ước, It-ra-el (Xh 4,22; 11,1), các thiên thần (St 6,2.4; J 1,6)
hay là vua (2Sm 7,14; Tv 2,7) có thể được gọi là Con của Ya-vê. Cách dùng mang
tính hoàng gia là cách dùng quan trọng nhất cho tác giả Mac-cô, đặc biệt cho đoạn
văn này, nơi mà đoạn thánh vịnh hoàng gia được trích dẫn. Trong các Do Thái
giáo hậu Thánh Kinh, những bản văn hoàng gia như thế thỉnh thoảng được diễn giải
với tính cách messiah, trong Các Cuộn Biển Chết chẳng hạn. Bản văn Qumran 4Q246
có lẽ nói về Đấng Messiah như là Con Thiên Chúa.[14] Phẩm
tính “Con yêu dấu” là một phẩm tính rất khó truy nguồn gốc, theo A.Y. Collins – H.W. Attridge. Tuy nhiên họ cũng đề nghị một
khả năng là Mc 1,11 ám chỉ đến câu chuyện “gần như sát tế của Isaac”, ngụ ý rằng
“sự xém chết” của Isaac là hình ảnh báo trước cho cái chết của Đức Giê-su. Và một
cách giải thích khác khả thể hơn là sự diễn tả “Người Yêu Dấu” được gọi hứng bởi
đoạn văn khác, đoạn văn được hiện thực hóa hay hoàn tất trong phát biểu của “tiếng
từ trời” trong Is 42,1. Phần thứ nhất của câu này là: “này tôi tớ của ta, người
mà ta chứng thực, người ta tuyển chọn, trong người ấy ta vui lòng”. Tác giả của
Tin Mừng Mac-cô và Tin Mừng Matthew có thể đã biết bản văn Is 42,1, trong đó từ
“yêu dấu” được dùng.[15]
Trong ngữ cảnh này “con” không phải là danh hiệu mang tính Messiah nhưng được
hiểu theo nghĩa cao nhất. Nó biểu thị mối tương quan duy nhất mà Đức Giê-su duy
trì với Chúa Cha. Đức Giê-su là Con duy nhất của Thiên Chúa. Mệnh đề thứ nhất của
lời tuyên bố (với động từ ở thì thì hiện tại) diễn tả một mối tương quan thiết
yếu và vĩnh cửu. Mệnh đề thứ hai (với động từ ở thì Aorist) ngụ ý một chọn lựa
quá khứ cho sự biểu hiện một chức năng đặc biệt trong lịch sử.[16]
12. “với bạn, tôi rất hài lòng”: Điều gì nơi Đức Giê-su làm cho Chúa Cha hài lòng nhất? trong khoảnh khắc Đức Giê-su vừa bước lên khỏi nước, với sự hiện diện long trọng của Thánh Thần, trong bầu khí uy nghi. Đức Giê-su được tuyên bố là “Con yêu dấu” và được Chúa Cha khen là “ta hài lòng về con”. Đó là khoảnh khắc Đức Giê-su hòa vào dòng người tội lỗi để làm phép rửa. Phép Rửa ấy một mặt cho thấy sự vâng phục cho đến chết, vì phép rửa ấy là tiên trưng cho phép rửa sau cùng là chính cuộc thương khó và sự chết. Mặt khác, phép rửa ấy cũng cho thấy mầu nhiệm tự hạ của Người Con. Người đã nên giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Người không ngần ngại đứng chung, làm chung phép rửa, chung dòng nước với nhân loại tội lỗi để kéo họ ra khỏi bùn nhơ tội lỗi. Nhờ đó mà công trình cứu rỗi được hoàn tất. Tiếp theo sau Phép Rửa này là sự thử thách trong hoang địa. Đó cũng là hình ảnh báo trước cho sự thử thách trong cuộc thương khó.[17]
Một vài ý nghĩa thần học:
1.
Đức
Giê-su là đấng cao trọng hơn Gioan gấp bội. Chính Gioan đã thừa nhận điều này.
Đức Giê-su cao trọng đến nỗi Gioan, dù được xem như là cao trọng nhất trong số
những người được sinh ra trên trần gain này, vẫn không xứng đáng cúi xuống cởi
dây giầy cho Người. Tuyên bố này của Gioan vừa cho thấy sự khiêm hạ của “người
dọn đường” vừa cho thấy sự cao cả, đáng yêu của Đức Giê-su khi Người khiêm hạ đến
xin Gioan làm Phép Rửa tịa sông Gio-đan
2.
