Thursday, 29 October 2020

TÂM SỰ ANH MÙ BARTIMÊ

Tôi là Bartimê. Thật ra đó không phải là tên của tôi. Tôi có một tên khác, nhưng không một ai biết đến. Bartimê chỉ có nghĩa là con ông Timê. Họ không biết tên tôi. Có ai đó đã nói rằng tôi là con của ông Timê. Thế là từ đó, mọi người gọi tôi là “con ông Timê”. Tên ấy

nghe còn tạm được. Có nhiều người chỉ gọi tôi là “người mù”, “gã mù” (Lc 18,35). Họ gọi tôi bằng chính tật nguyền tôi đang mang. Thế đấy, hình như trong xã hội này, tôi, “gã mù ăn xin”, không hề có một danh phận, không có giấy tờ tùy thân, không có một tên gọi như bao nhiêu người khác.

Ngày ngày tôi ngồi bên vệ đường thành Giêrikhô. Thành Giêrikhô là một thành khá giả, thế mà tôi chẳng có gì cả. Tôi chỉ ngồi bên vệ đường dọc theo cổng thành Giêrikhô. Đó là chỗ ngồi dành cho những con người không có danh phận. Đó là nơi chốn chỉ dành cho những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội như tôi. Tôi ngồi đó. Ngồi vì không còn sức để đứng nữa. Ngồi đó cũng biểu lộ một sự thiếu chỗ đứng giữa xã hội phồn hoa ồn ào náo nhiệt này.

Tôi nào thích ngồi đó đâu. Nhưng tôi là kẻ mù lòa, biết làm gì bây giờ, đành ngồi đó ngày qua ngày. Ngồi bên vệ đường để ăn xin lòng thương xót của người qua kẻ lại. Tôi ngồi đó để lượm lặt chút tiền dư bạc thừa của người qua kẻ lại để nuôi sống bản thân mình.

Tôi mù lòa. Đôi mắt của tôi chẳng nhìn thấy gì cả. May mắn là Chúa còn ban cho tôi đôi tai rất thính. Hằng ngày, tôi nghe không biết bao nhiêu chuyện của người qua kẻ lại. Nghe chứ không được quyền nói. Có ai thèm nghe tôi đâu mà nói. Mù biết gì mà lên tiếng. Ăn xin, sống nhờ tình thương của thiên hạ thì nói ai nghe.

Một trong những thông tin tôi nghe được có khả năng làm thay đổi cuộc đời tôi. Đó là thông tin về một Đức Giêsu xuất thân từ Nagiarét. Người đến để “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18).

Kể từ ngày nghe tin đó, lòng tôi bừng sáng một niềm hy vọng được gặp Người, được nghe Tin Mừng làm cho tôi sáng mắt từ Người. Tôi háo hức đợi chờ người đi qua cuộc đời tôi. Người ta nói rằng: 3 điều làm nên hạnh ph1uc một đời người là: có một người để yêu; có


một công việc để làm; và có một hy vọng để nuôi. Vậy là tôi đã có 2 điều rồi, một cái hành khất, dẫu chỉ là một nghể èo uột nhưng cũng lương thiện đủ; và một niềm hy vọng được sáng mắt. Chính vì thế mà kể từ ngày ấy, tôi cảm thấy cuộc đời đáng sống, bởi tôi đã có một niềm hy vọng, một tương lai phía trước. Kể từ ấy, việc ăn xin chỉ là chuyện phụ. Tôi đến vệ đường Giêrikhô với một mục tiêu khác: đợi chờ cuộc gặp gỡ ngàn năm có một.

Rồi thời khắc ấy cũng đến. Buổi sáng hôm ấy tôi linh cảm một điều lạ thường sẽ xảy ra và háo hức đợi chờ. Tôi nghe thấy một đám đông ồn ào hơn mọi khi tiến đến. Một ai đó đã nói cho tôi biết rằng đó là Đức Giêsu Nagiarét. Vừa nghe cái tên ấy lòng tôi liền kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" (Mc 10,47).

Mọi người đều ngạc nhiên, chưng hửng khi nghe một giọng nói lạ phát ra từ miệng tôi. Họ thấy lạ bởi lâu nay tôi đâu có nói gì. Có nhiều người chắc lần đầu tiên nghe tiếng của tôi. Họ thấy lạ rằng sao tôi dám lên tiếng và gọi Đức Giêsu. Và họ thấy lạ rằng sao tôi lại biết Đức Giêsu là con vua Đavít. Họ đâu biết rằng từ khi nghe kể những câu chuyện về Đức Giêsu tôi đã luôn suy gẫm trong lòng. Rồi từ những dữ liệu Thánh Kinh, tôi chợt nhận ra rằng: Đây chính là con vua Đavít, là Đấng Mêsia mà Sách thánh Cựu Ước đã tiền báo. Người chính là Đấng duy nhất có thể mang lại cho tôi niềm vui sáng mắt.

Ngay lập tức, nhiều người quát nạt, bảo tôi im đi. Đó là chuyện thường ngày mà. Tôi sống nhờ vào tình thương của người qua đường nên ai cũng có thể nạt nộ tôi như thế. Như tôi đã tâm sự. Tôi chỉ nghe chứ không có quyền nói. Người mù ăn xin không có quyền nói. Nói cũng chẳng ai thèm nghe. Ngày thường thì tôi sẽ ngoan ngoãn vâng nghe lời của họ mà yên phận thủ thường.

Thế nhưng, hôm nay tôi quyết không thể im lặng được. Bởi lẽ tôi biết rằng đây là cơ hội quý báu nhất của đời tôi và có thể là cơ hội duy nhất trong đời tôi. Tôi sợ Người sẽ đi qua và không bao giờ trở lại nữa. Vì thế, mặc cho tiếng nạt nộ “câm mồm!” của đám đông, tôi càng la to hơn nữa: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10,48).

Đó là tiếng kêu tràn đầy khao khát hy vọng. Đó cũng là một tiếng kêu đánh đổi cả chén cơm, cả mạng sống của mình. Bởi lẽ, sau tiếng kêu ấy, có thể đám đông sẽ không còn bố thí cho tôi chút tiền dư bạc thừa, cơm thừa canh cặn. Tiếng kêu ấy có thể đẩy tôi vào một tình trạng cùng khổ trăm bề, thậm chí là nguy hại đến tính mạng vì tôi đã dám cãi lời đám đông ấy.

Một tiếng kêu đơn giản như thế nhưng đối với người mù ăn xin như tôi là một sự thách thức vượt lên chính mình. Có thể nói đó là một canh bạc sống con, một vụ đầu tư được ăn cả ngã về không. Tôi hồi hộp đến hoảng hốt. Không khí ồn ào náo nhiệt trở nên ngột ngạt đối với tôi.

Bỗng tôi nghe tiếng bước chân dừng lại. Tôi nín thở chờ đợi phản ứng của Đức Giêsu. Và rồi, Đức Giêsu đã lên tiếng: “Gọi anh ta lại đây!” (Mc 10,49a). Tôi thở phào nhẹ nhõm và thầm kêu lên khe khẽ, nhưng không dấu nỗi sự rung lên vì sung sướng của cơ thể mình: Yeah! Thành công rồi! Một câu nói của Người không những làm cho tôi nhẹ nhõm mà còn làm thay đổi thái độ của đám đông đối với tôi. Đám đông bắt đầu quan tâm đến tôi. Một số người còn khích lệ tôi, trấn an tôi với lời lẽ thật êm đềm: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10,49b).

Tôi không thể chờ đợi thêm một phút giây nào nữa. “Tôi đứng phắt dậy, vất áo choàng lại và đến với Đức Giêsu” (Mc 10,50). Một hành vì hiên ngang đầu tiên trong đời của “gã mù ăn xin” giữa đam đông hành giả. Tôi cũng không còn thiết gì chiếc áo choàng, là vật sở hữu quý giá nhất cuộc đời tôi. Đó là tấm áo choàng che mưa, che nắng, giữ ấm cho cơ thể tôi.

Đó là vật mà theo luật Môsê, không một chủ cầm cố nào có quyền giữ qua đêm: “Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ” (Xh 22,25-26).

Tôi quyết định vất áo choàng lại vì tôi biết rằng Đức Giêsu có thể cho tôi những thứ quan trọng gấp ngàn lần chiếc áo choàng ấy. Người thanh niên giàu có đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 10,22) trước lời mời gọi: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21). Còn tôi, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để đến với Đức Giêsu.

Tôi nhảy chồm trong đêm tối của mù lòa để đến cùng Đức Giêsu nhanh nhất có thể. Đó là một cú nhảy liều lĩnh của kẻ có niềm tin. Có tiếng gọi của Đức Giêsu dường như tôi quên hết mọi sợ hãi, xé tan bóng đêm đang bao phủ đời tôi để chạy đến cùng Người.