Đức
Giê-su đến từ Na-gia-rét, Ga-li-lê. Chi tiết này cho thấy rằng Đức Giê-su là
Thiên Chúa làm Người. Người có một quê hương nhân loại ở miền Bắc Ít-ra-el. Người
đã sống và lớn lên ở đây trong dòng lịch sử nhân loại. Nguồn gốc này cũng cho
thấy thân phận, địa vị xã hội, tôn giáo không đáng kể của Người, đến nỗi
Na-tha-na-el phải khinh chê: “ở Na-gia-rét thì có cai gì hay”. Nhưng đó là quê
hương Đức Giê-su đã gắn bó trong suốt cuộc đời làm người của mình. Ga-li-lê
cũng là nơi mà Người trải qua hơn 90 % quãng đời rao giảng của mình.
3.
Địa
điểm sông Gio-đan cũng nhắc nhớ đến biến cố dân Ít-ra-el vượt qua để tiến vào đất
hứa Canaan. Giờ đây không phải là dân Ít-ra-en nhưng là dân Chúa, toàn thể nhân
loại, cũng được Đức Giê-su dẫn qua sông Gio-đan. Điểm đến của họ không còn là đất
hứa Canaan nhưng là Vương Quốc Nước Trời, là Nước Thiên Đàng. Nước sông Gio-đan
sẽ giúp dân Chúa thực hiện hành vi sám hối, hoán cải, nhưng chính Đức Giê-su mới
là người mang lại ơn tha thứ cho họ bằng chính cái chết của mình.
4.
Đức
Giê-su được dìm trong nước sông Gio-đan chính là hình ảnh tiên trưng cho việc
người sẽ dìm vào cuộc thương khó và sự chết, trước khi phục sinh khải hoàn. “Thầy
còn một phép rửa nữa phải chịu, và thầy những khắc khoải biết nao cho đến khi
phép rửa ấy hoàn tất” (Lc 12,50). Phép rửa này cũng cho thấy sự vâng phục của Đức
Giê-su khi Người đón nhận thánh ý của Chúa Cha, sẵn sàng khởi đầu sứ vụ cứu độ
bằng cách hòa mình vào dòng người tội lỗi. Nó cũng bộc lộ tình yêu vô bờ bến của
Đức Giê-su đối với nhân loại tội lỗi, chết chóc, đang cần được Người tha thứ, cứu
với. Phép Rửa này sẽ được tiếp nối với việc Người chịu đựng và chiến thắng tất
cả những cơn cám dỗ của phận người. Với sự chiến thắng lẫy lừng ấy, Người tiếp
tục dấn thân đồng hành với tất cả những tội nhân, từ Matthew, Gia-kêu, những
người thu thuế, đến những cô gái điếm, rồi người phụ nữ ngoại tình…những con
chiên lạc nhà Ít-ra-el, những người con hoang đàng. Người như một người đã được
tiêm vác-cin phòng bệnh tội lỗi, đến với người tội lỗi để chữa lành những cõi
lòng tan nát và đưa họ trở về với Thiên Chúa. Phép dìm tại sông Gio-đan chỉ là
khởi đầu cho sứ vụ Người đến và đồng hành với Người tội lỗi.
5.
Sự
hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong khoảnh khắc Đức Giê-su khai mạc sứ vụ
công khai. Thánh Thần đi xuống vào bên trong Đức Giê-su; tiếng từ trời gọi Đức
Giê-su là “Con yêu dấu”. Tất cả để nói lên sự hiệp nhất, đồng hành của một
Thiên Chúa Duy Nhất nhưng có ba Ngôi Vị trong công trình cứu độ nhân loại.
Trong quá trình thi hành sứ vụ Đức Giê-su luôn dành thời gian thưa chuyện với
Chúa Cha mỗi lúc đêm về hay sáng sớm tinh sương (Mc 1,35; Mt 14,23). Những hoạt
động thường ngày của Người cũng đều được Thần Khí thúc đẩy (Mt 4,1; 12,18.28;
Mc 1,10.12).