Đức Giêsu đã không làm cho tôi thất vọng. Người quan tâm đến chính nhu cầu của tôi. Người ân cần hỏi tôi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?". Đó là một câu hỏi tôi chưa từng được hỏi trong đời. Lần đầu tiên có một người quan tâm đến điều tôi cần. Lần đầu tiên có người hỏi ý kiến của tôi. Một cuộc đối thoại song phương giữa hai con người lần đầu tiên diễn ra với tôi. Thế ra, tôi cũng có quyền muốn gì hay sao? Tôi cũng có quyền yêu cầu điều gì hay sao? Tôi cũng có quyền trình bày nguyện vọng của mình hay sao? Tất cả đều rất lạ lẫm đối với “gã ăn xin mù lòa” này. Tôi cần thời gian để thích nghi với chuyện này.

 Nguyện vọng cả đời của tôi được trao gửi cho Đức Giêsu, niềm hy vọng duy nhất của tôi: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được" (Mc 10,51). Tôi cứ ngỡ rằng Người có một phương thần dược gì đó để chữa cho tôi, hay ít ra Người cũng đụng chạm vào mắt tôi. Nhưng không! Người chỉ nói cùng tôi: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!"(Mc 10,52). Đúng là như những gì người ta nói: “Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền” (Lc 4,32). Chỉ cần một lời nói của Người thì tức khắc, tôi liền nhìn thấy tỏ tường.

Lời nói của Người làm cho tôi suy nghĩ thật nhiều. Sao Người lại nói cùng tôi “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!". Lẽ ra, Người phải nói rằng: “Anh hãy nhìn thấy đi”, giống


như Người đã từng nói cùng người bị bệnh phong hủi: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mc 1,41). Tôi nghĩ rằng hẵn Người có một dụng ý nào đó dành cho tôi. Có lẽ, đó là một mệnh lệnh “hãy ra đi” mà Người dành cho tôi. Người không muốn tôi phải ngồi bên vệ đường ăn xin nữa. Người muốn tôi phải lên đường để làm chứng nhân cho Tin Mừng. Tin Mừng về điều mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ ngàn xưa: Đấng Mêsia đã đến. Người đã đang và sẽ “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức”.

Người muốn cho tôi hiểu rằng Người có khả năng làm cho người mù sáng mắt, nhưng không phải tất cả những người mù đều lãnh nhận được hồng ân ấy. Điều gì làm nên sự khác biệt? Thưa! Điều làm nên sự khác biệt chính là niềm tin: “niềm tin của anh đã cứu chữa anh”. Dĩ nhiên là Chúa chữa lành. Nhưng sự chữa lành ấy chính là đáp ứng lại nguyện vọng, niềm khát khao, sự tin tưởng và tôi đã dành cho Người. Tôi đã mạnh dạn gọi tên Người giữa những tiếng cản ngăn, nạt nộ; Tôi đã sẵn sàng vứt bỏ lại tấm áo choàng, tải sản quý giá duy nhất đề đến với Người; Tôi đã mạnh dạn, can đảm lao di trong đêm tối, như người con tin tưởng nhảy ra trong đám khói mù, để lọt vào vòng tay người cha đang chờ đón, dẫu rằng nó không hề nhìn thấy cha mình.

Người cũng giúp tôi hiểu rằng, việc chữa lành đôi mắt thể lý ấy chẳng nghĩa lý gì cả nếu như tôi không gia tăng niềm tín thác vào Người và sống ơn gọi làm người như Người mong muốn.

Sau khi “nhìn thấy được” tôi đã “bước theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52). Sau lời mời gọi ấy, sau dấu lạ ấy, tôi đã biết mình không có con đường nào khác ngoài con đường mà Đức Giêsu đang đi. Người cho tôi sáng mắt để tôi bước theo Người, chứ không phải để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư của bản thân. Dẫu cho tôi biết rằng “con đường Người đi” là con đường lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu chết, tôi cũng quyết bước theo Người. Đó là con đường mà Người mời gọi tôi “hãy đi” và đi cho trọn. Đó cũng là con đường tốt nhất, mang lại cho tôi sự sáng mắt trọn vẹn, dẫn đến sự sống đời đời.

fR. Joseph Phạm Duy Thạch SVD.