6.
Đức
Giê-su là Con Thiên Chúa. Thần tính, căn tính và ngôi vị của Đức Giê-su được bộc
lộ ngay giây phút Người bước lên khỏi nước. Thông điệp: Đức Giê-su là Con Thiên
Chúa đã được mạc khải ngay câu đầu tiên của Tin Mừng Mac-cô; “Tin Mừng Đức
Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Rồi, nó cũng được Gioan loan báo úp mở
về một “Đấng đến sau” nhưng “mạnh thế hơn” ông. Tuy nhiên, lời giới thiệu của
“tiếng từ trời” là lời giới thiệu chính thức và long trọng nhất. thần tính sẽ
được lặp lại một lần nữa trong cuộc Biến Hình, nơi mà Đức Giê-su đàm đạo với
Mô-sê và Ê-li-a về cuộc thương khó của Người (Mc 9,6). Và rồi, cuối cùng nó
cũng được một đại đội trưởng Rô-ma, một người ngoại nhận ra và tuyên xưng, khi
Đức Giê-su chết trên thập giá (Mc 15,19). Phẩm tính của Đức Giê-su cũng được
công bố trong “tiếng từ trời”. Người là “Con yêu dấu” và Chúa Cha “rất hài lòng
về” Người. Chúa cha hài lòng về Đức Giê-su trong bối cảnh Đức Giê-su vừa chịu
phép rửa có thể có hai lý do. Thứ nhất, Đức Giê-su thể hiện sự vâng lời, và yêu
mến Chúa Cha, khi chấp nhận làm người sống như một con người ngoại trừ tội lỗi.
Thứ hai, Đức Giê-su yêu nhân loại đến nỗi chấp nhận hạ mình chịu phép rửa của
Gioan, một phép rửa chỉ dành cho những tội nhân. Người chấp nhận hòa mình, đứng
chung với những người tội lỗi vì lòng thương xót. Người sẽ bước đi hành trình cứu
độ nhân loại trong tư cách là Con yêu dấu của Thiên Chúa, đồng hành, chịu đau
khổ, và chịu chết để cứu họ án phạt của tội lỗi là sự chết.
Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
[1] Nhiều tác giả tìm cách nhận dạng
căn tính “Đấng vĩ đại hơn” mà Gioan có trong đầu. R.A. Guelich đã
liệt kê ít nhất 5 khả năng: (1) Thiên Chúa; (2) Đấng Messiah; (3) Con Người;
(4) Vị ngôn sứ thời cánh chung; (5) Một biểu tượng vô danh thời cánh chung
[R.A. Guelich, Mark 1-8:26 (WBC 34A; Dallas 2002) 22].
[2]
J. Marcus, Mark 1-8. A
New Translation with Introduction and Commentary (AYBC; New Haven – London
2008) 157.
[3] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark.
A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia; Minneapolis 2007) 146.
[4]
C.E.B Granfield, The
Gospel According to Saint Mark (CGTC; Cambridge 1959) 48.
[5]
R.A. Guelich, Mark 1-8:26
(WBC 34A; Dallas 2002) 18.
[6]
J. Marcus, Mark 1-8. A
New Translation with Introduction and Commentary, 159.
[7]
R.A. Guelich, Mark 1-8:26,
31.
[8] J.R. Donahue – D.J. Harrington, The
Gospel of Mark (SP 2; Collegeville 2005) 65.
[9]
A.Y. Collins – H.W. Attridge,
Mark, 149.
[10]
J. Marcus, Mark 1-8, 160.
[11]W.L. Lane, The Gospel of Mark
(NICNT; Grand Rapids 1974) 56
[12]
W.L. Lane, The Gospel of
Mark, 57.
[13]
Ibid.
[14]
J. Marcus, Mark 1-8, 162.
[15]
A.Y. Collins – H.W. Attridge,
Mark, 150.
[16]
W.L. Lane, The Gospel of
Mark, 58.
[17]
Xem Joseph Phạm Duy Thạch,
“Điều Gì Nơi Đức Giê-su Làm Cho Chúa Cha Hài Lòng?” (http://josephpham-horizon.blogspot.com/2014/01/ieu-gi-noi-chua-gie-su-lam-cho-chua-cha.html
)
No comments:
Post a Comment